Mục đích chuyến thăm cấp nhà nước của Nguyễn Xuân Phúc đến Phnom Penh là gì?
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Campuchia
Chiều 17/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin về việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị thăm Campuchia vào tuần tới.
Chuyến công du đến Campuchia của nguyên thủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được tiến hành theo nghi thức cấp nhà nước căn cứ vào lời mời của Quốc vương Norodom Sihamoni.
“Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 21-22/12”, thông cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Chuyến thăm của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng được thắt chặt, tiếp tục phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hồi tháng 4/2017, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chuyến thăm đáng chú ý đến Campuchia trên cương vị Thủ tướng của Việt Nam.
Chủ tịch Phúc thăm Campuchia làm gì?
Theo truyền thông Campuchia, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Phnom Penh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc vương Norodom Sihamoni và Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk tiếp đón riêng với nghi thức trọng thị nhất.
Theo lịch trình, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ hội kiến với người bạn thân thiết – người đồng chí quen thuộc của Việt Nam - Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen.
Bên cạnh đó, theo hãng Thông tấn quốc gia Campuchia AKP, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin.
“Theo lịch trình, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì lễ động thổ công trình hành chính mới tại trụ sở Quốc hội”, AKP cho biết.
Trước đó, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Campuchia hồi tháng 7/2017, lãnh đạo Việt Nam đã thông báo về việc chính quyền Hà Nội tặng Quốc hội Campuchia công trình Nhà làm việc của Ban Thư ký và các Ủy ban Quốc hội nước này trị giá 25 triệu USD.
Cũng trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Campuchia, lãnh đạo Việt Nam sẽ đến đặt vòng hoa tại Đài Độc lập và Tượng đài cố Quốc vương Norodom Sihanouk, Đài kỷ niệm hữu nghị Việt Nam - Campuchia ở Phnom Penh.
Quan hệ Việt Nam – Campuchia: Tăng cường hợp tác
Như Sputnik đã thông tin, Việt Nam và Campuchia duy trì mối liên lạc vô cùng thường xuyên, mật thiết ở mọi cấp độ.
Năm nay, các lãnh đạo cấp cao hai nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm, trao đổi cấp cao từ hội đàm trực tuyến, đến gặp gỡ trực tiếp thuộc hàng loạt khuôn khổ sự kiện đa dạng cả ở quy mô song phương và đa phương.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Việt Nam và Campuchia đều khẳng định coi trọng mối quan hệ song phương, quyết tâm vun đắp quan hệ đoàn kết, hữu nghị trên nền tảng lịch sử giữa Hà Nội - Phnom Penh, thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước đang phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, phát triển lâu dài.
Suốt thời gian qua, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam và Campuchia vẫn duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác thông qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp. Hà Nội và Phnom Penh cùng ký kết nhiều văn kiện hợp tác làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai nước, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm. Ngoài ra, nhân dịp các ngày lễ lớn của hai nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước đều gửi lời chúc mừng lẫn nhau.
Quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư song phương ngày càng phát triển tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia trong 10 tháng đầu năm nay đạt gần 7,9 tỷ USD, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến nay, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, đồng thời nằm trong nhóm 5 nước đầu tư lớn nhất ở đây.
Việt Nam và Campuchia đã luôn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau vào những thời điểm khó khăn nhất. Các thế hệ lãnh đạo của Campuchia luôn bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho Campuchia trong quá khứ và hiện tại.
Phnom Penh cũng khẳng định nhân dân Campuchia sẽ luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã cùng nhân dân Campuchia giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (Pol Pot) năm 1979.
Đối với Hà Nội, Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm tốt đẹp và sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của cố Quốc vương Norodom Sihanouk, của Quốc vương Norodom Sihamoni, Thủ tướng Hun Sen, các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã nhanh chóng hỗ trợ khẩn cấp 500.000 USD tiền mặt cùng 800 máy thở, hai triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95 trị giá 10 triệu USD cho Campuchia.
Tiếp đó, khi dịch ở Việt Nam diễn biến phức tạp, Campuchia đã tặng lại Việt Nam 200.000 liều vaccine Sinopharm, một triệu khẩu trang y tế, 100.000 khẩu trang N95, 100 máy tạo oxy và 350.000 USD tiền mặt dù thực tế đất nước còn nhiều khó khăn.
Hai bên cũng nỗ lực xử lý khéo léo các vấn đề còn tồn tại. Hà Nội và Phnom Penh cam kết phối hợp chặt chặt chẽ trong trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề phát sinh trên biên giới. Thời gian qua, hai nước tuyên bố rằng 84% đường biên giới dài 1.270 km được phân giới cắm mốc hoàn thiện với 315 cột mốc.
Cùng với đó, lãnh đạo Ủy ban Biên giới của cả Việt Nam và Campuchia đều nhất trí tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong công tác quản lý đường biên, mốc giới, từng bước giải quyết phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền còn tồn đọng (khoảng 16% tại các tỉnh như Ratanakiri, Mondulkiri, Svay Rieng, Kampot, Takeo và Kandal của Campuchia), đồng thời, cùng nhau nghiên cứu các hình thức trao đổi linh hoạt để giải quyết tốt các vấn đề biên giới, góp phần củng cố và xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển bền vững.
Việt Nam và Campuchia cũng nỗ lực tăng cường và duy trì tuần tra chung trên biển (vùng biển Tây Nam), hợp tác chặt chẽ trong tìm kiếm và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia tại chiến trường Tây Nam.
Về vấn đề Biển Đông, dù ‘kẹt’ giữa quan hệ Việt Nam – Campuchia – Trung Quốc, tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen trong các tuyên bố chính thức đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Hai bên cũng tăng cường hỗ trợ cho cộng đồng người Việt tại Campuchia. Hà Nội và Campuchia cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.
Trên tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị, phía Việt Nam mong muốn phía Campuchia tiếp tục có các biện pháp phù hợp trong việc đảm bảo các quyền hợp pháp của kiều dân Việt Nam được đối xử bình đẳng như những ngoại kiều khác tại Campuchia phù hợp với luật pháp và các quy định của Campuchia, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.