Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi khẳng định “không có vùng cấm” trong công tác điều tra, xử lý đối với những người có liên quan, kể cả là lãnh đạo, cán bộ Công an trong vụ Mười Tường.
Công an tỉnh An Giang hiện cùng với Ban Chỉ đạo 389 quyết tâm đánh mạnh, đánh trúng vào tội phạm buôn lậu, nhất là xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia.
Vụ Mười Tường: Đình chỉ 3 cán bộ Công an An Giang
Trưa 22/11, Công an tỉnh An Giang đã quyết định tạm đình chỉ 3 cán bộ của đơn vị liên quan đến vụ ‘bà trùm’ buôn lậu Mười Tường – Nguyễn Thị Kim Hạnh.
Theo đó, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang xác nhận, lãnh đạo Công an tỉnh vừa ký quyết định đình chỉ công tác đối với 3 cán bộ thuộc công an tỉnh do có liên quan đến đường dây buôn lậu “bà trùm” Mười Tường - Nguyễn Thị Kim Hạnh (sinh năm 1969, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cầm đầu.
Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, đây là 2 lãnh đạo cấp phòng, 1 điều tra viên.
“Vụ việc hiện đang được tập trung điều tra, xác minh, làm rõ”, Công an tỉnh An Giang thông tin.
Đây là động thái mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” do bà trùm Nguyễn Thị Kim Hạnh, tức Mười Tường, cầm đầu.
Lãnh đạo Công an tỉnh An Giang xác định ba cán bộ Công an có liên quan đến vụ án của Mười Tường.
Giám đốc Công an tỉnh An Giang cũng khẳng định sẽ xử lý vụ việc nghiêm khắc, “không có vùng cấm” trong công tác điều tra, xác minh đối với những người có liên quan trong vụ án buôn lậu lớn của Mười Tường – Nguyễn Thị Kim Hạnh ở địa phương.
Như đã thông tin, liên quan đến đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới do Nguyễn Thị Kim Hạnh cầm đầu, đến nay Công an tỉnh An Giang đã khởi tố Nguyễn Thị Kim Hạnh cùng hàng chục đối tượng và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án theo quy định của pháp luật.
Vụ buôn lậu rửa tiền của “bà trùm” Mười Tường Nguyễn Thị Kim Hạnh
Như Sputnik đã đưa tin, ngày 30/10/2020, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang phối hợp cùng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ bắt giữ 51 kg vàng từ Campuchia vận chuyển vào Việt Nam do bà Mười Tường (Nguyễn Thị Kim Hạnh) điều hành.
Sau khi vụ việc bị Công an phanh phui, bà Mười Tường bỏ trốn khỏi địa phương. Đến tháng 7/2021, Mười Tường cùng các đồng bọn gồm Lê Thị Bạch Vân (sinh năm 1966), Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1989), Phạm Tấn Lộc (sinh năm 1989), Võ Văn Trung (sinh năm 1980), Mai Thị Ngọc Phấn (sinh năm 1979), Nguyễn Văn Lê (sinh năm 1984), Phạm Thanh Sang (sinh năm 1982) lần lượt bị bắt giữ.
Đến ngày 7/8/2021, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố thêm 7 bị can gồm Phấn, Lê, Tuyết Vân, Trần Hoàng Yên (sinh năm 1998), Dương Công Cường (sinh năm 1950), Trương Thái Nguyên (sinh năm 1980) cùng ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang và Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa (sinh năm 1989, ngụ TP.HCM) về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong đó, Vân, Cường, Nguyên, Nghĩa là chủ các tiệm kinh doanh vàng trên địa bàn TP Châu Đốc.
Đến ngày 12/8, công an tiếp tục bắt giữ 2 đàn em của Mười Tường là Võ Văn Kha (sinh năm 1972) và Trần Văn Phương (sinh năm 1973), trong lúc 2 đối tượng nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Ngày 13/8, Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố Mười Tường thêm 2 tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Đến ngày 28/10, công an tiếp tục ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Võ (sinh năm 1968) để điều tra về hành vi “rửa tiền”. Cần nhấn mạnh, đối tượng Nguyễn Văn Võ từng giữ nhiều chức vụ như Trưởng Phòng CSGT Đường thủy, Trưởng Phòng Hồ sơ Công an tỉnh An Giang.
Quá trình điều tra, công an xác định, ông Võ có hành vi tham gia trực tiếp các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên 3 tỷ đồng của Mười Tường do phạm tội mà có.
Cùng trong ngày 29/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thực hiện Lệnh khám xét một số nơi ở của bị can Nguyễn Văn Võ. Trong quá trình khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ được một số tài liệu, tang vật liên quan đến vụ án.
Theo Công an tỉnh An Giang, đường dây vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới do trùm buôn lậu Nguyễn Thị Kim Hạnh cầm đầu đã tồn tại và hoạt động nhiều năm nay, thu lợi bất chính số tiền rất lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, có quy mô hoạt động rộng ở nhiều tỉnh, thành phố và trên tuyến biên giới Tây Nam.
Công an tỉnh An Giang đánh mạnh vào tội phạm buôn lậu
Theo thông tin từ Công an tỉnh An Giang, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, địa phương đã tổ chức hơn 200 chốt dọc biên giới (dài gần trăm kilomet) và thực hiện nhiệm vụ kép – vừa quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng chống dịch bệnh.
Công an tỉnh An Giang đã xác lập, đầu tranh với nhiều loại tội phạm, lập hàng loạt chuyên án đánh mạnh, đánh trúng vào các đường dây buôn lậu hoạt động ở địa phương.
Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, hiện tình hình buôn lậu tuyến biên giới có ổn hơn trong nội địa do trước đó các lực lượng chỉ tập trung vào tuyến biên giới, xác lập các chuyên án, đấu tranh các đối tượng đầu nậu.
“Qua thời gian, các đối tượng cầm đầu, đầu nậu đã bị bắt cùng với đó là việc kiện toàn lại lực lượng, tập trung truy quét cả biên giới và nội địa bao gồm kiểm soát hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không hóa đơn”, Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết.
Từ cuối năm 2020, Công an tỉnh An Giang đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh xây dựng và thực hiện nhiều tổ công tác gồm các lực lượng phối hợp gồm Công an, Biên phòng, Quân sự, Hải quan, Quản lý thị trường để phòng chống buôn lậu, nhất là qua biên giới.
Từ đầu năm 2021, các lực lượng chức năng An Giang đã phát hiện bắt giữ gần 4.500 vụ buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, liên quan gần 170 đối tượng với tổng trị giá hàng hóa gần 11 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tình hình buôn lậu đường cát, thuốc lá… qua biên giới mặc dù đã giảm nhiều nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn tìm cách vận chuyển về Việt Nam.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh An Giang, thời gian gần đây đã phát sinh thủ đoạn mới, các đối tượng buôn lậu sử dụng bộ hồ sơ hải quan của doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường cát của Campuchia để đối phó khi các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, lợi dụng đường phèn có cơ chế nhập khẩu nên các đối tượng đã dùng đường cát để nấu đường phèn tại Campuchia sau đó chuyển về Việt Nam.
Giám đốc Công an tỉnh An Giang khẳng định, trong bối cảnh, tình trạng tội phạm buôn lậu ngày càng tăng, nhất là vào dịp cuối năm, lực lượng chức năng sẽ kiên quyết tăng cường biện pháp xử lý vi phạm, không để phát sinh các đường dây, điểm nóng về buôn lậu, gian thương, hàng giả.
Lãnh đạo Công an tỉnh An Giang hiểu rằng, đặc thù tuyến biên giới của tỉnh An Giang tiếp giáp với Campuchia có nhiều đường mòn, lối mở, đường sông, kênh rạch, rất thuận lợi cho các loại tội phạm hoạt động.
Trong khi đó, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng đối phó, chống trả lực lượng lực chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Do đó, lực lượng phòng, chống buôn lậu của tỉnh An Giang đã và đang phải có sự phối hợp thật chặt chẽ, hiệu quả mới có thể đạt kết quả tốt trong đấu tranh, phòng, chống buôn lậu phòng chống tội phạm nguy hiểm này.
Đại tá Đinh Văn Nơi nêu rõ, các lực lượng chức năng không chỉ truy quét trên địa bàn của tỉnh An Giang, mà còn phối hợp chặt với phía Campuchia để nắm bắt tất cả các đối tượng đầu nậu.
“Đối với một số đường mòn lối mở đã được tỉnh bố trí lực lượng mai phục”, Đại tá Nơi nói.
Ngoài ra, tỉnh An Giang còn phối hợp với lực lượng chức năng của các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An áp dụng những biện pháp nghiệp vụ để bắt giữ, xử lý các đầu nậu, buôn lậu chuyên nghiệp.
“Công an An Giang quyết tâm không để đầu nậu, hàng lậu trôi nổi trên địa bàn, kể cả là hoạt động nhỏ lẻ”, Đại tá Đinh Văn Nơi cam kết.