Việt Nam gần như đã kiểm soát tốt mọi khía cạnh từ ngoại giao chính trị ‘khôn khéo’, tăng trưởng kinh tế kỷ lục đến nâng cao giá trị và thương hiệu quốc gia cũng như chiến thắng đại dịch Covid-19.
Việt Nam thăng hạng quyền lực mềm toàn cầu
Thông tin về việc “quyền lực mềm” của Việt Nam thăng hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu có lẽ không gây bất ngờ. Việt Nam luôn có vị trí địa chính trị hết sức đặc thù, quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương cũng như vị thế ngày càng tăng trên chính trường quốc tế.
Gia tăng “quyền lực mềm” là yếu tố đặc biệt luôn được các quốc gia trên thế giới tính đến, nhất là trong sách lược phát triển của các cường quốc. Đánh giá khách quan, thì việc Việt Nam thăng hạng quyền lực mềm toàn cầu cũng đã khẳng định “sức mạnh mềm” – uy tín ngày càng tăng của Việt Nam.
Theo đó, hãng định giá thương hiệu có trụ sở tại Anh là Brand Finance mới đây vừa công bố báo cáo quyền lực mềm toàn cầu, đánh giá xếp hạng thương hiệu của các nước. Chỉ số quyền lực mềm của Việt Nam đã có cải thiện trong thời gian qua, tăng 3 bậc từ vị trí số 50 lên 47.
Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á - Thái Bình Dương Samir Dixit cho biết, việc quản lý quyền lực mềm thông qua các cá nhân mạnh mẽ và các biện pháp ngoại giao chính trị từ lâu đã không còn phù hợp.
Ngày nay, quyền lực mềm là tổng hợp nhận thức của tất cả các bên liên quan, bao gồm rất nhiều yếu tố đến từ người tiêu dùng, doanh nghiệp, phương tiện truyền thông, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, nhà đầu tư, lãnh đạo của các quốc gia khác...
Trong thế kỷ 21, tăng trưởng kinh tế là tổng hòa của sự hợp tác bền vững giữa các bên liên quan, cũng như mối tương quan giữa nhận thức về thương hiệu quốc gia với các thương hiệu trong nước. Điều này có thể thực sự nâng cao sức mạnh mềm của quốc gia - cả bên trong lẫn bên ngoài.
Quyền lực mềm: Điều gì làm nên thành công của Việt Nam?
Một trong các tác giả của báo cáo Brand Finance là Samir Dixit cho biết, Việt Nam có vẻ như đã kiểm soát tốt mọi khía cạnh, nhất là sự hội nhập và liên kết giữa thương hiệu quốc gia và các thương hiệu trong nước.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, với mục tiêu nâng cao giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia, đồng thời hướng đến việc có trên 1.000 sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh quốc gia.
Các thương hiệu trong nước được quản lý thông qua những nỗ lực và sáng kiến cụ thể do Cục xúc tiến thương mại Vietrade thực hiện, trong khuôn khổ chương trình thương hiệu quốc gia “Giá trị Việt”.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là những nhân tố quan trọng đưa Việt Nam tham gia vào tất cả các liên kết kinh tế khu vực và nội khối, là động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo ông Dixit, cơ quan quản lý chương trình “Giá trị Việt Nam” (Vietnam Value) của Bộ Công Thương Việt Nam đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực bằng các hình thức tư vấn phát triển doanh nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin và cập nhật kiến thức xây dựng thương hiệu. Điều này đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng, người tiêu dùng quốc tế và khách hàng về Chương trình và các sản phẩm Vietnam Value, qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng và quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, có biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường và tính chuyên nghiệp, góp phần củng cố vị thế thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của Việt Nam đang đóng góp tới 17 tỷ USD xuất khẩu của đất nước. Công nghiệp may mặc chiếm hơn 22 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng chung, góp phần tạo nên danh tiếng và quyền lực mềm của Việt Nam”, chuyên gia nhận định.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng nhanh nhất thế giới
Trước đó, trong báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Brand Finance, Việt Nam là nước có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2020, đạt mức 29%.
Theo báo cáo, Việt Nam đang trở thành là “thiên đường” sản xuất tại Đông Nam Á, hoàn toàn trái ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, khi mà giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng đến 29% so với năm ngoái.
Trong năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, tương đương 5,4% so với 235 tỷ USD năm 2018), xếp hạng thứ 42. Sau khi giá trị thương hiệu tăng vọt lên 319 tỷ USD trong năm 2020, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc để bước lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
“Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở mức thấp đáng kinh ngạc. Việt Nam đã nổi lên như điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ, đang tìm cách chuyển địa điểm sản xuất khỏi Trung Quốc”, - theo báo cáo.
Năm 2020 là một phép thử cho các quốc gia trên thế giới. Brand Finance ước tính, giá trị thương hiệu của 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới đã mất tới 13,1 nghìn tỷ USD (giảm từ 98 nghìn tỷ USD năm 2019 xuống còn 84,9 nghìn tỷ) trong năm 2020.
CEO của Brand Finance là ông David Haigh cho rằng, xu hướng giảm của các thương hiệu quốc gia có giá trị nhất thế giới trong năm qua là không bất ngờ, khi mà đại dịch Covid-19 đã góp phần vào sự gia tăng gần đây của chủ nghĩa bảo hộ.
Trong năm 2020, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới với giá trị lần lượt là 23,7 nghìn tỷ USD và 18,8 nghìn tỷ USD. Đặc biệt, có thể thấy Trung Quốc đang dần thu hẹp cách biệt với Mỹ.
Theo Brand Finance, top 10 thương hiệu quốc gia giá trị nhất ghi nhận mức giảm giá trị thương hiệu trung bình 14%. Tiếp sau Mỹ và Trung Quốc là Nhật Bản khi đất nước mặt trời mọc đã thăng hạng từ vị trí thứ 4 năm 2019 lên vị trí thứ 3 trong năm 2020, dù giá trị thương hiệu giảm nhẹ 6% xuống còn 4,3 nghìn tỷ USD. Ireland là đất nước duy nhất trong top 20 có giá trị thương hiệu tăng 11%, tương đương 670 tỷ USD nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng trong nước.
Argentina được ghi nhận là quốc gia có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất trong năm 2020, khi giảm tới 57% xuống còn 157 tỷ USD. Được biết, đất nước Nam Mỹ này đến nay đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm COVID-19.
Các cường quốc thế giới phải thay đổi thái độ với Việt Nam
Hãy nhìn vào thái độ của các quốc gia, nhất là các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, hay cả khối EU cũng như các nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) trong những năm gần đây có thể chứng minh cho vị thế, địa chính trị ngày càng tăng tầm quan trọng của Việt Nam.
Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton Joseph Nye, đồng thời là GS. Đại học Harvard khi sang Việt Nam, đề cập đến quyền lực mềm, đã khẳng định, Việt Nam là câu chuyện rất hấp dẫn, lý thú trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như bề dày văn hóa.
“Việt Nam có tiềm năng về sức mạnh mềm, quyền lực mềm. Việt Nam có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình”, GS. Joseph Nye nhấn mạnh.
GS.TS Hồ Sĩ Quý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi đánh giá về ‘sức mạnh mềm’ Việt Nam” đã chỉ rõ vai trò ngày càng tăng, vị thế uy tín quốc gia của Việt Nam ngày càng thay đổi như thế nào.
“Có thể thấy, thái độ của các quốc gia, nhất là các cường quốc đối với Việt Nam trong mấy năm trở lại đây là một minh chứng cho vị thế địa - chính trị đặc thù của Việt Nam”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
“Với vị thế địa - chính trị đặc biệt của mình, cùng với những kinh nghiệm văn hóa đối ngoại đầy bản lĩnh, Việt Nam hôm nay được coi là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc và của cộng đồng quốc tế. Nhân tố Việt Nam được tính đến trong chiến lược của tất cả các cường quốc”, GS.TS Hồ Sĩ Quý khẳng định.
Sức mạnh mềm Việt Nam, theo vị chuyên gia, nằm ở tinh thần dân tộc được khơi nguồn và tôi luyện từ chính những kinh nghiệm xương máu sau biết bao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, từ lòng yêu hòa bình, khát vọng phát triển, thịnh vượng, từ quyết tâm, lời thề bảo vệ chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc và góp phần vào nền hòa bình, an ninh ở khu vực, cũng như trên thế giới.
Người Việt Nam tài trí, siêng năng, cần cù, ham học hỏi, bản lĩnh, sáng tạo, khoan dung, nhân hậu, sẽ đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước, để Việt Nam không hề thua kém bạn bè năm Châu như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó cũng là cách tốt nhất để chứng minh sức mạnh quyền lực mềm của Việt Nam.