Công nghệ sản xuất vaccine mà Nhật Bản đồng ý chuyển giao cho Việt Nam là công nghệ tái tổ hợp - Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System).
Như vậy, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận nhất định về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine giữa công ty Acturus, Mỹ với Tập đoàn Vingroup (vaccine công nghệ mRNA), Vabiotech với Shionogi Nhật Bản, Liên bang Nga với thỏa thuận giữa Vabitech và RDIF (vaccine Sputnik V).
Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam
TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, xác nhận, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế (Vabiotech) cùng Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Theo TS. Quang, công nghệ vaccine được phía Nhật chuyển giao cho Việt Nam lần này là công nghệ tái tổ hợp - Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System).
Lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cũng khẳng định, các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vaccine và công nghệ sản xuất.
Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Vabiotech và Công ty DS-Bio đã ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), thực hiện thành công việc đóng ống vaccine Sputnik V bán thành phẩm từ tháng 7/2021.
Theo xác nhận của Vabiotech cũng như từ chính người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, lô vaccine đầu tiên (10.000 liều) khoảng 30 ngàn liều đã được Việt Nam đóng ống thành công và gửi qua Nga đến Viện nghiên cứu vi khuẩn và dịch tễ học quốc gia Gamaleya để đánh giá và kiểm định chất lượng trong 30 ngày.
RDIF nhấn mạnh, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga và Vabotech (một trong những doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu của Việt Nam) đã cùng bắt tay sản xuất thử nghiệm lô vaccine ngừa coronavirus. Cùng với đó, phía RDIF cũng đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển giao công nghệ vaccine cho Vabiotech.
Nếu việc đóng ống thử nghiệm của Việt Nam “đạt yêu cầu” về chất lượng thì nhà sản xuất sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết hợp đồng với Việt Nam và cho phép Vabiotech gia công đóng gói, đóng ống vaccine Sputnik V.
TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech nhấn mạnh, đơn vị có sự chuẩn bị kỹ càng về công nghệ, đội ngũ nhân sự, xử lý dữ liệu, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho việc đóng ống, đóng gói vaccine.
Vabiotech cũng trang bị thêm các loại máy móc, thiết bị cho các bước đóng gói, đóng ống để đáp ứng những điểm mới này đối với Sputnik V.
Nếu mọi thứ thuận lợi, Vabiotech sẽ đóng ống Sputnik V với quy mô trước mắt là 5 triệu liều/tháng, có thể bắt đầu từ tháng 8 với tối thiểu 500.000 liều, sau đó, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine với quy mô 100 liệu/năm.
Đối với công nghệ sản xuất vaccine của Nhật Bản, đại diện Bộ Y tế cho hay, công nghệ Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System) đã được phía đơn vị Shionogi Nhật bản ứng dụng nghiên cứu, sản xuất vaccine nội địa.
Quá trình sản xuất xuất phát từ việc tạo ra các phần protein virus corona (nhân tạo) thông qua công nghệ tái tổ hợp gen virus, nhờ đó chế ra vaccine, đưa vào cơ thể và kích thích quá trình sinh kháng thể ngừa SARS-CoV-2 trên người.
Vaccine của Shionogi hiện vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng, đồng thời, tiến hành xem xét thử nghiệm ở các vùng có dịch bệnh khác như khu vực châu Phi và Đông Nam Á.
Ngoài hợp tác chuyển giao công nghệ vaccine với Nhật Bản, Nga, Việt Nam cũng đã đàm phán với một nhà sản xuất vaccine Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ vaccine mRNA.
Theo đó, công ty Mỹ Acturus đã đàm phán về vấn đề chuyển giao công nghệ cho Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 23/7 vừa qua, Bộ Y tế cho biết, dự kiến tháng 8/2021 này, đã có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.
Nhà máy hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 giữa Acturus và Vingroup sẽ có công suất từ 100- 200 triệu liều/năm.
Cùng với đó, các chuyên gia WHO dự kiến cũng sẽ đến Việt Nam hỗ trợ Bộ Y tế về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, thẩm định đánh giá các vaccine sản xuất trong nước cũng như các vaccine chuyển giao công nghệ.
WHO tiếp tục chuyển vaccine cho Việt Nam
Trong vai trò đồng lãnh đạo cơ chế COVAX, WHO đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo nguồn cung vaccine. Hiện Việt Nam đã tiếp nhận gần 7,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đưa ra các dữ liệu khoa học mới nhất, từ đó giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra các quyết định đúng đắn để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Tổ chức cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp vaccine phòng Covid-19.
Tính đến thời điểm này, cơ chế COVAX đã cung cấp cho Việt Nam gần 7,5 triệu liều vaccine qua 4 đợt hỗ trợ. Trong đó, có hơn 5 triệu liều vaccine Moderna và gần 2,5 triệu liều vaccine Astra Zeneca.
“Trong các tuần tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển nhiều lô vaccine hơn tới Việt Nam để giúp Chính phủ Việt Nam bảo vệ cuộc sống của người dân”, TS. Kidong Park cho biết.
Ngoài ra, WHO cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc lên kế hoạch cho chiến dịch tiêm chủng, đào tạo, giám sát quy trinhf và đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai tiêm chủng tại các khu vực khó tiếp cận. Tổ chức Y tế Thế giới cũng tham gia đánh giá hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam.
WHO còn giúp đỡ Việt Nam về mặt kỹ thuật trong việc tăng cường năng lực của hệ thống quản lý vaccine, bao gồm cả việc hướng dẫn nghiên cứu và phát triển vaccine phòng Covid-19.
Chuyên gia WHO nói gì về đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam?
Theo TS. Kidong Park, biến chủng Delta đang là nguyên nhân chính gây ra đợt dịch thứ tư tại Việt Nam. Ông Park nhận định, đợt dịch thứ tư này có tính chất phức tạp hơn nhiều so với những đợt dịch trước do chủng virus mới có khả năng lây lan mạnh.
“Một vài tuần sắp tới sẽ rất quan trọng để xem với việc áp dụng nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ liệu chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng lây lan của dịch bệnh tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành khác hay không”, TS. Kidong Park lưu ý.
Chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng toàn diện, chú trọng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng dễ bị tổn thương là một biện pháp quan trọng, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, cũng như kéo giảm số lượng các ca tử vong do Covid-19.
“Việc thực hiện mạnh mẽ các biện pháp này, kết hợp với việc xác định nhanh các ca bệnh nhờ thực hiện xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh”, đại diện WHO nhấn mạnh.
Đại diện WHO kiến nghị chiến lược chống Covid-19 cho Việt Nam
TS. Kidong Park nhấn mạnh, các biện pháp giãn cách xã hội chỉ thành công nếu nhận được sự đồng lòng của tất cả mọi người dân, cùng chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch đã được đặt ra.
“Việc kiểm soát virus SARS-CoV-2 lây lan không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng để từ đó Việt Nam có thể một lần nữa chiến thắng được đại dịch COVID-19”, đại diện WHO kêu gọi.
Theo ông Park, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh sự nguy hiểm của biến thể Delta đang hoành hành tại các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam là một trong số đó. Một nghiên cứu mới đây tại Trung Quốc cũng cho thấy, biến chủng này phát triển nhanh hơn, với tải lượng virus cao hơn nhiều lần so với các biến thể trước đó.
Dù vậy, ông Park khẳng định, có dù biến thể mạnh đến mức nào thì các biện pháp bảo vệ mà chúng ta đang áp dụng vẫn sẽ mang lại hiệu quả.
“Mọi người cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc 5K. Chúng ta cần đeo khẩu trang, tránh không gian kín, tránh tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên. Tất cả các biện pháp này đều có vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh”, đại diện WHO khuyến cáo.