Thực tế, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản, rau quả, thủy hải sản của Việt Nam khi liên tục gia tăng, siết chặt các quy định nhập khẩu, tiêu chuẩn hàng hóa.
Về phần mình, các cơ quan chức năng của Việt Nam, một mặt, đang tiếp tục đàm phán đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện mở rộng danh sách mặt hàng Việt nhập khẩu vào thị trường tỷ dân, mặt khác, nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng hàng Việt Nam xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Thực hư việc Trung Quốc ngừng nhập rau quả Việt Nam
Ngày 7/12, xung quanh một số thông tin cho rằng, Trung Quốc siết chặt hàng nông sản Việt Nam, thậm chí là ngừng nhập khẩu nông sản, đặc biệt là hàng rau quả trong vòng 6 tuần, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã có phản hồi.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định thông tin trên là không chính xác.
Cụ thể, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ vừa qua tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu cây ăn trái” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức, cho biết, việc xuất khẩu gặp khó nhưng không có chuyện Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản, rau quả Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 theo chiến lược “Zero Covid”, trong đó có các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt đối với thủy thủ đoàn trên tàu biển vào các cảng. Tức yêu cầu cách ly 6-7 tuần đối với thủy thủ đoàn sau các chuyến công tác, nên những nhà khai thác tàu trung chuyển tại các cảng ở miền Nam Trung Quốc đã quyết định tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
“Trung Quốc đang tập trung cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào đầu tháng 2 năm sau, động thái siết hàng nhập khẩu vào cảng xuất phát từ lễ hội đó và từ chính sách Zero Covid-19”, ông Nguyên lưu ý.
Cùng với đó, các hãng vận tải biển lớn như Ocean Network Express (đơn vị vận tải và vận chuyển container của Nhật Bản thuộc sở hữu chung của các Hãng tàu Nhật Bản Nippon Yusen Kaisha, Mitsui O.S.K. Lines và K Line.), Evergreen (Đài Loan) hay Hapag-Lloyd AG (công ty vận tải container và hàng hải quốc tế của Đức), đều có thông báo với khách hàng tạm ngừng nhận các đơn hàng cho hàng hóa đến các cảng nhỏ ở đồng bằng sông Châu Giang và tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
“Không có chuyện Trung Quốc ngừng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam”, ông Nguyên nói, tuy nhiên, lưu ý, theo các quy định kiểm dịch Covid-19 nghiêm ngặt như đã nêu trên, vận tải hàng hóa tại các cảng trung chuyển nhỏ bị gián đoạn có thể gây áp lực lên vận tải đường bộ thời gian tới.
Bốc hàng hóa tại Cảng quốc tế Long An
© Ảnh : Thanh Bình-TTXVN
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khẳng định, hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu các loại trái cây, rau củ và nông sản nói chung của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
“Thông tin Trung Quốc dừng nhập rau củ quả từ Việt Nam là không chính xác. Bởi cùng với một phần nông sản xuất qua đường biển, phần lớn nông sản Việt Nam xuất trực tiếp sang Trung Quốc qua đường bộ (chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn và cửa khẩu Kim Thành ở Lào Cai)”, ông Trung nhấn mạnh.
Cục trưởng Hoàng Trung cũng xác nhận trên Lao Động rằng, đến ngày 6/12, các cửa khẩu báo cáo số liệu về Cục cho thấy việc xuất khẩu vẫn “bình thường”. Cục Bảo vệ Thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chưa hề nhận được văn bản chính thức nào thông báo việc tạm ngừng xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam gặp khó với thị trường Trung Quốc
Cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả của Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, lượng hàng rau quả Việt đi Trung Quốc theo đường biển chiếm khoảng 20 – 30%, còn lại đa số vẫn đi chủ yếu bằng đường bộ, tiểu ngạch.
Tuy nhiên, hiện nay, việc xuất hàng đi đường bộ đang có dấu hiệu ùn ứ do xe lạnh quay đầu trả về từ phía Trung Quốc chậm. Cùng với đó, dự kiến chính sách tạm ngưng dịch vụ cảng biển của Trung Quốc diễn ra khoảng 40 ngày, từ ngày 31/1/2022 nên tình hình sẽ càng gặp khó khăn hơn.
Ông Nguyên dẫn chứng, trước đây, một xe quay đầu vào Nam chở hàng ra đi được 2 - 3 chuyến mỗi tháng, nay một chuyến/tháng đã là khó khăn. Chưa kể, phải gánh thêm 30% hàng từ đường biển chuyển sang, chắc chắn viễn cảnh dãy xe chở hàng phải chờ đợi để thông quan sang Trung Quốc sẽ tiếp diễn trước dịp Tết Nguyên đán này.
“Đó là chưa nói hàng hóa để lâu sẽ bị hư hỏng, chi phí đội lên gây thiệt hại lớn cho thương nhân”, ông Nguyên bày tỏ.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, sản lượng 15 loại cây ăn trái chính ở phía Nam của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 7,1 triệu tấn, riêng tháng 12 này sẽ vào khoảng hơn 737 nghìn tấn.
Bộ Nông nghiệp cũng cho biết, có khoảng 70% trong số này sẽ xuất sang thị trường Trung Quốc, trong đó xuất bằng đường biển vào khoảng 20 – 30%.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngưng nhận đặt mua hàng các tháng giáp Tết Nguyên đán đang gây lo ngại, tạo nên gánh nặng tiêu thụ tại thị trường nội địa (Việt Nam).
Trước đó, phía Cục Trồng trọt dự báo, trong quý 1/2022, sản lượng 15 loại trái cây chính ở các địa phương phía nam sẽ đạt 1,606 triệu tấn.
Trong đó, thanh long khoảng 297 nghìn tấn, chuối 250 nghìn tấn, xoài 244 nghìn tấn, mít 159 nghìn tấn, bưởi 144 nghìn tấn và cam 132 nghìn tấn.
Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho hay, tính toán với con số hơn 700.000 tấn trái cây đến cuối năm nay và nếu tính đến tết thì là hơn 1,7 triệu tấn nên cần có phương án để tiêu thụ.
“Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa”, ông Tùng nói.
Thủy hải sản Việt Nam đi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng
Đáng chú ý, không chỉ xuất khẩu nông sản, rau quả gặp khó, hàng thủy hải sản cũng đối diện nhiều thách thức khi Trung Quốc ngưng dịch vụ cảng biển.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe chỉ ra một số lo ngại. Theo đó, hàng thủy hải sản Việt nam sang Trung Quốc chủ yếu đi bằng đường biển, thời gian tàu chở container lạnh sang Trung Quốc nay cũng rút ngắn, tầm 7 - 10 ngày.
Hai năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc chiếm 17 - 18% xuất khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch đạt trên 1,4 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục.
Đến quý 3/2021, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ còn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản tính toán rằng, trước tình hình kiểm soát khắt khe của hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tiếp tục giảm sâu 3 tháng cuối năm nay, đạt 242 triệu USD trong quý 4, giảm 40%, cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 26%.
“Chưa kể, hàng thủy hải sản Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc gần như chạm đáy, mất 40% do chính sách kiểm soát chặt virus SARS-CoV-2 trên bao bì thủy hải sản nhập khẩu”, vị lãn đạo lưu ý.
Ông Hòe nhấn mạnh, tính từ cuối tháng 9 đến nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc giảm hơn 20% so cùng kỳ, trong đó cá tra, tôm giảm mạnh gần 40%.
“Trong bối cảnh Trung Quốc tạm đóng dịch vụ cảng biển, các doanh nghiệp cũng tạm ngưng xuất khẩu thôi, chứ hàng thủy sản nay khó quay lại xuất bằng đường bộ. Hơn nữa, phía Trung Quốc cũng ngưng đặt hàng trong thời gian này nên coi như tạm “quên” thị trường này trong tháng giáp tết”, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói.
Cũng như nông sản rau quả, hàng thủy hải sản Việt Nam sẽ hướng sâu vào thị trường nội địa.
Theo ông Hòe, sẽ khó để thủy hải sản lấn mở rộng sang các thị trường mới, tâm lý chung hiện nay của doanh nghiệp vẫn là cầm cự, nỗ lực giữ và mở rộng thị trường đã có.
“Không thì nín thở chờ qua cơn lao đao của đại dịch thôi. Hy vọng dịp Tết Nguyên đán, tiêu thụ trong nước tăng mạnh sẽ giảm bớt thiệt hại”, ông Hòa nhấn mạnh.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính
Đánh giá thêm về thị trường Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trần Thanh Hải thừa nhận, trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng chững lại.
Ông Hải cho biết, một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trong khi đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tới hơn 40 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã và sẽ gia tăng các quy định nhập khẩu, cho thấy nước này không còn là thị trường dễ tính”, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.
Do đó, ông Trần Thanh Hải đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhận thức, cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác chu đáo, chuẩn mực.
Đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng giới chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu đặt ra là Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP…).
Đặc biệt, việc liên kết nông dân, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhắc lại, chỉ khi nào sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu thì xuất khẩu mới bền vững.
Vậy nên, các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với nông dân, doanh nghiệp trong xuất khẩu trái cây. Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành phố cũng cần nêu cao vai trò trong tư vấn, định hướng sản xuất cho nông dân, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.
Ông Tùng nhấn mạnh, các địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng nông sản, trái cây dịp cuối năm. Từ đó có những dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua để kết nối tiêu thụ.
“Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ xuất khẩu”, ông Lê Thanh Tùng nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, để giải quyết triệt để, ổn định xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới, cần sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo ông Hoan, Bộ Nông nghiệp hiện đang rà soát, đánh giá tình hình, thống nhất công tác tổ chức sản xuất đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của phía Trung Quốc. Bộ này cũng đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
“Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân thực hiện các giải pháp chiến lược để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Việt Nam đề nghị Trung Quốc tạo luận lợi thông quan hàng hóa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang.
Bộ chỉ đạo các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc tăng số lượng và đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, tại cuộc hội đàm cấp cao giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 2/12, ngoài hợp tác vaccine, điều trị bệnh, công tác phòng chống dịch, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thủ tục thông quan cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản qua các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng ách tắc cửa khẩu biên giới vào thời điểm cuối năm.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
© Ảnh : TTXVN - Lê Mạnh Cường
Hà Nội cũng muốn Bắc Kinh mở rộng các mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương và duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất của hai nước.
Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị đã khẳng định Trung Quốc sẽ mở rộng nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có ưu thế, nhất là nông sản trong thời gian tới.