Bộ Tài chính Việt Nam khẳng định, việc Moody's nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Tích cực là sự ghi nhận kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, Moody’s cũng nâng triển vọng xếp hạng của 15 ngân hàng Việt Nam.
Moody’s vừa nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên “Tích cực”
Tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được giữ ở mức Ba3 nhưng triển vọng đã được nâng từ tiêu cực lên tích cực. Đây là đánh giá xếp hạng mới đây của Moody’s đối với Việt Nam.
Cơ sở của việc nâng hạng này căn cứ trên sự cải thiện sức mạnh tài khoá, tiềm năng tăng trưởng kinh tế thông qua thu hút FDI và hưởng lợi từ sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời điểm cuối năm 2019, tín nhiệm của Việt Nam bị Moody's xếp loại tiêu cực, với lo ngại về những thiếu sót trong quản lý hành chính dẫn đến việc chậm thanh toán nghĩa vụ nợ gián tiếp.
Đến nay, tổ chức này nâng hạng đánh giá Việt Nam do sức mạnh thể chế được tăng cường trong công tác quản lý ngân sách, quản lý nợ. Bên cạnh đó, rủi ro chậm trễ thanh toán nợ cũng đã giảm đi đáng kể.
Moody's nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam là rất hứa hẹn với việc cải thiện vị thế tài khoá và nợ.
“Việt Nam cũng có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu trong các lĩnh vực như sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch”, Moody’s nhấn mạnh.
Trong số các yếu tố làm nên điều này, có thể kể đến sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại năng động.
Kể từ năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng và dần bắt kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, khi gia nhập, ký kết các hiệp định lớn, Việt Nam cũng tiếp tục được hưởng lợi từ những thay đổi trong sản xuất và thương mại.
Tổ chức này cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ khu vực trong các lĩnh vực bao gồm sản xuất điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác.
Với việc từng bước hội nhập thương mại, cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần của Việt Nam, vốn kém phát triển hơn so với các nền kinh tế Đông Nam Á khác, sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn.
Trong thời gian tới, khi mà các công ty đa quốc gia triển khai chiến lược đa dạng hóa sản xuất ở châu Á, Việt Nam sẽ là một trong số các nước đi đầu trong việc thu hút FDI bởi các ưu điểm về chi phí lao động cạnh tranh, tình hình chính trị ổn định và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.
Bên cạnh đó, việc đưa ra các chính sách phát triển hợp lý và khả năng khống chế đại dịch Covid-19 hết sức hiệu quả sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế, thu về ngân sách đạt hiệu suất cao. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể phục hồi nhanh chóng nền kinh tế.
Mục tiêu dài hạn của chính phủ là cải thiện việc tuân thủ thuế, quan tâm đến vấn đề thu thuế doanh nghiệp kỹ thuật số và doanh nghiệp khu vực phi chính thức, dù cho hiện vẫn chưa thấy rõ hiệu quả của các biện pháp này.
Moody’s lưu ý gì với Chính phủ Việt Nam?
Việc Moody’s xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam ở mức Ba3 có tính đến cả điểm mạnh và điểm yếu. Về điểm mạnh, có thể thấy Việt Nam là một trong số các nền kinh tế lớn, đa dạng, có tiềm năng tăng trưởng cao cùng với khả năng chống chịu với các cú sốc. Ngoài ra, hệ thống tài chính trong nước đủ năng lực để tài trợ cho các khoản vay của Chính phủ với chi phí thấp.
Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam nằm ở chỗ, các rủi ro có thể xuất phát từ những yếu kém dai dẳng do sự thiếu minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, cũng như những rủi ro kéo dài trong hệ thống ngân hàng.
Đăc biệt, Moody’s nhận định Việt Nam dễ nhạy cảm với các rủi ro sự kiện. Nguyên do là bởi giám sát hệ thống ngân hàng của Việt Nam tương đối yếu hơn so với các nước trong khu vực.
“Dù đã có một số cải thiện trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung thì khả năng sinh lời, chất lượng tài sản, vốn hóa... của các ngân hàng vẫn ở mức tương đối yếu, bị hạn chế bởi khả năng của chính phủ trong việc bơm vốn”, tổ chức này lưu ý.
Tại một số ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, tình trạng thiếu vốn vẫn diễn ra và những ngân hàng này vẫn phải chịu trách nhiệm tiềm tàng đối với chính phủ. Những yếu tố này có thể dẫn đến bất ổn tài chính, tăng trưởng lạm phát, tăng chi phí trả nợ hoặc làm xấu đi vị thế thanh toán bên ngoài quốc gia.
Bên cạnh các nhân tố về tài chính, ngân hàng, việc đánh giá xếp hạng của Moody’s còn xem xét đến yếu tố môi trường, xã hội, tình trạng ô nhiễm khí hậu, thời tiết cực đoan, cân bằng nhân khẩu học... Tất cả đều là những vấn đề mà Việt Nam cần dành nhiều sự quan tâm hơn nữa.
Bộ Tài chính phản hồi việc Moody's nâng 2 bậc tín nhiệm với Việt Nam
Ngày 18/3, trong thông cáo báo chí của mình về việc Moody’s nâng 2 bậc tín nhiệm với Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết đây là điều chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19. Do đó, kết quả này là rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam.
“Cơ sở tổ chức Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên Tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới”, thông cáo nêu rõ.
Bộ Tài chính cho biết, trong năm nay 2021 và các năm tới, dù cho còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn kiên định hoàn thành mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam chú trọng hơn nữa công tác cải cách thể chế đi kèm với nhiệm vụ phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra, từ đó góp phần duy trì và cải thiện các yếu tố sức mạnh tín nhiệm quốc gia, tạo bệ phóng để hiện thực hóa các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước.
“Việc Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Tích cực (tăng hai bậc) là sự ghi nhận kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát thành công dịch Covid-19, đưa nền kinh tế phục hồi trở lại đạt những thành quả hết sức tích cực”, thông cáo của Bộ Tài chính khẳng định.
“Đây là thành quả của sự kiên trì, chủ động của các cơ quan Chính phủ, của Bộ Tài chính trong việc trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với Moody’s”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ Tài chính Việt Nam cũng bày tỏ hy vọng rằng, trong thời gian tới, cả Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực nhằm đưa ra các nhận định, đánh giá tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Những ngân hàng nào của Việt Nam được Moody's nâng triển vọng tín nhiệm?
Mới đây, bên cạnh việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”, Moody’s cũng xác nhận nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn và dựa trên cơ sở đó có thể áp dụng với xếp hạng nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo được ưu tiên trả nợ đối với 15 ngân hàng Việt Nam.
Sức mạnh tín dụng nội tại của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng đánh giá xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của Moody's đối với các ngân hàng Việt Nam, vì sức mạnh tín dụng của quốc gia ảnh hưởng đến năng lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ các ngân hàng trong thời điểm khó khăn, căng thẳng như đại dịch Covid-19 vừa qua.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới này đã có sự điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng Việt Nam từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”, 4 ngân hàng được điều chỉnh từ “Ổn định” lên “Tích cực” và 6 ngân hàng từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”.
Cụ thể, danh sách ngân hàng trong diện điều chỉnh của Moody’s bao gồm: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank).
Ngoài ra còn có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB).
Các tổ chức tài chính khác cũng được Moody’s điều chỉnh như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Trong số này, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực” là BIDV, Vietcombank, Techcombank, VietinBank, Agribank.
4 ngân hàng được điều chỉnh từ “Ổn định” lên “Tích cực” là TPBank, OCB, VPBank, VIB.
6 ngân hàng còn lại được điều chỉnh từ “Tiêu cực” lên “Ổn định” là ACB, HDBank, ABBank, MS, SeABank, LienVietPostBank.
Đáng chú ý, ngoại trừ Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK), xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.
Lý do vì sao Moody's đã hạ xếp hạng BCA và BCA điều chỉnh của Ngân hàng An Bình từ b1 xuống b2 do vốn tự có của ngân hàng này có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao hơn do tài sản có vấn đề ngày càng tăng.
Trong khi đó, CRA và CRR dài hạn của An Bình cũng lần lượt bị hạ từ Ba3(cr) xuống B1(cr) và từ Ba3 xuống B1.
Đặc biệt, với giả định tất cả các yếu tố không đổi, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's có khả năng sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng “Tích cực” nếu Chính phủ Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, xếp hạng dài hạn của 15 nhà băng Việt Nam có thể bị tụt hạng nếu những nguyên tắc cơ bản về tín dụng bị suy giảm nghiêm trọng, hoặc nếu Moody’s nhận thấy sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng trong nước đã suy giảm.
Làm sao để duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam?
Các chuyên gia kinh tế lý giải, hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đặc biệt quan trọng, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài, phản ánh toàn bộ diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, xã hội, tài chính, tiền tệ, tín dụng và khả năng hoàn trả hữu hạn đối với danh mục nợ của quốc gia, cụ thể ở đây là Việt Nam.
Một quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm càng cao thì khả năng và tâm thế sẵn sàng hoàn thành các nghĩa vụ nợ càng tốt hơn, đồng thời giảm mức độ rủi ro trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và khẳng định khả năng sinh lời đối với các quyết định rót vốn.
Bên cạnh Moody’s, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn khác trên thế giới là Standard & Poor’s và Fitch Ratings cũng có đánh giá khá tích cực về Việt Nam.
Theo đó, hồi cuối tháng 2, Trưởng Bộ phận phân tích về Việt Nam của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Sagarika Chandra cho biết, cơ quan này dự báo trong năm 2021, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 7,5%, đây là tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức 2,91% của GDP năm 2020.
Chuyên gia của Fitch đưa ra đánh giá này dựa vào những yếu tố hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định như thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nguồn vốn FDI mạnh mẽ, ổn định. Fitch dự báo, FDI vào Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao, và theo dự báo hiện tại của chúng tôi, FDI ròng sẽ ở mức 4% GDP năm 2021 và 2022.
Fitch cho rằng, những yếu tố giúp Việt Nam có xếp hạng tín nhiệm cao hơn chính là ổn định kinh tế vĩ mô (độ linh hoạt chính sách cao về tiền tệ, dự trữ ngoại hối, cải thiện tài chính công, giảm thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ…).
Để Việt Nam không bị hạ tín nhiệm, chuyên gia của Fitch nhấn mạnh cần lưu ý đến những yếu tố như thay đổi chính sách gây ra bất ổn vĩ mô hoặc các nhân tố làm mất cân bằng vĩ mô, tăng nguy cơ các khoản nợ tiềm tàng hay dự trữ ngoại tệ của Việt Nam giảm.
Cùng với đó, cũng phải nỗ lực để không giảm đầu tư nước ngoài, gây bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Năm 2020, Fitch điều chỉnh triển vọng tín dụng của Việt Nam từ “Tích cực” lên “Ổn định”. Chuyên gia Sagarika Chandra nhấn mạnh, tổ chức này đã tính đến tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và đi đến nhận định này.
“Mặc dù vậy, so với những nước ở cùng mức xếp hạng BB như hiện tại, các chỉ số kinh tế quan trọng của Việt Nam vẫn tốt hơn so với các nước khác”, chuyên gia của Fitch khẳng định.
Thực tế, việc cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt đối các nước đang phát triển như Việt Nam bởi đây là vấn đề về uy tín quốc gia trên trường quốc tế, chỉ số quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, rót vốn.
Các chuyên gia kinh tế lưu ý rằng, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục tăng cường tính chuyên nghiệp trong công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm thông qua việc cải thiện thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, theo chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Standard Chartered Scott Wong từng nhận định, Việt Nam nên chú ý các vấn đề như tăng cường nền tảng tín nhiệm, tạo sự thống nhất, thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin và thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia giữa các cơ quan Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam cũng nên tham vấn các chuyên gia phân tích, duy trì tiếp xúc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Với những đánh giá tích cực từ Fitch, Moody’s, việc Việt Nam duy trì mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia và tăng bậc triển vọng nền kinh tế là những dấu hiệu hết sức lạc quan trong bối cảnh thế giới chịu nhiều bất ổn như hiện nay.