Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, bên cạnh báo cáo về diễn biến dịch Covid-19 với biến chủng mới Omicron, Việt Nam đang cần một quyết sách quan trọng liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế, xây dựng cao tốc Bắc Nam, xác định cơ chế đặc thù cho Cần Thơ.
Kỳ họp “bất thường”
Ngày 30/12, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp báo về dự kiến chương trình họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Tại đây, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin, căn cứ vào khoản 2 Điều 90 và khoản 1 Điều 92, Luật Tổ chức Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ (Phạm Minh Chính), sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Như đã thông tin, kỳ họp bất thường lần thứ nhất dự kiến khai mạc tại Nhà Quốc hội, Hà Nội vào ngày 4/1/2022 và bế mạc vào ngày 11/1/2022.
Ông Tuấn nhắc lại, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).
“Kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”, ông Vũ Minh Tuấn cho biết và bổ sung thêm rằng, việc triệu tập kỳ họp bất thường cũng là nhằm giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển đất nước.
Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 1 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, sẽ có 3 dự thảo Nghị quyết cũng được xem xét, thông qua là Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Nếu để tới kỳ họp tháng 5 thì sẽ chậm
Phát biểu tại cuộc họp báo, chỉ rõ tính cách bách của các nội dung trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường này, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho hay, Quốc hội “có thể họp thêm các kỳ bất thường” (chứ không phải chỉ mỗi một kỳ, một lần), tùy vào diễn biến tình hình.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, theo quy định, Quốc hội Việt Nam có 2 kỳ hợp thường kỳ hàng năm (vào tháng 5 và tháng 10) và có thể họp bất thường khi cần để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách.
“Tên của kỳ họp là kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, là bởi khi có những vấn đề cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ triệu tập họp. Vấn đề cấp bách ở kỳ họp này là về gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, đồng chí Bùi Văn Cường lưu ý.
Liên quan đến gói tài chính tiền tệ, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đây là nội dung hết sức quan trọng và nếu như được thông qua trong những ngày đầu tiên năm của 2022 sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022, 2023 và dư âm hết cả nhiệm kỳ.
“Nếu để tới kỳ họp tháng 5 Quốc hội mới xem xét thì chậm”, ông Cường lưu ý.
Đối với vấn đề sửa một số luật, theo Tổng Thư ký Bùi Văn Cường, ở thời điểm này, cũng hết sức cần thiết để giải quyết những điểm cần tháo gỡ nếu không sẽ tiếp tục ách tắc do vướng trong tổ chức thực hiện.
Trong đó, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nêu rõ, việc sớm sửa luật chính là giải quyết câu chuyện thể chế cho phát triển.
Đối với dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc hội cũng cần xem xét sớm để nhanh thúc đẩy các tuyến giao thông huyết mạch dọc đất nước, thúc đẩy giao thương hàng hoá, du lịch và nhiều lĩnh vực quan trọng khác nữa.
Dẫn bài học của Hàn Quốc đã xây dựng cao tốc chạy xuyên đất nước khi mới bắt đầu phát triển, đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng, cao tốc sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, tăng giao thương hàng hóa, du lịch, thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, tại kỳ họp tới, theo ông Bùi Văn Cường, Quốc hội sẽ xem xét cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng nhằm thúc đẩy một địa phương vốn là động lực cho Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành đàu tàu tác động tích cực tới các tỉnh trong khu vực cũng như đóng góp cho cả nước. Việc này là vấn đề cấp bách
“Làm đến tận cùng vụ Việt Á”
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các vấn đề quan trọng xung quanh kỳ họp bất thường, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đều đã thống nhất cụ thể các nội dung.
Theo đó, Chính phủ thống nhất bổ sung báo cáo về tình hình biến chủng Omicron, diễn biến dịch Covid-19 thời gian tới đây.
Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về việc sử dụng ngân sách trong việc mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch, trong đó có việc báo chí phản ánh nhiều thời gian qua là vụ mua sắm kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á nhằm ngăn chặn lợi ích nhóm, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Sẽ có thêm báo cáo liên quan đến việc mua sắm các trang thiết bị y tế phòng chống dịch, trong đó có vụ việc được nêu (vụ kit test của Công ty Việt Á - PV)”, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nêu rõ.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu bình luận liên quan đến vụ việc gây xôn xao dư luận này thì Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường từ chối phát biểu vì “sự việc đang trong quá trình điều tra”.
Tuy nhiên, tinh thần chung, theo ông Cường, báo cáo của Chính phủ sẽ xoay quanh câu chuyện mua sắm thiết bị y tế, công tác đầu thầu, gồm cả vụ việc cụ thể và tình hình khái quát, để có giải pháp.
“Cơ quan điều tra đã tiến hành thì phải làm cho tận cùng và phải có xét xử của tòa theo đúng quy định của pháp luật”, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Tại họp báo, thông tin thêm về vấn đề biểu quyết bằng phần mềm điện tử, ông Bùi Văn Cường cho biết, trong nội quy kỳ họp đã được quy định nên việc lựa chọn hình thức này là hoàn toàn hợp pháp và hợp lệ, không trái quy định pháp luật.
“Các nội dung đều cần thiết và cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nếu để muộn đi một ngày đã khác chứ đừng nói tới 5 tháng”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Theo ông Bùi Văn Cường, kỳ họp bất thường rất quan trọng để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.
Người đứng đầu Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, không loại trừ khả năng rất có thể có thêm các kỳ họp bất thường khác nếu có việc cần thiết, cấp bách cần Quốc hội giải quyết theo thẩm quyền.
“Mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước, kịp thời cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được hiến định”, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường chốt lại.