Việt Nam vẫn là cứ điểm chiến lược đa dạng hóa ‘Trung Quốc +1’ trên thế giới

Việt Nam không chỉ là cứ điểm chiến lược toàn cầu của Samsung mà còn tiếp tục là quốc gia đón dòng vốn FDI mạnh mẽ theo xu hướng chuyển dịch toàn cầu trong chiến lược đa dạng hóa ‘Trung Quốc+1’ trên toàn thế giới.
Sputnik
Công ty Dịch vụ Tài chính DBS của Singapore cho rằng, điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam, FDI vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP nền kinh tế trong dài hạn.
“Điều tồi tệ nhất đã qua với Việt Nam”
Vừa qua, Công ty Dịch vụ Tài chisnhh DBS của Singapore đã có công bố báo cáo về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Nhà kinh tế Chua Hang Ten của DBS nhấn mạnh quan điểm rằng, điều tội tệ nhất, quãng thời gian khó khăn nhất, khoảng tối nhất đối với nền kinh tế Việt Nam đã qua, hướng đến tương lai triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ sắp tới.
Theo đó, ông Chua Hang Ten thừa nhận, Việt Nam đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 này.
Như Tổng cục Thống kê đã thông tin trước đó về các chỉ số tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam – cho thấy bức tranh toàn cảnh nền kinh tế bị giáng đòn mạnh như thế nào bởi làn sóng Covid-19 thứ tư lần này.
Việt Nam vẫn là ‘át chủ bài’ quan trọng của Samsung
Tổng sản phẩm quốc nội (tổng sản phẩm trong nước- GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Tính chung, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 4,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 18,8%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 30,5%. Đáng chú ý, Việt Nam nhập siêu lên đến 2,13 tỷ USD.
Nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm sâu là do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Cùng với đó, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Chuyên gia kinh tế của Công ty DBS Singapore cho rằng, kinh tế Việt Nam giảm 6,2% trong quý III vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, đã phản ánh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất.
Theo chuyên gia kinh tế của DBS, chính do mức giảm sâu trong quý III này khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam khó lấy lại mức 2,9% như năm 2020, thấp hơn nhiều so với mục tiêu GDP mà Quốc hội giao Chính phủ là 6-6,5% năm 2021.
Do đó, cũng như các thể chế tài chính toàn cầu khác như WB, ADB, IMF, chuyên gia kinh tế hàng đầu của DBS cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ mức 5,0% xuống 1,8%.
Bên cạnh đó, do cầu giảm nên CPI có khả năng sẽ thấp hơn trung bình, từ mức 3,3% xuống 2,1%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra vô cùng lạc quan với triển vọng tăng trưởng năm sau của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo DBS, năm 2022 có vẻ tươi sáng hơn rất nhiều đối với Việt Nam. DBS Group Research đã nâng dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam lên 8,0%, so với 6,8% trước đó.
“Điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam, khi đất nước dần mở cửa trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục đẩy mạnh, trên đà tăng nhanh và tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 giảm đi”, nhà kinh tế học Chua Hang Ten nêu rõ trong báo cáo.
DBS kỳ vọng lĩnh vực bán lẻ và giải trí của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa trong bối cảnh các quy định được nới lỏng hơn cùng sự thích nghi cao hơn đối với việc 'sống chung với Covid-19'.
Theo ước tính của công ty Singapore, doanh số bán lẻ dịch vụ lưu trú và ăn uống của Việt Nam có khả năng phục hồi vào năm 2022.
Việt Nam điểm đến hấp dẫn cho chiến lược đa dạng hóa 'Trung Quốc + 1'
Các chuyên gia của DBS cho rằng, FDI vẫn là động lực chính tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ông Chua Hang Ten nhấn mạnh, trong bối cảnh các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp ở TP.HCM được từng bước mở lại, kết hợp với các biện pháp ​​ngăn xét nghiệm sàng lọc Covid-19, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ sớm được phục hồi.
Báo cáo của BDS cũng tin rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, tổng số dự án đầu tư FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy số vốn đăng ký lại tăng 20,6%.
FDI, nền kinh tế và ổn định chính trị, vì sao Samsung sẽ không rời bỏ Việt Nam?
Tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam trong 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với các số liệu này, chuyên gia kinh tế của DBS cho rằng, dòng vốn này vẫn có khả năng đạt mức cao mới trong năm nay.
Theo ông Chua Hang Ten, dòng chảy mạnh phản ánh việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
“Nhìn xa hơn, Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn cho chiến lược đa dạng hóa 'Trung Quốc + 1' của các công ty, do những lợi thế như chi phí lao động cạnh tranh và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do rộng khắp”, chuyên gia từ DBS nói.
Chuyên gia cũng nêu rõ trong báo cáo rằng, bất chấp sự ảm đạm về kinh tế nói chung, đại dịch đã tăng tốc đáng kể quá trình kỹ thuật số hóa và tăng cường áp dụng công nghệ ở Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã chứng kiến ​​sự gia tăng về điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP thực tế vào năm 2021 so với thời điểm trước Covid-19.
DBS nhấn mạnh, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
“Việc nâng cao kỹ năng kỹ thuật, kỹ thuật số và chất lượng của lực lượng lao động được phát triển trong những năm tới, sẽ không chỉ giúp tăng năng suất mà còn cho phép Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị sản xuất và thu hút thêm vốn FDI”, chuyên gia của DBS khẳng định.
Đưa Việt Nam thành ‘cứ điểm chiến lược’ thu hút FDI
Như đã biết, với hành trình hơn 13 năm hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đến nay, Samsung đã trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất ở quốc gia Đông Nam Á này, hiệu quả kinh doanh sản xuất của tập đoàn Hàn Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến GDP Việt Nam.
Như Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, năm 2008, Samsung chính thức nhận giấy phép đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh.
Choi Joo Ho
Đây là dự án đầu tiên trong đại kế hoạch đầu tư cho di động của Samsung tại Việt Nam, có vai trò quan trọng tạo tiền đề vững chắc cho sự mở rộng quy mô đầu tư của Samsung trong hành trình đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn.
Sau 13 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư đã tăng gấp 26 lần, lên tới 17,7 tỷ USD.
FDI vào Việt Nam, gió đã đổi chiều?
Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm sáu nhà máy và một Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP. Hồ Chí Minh) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á, và SVMC là Trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.
Cùng với đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển R&D mới được xây dựng tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, đội ngũ kỹ sư làm việc tại đây sẽ được bổ sung lên tới 3.000 người.
“Hiện tại Samsung Việt Nam đang vượt qua vai trò cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu tại Việt Nam”, ông Choi nhấn mạnh.
Lãnh đạo Samsung Việt Nam cũng nêu rõ, giữa làn sóng dịch Covid-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu.
Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại TP.HCM nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại, dự kiến, Samsung Việt Nam sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”, Tổng Giám đốc Choi thông tin.
Vị lãnh đạo cho biết, nếu trước đây Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất, trong thời gian tới sẽ nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam của công ty lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc xây dựng Trung tâm R&D.
Ông Choi Joo Ho tin rằng, dù có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch Covid-19 nhưng về lâu dài Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đại dịch là một tin vui đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo lãnh đạo Samsung, nếu Việt Nam thực hiện đúng chiến lược tại nghị quyết này, cùng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và tăng cường điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì.
Vốn FDI có đang chạy khỏi Việt Nam?
Trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế bị đứt gãy, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, điều mà Samsung Việt Nam và các doanh nghiệp FDI đề xuất là dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào, dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không dừng hoạt động và vẫn vận hành theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn.
Lãnh đạo Samsung đề xuất, nếu giữa các tỉnh, nơi tập trung chủ yếu nhiều khu công nghiệp, có thể thống nhất được một quy trình về phòng dịch để việc lưu thông vận chuyển người và hàng hóa được diễn ra thuận lợi, có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại trong các tình huống bất thường như dịch Covid-19.
Nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm gần đây với Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Samsung cho biết sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư vào thị trường này dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất.
Ông Choi cũng tin rằng, trong thời gian tới, xu hướng của đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do vị thế của Việt Nam được cải thiện trên trường quốc tế sau thành công trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 và các hiệp định thương mại mà quốc gia Đông Nam Á này đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP, kế đó sẽ là RCEP.
Thảo luận