‘Ý nghĩa chính trị’: Vì sao ô tô điện ở Việt Nam là cuộc chơi không chỉ của VinFast?

Thấy gì qua việc tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ để phát triển ô tô điện? Vì sao việc phát triển ngành công nghiệp xe ô tô, xe điện ở Việt Nam là cuộc chơi không chỉ của riêng VinFast?
Sputnik

Trước các đề xuất của Vingroup với Chính phủ về cơ chế phát triển xe điện tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định đây là “thời cơ vàng” để nâng cao vị thế nền công nghệ Việt Nam, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, đằng sau các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, dù là Vingroup hay bất kỳ tập đoàn nào khác, đều ẩn chứa “ý nghĩa về chính trị” chứ không chỉ đơn thuần là chuyện hỗ trợ kinh tế.

Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp xe điện?

Mới đây, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có kiến nghị gửi đến Chính phủ về việc đề xuất thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện.

Veni, Vidi, VinFast: Vingroup đổ bộ sang Mỹ, biểu tượng cho sự trỗi dậy của Việt Nam

Đề xuất được đại diện Vingroup nêu ra tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan vừa qua. Trước đó, Vingroup cũng từng đề xuất Chính phủ có một số ưu đãi chính sách dành cho ngành công nghiệp xe điện nước nhà.

Tại một Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ và đại diện doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Vingroup CEO Nguyễn Việt Quang bày tỏ, rất mong muốn sẽ nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô, đặc biệt là ô tô sử dụng động cơ điện.

Sau khi nhận được đề xuất từ phía Vingroup, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu quan điểm, cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa nhằm hỗ trợ phát triển ngành sản xuất xe điện tại Việt Nam theo định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

‘Ý nghĩa chính trị’: Vì sao ô tô điện ở Việt Nam là cuộc chơi không chỉ của VinFast?

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ô tô điện.

Ông Lê Minh Khái cũng giao Bộ Tài chính đánh giá về đề xuất của Tập đoàn Vingroup. Trong đó, chú trọng làm rõ sự cần thiết, đánh giá và nêu hướng xử lý cụ thể phù hợp thẩm quyền và quy định của pháp luật để báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính trước 10/6 này.

Vì sao phát triển ô tô điện không còn là câu chuyện của riêng VinFast?

Hiện nay, dù xe điện còn là loại hình giao thông mới với phần đông người dùng Việt Nam, tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này có lợi thế dân số đông và trẻ, nhanh nhạy tiếp cận công nghệ, xu hướng sản phẩm mới.

Đối với tầm nhìn chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam nói chung, xe điện nói riêng, theo giới chuyên gia, VinFast hiện đang đi đúng hướng với những mong muốn của Chính phủ.

‘Ý nghĩa chính trị’: Vì sao ô tô điện ở Việt Nam là cuộc chơi không chỉ của VinFast?

Việc nghiên cứu và phát triển xe điện VinFast sẽ không đơn thuần chỉ là quá trình mở rộng kinh doanh của Vingroup. Đó còn là sự tiên phong cho một định hướng phát triển mới của Việt Nam trong những năm tới đây.

Đằng sau việc Vingroup của tỷ phú Vượng buộc phải ‘hy sinh’ VinSmart dồn sức cho VinFast
Kể từ năm 2018 sau khi VinFast khởi công xây nhà máy 335 ha trên đảo Cát Hải (Hải Phòng), Chính phủ đã dần hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô thiên về sản xuất, lắp ráp trong nước, hạn chế nhập khẩu. Ba ông lớn trong lĩnh vực này ở Việt Nam là VinFast, Thaco và Thành Công đều là các công ty Việt Nam, chứ không phải các hãng liên doanh.

Trong số 3 công ty trên, nếu Thaco và Thành Công hoạt động dựa trên hợp tác có sẵn với các thương hiệu nước ngoài (như Mazda, Kia, Hyundai) thì VinFast phát triển theo hướng tự tạo thương hiệu riêng.

Thiên hướng của 2 công ty kia là "lắp ráp" (lắp những thứ được thiết kế sẵn), còn của VinFast là "sản xuất" (tự mình sáng tạo ra sản phẩm). Và đến nay, khi Thaco và Thành Công vẫn tập trung vào dòng xe nhiên liệu hóa thạch (chạy bằng xăng, dầu), thì VinFast đã bắt tay nghiên cứu và phát triển xe điện.

Tất nhiên, là doanh nghiệp tiên phong trong một lĩnh vực còn nhiều mới mẻ, thách thức mà VinFast phải đối diện là rất lớn, cả về sản xuất lẫn tiêu thụ. Nhiều chuyên gua đã chỉ ra rằng, so với xe động cơ đốt trong truyền thống, chi phí sản xuất ôtô điện cùng kích thước đắt hơn khoảng 45%. Con số này sẽ dần giảm xuống, uocqws tính đến năm 2030, mức chênh lệch này sẽ vào khoảng 9%, tức vẫn đắt hơn.

Và điều làm cho chiếc xe điện trở nên đắt đỏ hơn như vậy chính là do bộ pin. Ước tính, chi phí cho bộ pin chiếm khoảng 40% một chiếc xe điện. Có thể nói, pin là linh hồn của một chiếc xe điện, nhưng lại là thứ phụ thuộc vào các hãng cung cấp.

Đã có nhiều nghiên cứu nhằm tăng dung lượng, tăng tuổi thọ, giảm kích thước, giảm thời gian sạc và giảm giá thành pin, nhưng cho đến nay, vẫn chưa công ty nào có thể thương mại hoá các thiết kế đó với mức giá rẻ. Và do vậy, chi phí sản xuất ô tô điện vẫn tiếp tục cao hơn xe hơi truyền thống.

Tuy nhiên, do những đặc điểm như không khói bụi, không khí thải ô nhiễm (NOx, CO2), không cần dầu nhớt bôi trơn, không cần nhiên liệu..., xe điện là xu thế tất yếu của thế giới, đặc biệt cần thiết cho môi trường ở Việt Nam.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho biết có tới 70% lượng bụi mịn trong không khí đến từ xe máy, ôtô dùng động cơ đốt trong. VnExpress dẫn lời giáo sư Đăng cho hay, với việc sử dụng các loại xe điẹn, không khí sẽ giảm đáng kể bụi mịn và trở nên sạch lên rất nhiều. Bên cạnh đó, xe điện còn góp phần giải quyết vấn đề hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm tiếng ồn.

Trên quy mô quốc gia, xe điện đang là xu thế mà cả những nước phát triển tới đang phát triển quan tâm. Quốc gia làng giềng với Việt Nam là Trung Quốc hiện đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới trong năm 2020, với gần 1,38 triệu xe bán ra. Và các chính sách của Chính phủ chính là động lực lớn cho ngành công nghiệp ô tô điện nước này

Các chính sách của Trung Quốc có thể chia làm 3 nhóm cơ bản, đó là ưu đãi cho hãng xe, trợ cấp người mua xe và ban hành các thủ tục hành chính ưu tiên xe điện. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp với mạng lưới điện từ công ty nhà nước, trợ cấp vốn 30% để xây dựng trạm sạc, trợ cấp gần 8.000 USD cho mỗi xe sản xuất.

Vụ xe VinFast và chủ kênh GoGo TV: Sẽ không có chuyện ‘bắt nạt’ hay ‘dàn xếp sau lưng’
Khi mua xe điện, mỗi người dân được hỗ trợ 17.000 USD, được giảm 50-100% phí đăng ký, được miễn phí hoặc giảm giá chi phí sạc. Người dùng xe điện còn được ưu tiên về thủ tục, không phải chờ 6-12 tháng mới được đăng ký như xe xăng, được đi vào một số khu vực nội thành bị cấm...

Trong khi đó, tại châu Âu, Na Uy là nước duy nhất trên thế giới có tỷ lệ xe điện bán ra nhiều hơn xe xăng năm 2020. Quốc gia này đã có một loạt các chính sách hỗ trợ xe điện về thuế như thuế mua bán, nhập khẩu, VAT, trợ cấp 50% chi phí sản xuất, trợ cấp chi phí lắp trạm sạc...

Khách mua xe sẽ được hỗ trợ gần 5.000 USD, được giảm giá dịch vụ sạc nhanh, miễn phí đỗ xe, được sử dụng làn xe buýt, miễn giảm một số phí đường bộ và phà.

Tại Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có hững chính sách riêng cho xe điện. Với việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên mức phát thải CO2, xe điện ở các quốc gia này chỉ chịu 0% hoặc 5% thuế.

Mỗi nước khác nhau sẽ có những ưu đãi, hỗ trợ khác nhau với xe điện, phụ thuộc vào thực trạng nền kinh tế, ngân sách nhà nước cũng như những định hướng lâu dài tại từng quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để phổ cập xe điện, vẫn cần phải có cả 3 nhóm chính sách chung như các nước đang áp dụng. Và các đề xuất của Vingroup thậm chí là chưa đủ để thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện.

Và kể cả khi những chính sách hỗ trợ này được phê duyệt, đi vào hiện thực nhưng nếu chỉ một mình VinFast làm xe điện thì cũng không giải quyết được bức tranh lớn. Hiện tại Việt Nam, ngoài VinFast, vẫn chưa có hãng nào dự định bán xe điện trong tương lai gần, vì những lo ngại về chi phí, hạ tầng, thói quen người dùng.

Tuy nhiên, khi các đề xuất này thành hiện thực và có nhiều hơn các ưu đãi hấp dẫn, rất có thể các hãng sẽ tính đến việc sớm đưa xe điện vào Việt Nam.

Ý nghĩa chính trị: Xe điện là đòn bẩy để đưa công nghệ Việt lên một tầm cao mới

Vì sao các quyết sách của Chính phủ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển ngành công nghiệp ô tô và xe điện nước nhà? Chúng ta hãy xem chuyên gia nói gì về vấn đề này.

Chuyên gia nhận định khả năng VinFast, Bamboo Airways IPO thành công ở Mỹ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định những kiến nghị mà Vingroup nêu ra là “rất nhỏ bé so với hỗ trợ của các quốc gia cho xe điện” hiện nay.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho biết, nhằm mục tiêu vừa phát triển công nghệ cao, vừa thúc đẩy giao thông xanh, bảo vệ môi trường, mỗi nước đều có những chính sách rất mạnh tay, bao gồm miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng.

“Đó là đề xuất của doanh nghiệp, từ phía Chính phủ thậm chí nên ưu đãi nhiều hơn, không chỉ là thuế, phí, nhất là cho các phương tiện công cộng chạy điện. Đặc biệt, Nhà nước rất cần hỗ trợ về hạ tầng sạc điện. Ở hầu hết các nước, hạ tầng đều do Nhà nước xây dựng”, chuyên gia cho biết.  

Cũng theo bà Lan chia sẻ với VNN, công nghiệp ô tô là đầu tàu, là yếu tố hàng đầu để có một nền kinh tế phát triển, kéo theo hàng loạt các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Đặc biệt, không như những phương tiện giao thông bình thường khác, ô tô điện giờ là sản phẩm công nghệ cao, mang trên nó những công nghệ, phát minh tiên tiến nhất, như công nghệ tự lái, IoT kết nối vạn vật, công nghệ pin… Một minh chứng là hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo… cũng đã bước chân vào lĩnh vực này.

“Cạnh tranh giữa các nước ngày nay là cạnh tranh công nghệ. Phát triển xe điện chính là đòn bẩy để đưa công nghệ Việt lên một tầm cao mới”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định.

Trong khi đó, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn, ô tô điện còn là giải pháp cho bài toán cấp bách về môi trường, là một xu thế tất yếu của thế giới.

Theo ông Tuấn, trong bối cảnh ở Việt Nam, việc giảm phát thải và tái cơ cấu sử dụng năng lượng là rất quan trọng. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, xe điện chính là cơ hội để đạt mục tiêu đó vì xe điện không phát thải.

“Phương tiện thông minh, ít phát thải đảm bảo đô thị xanh, sạch, đó là tương lai mà chúng ta mong muốn. Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam mà chúng ta không thể bỏ qua”, PGS. Bùi Quang Tuấn phân tích.  

Do là một lĩnh vực mới nên những người tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô điện rất cần nhận được sự hỗ trợ về chính sách từ Nhà nước. Đáng chú ý, theo ông Tuấn, đằng sau việc đồng hành cùng doanh nghiệp (dù đó có phải là VinFast, Vingroup, Thaco hay bất cứ đơn vị nào khác) cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí là về mặt “chính trị”.

“Sự hỗ trợ thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, cam kết đồng hành với doanh nghiệp để doanh nghiệp lớn lên, vươn ra thế giới, nâng tầm người Việt. Đằng sau chính sách này là ý nghĩa về chính trị chứ không chỉ đơn thuần là chuyện hỗ trợ kinh tế”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
Không để nền sản xuất công nghệ cao của Việt Nam bị tụt hậu với thế giới

Nhiều chuyên gia nhận định, việc Vingroup tham gia vào lĩnh vực ô tô điện đã cho thấy sự trưởng thành và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam.

VinFast đưa Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới

Tuy nhiên, nếu chỉ với nguồn lực doanh nghiệp không thôi thì khó có thể làm nên chuyện lớn, và chi phí đang là rào cản lớn khiến người tiêu dùng chưa sẵn sàng chuyển sang dùng ô tô điện.

Chuyên gia ô tô Lê Thọ Phú nhìn nhận, nếu các đề xuất của Vingroup được thông qua thì sẽ tạo thuận lợi cho tất cả các nhà sản xuất, kể cả hãng xe nước ngoài. Và khi giá thành giảm xuống, người tiêu dùng sẽ là đối tượng hưởng lợi cuối cùng

Trong khi nền công nghiệp ô tô thế giới đã có lịch sử hàng trăm năm thì Việt Nam mới chỉ bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Dù vậy, ô tô điện lại là lĩnh vực mới trong khoảng 10 năm trở lại đây, và sự nhập cuộc của Việt Nam là rất kịp thời và đúng lúc.

Tuy nhiên, nghiên cứu và sản xuất xe điện đang là một cuộc chơi khốc liệt giữa các hãng xe truyền thống và cả các “ông lớn” công nghệ. Lĩnh vực này cũng đang trên đà phát triển vô cùng nhanh chóng, với nhiều sự đổi mới công nghệ diễn ra liên tục qua từng ngày.

Chỉ cần chậm chân một chút thôi thì doanh nghiệp nói riêng và cả nền sản xuất quốc gia nói chung có thể bị bỏ lại phía sau.

“Nếu mâm cỗ được dọn sẵn, trên đó đầy ắp những món ngon, ai chậm chân người đó mất phần”, một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định.

Chuyên gia Lê Thọ Phú nhấn mạnh, chuyến tàu xe điện đã khởi hành với tốc độ rất nhanh. Nếu bỏ lỡ chuyến tàu duy nhất này, Việt Nam sẽ mãi tụt hậu và không bao giờ còn cơ hội sửa sai.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, xe điện đang là cơ hội vàng để Việt Nam thoát khoải “vùng trũng” bao nhiêu năm nay với ngành công nghiệp ô tô nhiên liệu hóa thạch.

Vị chuyên gia đặt niềm tin rất lớn vào triển vọng ngành công nghiệp xe điện Việt Nam. Theo những gì được ông Phúc chia sẻ, Phó trưởng Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng đánh giá, Việt Nam đã có doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất ôtô điện và là nhà sản xuất xe điện đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần các chính sách hỗ trợ đủ mạnh từ phía Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo ông Phúc, Việt Nam không mất gì khi đẩy mạnh ngành công nghiệp xe điện và chỉ có thêm lợi ích.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và loạt ‘nước cờ chiến lược’ dồn sức cho VinFast

Theo ông Phúc, các nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan... đang hỗ trợ rất mạnh tay cho ô tô điện khi ban hành nhiều chính sách tạo ra thị trường, khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ nhà sản xuất, hỗ trợ nghiên cứu phát triển.

Một ví dụ gần nhất có thể kể đến là sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc, với một loạt các chính sách hỗ trợ hoàn hảo từ Chính phủ.

“Chúng ta không có đủ nguồn lực để đổ vào làm ô tô điện như Trung Quốc, nhưng có thể học họ cũng như Thái Lan cách hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển thị trường. Việc này cần phải làm ngay, làm nhanh với những chính sách quyết đoán nếu không sẽ lỡ nhịp”, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam có cam kết, mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể nhằm hiện thực hóa tiềm năng ngành ô tô điện và các sản phẩm xanh, phục vụ công cuộc phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cũng theo phân tích của các chuyên gia, nếu một ngày những chiếc xe điện của Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford, Hyundai, Nissan... được sản xuất ở Việt Nam, người hưởng lợi sẽ là khách hàng. Khi đó, sẽ có không chỉ một, mà là nhiều hãng cùng làm hệ thống sạc, thậm chí kể cả những  doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành xe ô tô. Còn đối với Chính phủ, gánh nặng về ô nhiễm môi trường sẽ có thể được giảm xuống đáng kể.

Chốt lại, nhiều chuyên gia đầu ngành nhất trí cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết để phát triển nền công nghiệp ô tô, xe điện ở Việt Nam và nắm bắt kịp thời, nhanh nhạy xu hướng phát triển của thế giới.

“Đây không phải câu chuyện riêng của bất cứ hãng xe nào, mà là toàn bộ ngành công nghiệp xe điện triển vọng tại Việt Nam”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc kết luận.
Thảo luận