Ai bảo nền kinh tế Việt Nam ‘đang kiệt quệ’ vì Covid-19?
© AFP 2023 / Ted AljibeAsian Development Bank (ADB).
© AFP 2023 / Ted Aljibe
Đăng ký
Dù ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021 từ mức GDP 6,7% xuống còn 3,8% nhưng vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP trung và dài hạn.
ADB thẳng thắn cho rằng, đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa (giãn cách xã hội) kéo dài làm suy yếu tiêu dùng, đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Thực tế, đại dịch Covid-19 cũng để lại những ‘vết sẹo sâu’ đối với nền kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á. Do đó, nói nền kinh tế Việt Nam ‘kiệt quệ’ vì Covid-19 là phiến diện.
ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cùng với ‘vết sẹo sâu’ của châu Á
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, ngày 22/9, theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022.
Có thể thấy, mức dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á đều thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 4 là 6,7% cho năm 2021 và 7% cho năm 2022.
Đặt trong tương quan so sánh với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, GDP kinh tế Việt Nam được ADB dự báo tăng trưởng đứng thứ 4 ASEAN.
© Ảnh : adb.org/ScreenshotDữ liệu kinh tế cập nhật của Việt Nam so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Dữ liệu kinh tế cập nhật của Việt Nam so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
© Ảnh : adb.org/Screenshot
Cao nhất là Singapore (6,5%), Malaysia (4,7%), Philippines (4,5%), Indonesia rồi đến Việt Nam (3,8%). Indonesia được dự báo sẽ tăng trưởng GDP khoảng 3,5%.
Như vậy, nhìn vào báo cáo của ADB có thể thấy chu kỳ tăng trưởng và dự báo tăng trưởng của Việt Nam như sau: GDP Việt Nam năm 2019 rất cao – 7,0%, 2020 giảm mạnh xuống còn 2,9%, dự báo cho năm 2021 là 3,8% và sang năm 2022 là 6,5%.
Theo lý giải của Ngân hàng Phát triển châu Á, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp.
Do đó, ADB đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 từ mức dự báo 6,7% trong báo cáo ADO 2021 xuống 3,8%.
“Với giả định rằng đến cuối năm 2021, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và đến quý II-2022 tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vaccine chiếm 70% dân số, dự báo tăng trưởng cho năm sau được điều chỉnh thành 6,5%”, ADB cho biết. Mức này vẫn thấp hơn so với các dự báo trước đó.
Ngoài ra, tại Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) của ADB, dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,8% cho năm 2021.
Điều này là do sức cầu trong nước giảm đã đẩy tỷ lệ này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. ADB đánh giá tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5% vào năm 2022 khi tăng trưởng tăng tốc.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường, chỉ số nhà quản trị mua hàng xuống mức 50 từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2021, báo hiệu sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất.
Do đó, tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ giảm xuống 5,0% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch là 8,9% vào năm 2019.
Chuyên gia của ADB cũng nêu quan điểm, nhu cầu ngày càng tăng đối với các giao dịch trực tuyến và chăm sóc sức khỏe sẽ duy trì sự tăng trưởng của các dịch vụ tài chính và y tế.
Tuy nhiên, việc đóng cửa các khu du lịch và hạn chế đi lại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành dịch vụ này và làm giảm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ từ 7,3% xuống mức dự báo 3,3% năm 2021 này.
Covid-19 có làm suy yếu nền kinh tế Việt Nam?
Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của ADB cũng cho thấy, Covid-19 làm suy yếu tiêu dùng, hạn chế triển vọng tăng trưởng nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư.
ADB nhấn mạnh, trước đó, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng phục hồi trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao.
Tuy nhiên, tiến trình tăng trưởng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ tư của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động.
Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 vẫn được ADB đánh giá cao hơn so với GDP của cả khu vực Đông Nam Á (3,1%). ASEAN dự kiến sẽ có 1 quốc gia tăng trưởng âm với GDP giảm sâu -18,4% là Myanmar do tình hình bất ổn chính trị và dịch bệnh.
Lạm phát của Việt Nam dự báo sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Theo số liệu dự báo của ADB, khi so sánh với các nước trong khu vực, lạm phát của Việt Nam được đánh giá ở mức ổn định, chỉ cao thứ 5 trong khu vực, đứng sau các nước như Myanmar (6,2%), Philippines (4,1%), Lào (3,7%) và Campuchia (2,9%).
Tài khoản vãng lai dự báo cũng sẽ bị thâm hụt, đạt - 1,0% GDP trong năm 2021, do tác động của đại dịch đối với sản xuất sẽ làm chậm tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm.
Báo cáo của ADB dự báo tài khoản vãng lai năm 2022 dự kiến sẽ trở lại mức thặng dư (1,5% GDP), khi xuất khẩu tăng lên nhờ sự phục hồi của sản xuất trong nước và nhu cầu bên ngoài.
“Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, ADB lưu ý.
Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II-2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng.
“ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định điều này.
Theo ADB, tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19
Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á cũng nêu rõ, triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn thách thức.
Cụ thể, nguy cơ chính đối với triển vọng phát triển là một đợt bùng phát Covid-19 kéo dài nếu tỷ lệ tiêm chủng tăng lên không đáng kể do vaccine chưa đến Việt Nam đủ nhanh.
Tính đến 15/9, mới có 33% dân số đã được tiêm phòng liều đầu tiên của vaccine Covid-19 và chỉ dưới 6% dân số đã được tiêm đủ 2 liều vaccine.
ADB cũng nhấn mạnh việc triển khai nhanh chóng liều vaccine đầu tiên sẽ giúp giảm lây nhiễm và tử vong, nhưng tỷ lệ được tiêm đủ 2 liều còn thấp có thể hạn chế người lao động quay lại sản xuất trong năm 2021, vì chỉ những người được tiêm chủng đầy đủ mới có thể đi làm an toàn.
ADB đánh giá nỗ lực của Chính phủ để bắt đầu sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trong nước trong năm 2021, kết hợp với tăng cường mua vaccine từ các nguồn bên ngoài, sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam ngăn chặn cuộc khủng hoảng về y tế do đại dịch gây ra.
“Triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau cũng sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm và tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch. Nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm 2022”, ADB cho biết.
Lưu ý các khoản vay không đạt hiệu quả có thể trở thành yếu tố rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2022, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng lưu ý việc cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và thực hiện số hóa các thủ tục của Chính phủ là “rất quan trọng” để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch và hỗ trợ phục hồi trong năm nay và năm sau.
“Các thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là trong việc cấp giấy đi đường, đã làm gián đoạn sự dịch chuyển của lao động và chuỗi cung ứng thực phẩm, làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế”, ADB thẳng thắn.
ADB nhấn mạnh, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới.
ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển
Cùng với nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của các nước đang phát triển tại châu Á đồng thời cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ để lại những “vết sẹo sâu”.
Cụ thể, trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực mới công bố, ADB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á năm 2021 là 7,1%, giảm 0,2 điểm % so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Cùng với đó, ngân hàng Phát triển châu Á cũng nhận định triển vọng phục hồi kinh tế tại khu vực vẫn chưa chắc chắn. Do đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại châu Á dựa trên thực trạng rằng tốc độ tiêm phòng chậm, số ca bệnh Covid-19 tiếp tục tăng và các biện pháp phong tỏa kéo dài liên tục.
ADB lưu ý, tình trạng thiếu vaccine, vốn cản trở các nỗ lực tiêm phòng diện rộng tại các quốc gia này, có thể còn trầm trọng hơn khi nhiều nước bắt đầu cân nhắc tiêm mũi tăng cường sau khi nhận thấy tác dụng bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian.
Cũng theo báo cáo của ADB, tốc độ tiêm phòng vẫn chưa đồng đều trên toàn khu vực.
Theo đó, tính đến hết tháng 8, chưa tới 1/3 dân số khu vực được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ. Trong khi đó, tại Mỹ tỷ lệ này là hơn 50% và tại Liên minh châu Âu (EU) là gần 60%.
“Tình trạng các chương trình tiêm phòng bị trì hoãn và sự xuất hiện cảu các biến thể mới của virus là những nguy cơ lớn nhất đe dọa triển vọng kinh tế khu vực và có thể để lại những hậu quả lâu dài về kinh tế”, ADB cảnh báo.
Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất, ADB cho rằng, tổn thất về thu nhập do đại dịch Covid-19 có thể để lại những “vết sẹo sâu” và tác động đa chiều tới các nền kinh tế khu vực.
Điều này có nghĩa là tiến bộ trong giảm nghèo đói ở các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đã bị kéo lùi ít nhất 2 năm, các biện pháp đóng cửa trường học kéo dài có thể dẫn tới những tổn thất về giáo dục và thu nhập nghiêm trọng hơn dự kiến.
Tuy đưa ra dự báo nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng trong năm 2021 và 2022 nhưng ADB lưu ý triển vọng phục hồi vẫn rời rạc trong nửa đầu năm 2021 khi biến thể Delta siêu lây nhiễm vẫn hoành hành tại một số quốc gia.
“Khoảng 2/3 các nước đang phát triển tại châu Á có chưa đến 30% dân số được tiêm phòng đầy đủ”, ADB chỉ ra thực tế.
Theo logic, những nước làm tốt hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Trong báo cáo của mình, ADB lưu ý, khu vực Đông Á, với các nước có tỷ lệ tiêm phòng thuộc nhóm cao nhất khu vực và đã nhanh chóng kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh, được dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 7,6% trong năm 2021, tăng nhẹ so với mức 7,4% đưa ra trong dự báo của ADB hồi tháng 4.
Trong khi đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, với nhiều quốc gia đang rất khó khăn để đảm bảo nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân và tìm cách kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á trong dự báo mới của ADB là 3,1% trong năm 2021, giảm so với mức 4,4% được đưa ra trong các dự báo trước.
Cùng với đó, ADB cũng cho rằng khu vực Thái Bình Dương sẽ suy giảm 0,6%, thay vì tăng trưởng 1,4% như dự báo trước đó.
Dòng vốn FDI có rời Việt Nam?
Trong một báo cáo mới của Bloomberg, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam và các vùng lãnh thổ/quốc gia khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) được nâng dự báo tăng trưởng đến 0,3 điểm phần trăm.
Báo cáo cũng cho thấy, mặc dù là hai trong số các nước bị tác động nặng nề nhất bởi làn sóng bùng phát dịch Covid-19 những tháng vừa qua, song Ấn Độ và Malaysia lại là hai nước được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn cả trong năm 2022 so với những dự báo trong quá khứ.
Đáng chú ý, triển vọng tăng trưởng của Malaysia được nâng lên cao nhất trong khu vực so với mức khảo sát đầu năm, thêm 0,85 điểm phần trăm, đạt mức tăng 5,65% trong năm 2022.
Riêng Ấn Độ cũng được kỳ vọng tăng 0,8 điểm phần trăm, ở mức 6,7% trong năm sau. Động lực giúp quốc gia Nam Á này tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới sẽ là nhu cầu tiêu dùng tăng vọt với tỷ lệ lây nhiễm coroanvirus xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng qua.
Chỉ có Thái Lan và New Zealand có khả năng giảm ít nhất 0,2 điểm phần trăm. Indonesia cũng sẽ không có nhiều biến động về tăng trưởng.
Về chỉ số CPI, với Việt Nam, báo cáo của Bloomberg cho thấy, chỉ số CPI được kỳ vọng không thay đổi đáng kể, với mức tăng 0,05 điểm phần trăm vào năm sau so với dự báo trước đó.
Đại dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ kéo triển vọng tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam đi xuống. Tình trạng thiếu hụt lao động do giãn cách xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp.
“Xuất khẩu nông sản cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão trong quý III và IV cũng như các biện pháp kiểm dịch được áp dụng đối với xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam”, báo cáo nêu rõ.
Liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng cần có thời gian để FDI đạt được hiệu quả.
Mặc dù vậy, ông Andrew Jeffries cũng thừa nhận làn sóng dịch bệnh lần thứ tư là một trong yếu tố ảnh hưởng tới FDI đổ vào đất nước.
Theo ADB, có khoảng 18% công ty châu Âu kinh doanh tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác trong tháng 7 và tháng 8.
Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho rằng dù vốn và giải ngân FDI tăng nhẹ trong tháng 7 và tháng 8, sẽ khó có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm do các nhà máy đóng cửa và thiếu lao động.
Nhìn chung bức tranh toàn khu vực, hay so với mức tăng GDP 2,9% năm 2020 của Việt Nam, hướng đến dự báo tăng trưởng kinh tế 3,8% mà ADB đưa ra, có thể thấy, nói nền kinh tế Việt Nam ‘kiệt quệ’ vì Covid-19 là hoàn toàn không chính xác và mang tính phiến diện.
Tựu chung lại, đại diện ADB cho rằng, quan trọng là đã có những động thái thay đổi trong sản xuất như khu công nghiệp ở miền Bắc đã quay lại hoạt động dù ở miền Nam thì chưa.
“Tôi cũng nhận thấy có sự lo ngại trong cộng đồng của doanh nghiệp nhưng không quá lo ngại nếu chúng ta có những biện pháp kiểm soát đại dịch tốt hơn”, ông Andrew Jeffries này tỏ.
Cùng với đó, ông Andrew Jeffries cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải huy động thêm các nguồn lực khác để đảm bảo vốn cho nền kinh tế.
“Hiện nợ công/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp - đó sẽ là một vị thế mạnh mẽ giúp Việt Nam huy động thêm nguồn vay”, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.