Việt Nam đang thúc đẩy những bước đầu tiên trong quá trình “xã hội hóa” vaccine, theo đó, Chính phủ và Bộ Y tế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp tiếp cận, mua vaccine và tiêm chủng sớm nhất cho người dân.
Chính phủ lên tiếng bác bỏ thông tin Việt Nam ngừng nhập cảnh đối với công dân nước ngoài đến hết năm 2021 và công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương đến hết 28/7.
Liên quan đến status ‘xin cứu người’ của ông Đoàn Ngọc Hải, Bí thư Quận ủy Quận 3, TP.HCM Phạm Thành Kiên thông tin phản bác.
Về chính sách nhập cảnh của Việt Nam
Chính phủ ngày 27/7 thông tin cho biết, việc một số trang mạng nước ngoài đăng thông tin rằng “Việt Nam chính thức cấm nhập cảnh đến hết năm 2021 với người nước ngoài, đến hết 28/7 với người Việt từ nước ngoài hồi hương về nước” là không chính xác.
“Đây là thông tin giả mạo, không chính xác, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và chính sách của Việt Nam”, cổng thông tin Chính phủ khẳng định.
Đến lúc này, Việt Nam vẫn duy trì thực hiện nhập cảnh có điều kiện (có hạn chế) đối với người nước ngoài theo Thông báo kết luận số 118/TB-VPCP ngày 21/3/2020 về phòng, chống dịch Covid-19.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã căn cứ tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước để đưa ra các hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ chuyên gia, người nước ngoài và thân nhân nhập cảnh vào Việt Nam. Quy trình này được thực hiện theo đúng đối tượng, nhu cầu và mục đích, với sự tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Việt Nam cũng phối hợp với các hãng hàng không trong, ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, căn cứ tình hình dịch bệnh, nguyện vọng của công dân và năng lực cách ly của địa phương.
Các trường hợp đặc biệt sẽ được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cấp thị thực (nếu cần) và các thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng và được cách ly theo quy định.
Với các đối tượng khác là người Việt Nam ở nước ngoài (học sinh, sinh viên, người lao động, Việt kiều) nếu có nhu cầu về nước phải đăng ký với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cơ quan chức năng tổ chức chuyến bay thương mại và phải đăng ký, tuân thủ sự sắp xếp theo từng chuyến, đợt.
Các đối tượng này cũng phải thực hiện nghiêm khai báo y tế, cách ly theo đúng quy định, tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch.
Hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp tiếp cận mua vaccine
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ và có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vaccine, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine kịp thời, khoa học, an toàn và hiệu quả.
Bộ Y tế cũng được yêu cầu có văn bản hướng dẫn và thực hiện thống nhất về tỷ lệ ưu tiên sử dụng vaccine đối với các tổ chức, cá nhân đã chuyển tiền tài trợ Quỹ Vaccine phòng Covid-19 Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban ngành cũng như khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 để có nguồn vaccine sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vaccine.
“Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện”, lãnh đạo Bộ Y tê khẳng định.
Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vaccine này.
Bộ Y tế sẽ cắt gỉảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vaccine, đảm bảo an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine.
Theo đó, đối với các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và uỷ quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vaccine đó.
Đồng thời khi vaccine được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vaccine vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vaccine và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vaccine đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vaccine về Việt Nam, nếu có uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất.
Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vaccine của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.
Tối 27/7: Gần 8 nghìn ca mắc Covid-19 mới
Tối 27/7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 5.149 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 4.469 ca nhiễm là tại TP. Hồ Chí Minh. Trong cả ngày hôm nay, tổng số ca nhiễm được phát hiện là 7.913 ca. Trong ngày, có 1.602 bệnh nhân khỏi bệnh.
Các tỉnh Thái Nguyên, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Đắk Lắk mỗi tỉnh chỉ ghi nhận 1 trường hợp.
Trong ngày 27/7 có 7.913 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 7.911 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 6318 ca, Đồng Tháp (303 ca), Đồng Nai (239 ca), Bình Dương (166 ca), Tây Ninh (144 ca), Long An (75 ca), Vĩnh Long (73 ca), Cần Thơ (71 ca), Tiền Giang (63 ca), Bến Tre (60 ca), Phú Yên (60 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (52 ca), Bình Thuận (45 ca), An Giang (43 ca), Khánh Hoà (26 ca), Đà Nẵng (26 ca), Hà Nội (23 ca), Sóc Trăng (22 ca), Kiên Giang (13 ca), Ninh Thuận (13 ca), Đắk Lắk (12 ca), Vĩnh Phúc (11 ca), Hậu Giang (10 ca), Bình Định (8 ca), Huế (6 ca), Gia Lai (5 ca), Đắk Nông (5 ca), Trà Vinh (3 ca), Quảng Nam (3 ca), Quảng Ngãi (3 ca), Kon Tum (2 ca), Lạng Sơn (2 ca).
Các tỉnh Cà Mau, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Tĩnh mỗi tỉnh ghi nhận 1 ca mắc.
Tính đến chiều ngày 27/7, Việt Nam có tổng 114.260 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 2.203 ca nhập cảnh và 112.057 ca mắc trong nước. Kể từ 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 110.487 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình điều trị, trong ngày 27/7, có 1.602 bệnh nhân được điều trị khỏi. Tổng số người đã được điều trị khỏi bệnh là 22.946 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 211 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 17 ca.
Về tiêm chủng tại Việt Nam, Bộ Y tế cho hay, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm là 4.746.642 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.323.571 liều, tiêm mũi 2 là 423.071 liều.
Quận 3 lên tiếng về status của ông Đoàn Ngọc Hải
Liên quan đến status “nóng” của ông Đoàn Ngọc Hải gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xin cứu bà Ngô Trân Châu, em ruột kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, lãnh đạo Quận 3, TP.HCM đã lên tiếng.
Theo đó, ông Hải đăng nội dung phản ánh đến lãnh đạo TP.HCM về trường hợp em kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – bà Ngô Trần Châu (54 tuổi) mất chiều nay 27/7 ngay trước mắt ông Đoàn Ngọc Hải.
Theo thông tin mà ông Hải đăng tải, bà Châu bị “sốt và khó thở”, gia đình dù đã “kêu gào trong điện thoại từ sáng” nhưng không có cơ quan nào của phường, quận đến xét nghiệm, đưa đi bệnh viện.
“Một điều tôi rất trăn trở là các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện từ lúc sáng nay mặc dù họ đã kêu gào trong điện thoại trước mặt tôi. Đây là một gia đình rất trí thức và hiền lành, những gì họ nói với tôi, tôi tin là chính xác”, trích thông tin mà ông Hải chia sẻ.
Phía gia đình cho biết, bà Châu bị mệt và khó thở từ sáng nay 27/7 nhưng gia đình không gọi được xe đi cấp cứu, chỗ thì gọi không được, nơi gọi được thì chờ mãi không ai đến. Sau đó gia đình có liên lạc với ông Đoàn Ngọc Hải vì ông Hải có xe chở bệnh nhân đi cấp cứu, nhưng vì không có giấy xét nghiệm âm tính nên không đưa đi bệnh viện cấp cứu được.
Theo thông tin gia đình cung cấp, bà Châu bị viêm phổi cấp tính, âm tính với SARS-CoV-2.
Về sự việc này, Bí thư Quận ủy Quận 3 Phạm Thành Kiên phản bác thông tin mà ông Hải đăng, cho rằng, status của ông Hải gây hiểu nhầm là bà Châu mất vì Covid-19.
“Bà Châu mất vì viêm phổi, hoàn toàn không liên quan đến dịch bệnh Covid-19”, vị lãnh đạo nói và cho biết, địa phương cho phép gia đình làm tang lễ tại gia.
Về việc gọi mãi xe cấp cứu nhưng không được ông Kiên cho biết, qua kiểm tra, gia đình có gọi đến phường Võ Thị Sáu lúc 15h36 và lực lượng y tế phường có mặt lúc 15h45.
Ông Phạm Thành Kiên nhấn mạnh, gia đình có gọi đi những nơi nào trước thời điểm gọi cho phường thì địa phương không biết. Kết quả test thì người mất âm tính với Covid-19.
“Thông tin trên Facebook ông Hải phản ánh là không chính xác”, ông Kiên phản bác.
Vụ việc hiện đang thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận.