Samsung đã rót bao nhiêu tiền để đưa Việt Nam thành “cứ điểm sản xuất toàn cầu”?

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có cuộc gặp với Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, qua đó tiết lộ thông tin về chuyến thăm chính thức Hàn Quốc sắp tới theo cơ chế đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng.
Sputnik
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục khẳng định lập trường của Chính phủ - ủng hộ chiến lược đầu tư làm ăn lâu dài của tập đoàn Hàn Quốc, tiếp tục đưa Việt Nam thành “cứ điểm toàn cầu” của Samsung.
Cần nhấn mạnh, Samsung là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam gần 18 tỷ USD, hiện sở hữu 8 nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu ở quốc gia Đông Nam Á này.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sắp thăm Hàn Quốc

Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có buổi tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho.
Đặc biệt, tại cuộc gặp đại diện Tập đoàn Samsung, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin về chuyến thăm chính thức Hàn Quốc sắp tới theo cơ chế đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng giữa Hà Nội và Seoul.
Theo thông tin từ đại diện lãnh đạo Chính phủ, trong chuyến công du Hàn Quốc sắp tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ có buổi làm việc với người đồng cấp Hàn Quốc nhằm đánh giá lại kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước kể từ sau cuộc Đối thoại lần thứ nhất về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng vào năm 2019.
Phát biểu tại cuộc tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Hà Nội và Seoul tiếp tục hợp tác mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực như chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại 2 chiều, lao động việc làm, ODA, văn hóa, giáo dục, công nghệ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Hoo
Theo ông Lê Minh Khái, trong những thành tựu chung mà Việt Nam và Hàn Quốc đạt được, có sự đóng góp của các doanh nghiệp hai nước, mà đặc biệt là Samsung với tư cách “nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam”.
Vì là nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt, nên Chính phủ muốn lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để có cơ sở trao đổi với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc trong chuyến thăm tới, trên tinh thần tạo điều kiện cho Tập đoàn Samsung sản xuất hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, nếu trong quá trình hoạt động, Samsung có gặp khó khăn gì, vướng mắc thì có thể chia sẻ, đề xuất, trên tinh thần hợp tác, trao đổi, cùng tìm biện pháp tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Samsung đã rót bao nhiêu tiền đầu tư vào Việt Nam?

Báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho thông tin, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam gần 18 tỷ USD.
Con số chính xác được đề cập trong cuộc gặp là tổng cộng 17,74 tỷ USD, tỷ lệ giải ngân đạt 100% số vốn đã đăng ký.
Ông Choi nhấn mạnh, tính đến thời điểm này, trên lãnh thổ Việt Nam, Samsung đã có 8 cơ sở (6 nhà máy sản xuất, một cơ sở kinh kinh doanh – pháp nhân bán hàng và một trung tâm nghiên cứu & phát triển). Đồng thời, các dự án lớn của Tập đoàn tập trung tại 3 địa phương là Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài tập trung sản xuất điện thoại di động, đồ gia dụng, Samsung Việt Nam còn sản xuất các linh kiện chính cho các mặt hàng công nghệ cao khác như smartphones, TV. Số lao động hiện đang làm việc tại Samsung Việt Nam là khoảng 110.000 công nhân viên.
Có thể thấy, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc này tạo ra khối lượng lớn việc làm cho người lao động Việt Nam tại các địa phương “cứ điểm” như Bắc Ninh, TP.HCM, Thái Nguyên.
Báo cáo về tình hình kinh doanh, sản xuất năm 2021, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho hay, tính trong 10 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam của Samsung đạt 60,47 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 53,52 tỷ USD.
Samsung muốn ở lại và dự án khu công nghiệp sạch kiểu Hàn Quốc đầu tiên ở Việt Nam
Chia sẻ với đại diện lãnh đạo Chính phủ, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh, trong thời điểm Việt Nam bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các nhà máy của Tập đoàn gặp khó khăn trong việc cung ứng linh kiện, phải tổ chức sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” nhằm đảm bảo mục tiêu kép – vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Choi, khi dịch diễn biến phức tạp, tỷ lệ vận hành của doanh nghiệp chỉ đạt 40%, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Trong tình hình khó khăn ấy, Tập đoàn Samsung đã luôn nhận được sự hỗ trợ toàn diện, hiệu quả của các cấp chính quyền Việt Nam. Các nhà máy ở khu vực miền Bắc đã hoạt động trở lại từ tháng 8/2021 và khu vực miền Nam từ tháng 11/2021 cũng đi vào sản xuất ổn định.
Nhờ vào nỗ lực chung, kết quả sản xuất, kinh doanh đã tăng trưởng. Năm 2020, doanh thu đạt 56,5 tỷ USD, năm nay dự kiến mức tăng còn hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là điều hết sức đáng khích lệ.
Đại diện Samsung khẳng định, đạt được những thành tích tốt đáng mừng ấy, ngoài sự cống hiến của người lao động Samsung, còn phải trân quý sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương, đảm bảo đồng thời mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
“Đây là thành quả của sự cống hiến của hơn 110.000 lao động của Samsung và cũng là kết quả của sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, cùng chính quyền các địa phương theo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả”, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nhấn mạnh.

Kiên trì mục tiêu chọn Việt Nam làm “cứ điểm sản xuất toàn cầu”

Cũng trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại diện Tập đoàn Samsung bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục duy trì cơ chế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh để sản xuất cũng như chuỗi cung ứng đứt gãy.
Ông Choi lưu ý, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, chưa biết bao giờ kết thúc, do đó đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục giúp đỡ các doanh nghiệp cơ chế để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.
Cùng với đó, Samsung cũng nêu một số đề nghị liên quan đến thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam thông tin, bên cạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn cũng phối hợp với Bộ Công Thương triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tính đến nay, dự án đã giúp được 330 doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu, sẽ tham gia vào mạng lưới của Samsung thời gian tới, góp phần nâng cao tổ hợp các ngành phụ trợ ở Việt Nam.
Tổng Giám đốc Choi tái khẳng định, với mục tiêu lựa chọn Việt Nam làm “cứ điểm sản xuất toàn cầu”, Samsung cũng đã đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam. Hiện đã có khoảng 2000 kỹ sư đang nghiên cứu trong các lĩnh vực phần mềm, mạng 5G.
Đại diện Samsung cũng nhấn mạnh, Tập đoàn đã khởi công tòa nhà nghiên cứu phát triển (R&D) tại phía Tây Hồ Tây, Hà Nội, với tổng mức đầu tư 220 triệu USD, dự kiến cuối năm sau sẽ khánh thành.
FDI, nền kinh tế và ổn định chính trị, vì sao Samsung sẽ không rời bỏ Việt Nam?
Sau khi đi vào vận hạnh, trung tâm R&D của Samsung sẽ hướng hoạt động nghiên cứu sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Big data…Tập đoàn cũng sẽ phối hợp với các trường đại học lớn của Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực lao động.

Ủng hộ Samsung làm ăn lâu dài ở Việt Nam

Lắng nghe những chia sẻ của đại diện Tập đoàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả của Samsung tại Việt Nam, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông Khái đánh giá cao việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Samsung trong các lĩnh vực đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.
Trao đổi với ông Choi, Phó Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ thừa nhận, dịch bệnh do coronavirus gây nên đã tác động lớn đến Việt Nam. Giai đoạn đầu, do việc tiếp cận vaccine bị chậm hơn một số nước nên Việt Nam phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam nhất quán thực hiện Nghị quyết số 128 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch cũng như đáp ứng mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
“Chính phủ Việt Nam sẽ tích cực tiếp cận vaccine và thuốc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ.
Lưu ý dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là gần đây đã xuất hiện biến chủng mới Omicron, ông Khái mong các doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp lớn như Samsung phối hợp tốt nhất với chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Samsung sắp bán nhà máy gia công linh kiện iPhone ở Việt Nam?
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vì dịch bệnh phức tạp nên nếu doanh nghiệp gặp khó khăn gì thì kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền để cùng trao đổi, thống nhất các biện pháp tháo gỡ.
“Những gì đã cam kết với nhà đầu tư, Việt Nam nhất quán thực hiện”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cam kết.
Đại diện Chính phủ nêu rõ, khi chính sách có thay đổi, đề nghị doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất giải pháp hợp lý, hiệu quả, trên cơ sở tôn trọng quy định của pháp luật và những cam kết quốc tế đã tham gia, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như của Việt Nam.
Với tinh thần, phương châm ấy, với những kiến nghị của Samsung liên quan đến lĩnh vực thuế, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp, trao đổi cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để bàn thảo, thống nhất các giải pháp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục làm ăn lâu dài, mang lại lợi ích hài hòa cho cả hai phía.

Samsung vào top những doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất ở Việt Nam

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thuế, Samsung là một trong các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất năm 2020.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Tổng cục Thuế xây dựng danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất.
Samsung, Viettel, PVN hay Vingroup, doanh nghiệp nào làm ăn tốt nhất ở Việt Nam?
Theo ông Đào Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, căn cứ số liệu nộp thuế trên hệ thống thông tin quản lý, Tổng cục Thuế đã thực hiện tổng hợp dữ liệu các doanh nghiệp nằm trong danh sách bảng xếp hạng theo các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, minh bạch.
Theo Tổng cục Thuế, Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã nộp của các doanh nghiệp trong danh sách V1000 năm 2020 là 145.934 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng thu ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, bằng 103,74% so với số đã nộp của các doanh nghiệp trong danh sách V1000 năm 2019.
Trong số các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại Việt Nam được công khai, số công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 180 doanh nghiệp với số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 32,91% tổng số nộp thuế TNDN năm 2020 của 423 doanh nghiệp.
Ngay sau là lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (60 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 30,6%), thông tin và truyền thông (8 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 10,71%), kinh doanh bất động sản (35 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 6,6%), bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (39 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 5,68%), các ngành nghề khác là 101 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 13,5%.
Xét theo tỉnh, thành, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương dẫn đầu với doanh nghiệp có số nộp thuế lớn nhất, tương ứng là 109 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 43,26% và 134 doanh nghiệp với số nộp thuế chiếm 29,81%.
Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất (V1000) năm 2020 của Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là doanh nghiệp nộp nhiều thuế nhất.
Sau đó là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty Honda Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Techcombank). Tiếp đó chính là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.
Thảo luận