Đại dịch COVID-19

Việt Nam muốn xây nhà máy sản xuất vaccine Covid-19

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia tự chủ về nguồn cung vaccine Covid-19, đồng thời muốn xây dựng nhà máy sản xuất vaccine, tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất và cung ứng vaccine ngừa SARS-CoV-2 cho COVAX Facility.
Sputnik

Đại diện WHO lên tiếng bình luận về biến chủng SARS-CoV-2 lai giữa biến thể virus corona Anh và Ấn Độ, vừa phát hiện ở Việt Nam với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm.

Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với người về từ 4 nước Ấn Độ, Lào, Thái Lan và Campuchia. Mọi hành vi vượt biên, tổ chức vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trưa 1/6, Bộ Y tế thông tin về 50 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, riêng Bắc Giang ghi nhận tới 32 trường hợp nhiễm nCoV.

Việt Nam muốn có nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 cung ứng cho COVAX

Việt Nam muốn xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine Covid-19 để cung ứng cho chương trình COVAX, bên cạnh quyết tâm trở thành nước tự chủ về nguồn cung vaccine, đủ phục vụ tiêm cho chính người dân đất nước mình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị COVAX đẩy nhanh tiến độ bổ sung số lượng các loại vaccine cho Việt Nam, xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, giúp đất nước tiếp cận và cung ứng vaccine Covid-19.

Việt Nam muốn xây nhà máy sản xuất vaccine Covid-19

Đây là những nội dung, kiến nghị hết sức đáng chú ý trong cuộc trao đổi giữa người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam và đại diện COVAX Facility.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, trong tối ngày 31/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo một số Vụ/Cục liên quan của Bộ đã có cuộc họp trực tuyến với đại diện của COVAX Facility (lãnh đạo y tế của một số nước) để đánh giá tình hình cung ứng vaccine trên toàn cầu của COVAX Facility, cũng như việc cung ứng vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Người đầu tiên trên thế giới tiêm vắc xin COVID qua chương trình COVAX là ai?
Tại cuộc thảo luận này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long không hề giấu diếm quyết tâm trở thành quốc gia tự chủ về nguồn cung vaccine Covid-19. Theo người đứng đầu Bộ Y tế, Việt Nam đang đẩy mạnh mua công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để chủ động nguồn vaccine cho người dân.

GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định cam kết với đại diện COVAX, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc tham gia chuỗi chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và mong muốn được đặt nhà máy sản xuất tại chính Việt Nam.

“Việt Nam sẽ đầu tư nhà máy, mong muốn được nhượng quyền sản xuất nhằm cung ứng vaccine cho COVAX, cho các quốc gia cũng như Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Long đã cùng đại diện COVAX, WHO, và một số quốc gia trao đổi cụ thể, thảo luận, đưa ra những bài học kinh nghiệm của riêng Việt Nam khi tiếp cận với nguồn vaccine của COVAX trong khi nhu cầu về vaccine Covid-19 trên thế giới hiện đang rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã triển khai rất tốt hoạt động tiêm chủng (kể từ ngày 8/3/2021).

Trên những cơ sở này, trao đổi với đại diện COVAX Facility, Việt Nam cũng đã kiến nghị về vấn đề chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của COVAX nhằm đảm bảo nguồn vaccine cho Việt Nam và hỗ trợ các nước khác trên thế giới.

Ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ và Nam Phi nằm trong số các quốc gia đang phát triển đang thúc đẩy từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự ủng hộ bất ngờ từ phía chính quyền Hoa Kỳ vào tháng trước nhằm hỗ trợ các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới về vấn đề dỡ bỏ rào cản đối với việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2 hiện vẫn chưa đạt được bước đột phá đáng kể.

Phát biểu tại buổi làm việc với WHO và đại diện COVAX, thay mặt Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc thành lập COVAX Facility với mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021, đảm bảo tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam khẳng định, đây là cơ hội cho tất cả các quốc gia có thu nhập thấp có điều kiện để tiếp cận với vaccine Covid-19.

“Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản và COVAX trong việc tổ chức hội nghị này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Việt Nam hiện đã nhận được gần 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 từ COVAX Facility, trong tổng số 38,9 triệu liều vaccine được COVAX thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

Sáng 26/02: Tại sao lại chọn Long An làm nơi thử nghiệm thử lâm sàng giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax?

Cùng với đó, Việt Nam hiện cũng đang khẩn trương triển khai tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, công nhân một số khu công nghiệp ở vùng dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh cùng các đối tượng y tế và đảm bảo tiến độ an toàn và hiệu quả theo kế hoạch đã được COVAX thông qua.

Tuy vậy, người đứng đầu ngành y tế Việt Nam cũng cho hay, hiện nay, tình hình dịch tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các chủng virus mới nguy hiểm hơn, số ca nhiễm ghi nhận cao trong các khu công nghiệp và lây lan trong cộng đồng, do đó việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết. Do đó, Việt Nam mong muốn COVAX Facility đẩy nhanh tiến độ cung ứng và bổ sung số lượng các loại vaccine cho Việt Nam.

“Việt Nam cũng mong muốn các tổ chức Quốc tế và các quốc gia trên thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận và cung ứng vaccine phòng Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế tái khẳng định.

Khẳng định với đại diện WHO và COVAX Facility, ông Long cho biết, Việt Nam sẽ đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX Facility.

“Việc ủng hộ này thể hiện sự đánh giá cao hiệu quả ứng phó với đại dịch COVID-19 của sáng kiến toàn cầu này cũng như khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam tiếp tục tham gia mạnh mẽ trong chương trình COVAX Facility”, Bộ trưởng Y tế Việt Nam nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tin tưởng, với sự chung tay của cộng đồng thế giới COVAX Facility sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra để góp phần đẩy lùi đại dịch toàn cầu bằng vaccine.

WHO nói gì về biến chủng SARS-CoV-2 vừa phát hiện ở Việt Nam?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang làm việc với Việt Nam về biến thể virus SARS-CoV-2 chủng nguy hiểm, được cho là lai giữa chủng Anh và Ấn Độ.

Theo thông báo trên trang Twitter cá nhân của bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách nghiên cứu về Covid-19 của WHO, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Văn phòng WHO tại Tây Thái Bình Dương đang phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam xác minh thông tin biến chủng B.1.617.2 có các đột biến bổ sung.

WHO cho biết, tổ chức này hiện chưa có thông tin đánh giá về biến chủng mà Việt Nam mới phát hiện, nhóm công tác nghiên cứu về quá trình tiến hóa của virus SARS-CoV-2 vẫn đang làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam, đồng thời, sẽ có thông báo ngay sau khi có thêm dữ liệu chính xác, đẩy đủ hơn về biến thể này.

“Chúng tôi vẫn chưa đưa ra đánh giá về biến thể virus SARS-CoV-2 mới được báo cáo tại Việt Nam. Chúng tôi dự kiến nhiều biến thể sẽ tiếp tục được phát hiện trong quá trình virus lưu hành và biến đổi đồng thời hy vọng năng lực giải trình tự trên toàn thế giới cũng sẽ được nâng cao”, đại diện WHO cho biết.

Vaccine Nanocovax do Việt Nam sản xuất có thể được cấp phép khẩn cấp
Hôm 29/5, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố thông tin về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với sự xuất hiện của “đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.617.2 (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ)”. Theo đó, kiểu đột biến này có đặc điểm giống biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh).

Bà Maria Van Kerkhove cho biết thêm rằng, theo quan điểm hiện tại của WHO, biến thể mà Việt Nam thông báo vẫn được coi là biến thể B.1.617.2 có khả năng đã xuất hiện thêm một số đột biến mới, song cũng lưu ý rằng WHO sẽ thông báo ngay khi có dữ liệu mới về biến thể này.

“Theo những gì chúng tôi hiểu, biến thể được phát hiện ở Việt Nam là biến thể B.1.617.2 và có thể có thêm 1 đột biến, tuy nhiên chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin ngay khi có thể”, bà Maria Van Kerkhove nêu rõ.

Biến chủng B.1.617.2 là một nhánh của biến chủng B.1.617, là biến chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ.

Đáng chú ý, đây cũng là biến chủng khiến Ấn Độ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 vì gây số ca nhiễm tăng vọt và lây lan với tốc độ cấp số nhân. Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) châu Âu hôm 24/5 đã xếp B.1.617.2 vào nhóm “các biến chủng gây lo ngại”.

Ngay sau khi có thông tin về việc xuất hiện biến chủng lai ở Việt Nam, Hiệp hội Insacog về Gen SARS-CoV-2 Ấn Độ cũng cho biết sẽ tiến hành rà soát cơ sở dữ liệu GISAID.

Việt Nam muốn xây nhà máy sản xuất vaccine Covid-19

Hôm 29/5, theo Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cũng xác nhận, qua quá trình xét nghiệm và giải trình tự gen, cơ quan y tế phát hiện một biến chủng SARS-CoV-2 mới có sự lai tạo giữa biến chủng tại Ấn Độ và biến chủng tại Anh.

“Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gen thế giới”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Y tế Việt Nam, đặc điểm của biến chủng lai này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh.

Đối với vấn đề này, bà Maria Van Kerkhove cho hay, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiếp tục cập nhật các biến chủng đáng lo ngại mỗi tuần và sẽ làm việc với các nước, các đối tác khu vực và toàn cầu để hiểu rõ tất cả các biến chủng được ghi nhận.

Việt Nam sẽ sản xuất vaccine Nga?

Bình luận về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, đại diện WHO cũng đánh giá cao công tác phòng chống Covid-19, các biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt, kịp thời mà Chính phủ tiến hành, đồng thời bày tỏ tin tưởng chính sách giãn cách xã hội và đảm bảo sức khỏe cộng đồng sẽ ngăn chặn làn sóng lây nhiễm.

“Việt Nam là quốc gia có nhiều kinh nghiệm với các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm và hệ thống cơ sở y tế mạnh”, đại diện WHO nêu rõ.

Việt Nam hiện đang trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, số ca nhiễm mới tăng cao, hơn cả số ca bệnh của ba làn sóng dịch Covid-19 trước cộng lại.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2, bao gồm các chủng phổ biến B.1.222 (phổ biến ở Anh), B.1.619 (có nguồn gốc từ Cameroon và lây nhanh ở châu Âu), D614G (phố biển ở châu Âu), B.1.351 (phát hiện lần đầu ở Nam Phi), A.23.1 (phát hiện lần đầu ở Rwanda). Trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 biến chủng gây quan ngại là biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2) và biến chủng Anh (B.1.1.7).

Trong đó, biến chủng Ấn Độ được giới chức y tế Việt Nam và thế giới đánh giá là có khả năng lây lan mạnh. Biến chủng B.1617.2 có khả năng lây truyền cao hơn 40-50% so với biến chủng ở Anh (B.1.1.7). Điều đáng lo là biến chủng Ấn Độ này đã được ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh thành khác trên cả nước.

Trưa 1/6: Việt Nam ghi nhận thêm 50 ca Covid-19

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cho biết, trưa nay, có thêm 50 ca mắc coronavirus lây lan trong nước tại 4 tỉnh, trong đó Bắc Giang 32 người, Bắc Ninh 9, Lạng Sơn 8, Long An 1.

Việt Nam tìm ra hướng đi mới cho vấn đề nguồn cung vaccine Covid-19

Cụ thể, 8 bệnh nhân ở Lạng Sơn gồm 4 trường hợp F1, 4 ca liên quan ổ dịch khu công nghiệp Quế Võ và Vân Trung, đã được cách ly.

Ca bệnh là nam giới, 22 tuổi ở Long An có địa chỉ tại huyện Cần Đước, chính quyền địa phương hiện vẫn đang được điều tra dịch tễ. Người này có kết quả xét nghiệm ngày 31/5 dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM.

Tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 là F1. Hai trường hợp được phát hiện khi sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng. 5 bệnh nhân còn lại liên quan ổ dịch Thuận Thành và khu công nghiệp Khắc Niệm.

Bắc Giang vẫn là địa phương có tình hình dịch nghiêm trọng, trưa nay, có thêm 32 bệnh nhân Covid-19, đều trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.

Như vậy, từ 6h -  trưa nay, cả nước công bố 161 ca nhiễm mới. Số ca mắc Việt Nam đã ghi nhận từ 27/4 đến nay là 4.406 người, tổng số ca Covid-19 của cả nước từ đầu dịch đến giờ hiện là 7482, trong đó có 3043 người đã được điều trị khỏi.

Việt Nam dừng nhập cảnh người về từ Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào?

Việt Nam hiện tạm dừng nhập cảnh đối với người về từ Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Campuchia, những nơi đang có dịch bùng phát hoặc đã từng lưu trú/đi qua các quốc gia này trong vòng 21 ngày trước khi về Việt Nam, theo TTXVN.

Tuy nhiên, việc tạm dừng nhập cảnh này không áp dụng với các trường hợp đặc biệt cần thiết hoặc với người nước ngoài vào Việt Nam theo các phương tiện chuyên chở hàng hóa và không tiếp xúc với cộng đồng ở Việt Nam và xuất cảnh cùng phương tiện đó sau khi bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa.

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước, Đại sứ quán khuyến cáo bà con chưa nên về nước, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các quy định của Lào, không rời khỏi nơi cư trú, trừ trường hợp khẩn cấp”, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thông báo cho biết.

Đối với trường hợp có nhu cầu về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, cần đăng ký với Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào để trao đổi với các cơ quan chức năng trong nước, thu xếp chỗ cách ly trước khi nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định phòng chống dịch và năng lực cách ly trong nước.

Việt Nam sẽ lập tài khoản cho Quỹ vaccine, người dân có thể ủng hộ công khai, minh bạch

Đối với với những trường hợp không tuân thủ quy định về xuất nhập cảnh, vượt biên hoặc tổ chức vượt biên trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trước đó, hôm 13/5 tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng đã có bình luận về vấn đề tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài.

Theo các biện pháp mới được ban hành, Việt Nam chỉ giải quyết nhập cảnh cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp vào Việt Nam làm việc và phải đảm bảo các phương án cách ly cũng như các yêu cầu về y tế.

Cùng với đó, bà Hằng cho hay, hiện Việt Nam cũng đã quyết định tạm dừng và hạn chế việc nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nước.

“Bộ Ngoại giao đang tích cực theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh tại các nước trên thế giới, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để có thể có các biện pháp nới lỏng hoặc thắt chặt nhập cảnh phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo việc thực hiện tốt mục tiêu kép cũng như phòng, chống dịch bệnh”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Thảo luận