Khuôn viên của Villa La Grange. Trung tâm Báo chí Mỹ. Tổng thống Joe Biden có một cuộc họp báo riêng sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng các nhà báo Nga thậm chí không thể hướng máy về phía cuộc họp báo đó. Điều này đã bị cấm. Không một nhóm phóng viên hình nào của Nga được phía Mỹ cho phép vào dự họp báo của tổng thống Mỹ Joe Biden.
Có phải là một “cú trả đũa” kiểu trẻ con
Sự việc trên rõ ràng là trái với mong muốn của các nhà báo Nga và giới báo chí nói chung. Báo chí luôn luôn muốn tiếp cận nguồn thông tin chính thống, nhất là trong những sự kiện quan trọng, được dư luận rộng rãi hết sức quan tâm. Và chúng ta cũng biết là báo chí có quyền được tiếp cận thông tin, vì công chúng có quyền được thông tin.
“Trong trường hợp này, tôi cho là rất khó hiểu. Các nhà báo Nga đã buộc phải tuân thủ quy định của nhà chức trách Mỹ. Nhưng lý do là gì? Thật sự là tôi không rõ lắm. Có thể phía Mỹ phòng dịch covid-19 một cách cao độ ?(!). Nhưng cũng có thể phía Mỹ chỉ muốn các phương tiện truyền thông của họ, "ăn ý" với họ trong định hướng dư luận. Cũng có thể họ đã phản ứng sau vụ chen lấn, cãi vã giữa các nhà báo Nga và Mỹ khi hai Tổng thống Nga và Mỹ bắt đầu tiếp xúc tại tòa biệt thự ngày 16/6...”, - Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, TBT tạp chí “Bạch Dương” nói với Sputnik.
Chúng ta được biết rằng, từ đầu, phía Mỹ đã không đồng thuận với phía Nga trong việc tổ chức cuộc họp báo chung giữa hai Tổng thống sau cuộc gặp thượng đỉnh. Đằng sau chuyện này dư luận cũng đã đưa ra nhiều lý do giả định.
“Dù sao, tôi cho rằng việc phía Mỹ không để các nhà báo Nga tham dự cuộc gặp với báo chí của Tổng thống J. Biden là một điều rất đáng tiếc và hoàn toàn không công bằng trong chính sách truyền thông mà vốn Mỹ vẫn thường cổ súy cho tự do, minh bạch... Nhưng, cũng cần nói thêm là vừa qua, dư luận đã được chứng kiến nhiều cảnh "nghịch lý" về thông tin truyền thông ở Mỹ, khi báo chí có chính sách thông tin định kiến với ứng cử viên Tổng thống này mà lại thiên vị ứng cử viên kia, còn các mạng xã hội ở Mỹ thì lại có quyền "cấm cửa", "bịt miệng" bất kỳ ai, dù là quan chức nhà nước cao cấp”, - Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, TBT tạp chí “Bạch Dương” nói với Sputnik.
Thông thường, các cuộc họp báo sau mỗi một hội nghị, một sự kiện hay các cuộc họp báo thường kỳ của đại diện các quốc gia, các cơ quan, các tổ chức đều nhằm mục đích truyền đi những thông điệp của mình tới công chúng thông qua các kênh truyền thông. Điều đó góp phần khuếch đại quan điểm của người đại diện cho quốc gia, tổ chức hoặc nhân danh cá nhân; truyền đạt những quan điểm, lập trường của mình để mọi người đều hiểu biết và đánh giá.
Từ trước tới nay, không một chính khách nào bỏ qua những cơ hội quảng bá quan điểm, lập trường như vậy. Còn nếu như xét thấy cuộc họp báo đó có thể mang đến những bất lợi hoặc chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng các tình huống thì người ta sẽ không tổ chức họp báo.
“Tuy nhiên, ông Joe Biden và các cộng sự đã làm một việc ngược đời là không cho các phóng viên hình ảnh của Nga tham gia cuộc họp báo. Và như vậy, vô hình chung ông ta đã tự tước đi một số kênh quảng bá quan điểm, lập trường của ông ta. Còn đối với các mật vụ Mỹ thì đây có thể làm một “cú trả đũa” đối với các mật vụ Nga, khi các nhân viên công lực Nga ngăn cản đám phóng viên Mỹ quá khích tràn vào lâu đài La Grange là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh hôm 16/6/2021. Mục đích đó, (nếu có) sẽ là một “cú trả đũa” kiểu trẻ con, không xứng đáng với một cường quốc trong ứng xử quốc tế”, - Chuyên gia về những vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik
Thêm vào đó, ông Joe Biden không hề bị các nhà báo Nga gây khó dễ mà lại đi nổi cáu với nữ phóng viên Kaitlan Collins của đài CNN khi cô này hỏi ông về việc ông có “tin rằng sẽ thay đổi được hành vi của Tổng thống Nga Putin hay không?”. Thay vì trả lời một cách lịch sự, ông Joe Biden nóng nảy vặn lại: “Cô làm gì thế? Lúc nào mà tôi nói rằng tôi tin như vậy hả?”.
“Đây là điều không hay trong ứng xử của một chính khách, nhất là điều đó lại xảy ra sau một sự kiện có tầm quan trọng toàn cầu, được hàng tỷ người quan tâm vừa diễn ra”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng đưa ra đánh giá của mình với Sputnik.
“Cuộc họp báo ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh thể hiện rất rõ sự vượt trội của Tổng thống Nga so với người đồng cấp Mỹ. Tổng thống Vladimir Putin đã họp báo trước và trả lời tất cả các câu hỏi của các nhà báo, không phân biệt Nga hay nước ngoài, và như chúng ta đã thấy, ông đã trả lời dường như trước hết là các câu hỏi của các phóng viên người Mỹ. Việc không một nhóm phóng viên hình nào đến từ Nga được tham dự buổi họp báo của tổng thống Mỹ, theo tôi, chứng tỏ rõ rằng phía Mỹ sợ những câu hỏi không tiện, còn tổng thống Nga đã trả lời bất kỳ câu hỏi nào”, - PGS-TS sử Hoàng Giang nói với Sputnik.
Ai thắng, ai thua trong “trận đấu” họp báo?
Khác với thái độ trịch thượng của ông Joe Biden, tổng thống Nga đưa ra những nhận xét của mình một cách thẳng thắn, đơn giản, dễ hiểu. Như khi được hỏi về vấn đề của Aleksey Navalny, tổng thống Nga đã nói thẳng rằng ông này đã cố ý phạm tội, cố ý để bị bắt…
“Qua đó, mọi người đều hiểu rằng Aleksey Navalny chỉ muốn “đánh bóng tên tuổi”, muốn nhận được sự chú ý của Mỹ và phương Tây, muốn làm một “con rối chính trị” chứ không hề có mục đích đấu tranh cho nhân quyền một cách nghiêm túc. Tổng thống Vladimir Putin cũng hỏi lại các nhà báo một cách nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc: “Vậy thì chúng ta còn gì để bàn về anh ta (ám chỉ Navalny) đây?”, - . Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận thêm rằng, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng ta thấy “ai thành công hơn ai”, “ai chủ động hơn ai” trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua. Mặc dù Mỹ là bên chủ động mời gặp, nhưng chính họ lại tỏ ra bị động, không chỉ trong hội đàm mà còn cả trong họp báo và trong các hoạt động bên lề khác.
“Nếu như tổng thống Mỹ Joe Biden có vẻ như “thất bại toàn tập” trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh thì tổng thống Nga đã ngẩng cao đầu để có thể truyền bá khắp thế giới quan điểm, lập trường của nước Nga bằng một cuộc họp báo cởi mở, không quá long trọng nhưng gần gũi, thân thiện. Xét về thời gian, tổng thống Nga họp báo trước tổng thống Mỹ và đây chính là cơ hội để tổng thống Nga “vươn lên dẫn trước” trong cuộc đấu ngoại giao tay đôi hiếm hoi này’, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
“Giới báo chí 2-3 ngày nay tiếp tục tìm kiếm “người chiến thắng” hay “kẻ chiến bại” trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. Đặc biệt, họ so sánh hai cuộc họp báo của hai vị nguyên thủ của hai cường quốc hạt nhân, họ “mổ xẻ” từng câu, từng chữ,… Nhưng tôi cho rằng, cuộc gặp đã diễn ra mang tính xây dựng, trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau. Tại các cuộc họp báo đã không có phát ngôn quá khích nào. Đó là điều tích cực”, - PGS-TS sử Hoàng Giang nói với Sputnik.