FDI đổ vào Việt Nam khởi sắc, người Việt tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài

Vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng mạnh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến hết 20/10 đạt 23,74 tỷ USD, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều khởi sắc.
Sputnik
Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng mạnh, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt ra ngoài lãnh thổ (vốn cấp mới và tăng thêm) tăng đến 35,1% so với cùng kỳ đạt 646 triệu USD.

FDI vào Việt Nam tăng

Theo số liệu mới cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cũng như Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tính hết ngày 20/10/2021 theo hình thức đăng ký mới, điều chỉnh vốn, góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, 10 tháng có 1.375 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 13 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ).
Các “ông lớn” FDI như Apple, Intel, Foxconn muốn mở rộng sản xuất ở Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có 776 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD (tăng 24,2%) và 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 3,63 tỷ USD (giảm 40,6%).
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, mức tăng ấn tượng đạt được do 10 tháng qua, Việt Nam có ba dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, trong đó có dự án Điện khí LNG Long An trị giá 3,1 tỷ USD, nhà máy LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD, Nhiệt điện Ô Môn II tăng 1,31 tỷ USD, gộp chung lại vốn đăng ký mới và tăng thêm đều biến động mạnh so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm 33,1% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam 10 tháng năm 2021 này. Trong khi đó, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 33,1%, 27,8% và 16% tổng số dự án.
Ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 23,3%. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,12 tỷ USD và trên 803 triệu USD.
Trong tổng số 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam 10 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6%. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2%. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
FDI, nền kinh tế và ổn định chính trị, vì sao Samsung sẽ không rời bỏ Việt Nam?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, dù Hàn Quốc đứng thứ hai về số vốn đầu tư nhưng lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, cũng như số lượt góp vốn mua cổ phần. Đồng thời, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc cũng là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất, điển hình như Samsung hay LG.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của địa phương này).
TP.HCM xếp thứ hai với trên 2,73 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 2,73 tỷ USD, chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư.
Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ý đạt 2,73 tỷ USD, chiếm gần 11,5% vốn FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm nay.
Ước tính, 10 tháng đầu năm 2021 các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 15,15 tỷ USD vốn FDI, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2021 nhưng đã cao hơn so với cùng kỳ tháng trước (giảm 3,5%).
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng giải ngân vốn đầu tư sẽ cải thiện hơn trong các tháng cuối năm.

Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng mạnh

Số liệu từ Tổng cục thống kê nêu trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2021 cho thấy, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đạt 646 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước.
Có 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn của phía Việt Nam là 218,3 triệu USD.
FDI vào Việt Nam, gió đã đổi chiều?
Có 18 lượt dự án điều chỉnh vốn, với số vốn tăng thêm 427,7 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) tính đến 20-10-2021 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện giảm 4,1%.
Trong đó, vốn FDI vào Việt Nam đăng ký cấp mới có 1.375 dự án được cấp phép, với số vốn 13,02 tỷ USD, giảm mạnh 34,5% về số dự án và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 776 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn thêm 7,09 tỷ USD, tăng 24,2%. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.063 lượt, với tổng giá trị 3,63 tỷ USD, giảm 40,6%.
Báo cáo hôm 8/10 của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành.
Trong đó ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 270,8 triệu USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư.
Ngành bán buôn, bán lẻ đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 148,1 triệu USD, chiếm gần 25,9%; tiếp theo là các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
Có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021.
‘Không phải chuyện đùa’: FDI sẽ rời Việt Nam nếu chậm mở cửa kinh tế
Việt Nam đầu tư mạnh nhất vào Hoa Kỳ với 3 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 302,8 triệu USD, chiếm 52,9% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 89,4 triệu USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Lào, Canada với vốn đầu tư đạt trên 47,8 triệu USD và gần 32,1 triệu USD.
Lũy kế đến 20/09/2021, Việt Nam đã có 1.429 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam trên 21,8 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (36,3%). Trong khi đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,8%); Campuchia (13,1%); Nga (12,9%).
Đáng chú ý, vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài tăng mạnh, trong đó có dự án của Vingroup tại Mỹ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và một dự án của VinFast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Thảo luận