Xây dựng căn cứ không quân, hoạt động quân sự và trồng rau được các chuyên gia quân sự và nghiên cứu quốc tế đánh giá là yêu sách dài hạn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh đang siết chặt các yêu sách tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng cách tăng cường năng lực, hoạt động quân sự cũng như gieo hạt giống, trồng rau, cải tạo môi trường sống lâu dài, đưa người ra các đảo nhân tạo, coi đây làm cốt lõi trong chiến lược độc chiếm vùng lãnh thổ có tranh chấp ở Biển Đông và gia tăng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực.
Căn cứ không quân và bắp cải: Chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở Biển Đông
Đây là quan điểm được tác giả Ben Werner đưa ra trong bài bình luận trên trang USNI của Học viện Hải quân Hoa Kỳ ngày 3/6 vạch trần âm mưu trắng trợn của Bắc Kinh trong kế hoạch làm bá chủ ở Biển Đông.
Tuần trước, tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (South China Morning Post) tham chiếu nguồn tin từ giới chức Đài Loan lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa từ khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc, vốn đã được lên kế hoạch tỉ mỉ từ năm 2010 và chỉ còn chờ thời cơ để công bố.
ADIZ dự kiến bao gồm các chuỗi đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam). Một vùng nhận dạng phòng không là không phận trên một khu vực không thể tranh cãi về đất hoặc nước, trong đó việc giám sát và kiểm soát máy bay ra vào được thực hiện vì lợi ích của an ninh quốc gia. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng. Trong khi nhiều quốc gia có ADIZ, khái niệm này không được xác định hoặc quy định bởi bất kỳ điều ước hoặc cơ quan quốc tế nào.
Giới quan sát quân sự cho biết thông báo về ADIZ tiếp theo của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng với Hoa Kỳ và có thể gây ra tổn hại không thể khắc phục đối với mối quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo USNI, Trung Quốc có thể sẽ phải mất nhiều năm mới có thể kiểm soát khu vực tranh chấp ở Biển Đông, nhưng giới lãnh đạo tinh túy của Bắc Kinh vẫn âm thầm tiếp tục thiết lập lộ trình cần thiết để cuối cùng khẳng định quyền kiểm soát và hợp pháp hóa những yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền của mình.
Theo nhiều chuyên gia, kế hoạch lập ADIZ là một phần trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bằng những tuyên bố chủ quyền phi pháp, trái với luật pháp quốc tế.
“Trong khi Hải quân Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, mưu đồ và chiến lược của Trung Quốc để củng cố yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi pháp nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại các thực thể tranh chấp trong khu vực, đồng thời nỗ lực kiểm soát cả vùng trời, không phận lẫn trên mặt biển bằng nhiều biện pháp quân sự và quyết sách khác nhau”, USNI bình luận.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã bóng gió về ý định tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông. Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết các vùng ở Biển Đông bao gồm các quần đảo tranh chấp, thực thể nhân tạo thông qua cơ sở của cái gọi là “Đường chín đoạn (9-Dash Line, hay đường lưỡi bò)” nhằm kiểm soát hoạt động kinh tế, khai thác dầu khí, tài nguyên ở khu vực này trong bán kính lên đến cả 1.000 dặm từ Trung Quốc Đại lục.
“Luật pháp quốc tế không công nhận, ủng hộ hay hỗ trợ những tuyên bố phi lý này của Trung Quốc”, USNI khẳng định.
Âm mưu quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc rất rõ ràng
Trên thực tế, để có thể kiểm soát được vùng trời trên Biển Đông, Trung Quốc nhiều năm qua đã tiến hành các hoạt động bồi đắp trái phép 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Chưa hết, Bắc Kinh cho xây dựng tại những thực thể này 3 đường băng dài hơn 3.000 mét, đủ khả năng tiếp nhận tiêm kích và các loại máy bay quân sự cỡ lớn, đồng thời bố trí các hệ thống radar, khí tài giám sát hiện đại. Có thể nói, âm mưu quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông là vô cùng rõ ràng.
Tuy nhiên, trong khi nhiều quốc gia khác đã công bố ADIZ về chủ quyền của mình trên Biển Đông, thì theo giới quân sự quốc tế, Trung Quốc chưa sẵn sàng tuyên bố công bố vùng nhận diện phòng không ở khu vực vốn xảy ra rất nhiều tranh chấp này. Chính trị là một mối quan tâm: Lãnh đạo Trung Quốc rất tệ khi thực hiện các động thái quá xa so với trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế.
Theo chuyên gia Hải quân làm việc tại Bắc Kinh Li Jie, Bắc Kinh chần chừ trong việc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông do một số cân nhắc về kỹ thuật, chính trị và ngoại giao.
“Nhưng vấn đề thực tế nhất là PLA trước đây không có khả năng giao tranh máy bay chiến đấu để trục xuất máy bay nước ngoài xâm nhập ở Biển Đông, nơi có diện tích gấp nhiều lần Biển Hoa Đông và chi phí phải trả để hỗ trợ ADIZ sẽ rất lớn”, chuyên gia này nói, đồng thời khẳng định, nếu có thời cơ, Bắc Kinh có thể đưa ra thông báo sớm hơn.
Theo nhiều nhà phân tích, rất có thể, vì lý do chính trị khi các nhà cầm quyền Trung Quốc lo sợ làn sóng công kích bùng nổ khi Bắc Kinh có những động thái “thái quá”, vượt xa giới hạn, trật tự do pháp luật và thông lệ quốc tế quy định.
“Quan trọng hơn, chính là những mối lo về công tác hậu cần, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, có lẽ, đang hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông”, Greg Poling, chuyên viên cao cấp và là giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Theo CIA World Factbook, ngay từ năm 1956, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến năm 1974, nước này lại một lần nữa dùng vũ lực để chiếm đóng bất hợp pháp các đảo còn lại của Hoàng Sa. Kể từ đó đến nay, Bắc Kinh luôn tìm mọi cách để đòi hỏi quyền chủ quyền vô lý, trái phép trên một phần lớn thuộc vùng biển Việt Nam và Đài Loan ở Biển Đông.
Đồng thời, quần đảo Trường Sa nằm quá xa Trung Quốc Đại lục. Khoảng 100 thực thể gồm đảo nổi, đảo chìm cùng các đá, rạn san hô, nằm cách căn cứ lớn của không quân, hải quân Trung Quốc ở Hải Nam hơn 1.000 km, trong chuỗi thực thể ở Trường Sa được Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền.
Malaysia và Philippines có yêu sách một phần các đảo này. Đây đều là những ngư trường giàu có, phong phú, với các mỏ khí đốt và dầu tiềm năng, đồng thời là trung tâm yêu sách các bên, theo CIA World Factbook.
Trung Quốc đòi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên quyền lịch sử" và bản đồ "đường 9 đoạn" do nước này tự vẽ, dù chúng đi ngược với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
“Lý do để hoãn công bố là họ có thể không đủ khả năng để thực thi nó, ít nhất là tại quần đảo Trường Sa. Nó nằm quá xa Trung Quốc và Bắc Kinh không có không quân đồn trú tại đó”, ông Poling nhận định.
Theo vị chuyên gia từ CSIS, Trung Quốc không thể thực thi vùng nhận diện phòng không ADIZ mà trước đây họ đã tuyên bố ở Biển Hoa Đông.
“Trung Quốc không thể kiểm soát và cạnh tranh máy bay quân sự từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực mà chính Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền”, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định.
“Ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các thiết bị và hoạt động quân sự trong khu vực”, ông Poling nói.
Vị chuyên gia chỉ rõ, đơn cử như, ba căn cứ không quân và hải quân trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Đá Subi và Vành Khăn (Mischief Reefs) về mặt lý thuyết có thể giúp Trung Quốc không quân thực thi vùng nhận diện phòng không ADIZ.
“Rồi xem, chúng ta sẽ sớm thấy những tiêm kích chiến đấu được Trung Quốc điều tới Trường Sa không sớm thì muộn, Bắc Kinh không rảnh để xây 72 nhà chứa máy bay phản lực chiến đấu để không”, ông Poling nói.
“Tuy nhiên, vẫn còn khá khó để hình dung làm thế nào Bắc Kinh thực sự có thể thực thi ADIZ một cách hiệu quả, vì việc bảo trì và phục vụ hoạt động của tiêm kích quân sự trong môi trường muối, nóng ẩm, nhiệt độ cao mà không rỉ sét gì là cả một thách thức”, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS khẳng định.
Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở Hoàng Sa?
Theo giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS, rất nguy hiểm nếu Trung Quốc “đi chiến thuật từng bước” lập ADIZ ở Biển Đông, bắt đầu từ chính quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
“Còn một ý tưởng nữa Trung Quốc có thể bắt đầu bằng cách tuyên bố lập ADIZ đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Poling nói và nhấn mạnh, toan tính này sẽ khiến Hoàng Sa có vai trò ngày càng quan trọng trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Tuần trước, hôm 28/5, hải quân Mỹ đã điều động tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin (DDG 89) thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Phía Trung Quốc cho biết đã điều động máy bay và tàu chiến bám sát chiến hạm Mỹ và yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực đang làm nhiệm vụ.
“Vào ngày 28/5, tàu USS Mustin (DDG 89) đã thực hiện quyền tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Thông qua hoạt động này, Mỹ muốn phản đối những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc”, Tướng Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ khẳng định.
“Tầm quan trọng của quần đảo Hoàng Sa đối với các yêu sách dài hạn của Trung Quốc ngày càng tăng, không đơn thuần chỉ là những lý do ngoài việc xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự mới”, Đại tá Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sarabjeet Parmar, Giám đốc điều hành của Quỹ hàng hải quốc gia có trụ sở tại New Delhi cho biết.
Ông Parmar phát biểu hôm thứ Tư ngày 3/6 trong cuộc thảo luận trực tuyến do Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ tổ chức.
“Hành tung mới nhất của Bắc Kinh chính là tiến hành trồng rau trên quần đảo Hoàng Sa”, ông Parmar nói.
Tuy nhiên, để trồng trọt thì trước hết phải có đất, điều này có thể dẫn tới giả định rằng Trung Quốc đang thực hiện các bước đi quyết liệt để canh tác nông nghiệp tại Hoàng Sa. Tất nhiên, họ cũng cần phải có nước.
Trước đó, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times, do Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận chính thức do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý, hôm 19/5 đã có bài viết thông tin về việc Hải quân Trung Quốc vừa ứng dụng thành công loại công nghệ mới trồng rau xanh ở quần đảo Tây Sa (Xisha) trên Biển Đông.
“Hải quân Trung Quốc đồn trú trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Tây Sa (Xisha) ở Biển Đông mới đây đã lần đầu tiên thu hoạch được 750 kg rau xanh được trồng trên cát, sử dụng công nghệ mới mà các chuyên gia tin tưởng rằng sẽ có thể hỗ trợ hiệu quả phục vụ cuộc sống người dân”, Hoàn Cầu khẳng định.
Theo đó, Hải quân Trung Quốc đã phối hợp cùng Đại học Giao thông Trùng Khánh (Chongqing Jiaotong University) thử nghiệm công nghệ “trồng rau trên cát” với diện tích khoảng 500 mét vuông ở đảo Phú Lâm và cho thu hoạch rau xanh chỉ một tháng kể từ thời điểm gieo trồng.
“Bảy loại rau, bao gồm cải thìa Pakchoi, xà lách và cải xanh Trung Quốc được thu hoạch trên cánh đồng thí nghiệm kết hợp đất và cát trên đảo Phú Lâm (Yongxing) ở thành phố Tam Sa (Sansha), tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, vào ngày 12 tháng 5”, báo cáo của Hải quân Trung Quốc cho biết.
Trồng rau ở Biển Đông: Trung Quốc toan tính gì?
Ông Parma cho rằng, nếu Bắc Kinh có thể hỗ trợ canh tác nông nghiệp ngay trên các đảo, thực thể, thì điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc đủ khả năng để xây dựng thị trường và đưa người ra sống ở ngoài đảo Biển Đông.
Theo Đại tá Hải quân Ấn Độ, việc thiết lập một thị trường nhiều khả năng nằm trong mưu đồ lâu dài của Trung Quốc nhằm sử dụng Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) để phục vụ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.
Điều 121 của UNCLOS quy định tiêu chí xác định “đảo” là vùng đất tự nhiên có nước bao bọc và luôn ở trên mặt nước khi thuỷ triều lên, có khả năng duy trì điều kiện cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng.
“Nếu các thực thể có thể canh tác nông nghiệp, hoạt động mua bán hàng hóa có khả năng diễn ra. Khi hàng hóa được mua bán, trao đổi, đời sống kinh tế sẽ hình thành”, Đại tá Hải quân Ấn Độ nói.
“Việc đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông, phát triển nông nghiệp, trông cây trồng, trồng rau, bạn biết đấy, đó là cách Bắc Kinh ghi dấu ấn của chủ quyền. Sau một thời gian, khi mọi thứ đi vào quỹ đạo, trở thành “sự đã rồi” và được chấp nhận bình thường, sức mạnh yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, hoặc điểm cốt lõi trong tranh chấp biển đảo của Bắc Kinh sẽ được củng cố”, Đại tá Parma nhấn mạnh.
Ông Parmar cho rằng, khi Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, 12 tháng tới sẽ là giai đoạn quan trọng xét góc độ ổn định hàng hải trong khu vực. Khi các quốc gia dần vượt qua đại dịch Covid-19, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thấy nước này đã đi bao xa trong các đòi hỏi chủ quyền phi pháp trong khu vực.
“Về việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở Biển Đông, Bắc Kinh chỉ đang cố khua chiêng gõ mõ, một chiến lược đã quá quen của giới ngoại giao Chiến lang của Trung Quốc nhằm phô trương thanh thế”, chuyên gia Poling nhận xét.
“Nhưng mặt khác, Trung Quốc vẫn có khả năng tuyên bố ADIZ xa hơn về phía nam Biển Đông dù biết rằng làm thế chỉ là phô trương. Dù đó có là ý tưởng tồi tệ nhưng không có gì đảm bảo là Bắc Kinh sẽ không bật đèn xanh cho kế hoạch này, do tư tưởng dân túy lên cao giữa đại dịch Covid-19”, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định.
Chỉ có thể chắc chắn rằng, Trung Quốc đang củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách vừa tăng cường hoạt động quân sự trên đảo nhân tạo, trồng rau, nuôi gà, đưa người ra đảo như một phần trong chiến lược độc chiếm vùng biển tranh chấp trong khu vực.
Tuy nhiên, nỗ lực bành trướng yêu sách lãnh thổ, ảnh hưởng quyền lực và quân sự của Bắc Kinh đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Mỹ, Việt Nam, Indonesia, Đài Loan, Philippines khi mới đây, “cuộc chiến công hàm” của các bên liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông và “một đợt tổng tấn công nhằm vào Trung Quốc” đã bắt đầu.
Liên tục từ tháng 3/2020, cả Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Hoa Kỳ, đều đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.