Các nhà đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, Việt Nam phải hành động ngay để đón xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng rời bỏ Trung Quốc, duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu về phục hồi kinh tế.
Đại diện hiệp hội các doanh nghiệp nước ngoài khẳng định lạc quan về tương lai của Việt Nam. Họ tin tưởng vào sức mạnh và sự kiên cường của người Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam, đồng thời, cam kết đồng hành cùng Việt Nam và đầu tư lâu dài vào đất nước đang
Các doanh nghiệp FDI gửi “tâm thư” đến Thủ tướng Phạm Minh Chính
Vốn FDI sẽ không đổ vào Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những ông lớn trong chuỗi chuyển dịch toàn cầu sẽ không chọn Việt Nam nếu chậm mở cửa về kinh tế.
Hoàn toàn không phải “chuyện đùa”. Đây là cảnh báo rất thật, là “tâm thư” được ba Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - ASEAN gửi lên Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính với mong muốn Việt Nam mở lại nền kinh tế sớm, có lộ trình cụ thể rõ ràng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
© AFP 2023 / Dương Giang-TTXVN
“Tâm thư” của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đề xuất với lãnh đạo Chính phủ chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực”, về chiến lược nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Trong thư, đại diện các doanh nghiệp FDI hàng đầu đất nước liên tục nhắc đi nhắc lại việc, Việt Nam phải hành động ngay để không bỏ lỡ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng rời bỏ Trung Quốc, duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu về phục hồi kinh tế.
“Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế”, các doanh nghiệp FDI kiến nghị.
Vì sao cần Việt Nam sớm mở cửa nền kinh tế?
Trong “tâm thư” gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ, cac doanh nghiệp nước ngoài lý giải vì sao Việt Nam cần sớm mở cửa lại nền kinh tế, nhanh chóng có lộ trình khôi phục hoạt động kinh doanh sản xuất, phục hồi an toàn.
Các doanh nghiệp FDI nhấn mạnh đến lộ trình phục hồi kinh tế Việt Nam, đặc biệt là cho Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các lệnh giãn cách xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội đất nước, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân, công nhân lao động.
Theo các hiệp hội, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài rút đơn hàng, rút vốn khỏi đất nước, lựa chọn quốc gia khác an toàn hơn, có tình hình kiểm soát Covid-19 tốt hơn, cơ hội hiệu quả và an toàn đầu tư cao hơn. Đó là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường hiện nay.
“Khảo sát gần đây của các hiệp hội cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, với nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành”, các hiệp hội nêu thực tế.
Cả 4 hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ - ASEAN đều có chung nhận định Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại đất nước.
“Khi sản xuất dịch chuyển (ra khỏi Việt Nam) thì sẽ rất khó để quay lại, đặc biệt khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác”, các doanh nghiệp FDI lưu ý.
Các doanh nghiệp nước ngoài nhấn mạnh, đầu tư sẽ không tăng nếu Việt Nam không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi mà các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn do những bất ổn hiện tại.
“Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài”, ‘tâm thư’ nêu rõ.
Giới đầu tư quốc tế cũng cảnh báo Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng rời Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy (thay thế công xưởng hàng đầu thế giới hiện nay – Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).
“Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ”, các hiệp hội khẳng định.
Vaccine là then chốt, Chính phủ nên đơn giản hóa và thống nhất về thủ tục
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khẳng định ủng hộ mạnh mẽ hoạt động ngoại giao vaccine của Việt Nam và nêu rõ, vaccine chính là yếu tố then chốt, là chìa khoá để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.
Nhóm hiệp hội tiếp tục mong muốn Chính phủ ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền, shipper, lao động bán lẻ hàng thiết yếu và dược phẩm, lao động tại các khu công nghiệp, cảng hàng hóa, logistics, đặc biệt là tại khu vực phía Nam, khu vực kinh tế trọng điểm nhưng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do số lượng ca nhiễm tăng cao và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Liên quan đến đề xuất hộ chiếu vaccine và “thẻ xanh, thẻ vàng”, nhóm hiệp hội đánh giá kế hoạch này có thể là một phần hữu dụng trong chiến lược tái mở cửa, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, cụ thể.
Vấn đề khúc mắc lớn nhất nằm ở hệ thống ứng dụng kiểm soát và sự phối hợp của các bộ ngành cũng như địa phương để có sự nhận diện thống nhất. Các hiệp hội cũng thống nhất cần phải có một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi đơn giản, đồng bộ.
“Hầu hết, các doanh nghiệp đều đặt câu hỏi về một một ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi sẽ được điều phối như thế nào giữa các bộ/ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận, đi lại một cách nhất quán khi áp dụng hệ thống vaccine điện tử”, tâm thư của các doanh nghiệp FDI bày tỏ.
Song song đó, theo các doanh nghiệp FDI, hệ thống quản lý hành chính của Chính phủ Việt Nam cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian dịch bệnh, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.
Những điều này cần được triển khai sớm để nền kinh tế có thể phục hồi, sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái bình thường mới ngay bây giờ”, các doanh nghiệp nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện.
Đã đến lúc để Việt Nam mở cửa lại du lịch một cách an toàn
Nhóm các hiệp hội cũng đề cập tới nhiều vấn đề cấp thiết như sự tham gia của y tế tư nhân, sự cấp thiết của việc mở cửa trở lại khu vực sản xuất, an ninh lương thực và sự phối hợp thống nhất của chính quyền trung ương và địa phương tại Việt Nam.
Đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực. Theo AmCham Việt Nam, Acean USABC, EuroCham và KoCham, đây là vấn đề tối quan trọng. Họ cho rằng, những biện pháp giãn cách xã hội gần đây của Việt Nam đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng còn lại, gây khó khăn cho cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực.
“Nhân viên giao hàng (shipper), người bán hàng, giao dịch ở chợ, và các chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên cho việc tiếp cận vaccine và cần được mở cửa trở lại ngay lập tức. Chính phủ cần xem xét các nhà hàng cũng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm hiện nay”, các doanh nghiệp lưu ý.
AmCham Việt Nam, Acean USABC, EuroCham và KoCham cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam lên kế hoạch mở cửa lại du lịch một cách an toàn.
“Việt Nam một lần nữa sẽ là điểm đến hàng đầu của du lịch cả trong nước và quốc tế”, các doanh nghiệp nhấn mạnh.
Nhóm các hiệp hội hoan nghênh các đề xuất về mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa-Vũng Tàu và mong muốn được hợp tác với Thủ tướng để tái mở cửa du lịch một cách an toàn và bền vững thời gian sắp tới.
Lạc quan về tương lai của Việt Nam
Đại diện các doanh nghiệp FDI đều thể hiện mong muốn sẵn sàng hợp tác với Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với các nhà làm chính sách Việt Nam để đẩy nhanh lộ trình mở cửa lại nền kinh tế.
Cả Amcham (Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ), EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc) và US-ABC (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN) đều nhấn mạnh việc cần thiết chia sẻ mối quan tâm, khuyến nghị chính của các doanh nghiệp nước ngoài và mong muốn được tham dự các cuộc họp với đại diện Chính phủ (các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam…hoặc các bộ ngành liên quan) với cộng đồng doanh nghiệp sắp tới.
Các hiệp hội cam kết ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ các mục tiêu kép Covid-19 của Chính phủ Việt Nam là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người dân, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Các doanh nghiệp FDI cũng đồng thời, ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để “sống chung với virus (corona chủng mới) một cách an toàn”.
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn chung tay cùng với Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành khắp cả nước, đặc biệt là TP HCM, vùng kinh tế phía Nam và Đà Nẵng tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái “bình thường mới”.
Có thể nói, như Sputnik đã thông tin, nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam ngày càng tăng, chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI là các quốc gia trong khu vực cũng đang nỗ lực thu hút nguồn vốn này. Điểm mấu chốt là làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 lần này đã tác động rất lớn tới hoạt động kinh tế của Việt Nam, trong đó, có hoạt động của các doanh nghiệp FDI.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, có tới 16% doanh nghiệp khối này chuyển đơn hàng sang các nước khác. Đồng thời có khoảng 18% doanh nghiệp FDI cân nhắc chuyển đơn hàng đi nơi khác vì tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và các biện pháp giãn cách kéo dài ở Việt Nam hay không. Đây là thực tế đáng lo ngại.
Do đó, Việt Nam cần thực hiện phòng chống dịch hiệu quả để quay lại trạng thái “bình thường mới”, thu hút các nhà đầu tư FDI mới và giữ vững niềm tin đối với các nhà đầu tư đã và đang làm ăn ở Việt Nam. Chính phủ cần làm sao để nhanh chóng giúp các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh là việc làm cấp thiết hiện nay.
Bày tỏ rất nhiều khó khăn, đồng thời, gửi gắm loạt khuyến nghị đối với Chính phủ, nhưng chốt lại, trong thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ, đại diện AmCham (Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ), EuroCham (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu), KoCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc) và US-ABC (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN) đều nhấn mạnh, tin tưởng vào Việt Nam, triển vọng hồi phục và cam kết làm ăn lâu dài ở đất nước đầy tiềm năng này.
“Chúng tôi lạc quan về tương lai của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh và sự kiên cường của người Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Việt Nam và đầu tư lâu dài”, các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, ASEAN – Hoa Kỳ, Hàn Quốc khẳng định.