So với các quốc gia ASEAN khác, sức mạnh Hải quân Việt Nam có những ưu thế vượt trội giúp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống bất ngờ.
Việt Nam nằm trong 25 nền quân đội mạnh nhất thế giới
Theo bảng xếp hạng GlobalFirePower (GFP) công bố năm 2021, Việt Nam nằm trong 25 nước có nền quân đội mạnh nhất thế giới.
Cụ thể, 25 nền quân đội mạnh nhất hành tinh lần lượt là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Brazil, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Ai Cập, Iran, Đức, Indonesia, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Australia, Israel, Canada, Đài Loan, Ba Lan, Việt Nam và Ukraina theo GFP.
Riêng tại khu vực ASEAN, Indonesia vẫn đứng đầu khu vực với vị trí thứ 16, tiếp đến Việt Nam (24), Thái Lan (26), Myanmar (38), Singapore (40), Malaysia (44), Philippines (48), Campuchia (94), Lào (118).
GlobalFirePower (GFP) là một chuyên trang quân sự phi chính phủ ở Mỹ, thường xuyên đánh giá, nhận định và xếp hạng về sức mạnh quân sự các nước trên thế giới căn cứ vào 55 tiêu chí.
GFP đưa ra xếp hạnh dựa trên các dữ liệu công khai từ các nguồn mở như báo chí, các chuyên trang quân sự và báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), để xác định chỉ số sức mạnh PowerIndex (PwrIndx).
Đồng thời, mỗi quốc gia cũng được GFP đánh giá dựa trên các yếu tố liên quan đến một chiến dịch quân sự tấn công hoặc phòng thủ kéo dài. Điều này cho phép cho phép các quốc gia nhỏ hơn, công nghệ tiên tiến hơn, cạnh tranh với các quốc gia lớn hơn, công nghệ kém phát triển hơn, các công cụ tính toán dưới dạng điểm thưởng và điểm phạt, được áp dụng để hoàn chỉnh bảng xếp hạng hàng năm.
Điểm càng thấp, quân đội càng mạnh (điểm hoàn hảo là 0, nhưng chưa có quân đội nào trên thế giới đạt được điều này kể cả Hoa Kỳ).
Cùng với đó, công thức đánh giá của GFP cũng thay đổi theo từng năm, nhằm cập nhật các nhân tố mới và loại bỏ các nhân tố cũ. Do đó, tương đối khó để có thể so sánh trực tiếp giữa các năm (đặc biệt là so sánh theo công thức cơ bản hơn được sử dụng trong những năm trước đó).
Sức mạnh Hải quân Việt Nam xếp thứ mấy trên thế giới?
Căn cứ theo bảng xếp hạng sức mạnh Hải quân các quốc gia trên thế giới (Navy Fleet Strength by Country (2021), Việt Nam hiện đang giữ vị trí thứ 38, xếp trên cả Canada và Hà Lan, Cameroon.
Hải quân Nhân dân Việt Nam có 65 tàu chiến, 6 tàu ngầm, 9 tàu khu trục (tàu hộ tống lớp Frigate), 26 tàu tuần tra. Việt Nam hiện chưa sở hữu tàu sân bay nào.
Bảng xếp hạng được Global Firepower xây dựng dựa trên số liệu tàu chiến có trong biên chế hải quân các nước, không bao gồm hợp đồng mua sắm vũ khí mới hoặc đang được phát triển.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu đánh giá một cách tổng thể, tiềm lực của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vượt xa những số liệu Global Firepower công bố.
Khả năng tác chiến của Hải quân Việt Nam không chỉ được xếp hạng dựa vào các tàu mặt nước, tàu ngầm, đó còn là “sự hiệp đồng” của các lực lượng khác như Không quân – Hải quân, pháo binh – tên lửa đánh chặn bờ, hải quân đánh bộ và cả lực lượng ít khi được nhắc đến nhưng không thể nào bỏ qua đó là đặc công hải quân (đặc công nước – vốn là thế mạnh của Việt Nam).
Sách Trắng Quốc phòng 2019 cùng những thông tin được truyền thông trong nước đăng tải cho thấy, Hải quân là một trong những binh chủng được Bộ Quốc phòng đầu tư ưu tiên để tiến thẳng lên hiện đại.
Cùng với đó, Hải quân Việt Nam cũng phát triển theo hướng tinh - gọn - mạnh, trở thành nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp.
Như Sputnik Việt Nam dẫn bình luận của chuyên gia quân sự Vladimir Karnozov sau khi Military.Wikia chỉ xếp Việt Nam ở hạng tư trong khu vực, cho biết, vấn đề chỉ nằm ở chỉ tiêu đánh giá của Military.Wikia (hoặc GFP).
Tuy nhiên, cần thừa nhận thực tế rằng, một trong những nền tảng của hải quân Việt Nam hiện đại có thể kể đến là 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện “đề án 636.1” do Nga chế tạo – tàu ngầm Kilo. Tiềm lực chiến đấu của những con tàu này được đánh giá trên thế giới theo nhiều cách khác nhau.
Theo ông Karnozov, các tàu ngầm đề án 636.1 của Việt Nam có những ưu điểm lợi thế quan trọng. Tàu ngầm được trang bị vũ khí xuất sắc, lắp đặt những phiên bản sửa đổi mới nhất của hệ thống tên lửa Klub-S/Club-S (phương án xuất khẩu của «Kalibr»), các phiên bản cải tiến của trạm thủy lực «Rubikon». Và các tàu ngầm này có độ thấp, chạy cực êm, đến mức nhận được biệt danh là «Hố đen».
“Tôi tuyên bố rằng về tiềm lực của hạm đội tàu ngầm, Việt Nam vượt hơn Indonesia, Malaysia và Singapore một cách đáng kể”, chuyên gia quân sự Vladimir Karnozov khẳng định.
Trong khi đó, TS. Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam cho hay, Hà Nội hiện đang nắm trong tay lực lượng Hải quân được đánh giá là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Chuyên gia nhắc lại, Quân chủng Hải quân cũng đã hoàn tất việc xây dựng các lực lượng nòng cốt gồm tàu mặt nước, tàu ngầm, Không quân - Hải quân, Hải quân đánh bộ, pháo binh – tên lửa bờ và đặc công Hải quân.
Thêm vào đó, không phải lực lượng hải quân nào ở Đông Nam Á cũng có biên chế đầy đủ các lực lượng như Hải quân Việt Nam. Ví dụ như Indonesia thiếu các đơn vị pháo binh – tên lửa bờ, còn Thái Lan lại thiếu lực lượng tàu ngầm hiện đại như Việt Nam đang sở hữu.
Sức mạnh Hải quân Việt Nam nằm ở đâu?
Ngoài tính tinh nhuệ, tinh thần chiến đấu, sẵn sàng cho mọi tình huống bảo vệ chủ quyền quốc gia, sức mạnh Hải quân Việt Nam trước hết được bộ lộ ở Hạm đội tàu mặt nước rất mạnh.
Theo thông tin mà GFP công bố, Hải quân Việt Nam đang sở hữu trong biên chế 65 tàu chiến các loại, trong số đó có 4 tàu hộ vệ tên lửa, 7 tàu hộ vệ săn ngầm (phần lớn đã được thay tính năng), 13 tàu tên lửa tấn công nhanh, 8 tàu tên lửa, 12 tàu pháo, 5 tàu phóng lôi và một số tàu chiến, tàu tuần duyên khác…
Nhìn vào danh mục khí tài quân sự đang sở hữu, có thể thấy, lực nòng cốt của hạm đội tàu mặt nước của Việt Nam hiện tại chính là các tàu hộ vệ tên lửa và tàu tên lửa tấn công nhanh. Dẫn đầu là các 4 tàu hộ vệ Gepard 3.9, kế đến là tàu tên lửa Molniya (8), Tarantul (4) và BPS-500 (1). Nga vẫn là quốc gia hàng đầu hỗ trợ Việt Nam đảm bảo sức mạnh Hải quân, nhất là bổ sung mạnh mẽ cho hạm đội tàu mặt nước.
Cần nhắc lại rằng, những lớp tàu chiến này trên đều được trang bị tên lửa chống hạm, riêng hai tàu Gepard - Trần Hưng Đạo (015) và Quang Trung (016) còn được bổ sung thêm khả năng chống ngầm với các bệ phóng ngư lôi PTA-53-11661 hiện đại tối tân.
Lực lượng tàu ngầm hiện đại hàng đầu Đông Nam Á của Việt Nam
Như đã thông tin, hiện tại, Hải quân Việt Nam có trong biên chế 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo (đề án 636.1) – vốn được mệnh danh là “hố đen đại dương” hiện đại do Nga chế tạo, cung cấp. Chiếc tàu ngầm đầu tiên được đưa vào trang bị cho Hải quân Việt Nam từ năm 2014.
Theo dữ liệu của Forbes, mặc dù so các nước trong khu vực, lực lượng tàu ngầm Việt Nam được thành lập khá muộn, tuy nhiên, việc đưa vào biên chế các tàu ngầm Kilo cũng như việc thành lập lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên (Lữ đoàn 189, thành lập 2013) được đánh giá đã mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam.
Điều này tạo nên ưu thế đặc biệt của Việt Nam trong khi các nước khác như Indonesia, Malaysia hay Singapore sẽ chỉ được trang bị từ 2-6 tàu ngầm các loại, chưa kể rất nhiều chiếc trong đó đã cũ, hiệu năng sử dụng không còn cao như trước, uy lực không thể bằng 6 tàu lớp Kilo của Việt Nam do Nga cung cấp.
Cần đề cập đến một sự thật nữa, rằng ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất sở hữu các tàu ngầm có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu trên đất liền cho đến trên biển bằng tên lửa hành trình Kalibr.
Trong đó, đáng chú ý nhất chính là biến thể chống hạm 3M14E Klub-S có tầm bắn hơn 200km và biến thể tấn công mặt đất 3M54E có tầm bắn 300km. Thêm một điều đặc biệt được VTC đề cập trong bài viết về Sức mạnh hải quân Việt Nam cho thấy, các tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam – 6 “hố đen đại dương” thuộc Lữ đoàn Tàu ngầm được đặt tên gắn với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này một lần nữa khẳng định tình yêu Tổ quốc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Không quân - Hải quân ngày càng hiện đại
Phân tích về lực lượng Không quân - Hải quân của Việt Nam có thể thấy, đây là lực lượng hết sức đa năng, từ hiệp động tác chiến quân sự đến hỗ trợ nhiều hoạt động dân sự quan trọng khác.
Trong các lực lượng của Hải quân nhân dân Việt Nam, nhiệm vụ chính của Lữ đoàn 954 là tác chiến săn ngầm, vận tải quân sự, trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước.
Cùng với đó, lực lượng Không quân – Hải quân Việt Nam cũng tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền và cứu hộ, cứu nạn và phòng chống bão lụt như đã thấy trong suốt thời gian qua.
Về trang bị quân sự, theo thông tin từ Báo Hải quân Việt Nam, Lữ đoàn 954 hiện tại được biên chế nhiều loại máy bay quân sự hiện đại như trực thăng chống ngầm Ka-28, Ka-32, trực thăng vũ trang Mi-8, Mi-17 và cả thủy phi cơ DHC-6 hiện đại.
Pháo binh – Tên lửa bờ củng cố sức mạnh Hải quân Việt Nam
Binh chủng Tên lửa - Pháo bờ biển, Quân đội nhân dân Việt Nam bờ biển là một binh chủng thuộc Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ sử dụng pháo và tên lửa để bảo vệ căn cứ hải quân, các hải đảo quan trọng trên tuyến giao thông gần bờ biển và bờ biển, tham gia phòng thủ bờ biển, hải đảo.
Đây là 1 trong 5 lực lượng chiến đấu chủ lực của Hải quân Việt Nam. Cùng với nhiệm vụ chính là bảo vệ căn cứ hải quân, các hải đảo quan trọng trên tuyến giao thông gần bờ biển và bờ biển, Binh chủng này còn có nhiệm vụ chi viện cho các tàu hải quân chiến đấu và cho lục quân hoạt động trên hướng ven biển trong các tình huống cần thiết.
Lực lượng Tên lửa – Pháo bờ biển của Việt Nam được xây dựng từ sau năm 1975 ở Hải Phòng (7/6/1979). Hiện nay, mỗi Quân khu của Việt Nam đều có các đơn vị pháo binh không chỉ thực hiện cả nhiệm vụ đơn thuần của Pháo binh trong Quân chủng Lục quân mà còn tham gia hỗ trợ hỏa lực bằng vũ khí hạng nặng nhằm bảo vệ bờ biển.
Với nhiệm vụ đặc biệt như trên Pháo binh - Tên lửa bờ Việt Nam được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44 Rubezh-A, 4K44 Redut-M và K-300P Bastion-P. Ngoài ra còn có các hệ thống rocket EXTRA.
Hệ thống Rubezh-A được trang bị tên lửa chống hạm P-15M có tầm bắn từ 40-80km. Hệ thống Redut-M được trang bị tên lửa hành trình chống hạm P-35 có tầm bắn có thể lên đến 550km. Hệ thống Bastion-P với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 Yakhont có tầm bắn 300km, vận tốc khi bay của nó có thể đạt tới Mach 2,5 (gấp 2,5 lần vận tốc âm thanh). Hệ thống rocket EXTRA có tầm bắn tối đa vào khoảng 150km.
Cần phải lưu ý rằng, trong bối cảnh hiện nay, do tình hình khu vực và thế giới ngày càng có nhiều điểm đáng chú ý, tranh chấp biển đảo mà tranh chấp của nhiều bên ở Biển Đông đã trở thành vấn đề nổi bật đã buộc Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam phải quan tâm hơn cho binh chủng Binh chủng Tên lửa - Pháo bờ biển nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải cùng các lợi ích kinh tế trên biển của Việt Nam.
Lực lượng Hải quân Đánh bộ đặc biệt của Việt Nam
Hải quân Đánh bộ là một trong những binh chủng đáng chú ý của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Hải quân Đánh bộ Việt Nam là lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Quân chủng Hải quân, có nhiệm vụ bảo vệ các đảo, đá hoặc tấn công, đổ bộ bằng đường biển lên đất liền hoặc lên các đảo bị nước ngoài chiếm đóng, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Theo các thông tin được công bố, sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, binh chủng hải quân đánh bộ (hay còn gọi là thủy quân lục chiến), Quân chủng Hải quân đã được thành lập nhằm bảo vệ các đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Hai đơn vị đầu tiên của binh chủng là Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101 - tiền thân là Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 - tiền thân là đoàn đặc công hải quân 126.
Cần nhấn mạnh rằng, đây là một lực lượng đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, bất ngờ. Được rèn luyện kĩ càng, trang bị hiện đại để trở thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân Nhân dân Việt Nam tương tự như binh chủng Đặc công của Lục quân.
Các lữ đoàn Hải quân đánh bộ của Việt Nam đều được trang bị nhiều vũ khí, khí tài tân tiến. Do đặc thù nhiệm vụ, trang bị vũ khí của Hải quân đánh bộ chủ yếu là các loại súng bộ binh. Một trong những vũ khí đó là súng trường tấn công Tavor TAR-21.
Hải quân đánh bộ Việt Nam cũng được trang bị "sát thủ diệt tăng" Matador, có khả năng xuyên giáp xe tăng và phá các bức tường gạch hoặc bê tông cốt thép.
Đáng chú ý, hằng năm, các lữ đoàn hải quân đánh bộ đều đưa nhiều đợt chiến sĩ ra đảo mà chủ yếu là Đảo Trường Sa nhằm huấn luyện hàng tháng trời cho quen sóng gió, quen đảo và sát với chiến trường. Mỗi chuyến đi là những thành viên tinh nhuệ nhất khi đã được tập hiệp đồng với các lực lượng và vượt qua vòng khám sức khỏe lần cuối khắt khe. Cùng với đó, Việt Nam cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận mỗi năm ngay cả ở đảo xa nhằm trau dồi kinh nghiệm cũng như các kỹ năng chiến trường của các chiến sĩ nhằm bảo vệ mục đích tối thượng là toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo đất nước.