Đồng thời, căng thẳng Biển Đông hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng không khiến quan hệ kinh tế giữa Hà Nội – Bắc Kinh và Washington xấu đi.
Còn theo Mckinsey, nhờ kỷ lục đáng khâm phục về kiểm soát đại dịch Covid-19, khát vọng phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia đầu tiên tự tin mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, dù năm 2020 gặp khó khăn, nhưng sang năm 2021, Việt Nam sẽ có bứt phá ngoạn mục.
McKinsey: Nổi lên từ đại dịch, Việt Nam phải định hình chính mình để phục hồi
Hồi phục sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế của Việt Nam chuẩn bị quay trở lại đà tăng trưởng đột phá như đã gây bất ngờ trong suốt thập kỷ qua, nhưng phải đến khi nền kinh tế toàn cầu ổn định trở lại, Hà Nội mới có thể thực hiện những bước đi táo bạo và vững chãi.
Đã hai tháng nay, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm coronavirus mới trong cộng đồng. Quốc gia này được đánh giá là một trong số 11 nước vượt trội trong số những nền kinh tế mới nổi, là một trong những nước đầu tiên khởi động trở lại hoàn toàn nền kinh tế trong nước.
Mặc dù nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn còn tiềm ẩn, chính phủ Việt Nam hiện đang chuyển sự chú ý sang quá trình khôi phục những tổn thất của nền kinh tế do coronavirus.
Việt Nam đã có những bước phát triển kinh tế tốt hơn so với nhiều nước, nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên ở mức thấp nhất kể từ năm 2010, mặc dù vẫn nằm trong vùng tích cực ở mức 3,8%. Do xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu dùng trong nước đã (và dự kiến sẽ tiếp tục) đóng vai trò rất quan trọng để giữ nền kinh tế ổn định và phục hồi.
Với tầng lớp trung lưu tăng nhanh và thu nhập khả dụng tăng đều đặn, chi tiêu trong nước từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, chiếm 68% GDP.
Mặc dù chịu áp lực bởi nhu cầu giảm, hai phần ba người Việt Nam được khảo sát vào tháng 4 năm 2020 cho biết thu nhập của họ bị ảnh hưởng bởi COVID-19, và 55% cho biết họ đã buộc phải cắt giảm chi tiêu.
“Việt Nam chỉ áp dụng phong tỏa trong thời gian vẻn vẹn 22 ngày, thấp hơn đáng kể so với nhiều nước khác. Điều này giúp giảm bớt một số áp lực đối với tiêu dùng. Gói kích thích trị giá 27 nghìn tỷ đồng vào tháng 3, nhắm vào các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, cũng giúp kích cầu”, McKinsey nhận định.
Song, theo tổ chức này, vẫn phải theo dõi xem tiêu dùng trong nước có thể giữ cho nền kinh tế tăng trưởng bao lâu nếu tăng trưởng trong các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế không phục hồi.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ đặc điểm chi tiêu của Việt Nam, có thể rút ra một số yếu tố giúp đem lại sự tự tin cho nền kinh tế. Lý do chính cho sự lạc quan nằm ở chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, đóng góp 42% GDP quốc gia, so với chỉ 26% của các chi tiêu không cố định. Cắt giảm chi tiêu chủ yếu trong danh mục chi tiêu không cố định, do đó một phần đáng kể của nền kinh tế đất nước có thể được bảo vệ tương đối tốt.
Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới để lấy lại đà tăng trưởng?
Theo McKinsey, chỉ riêng tiêu dùng trong nước sẽ không thể đưa Việt Nam trở lại gần quỹ đạo tăng trưởng trước COVID-19.
Do đó, triển vọng ngắn hạn của nước này gắn chặt với khả năng khởi động lại nền kinh tế toàn cầu. Hầu hết các cơ quan quốc tế dự kiến điều này sẽ bắt đầu xảy ra vào cuối năm nay và sẽ tăng tốc trong năm tới.
Các tổ chức như Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đưa ra dự báo dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8 đến 7,0 % vào năm 2021.
Sự phục hồi trong du lịch quốc tế và xuất khẩu sản xuất thâm dụng lao động sẽ rất quan trọng cho sự tăng trưởng này. Do tính chất không thể đoán trước của COVID-19, rất khó để phân tích du lịch sẽ phục hồi như thế nào, nhưng có khả năng ngành công nghiệp sẽ khởi động lại đầu tiên trong khu vực ASEAN khi các tuyến biên giới mở cửa trở lại.
“Với việc đã khống chế tốt dịch bệnh, Việt Nam đang sở hữu lợi thế để đón tiếp một lượng lớn khách du lịch quốc tế, miễn là có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự tái bùng phát của Covid-19”, tổ chức này nhận định.
Tuy nhiên, ngoài việc quảng bá đất nước là một nơi an toàn và thú vị để ghé thăm, có rất ít điều mà Việt Nam có thể làm cho đến khi nhiều quốc gia mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế du lịch của chính họ.
Năm 2021, triển vọng tích cực cho các nhà sản xuất khi nhu cầu trở lại
Sản xuất là một ngành quan trọng đóng góp cho sự tăng trưởng của Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được một trong những tỷ lệ thương mại trên GDP cao nhất ở Đông Nam Á.
Và đại dịch Covid-19 đã tấn công mạnh vào nhóm đầu tiên thông qua sự gián đoạn nguồn cung, khi Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa, và sau đó do nhu cầu giảm mạnh khi các thị trường xuất khẩu chính bị đình trệ.
Với xuất khẩu giảm và triển vọng phục hồi trong ngắn hạn có vẻ không chắc chắn, các công ty bắt đầu hoãn lại các khoản đầu tư theo kế hoạch, làm giảm 21% các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ba tháng đầu năm.
Nhưng vẫn có một số điểm sáng đáng khích lệ. Tầm quan trọng của ngành sản xuất đối với nền kinh tế nói chung của Việt Nam là rõ ràng, và vì vậy các bước quan trọng đã được thực hiện để duy trì hoạt động mặc dù các nước khác đang bị phong tỏa.
Ví dụ, các kỹ sư từ hai nhà sản xuất linh kiện điện tử quốc tế lớn đã được phép vào Việt Nam vào đầu năm nay để đảm bảo các nhà máy của họ tiếp tục hoạt động hết công suất. Chính phủ cũng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để tăng cường sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho công nhân các ngành thiết yếu, giúp họ tiếp cận thị trường toàn cầu.
Khi các nhà sản xuất trên toàn cầu bắt đầu suy nghĩ lại về chiến lược chuỗi cung ứng của họ để giải quyết các vấn đề trong đại dịch, Việt Nam vẫn ở thế mạnh.
Đất nước này từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn: thị phần xuất khẩu sản xuất thâm dụng lao động từ các thị trường mới nổi tăng 2,2% trong giai đoạn 2014-2017. Một cuộc khảo sát của McKinsey với các giám đốc điều hành tìm nguồn cung ứng thời trang được công bố vào tháng 5 ủng hộ nhận định này, với 24% số người được hỏi cho biết họ hy vọng sẽ thấy sự gia tăng sản xuất tại Việt Nam, nhiều hơn bất kỳ địa điểm nào khác ở châu Á.
Năm nay chắc chắn sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức, nhưng Việt Nam có thể hy vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây sẽ quay trở lại vào năm tới, đồng thời hy vọng về sự phát triển một khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi.
“Để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình sẽ cần nhiều khoản đầu tư dài hạn vào các công nghệ thông minh của cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển cơ sở hạ tầng”, McKinsey lưu ý.
Nếu có thể tiếp tục kỷ lục đáng gờm về việc kiểm soát trong cộng đồng, đồng thời tạo ra sự thay đổi cấu trúc phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới, thì Việt Nam không chỉ có thể lấy lại vị thế kinh tế trước Covid-19 mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới.
Covid-19 thổi bay nỗ lực của Việt Nam 30 năm qua
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế xuống thấp nhất trong 30 năm qua, dù không bị âm, nhưng GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam có mức tăng thấp lịch sử, chỉ đạt 1,81% do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
“Qua rà soát dữ liệu thống kê từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm trong gần 30 năm qua của Việt Nam lại thấp kỷ lục như hiện nay”, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia - Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo sáng 29/6.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 2 chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (2011-2020). Tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020 cũng được ghi nhận con số thấp nhất trong 10 năm.
Bên cạnh đó, theo Tổng Cục Thống kê, kinh tế Việt Nam còn chịu tác động tiêu cực từ những biến động kinh tế-ngoại giao khác trên thế giới. Những biến động đó có thể kể đến như thương chiến Mỹ-Trung, căng thẳng Mỹ-Iran, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam gần như thấp nhất trong gần 30 năm qua, nhưng theo ông Hùng, tăng trưởng vẫn dương, so với quốc tế Việt Nam vẫn có điểm sáng vì nhiều nước tăng trưởng âm.
Fitch: Việt Nam vẫn là quốc gia sáng giá
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, Fitch Ratings cho biết, quốc gia Đông Nam Á này là một trong 4 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế này kỳ vọng sẽ có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 này.
Theo đó, Fitch Ratings đánh giá Việt Nam sẽ là quốc gia sáng giá trong số các thị trường lân cận và mới nổi ở châu Á năm 2020 xét về khả năng phục hồi kinh tế và thành công trong kiểm soát dịch bệnh do coronavirus. Nhờ những cơ sở trên, Fitch quyết định xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB.
Dữ liệu chính thức như Tổng Cục Thống kê đã công bố, GDP quý II của Việt Nam tăng trưởng dương 0,36%, mặc dù dịch bệnh do coronavirus ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch và xuất khẩu. Đồng thời, Fitch cho rằng, số liệu này là phù hợp với dự báo tăng trưởng 2,7% cả năm 2020 mà Tổ chức này đưa ra trước đó đối với Việt Nam.
Đồng thời, Fitch tin tưởng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy nhanh chóng, tăng trưởng đột phá hơn trong năm 2021 nhờ vào nhu cầu phục hồi bên ngoài, trong đó phải kể đến lĩnh vực du lịch.
Tổ chức này nhận định, Việt Nam có đà tăng trưởng tốt một phần lớn là nhờ vào thành công trong việc kiểm soát Covid-19. Tính đến ngày 6/7, Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong nào vì đại dịch do coronavirus. Thành tích này phản ánh hàng loạt các yếu tố, bao gồm sự hiệu quả của chính sách y tế đối phó với đại dịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tung ra gói kích thích tài khóa khoảng 271.000 tỷ đồng, tương đương 3,4% GDP nhằm bù đắp tác động của đại dịch SARS-CoV-2. Các biện pháp chính phủ thực hiện bao gồm cắt giảm thuế và chi trả tiền hỗ trợ cho người dân theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ như trong thời gian qua.
Với những quyết sách này, Fitch ước tính tỉ lệ nợ chính phủ trên GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 37% trong năm 2019 lên 42% trong năm 2020, đồng thời nhấn mạnh, con số này vẫn thấp hơn mức trung vị 59% trong số các quốc gia được xếp hạng BB.
Tuy nhiên, cùng với những thành công về duy trì tăng trưởng kinh tế và thành tích chống dịch Covid-19, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm rủi ro nợ tiềm tàng từ doanh nghiệp nhà nước và điểm yếu trong cơ cấu của ngành ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng môi trường lãi suất thấp và những nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền sẽ đè nặng lên khả năng sinh lợi của ngân hàng.
“Đồng thời, tăng trưởng kinh tế chậm lại và việc gia hạn nợ cho người vay sẽ làm tăng thêm các vấn đề về chất lượng tài sản. Những yếu tố này sẽ làm trầm trọng thêm điểm yếu trong cấu trúc ngành ngân hàng, ví dụ như bộ đệm vốn thấp và báo cáo không đầy đủ về các khoản vay “có vấn đề”. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chậm lại có thể sẽ giảm bớt áp lực về vốn”, Fitch nhận định.
Fitch cho rằng, về trriển vọng kinh tế, Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của nhu cầu bên ngoài.
“Việt Nam được hưởng lợi nhờ vào chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và dữ liệu sớm cho thấy ngành thương mại Việt Nam cũng có bước tiến trong bối cảnh xuất khẩu của Trung Quốc bị gián đoạn bởi đại dịch”, Fitch nhận định.
Theo Văn phòng Dệt may Mỹ, khoảng 15,5% hàng may mặc Mỹ nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đến từ Việt Nam, tăng 2,6 điểm phần trăm so với cùng kì năm trước. Việt Nam cũng thu hút được 8,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2020.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đến Mỹ và vốn đầu tư thực hiện đều thấp hơn so với cùng kì năm 2019, cho thấy Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương trước tình hình và tiến triển của đại dịch do coronavirus.
“Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam vẫn chưa quyết định mở cửa cho du khách quốc tế, do đó, lượng kiều hối đang sụt giảm. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP nhưng tác động của nó đến GDP nói chung cao hơn đáng kể thông qua các tác động lan truyền gián tiếp. Kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2019 tương đương hơn 6% GDP”, tổ chức tín dụng này cho hay.
Việt Nam cũng dễ bị tác động bởi chính sách của các đối tác thương mại chính. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam được Quốc hội nước này phê chuẩn vào ngày 8/6 giúp củng cố mối quan hệ ổn định với EU. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ, đồng thời, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với loạt nguy cơ thách thức đến từ Trung Quốc ở Biển Đông.
“Tuy nhiên, Fitch vẫn giữ lập trường rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn sẽ ổn định”, tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín này khẳng định.