Kinh tế Việt Nam 2021: Gió đã đổi chiều

Covid-19 tạo nên cú sốc lịch sử cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Sputnik
Dự báo năm 2022 từ WB, ADB, VNDIRECT…đến các chuyên gia, nhà đầu tư đều tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ vào những động lực thúc đẩy GDP phục hồi mạnh mẽ như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, thu hút FDI, các chính sách kịp thời, hiệu quả từ Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Việt Nam: Từ cú sốc Covid-19 đến kim ngạch xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục

Covid-19 đẩy nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu, Việt Nam cũng khó đứng ngoài vòng xoáy ấy, kinh tế Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi chứng kiến sự đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ quốc gia được kỳ vọng tăng trưởng GDP hàng đầu khu vực, Hà Nội đã phải từ bỏ lợi ích kinh tế trước mắt, chấp nhận thực hiện cuộc giãn cách xã hội chưa từng có tiền lệ để bảo vệ sức khỏe người dân.
WB, HSBC: Đừng nghi ngờ khả năng của Việt Nam, nhất là nền kinh tế
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, với tỷ lệ phủ vaccine cao, tốc độ tiêm chủng nhanh chóng, gió đã đổi chiều, kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với những tín hiệu hết sức tươi sáng, lạc quan.
Như Sputnik đã thông tin, theo kết quả sơ bộ từ Tổng cục Thống kê (GSO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công Thương, cho thấy, xu hướng “gió đổi chiều” vô cùng rõ rệt khi xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục, các chỉ số tương ứng quan trọng của nền kinh tế vẫn rất tích cực.
Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Hải quan cũng như Bộ Công Thương vừa công bố mới đây, chỉ tính hết ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 633,22 tỷ USD, tăng 22,9%, tương ứng tăng 117,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán của Bộ Công Thương cũng chỉ ra chỉ dấu hết sức lạc quan – kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2021 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt cao hơn con số ước tính trước đó cũng như chỉ tiêu được giao.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12 ước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 335,23 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu Việt Nam liên tục đạt kỷ lục, đảo chiều vô cùng ngoạn mục.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 12 ước đạt 32 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 14,7% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm 2021 ước đạt 332,27 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ.
IMF nghĩ khác về kinh tế Việt Nam so với WB
Cùng với việc tháng 12 ước xuất siêu 1,5 tỷ USD, cả năm 2021 ước xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, theo tính toán của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng 18,6%, vượt 13,6% so với chỉ tiêu Chính phủ giao là 4-5%. Đồng thời, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 cũng sẽ ước đạt 667,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020.
“Đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi năm vừa qua, cả nước đã chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ 4 đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc”, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ Công Thương nêu rõ, vượt qua những khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, hàng nông sản, linh kiện…dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn hoàn thành đơn hàng và đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến.
Cục Xuất khẩu cũng lưu ý một yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho thành tích xuất nhập khẩu năm 2021 đó là động lực đến từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp Việt Nam vận dụng hiệu quả.
Bộ Công Thương dẫn chứng tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA là Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số. Thị trường nhỏ như Peru cũng tăng trưởng có giai đoạn lên đến 300%. Các thị trường EU, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số. Đó là những tín hiệu hết sức đáng mừng.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, kỳ 1 tháng 12, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 15,78 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 1,42 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 11/2021.
Theo cơ quan chức năng, việc sụt giảm diễn ra ở một số nhóm hàng chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện (giảm 14,8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (giảm 16,4%); sắt thép các loại (giảm 26%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 4,4%).
Tuy nhiên, cơ quan Hải quan của Việt Nam cũng cho biết, trong kỳ 1 tháng 12 này, tiếp tục ghi nhận sự phục hồi khá tốt của một số nhóm hàng như gỗ, sản phẩm từ gỗ, dệt may với mức kim ngạch tương đương kỳ 2 tháng 11, mặc dù số ngày làm việc ít hơn.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% tương ứng tăng 50,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Có thể khẳng định, đây là thành tích tuyệt vời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và các lệnh giãn cách kéo dài khiến kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành xuất nhập khẩu nói riêng bị tác động mạnh.
Tổng cục Hải quan cho biết, các nhóm hàng tăng mạnh như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (tăng 10,5 tỷ USD); sắt thép các loại (tăng 6,36 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (tăng 6 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 5,71 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 2,38 tỷ USD).
Ai bảo nền kinh tế Việt Nam ‘đang kiệt quệ’ vì Covid-19?
Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, kỳ 1 tháng 12, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,53 tỷ USD, tương đương so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2021.
Trong đó, các nhóm hàng tăng trưởng đáng chú ý như: dầu thô tăng 99,5%; hóa chất tăng 25,5%... Một số nhóm hàng chủ lực giảm như: ngô giảm 65,4%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 4,8%.
Đồng thời, tính đến hết 15/12, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 315,78 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 67,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 11,25 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (tăng 9,2 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (tăng 4,7 tỷ USD); sắt thép các loại (tăng 3,3 tỷ USD).
Tổng cục Hải quan cho biết, kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước lên 633,22 tỷ USD, tăng 22,9%, tương ứng tăng 117,89 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, trong kỳ 1 tháng 12, cán cân thương mại thặng dư 250 triệu USD và tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, Việt Nam vẫn xuất siêu 1,67 tỷ USD.
Như vậy, hoạt động xuất khẩu đảo chiều ngoạn mục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp và xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế năm 2022.

Kinh tế Việt Nam vẫn chứng kiến điều phi thường

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị định trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, các chỉ số chính của nền kinh tế đều sụt giảm, sức mua của người dân giảm mạnh, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Quý III/2021, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế cả nước quý III giảm mạnh tới 6,17% - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Tính chung 9 tháng, GDP Việt Nam chỉ tăng 1,42%. Ngay sau đó, Chính phủ ngay lập tức điều chỉnh chính sách – chuyển từ zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch theo Nghị quyết 128. Tình hình đất nước bắt đầu khởi sắc từ tháng 10 nhờ tỷ lệ tiêm chủng nhanh chóng và cao hàng đầu khu vực.
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, GDP 2021 có thể chỉ đạt 2%
Chỉ trong tháng 10, nền kinh tế đã dần hồi phục trở lại như chiếc “lò xo bị nén” lâu ngày. FDI đăng ký mới tính chung 10 tháng tăng 11,6%; xuất khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đối chiếu với hồi tháng 9/2021, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 tăng 111%, vốn đăng ký tăng 74%. Đặc biệt, tổng cầu phục hồi mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 18%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81%, thấp hơn nhiều so với mức CPI 4% được cho phép.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những khó khăn của Việt Nam chỉ mang tính nhất thời, nền kinh tế vẫn còn dư địa để tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó, yếu tố cơ bản là tiềm năng, lợi thế, động lực mới cho phát triển dài hạn và nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc.
Dù chưa hết 2021 nhưng nhìn vào các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam có thể thấy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn làm được những điều phi thường.
Trong khi biến chủng Delta và sau đó là Omicron đặt hầu hết các nước trên thế giới vào bối cảnh dù đã căng mình chống Covid-19 nhưng vẫn “trở tay không kịp”, thì Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trên 2%. Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn cho xuất khẩu của cả nước.
Như Sputnik đã nêu, xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc trên 660 tỷ USD, tăng trên 21%, thậm chí là 22%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế.
Làn sóng Covid-19 thứ tư đe dọa mức tăng trưởng GDP thần kỳ của Việt Nam
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì đà tăng thường xuyên, đạt trên 29 tỷ USD, tăng 0,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tiếp tục xuất siêu (ước tính cả năm 2021 tăng khoảng 2,1 tỷ USD), lạm phát thấp dưới mức chỉ tiêu 4% mà Quốc hội cho phép. Đây là những thành tích mà không phải quốc gia nào cũng làm được.
Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cồng đồng các doanh nghiệp, người dân cùng những quyết sách linh hoạt của Chính phủ đưa ra tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh, trong đó, đáng ghi nhận nhất là chuyển từ tư duy “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, chủ động, kiểm soát dịch bệnh do coronavirus gây ra.

Lạc quan về kinh tế Việt Nam 2022

Việt Nam hiện đang cần một chương trình hồi phục kinh tế tổng thể, toàn diện và hiệu quả.
Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến dự báo cho năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, cần tỉnh táo, tăng cường nội lực nền kinh tế, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự kiến, tới đây, Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp đặt biệt để thảo luận 5 nội dung chính manh tính cấp thiết, trong đó có việc xem xét chương trình hồi phục kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ thời gian tới.
Covid-19 phủ bóng, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, thời gian qua, dù Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn vẫn chỉ nhằm vào mục tiêu ngắn hạn và chưa có một chương trình tổng thể, mang tính chất dài hạn với những giải pháp đồng bộ, thiết thực để khôi phục và từng bước thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở khống chế vượt qua đại dịch. Do đó, theo ông Dũng, mục đích quan trọng nhất của chương trình là phục hồi kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại, cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại cuộc họp gần đây đề cập đến 5 giải pháp trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 của Việt Nam, trong đó, chú trọng vào công tác phòng chống dịch và đảm bảo y tế, an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất; đẩy mạnh đầu tư công cũng như quản lý điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, rủi ro tài khóa.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Năm 2022, ông Jefferies nhấn mạnh, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.
Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp đinh Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.
Việt Nam vượt Singapore, quy mô nền kinh tế có thể vượt mốc 500 tỷ USD năm 2021
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, riêng về xuất khẩu, hiện tại, Việt Nam phần nào khống chế được dịch bệnh đã góp phần tạo sự phục hồi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN... Dự báo năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13-15%.
Về các chính sách phục hồi kinh tế năm 2022-2023, ông Lực khuyến nghị các kế sách trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần đủ liều lượng, nguồn lực phải đủ lớn và thời gian triển khai đủ dài. Đồng thời, việc triển khai xuống cấp cơ sở phải đúng và trúng đối tượng chứ không nên dàn trải, chung chung, mơ hồ.
Đồng quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh lưu ý, chương trình hồi phục kinh tế của Việt Nam phải đủ mạnh, đúng và trúng. Chuyên gia cho rằng, Chính phủ tính tới gói hỗ trợ lên đến 10% GDP nhưng phải quản trị được rủi ro từ chính những chính sách được đưa ra và thực hiện đúng đối tượng, mục tiêu.
Dự báo cho năm 2022, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC thậm chí tin tưởng rằng, Việt Nam có thể lấy lại đà tăng 6,8% năm tới nếu mọi sự thuận lợi.
Trong khi đó, bàn về tốc độ tăng trưởng mục tiêu 6-6,5% năm 2022, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset tin đất nước hoàn toàn có thể đạt được nếu đáp ứng hai điều kiện. Theo đó, chia sẻ với TTXVN ông Morisset đề cập đến hai yếu tố - kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung – cầu. Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam còn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.
Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, nhờ lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020 và tăng hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã hết tiết kiệm do đại dịch.
GDP dự báo tăng 7%, Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng kinh tế trên thế giới
Nới lỏng các chính sách tài khóa, thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu cũng có thể được cân nhắc.
VNDIRECT tin tưởng rằng, việc Chính phủ đặt mục tiêu trên 70% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào nửa đầu năm tới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022 với 4 động lực tăng trưởng chính đối với GDP 2022 là nội địa phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ.
Thảo luận