Bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam ảnh hưởng gì đến tăng trưởng kinh tế?

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ của Việt Nam hứa hẹn một triển vọng kinh tế năng động trở lại năm 2021.
Sputnik

Liệu Việt Nam có thể đạt được những kỳ tích kinh tế như những gì đã làm trước đại dịch Covid-19?

Để trả lời được vấn đề này, trước hết phải hiểu rõ những yếu tố tích cực, tiêu cực tác động đến nền kinh tế Việt Nam đặt trong bối cảnh chung của thế giới cũng như quyết tâm nỗ lực vượt qua thách thức, giải quyết những vấn đề tồn tại để nền kinh tế Việt Nam thực sự “cất cánh”.

Bộ máy lãnh đạo mới và tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Ngày 20/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2021.

Kinh tế, GDP, FDI tăng trưởng ngoạn mục, nguồn tiền thế giới đổ về Việt Nam

Đáng chú ý, cân nhắc các yếu tố tích cực đang tác động lên nền kinh tế Việt Nam, theo nhận định của chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước mới hứa hẹn sẽ mang lại triển vọng kinh tế năng động trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Theo VEPR, có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết với việc dịch Covid-19 trong nước tiếp tục được khống chế ổn định và kinh tế thế giới khởi sắc khi các biện pháp phong tỏa dần được gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6%-6,3% trong năm 2021.

“Việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng - Nhà nước, Chính phủ mới có thể mang đến triển vọng đưa nền kinh tế Việt Nam năng động trở lại trong năm 2021 và những năm tới”, nhóm chuyên gia VEPR nhấn mạnh.

Kinh tế Việt Nam đối mặt với những thách thức nào?

Trong báo cáo của mình, nhóm các nhà kinh tế hàng đầu của VEPR cho rằng sau khi các loại vaccine Covid-19 mới được đưa vào sử dụng, nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, nhiều bất ổn và bất cân đối giữa các quốc gia và lĩnh vực kinh tế hiện vẫn đang tồn tại.

Theo cơ quan này, trong các nước phát triển, Mỹ, Trung Quốc là hai cường quốc có mức hồi phục nền kinh tế nổi bật nhất kể từ thời điểm cuối năm 2020 (riêng Trung Quốc, GDP Quý I/2021 đạt tới 18,3% - PV).

'Bộ não' nền kinh tế: Samsung biến Việt Nam thành cứ điểm chiến lược về công nghệ

Trong khi đó, tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 đạt 4,48% nhờ nhiều yếu tố. Nhóm các nhà nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng, việc kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế, việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA, IPA), việc giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm đang được thúc đẩy, cùng với làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được... tạo thuận lợi thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện nhóm chuyên gia của VEPR, PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với các thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới đầy bất trắc.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng, đại dịch Covid-19 tái bùng phát kèm với lệnh phong tỏa đã kéo dài thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng trong năm 2021, làm giảm sức chịu đựng của doanh nghiệp. Cùng với đó, một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam càng phải đối diện những rủi ro bất ngờ trong bối cảnh các nước lớn xung đột kinh tế.

Nhóm chuyên gia của VEPR cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm yếu” – thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, khắc phục và vượt qua.

Theo ông Phạm Thế Anh, Việt Nam cần lưu ý các yếu tố rủi ro như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng còn chậm, hiệu quả quản lý thấp.

Cùng với đó, theo các chuyên gia kinh tế của VEPR, sức khỏe hệ thống ngân hàng-tài chính của Việt Nam tuy đã được củng cố nhưng còn dễ tổn thương, lại thêm phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và sự thiếu tự chủ về công nghệ cũng như nguyên liệu trong khu vực sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, theo báo cáo, chất lượng lao động của Việt Nam còn khá thấp và tình trạng này cải thiện rất chậm, hiệu quả đầu tư công thấp cùng tình tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền khá nặng nề.

“Hiệu quả đầu tư công thấp, tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề. Thời gian qua, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng bị ngưng trệ và môi trường-thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp”, PGS.TS Phạm Thế Anh cho hay.

Tính hai mặt của nới lỏng tiền tệ, bong bóng tài sản, chứng khoán, bất động sản

Trong báo cáo, các chuyên gia của VEPR cũng phân tích, trong năm 2021, chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất sẽ giảm hiệu quả đáng kể. Do đó, những người làm công tác quản lý cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Chưa từng có tiền lệ: Moody’s nâng triển vọng kinh tế và tín nhiệm quốc gia Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện VEPR cho rằng, ở thời điểm này, dù lạm phát chưa thành “mối đe dọa vĩ mô” nhưng rủi ro từ vấn đề này vẫn đang tiếp tục tăng. Thị trường tài sản thời gian qua đã có sự tăng trưởng đáng kể vì đây là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình.

“Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn”, PGS.TS Nguyễn Quốc Việt nêu rõ.

Vị chuyên gia, do đó, đề nghị cần đặc biệt lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán cũng như bất động sản.

Theo chuyên gia của VEPR, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không thiết yếu. Từ đó sẽ dẫn đến sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng. Quá trình này, dù chậm chạp, nhưng vẫn có thể cảm nhận được.

Đây cũng là biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được thực hiện đủ lâu. Tuy nhiên, theo chuyên gia, thời điểm này có nhiều khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản sẽ dẫn tới khó khăn hơn cho khu vực doanh nghiệp.  

“Ngoài ra, mặc dù có chậm trễ song Việt Nam cũng nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid–19 hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này trong những năm tới”, đại diện VEPR đề xuất ý kiến.
Ưu tiên các đối tượng dễ tổn thương, đặt người dân vào trung tâm

Trong báo cáo của mình, các chuyên gia của VEPR đề xuất ưu tiên các chính sách an sinh xã hội và triển khai chúng một cách nhanh chóng, đúng đối tượng, kịp thời trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, việc thực thi chính sách cũng cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức vì nhóm này chiếm tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề và khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Ai nói Việt Nam sẽ không thể là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới?

Viện nghiên cứu VEPR cũng khuyến nghị tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

“Việc khoanh, ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, như lãi vay-tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai đồng thời cần cân nhắc cắt giảm kinh phí công đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp”, chuyên gia khuyến nghị.

Theo các nhà kinh tế, các nhà làm chính sách Việt Nam cần khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành đối với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả. Cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.

Nhóm chuyên gia của VEPR nhấn mạnh rằng, việc giãn, giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi lẽ việc giảm thuế thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh mà không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế thuế thu nhập doanh nghiệp còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Xuất siêu kỷ lục, Việt Nam kỳ vọng vào xuất khẩu để có thêm kỳ tích kinh tế
Theo Viện nghiên cứu này, chính sách hữu ích nhất ở thời điểm hiện tại là “trọng cung” nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Trong đó tập trung cải cách hàng chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý Nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

“Nhóm chính sách cần thực hiện quyết liệt từ lĩnh vực giáo dục cho tới tài chính - ngân hàng, từ khoa học - công nghệ đến cơ sở hạ tầng, từ chính sách ngành tới cải cách doanh nghiệp nhà nước…đều cần tiếp tục thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn, đặt người dân vào trung tâm, và tôn trọng các xu thế phát triển mới”, các chuyên gia lưu ý.

Đáng chú ý, báo cáo của VEPR cũng dự đoán, trong năm 2021, những thị trường hàng đầu, đối tác kinh tế - thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và Trung Quốc sẽ có sự phục hồi đáng kể, cũng sẽ hứa hẹn mang đến nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Thảo luận