Ở Việt Nam đổi mới chính trị phải song hành với đổi mới kinh tế

Tại Việt Nam, đổi mới chính trị phải từng bước và đồng bộ với đổi mới kinh tế. Trong đó, nguyên tắc cốt lõi là phải làm rất thận trọng trong đổi mới chính trị nhưng không làm thay đổi chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Sputnik
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là một nền kinh tế hướng tới mục tiêu nhân đạo, mục tiêu công bằng, bình đẳng, không để lại ai ở phía sau, chứ không nhằm săn lùng lợi nhuận.

Chuyên gia: Việt Nam phải thận trọng trong đổi mới chính trị

Kể từ khi bắt tay vào đổi mới ở Đại hội VI, Đảng đã khẳng định đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị không phải là hạ thấp hoặc thay đổi bản chất của nó, mà là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Điều này có ý nghĩa làm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động năng động hơn, hiệu quả hơn thông qua việc tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản.
Đảng đã kiên trì phương châm đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, cùng với đó từng bước đổi mới chính trị
Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến từ các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc với luận điệu đổi mới kinh tế tức phải thay đổi chế độ chính trị. Về việc này, GS.TS Phan Xuân Sơn, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng đây là lập luận sai trái chứ không hề có lập luận nào cả.
Theo GS. Sơn khẳng định trên VOV cho biết, có người còn cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) tức là mang chính trị gò ép vào nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, kinh tế thị trường và chính trị luôn có tác động qua lại với nhau, chỉ khác nhau nhiều hay ít và mục tiêu như thế nào mà thôi, kể cả đó có là nền kinh tế thị trường tự do đi chăng nữa.
Theo ông Sơn, tại Việt Nam, chính trị là một hệ thống cho phép ai nhận được cái gì, nhận được bao nhiêu, nhận khi nào. Đó là hệ thống phân phối các giá trị, mà quan trọng nhất trong số đó là giá trị lợi ích kinh tế.
Bộ trưởng Tô Lâm: Công an là ‘thanh bảo kiếm’ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân
Như vậy, đổi mới chính trị là đổi mới theo kinh tế, sở hữu, quản lý, phân phối, ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng, không để lại ai tụt phía sau, giảm thiểu cách biệt giàu nghèo, tránh mất cân đối, không tạo ra các khủng hoảng, chấm dứt hủy hoại văn hóa truyền thống, từ đó kết nối với thế giới.
Theo ông Sơn, với hệ thống chính trị của mình, Việt Nam đã làm được rất nhiều điều.
Lấy ví dụ, quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã mở rộng rất nhiều so với trước đây. Việt Nam ngày nay là đất nước luôn chào đón tất cả mọi người có thiện chí đến thăm. Các quyền con người, quyền tự do đi lại, tự do cư trú,… được chú trọng. Thậm chí, thời gian gần đây đã bàn đến vấn đề bỏ hộ khẩu.
“Như vậy để thấy ai nói không có đổi mới chính trị ở Việt Nam là không đúng, ngược lại đổi mới rất nhiều. Trước đây có thể còn định kiến về doanh nghiệp, nhà buôn nhưng ngày nay, chúng ta tôn vinh doanh nghiệp, nông dân giỏi hay công nhân lao động giỏi cũng được tôn vinh. Theo tôi đó là chính trị, đổi mới chính trị không hề xa xôi”, GS. Phan Xuân Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, dù Việt Nam mới chỉ thực sự xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN trong khoảng trên 20 năm, nhưng những thành tựu đạt được là rất lớn.
Dù vẫn tồn tại nhiều thiếu xót, khó khăn, bởi Việt Nam là nước đi sau, còn chậm. Tuy nhiên, khó khăn thì phải tháo gỡ, không thể trách Việt Nam không đổi mới chính trị mà là có đổi mới nhưng thành quả chưa được như mong muốn.

“Rất nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn, đổi mới chính trị phải từng bước và phải đồng bộ với đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị dựa trên một sự ảo tưởng. Nguyên tắc của ta là phải rất thận trọng trong đổi mới chính trị”, GS. Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

‘Lốc xoáy’ Covid-19, giá cả tăng phi mã, rủi ro lạm phát với nền kinh tế Việt Nam

‘Mỗi nước một mô hình kinh tế riêng’

Từng có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường nhưng lại đang bị kìm hãm bởi định hướng XHCN.
Theo ông Sơn, quan điểm này rất xa với mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế. Nền kinh tế thị trường là một sản phẩm của văn minh kinh tế nhân loại mà không có đặc quyền của một chế độ nào nên có thể xem là một tất yếu khách quan, cần đưa vào đường lối để áp dụng.
Có rất nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau: mô hình kinh tế thị trường tự do, mô hình kinh tế thị trường tự do mới, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội, mô hình thị trường xã hội, mô hình định hướng XHCN… Mỗi mô hình đáp ứng với từng quốc gia và có điểm mạnh, điểm yếu riêng.
Vì Việt Nam kiên trì theo đuổi con đường XHCN, việc từ bỏ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là không thể. Do đó, cần phải rất sáng tạo để có thể giải quyết mối quan hệ giữa con đường XHCN và kinh tế thị trường. Những thành quả mà Việt Nam đạt được, cho đến nay, là rất khả quan.
“Thực tiễn đã chứng minh; còn lý luận cũng đơn giản chứ không phức tạp. Mỗi quốc gia với đặc trưng văn hóa, tập quán sản xuất, trình độ phát triển lực lượng sản xuất, chúng ta đã xây dựng một nền kinh tế phù hợp, đặc biệt phù hợp với chế độ chính trị đang xây dựng”, GS. Phan Xuân Sơn cho biết.
Tổng bí thư chia sẻ về "kiểu kinh tế thị trường mới" của Việt Nam hiện nay
Chính vì vậy, phải làm sao giữ cho thật tốt mối quan hệ đó, vì nền kinh tế thị trường là phương tiện cho cuộc sống của nhân dân, góp phần nâng cao phúc lợi của nhân dân.
Theo GS. Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bài viết “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”.
Trong đó, Tổng bí thư khẳng định, mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam là mục tiêu con người, mục tiêu xã hội, mục tiêu nhân đạo, mục tiêu công bằng, bình đẳng, không để lại ai ở phía sau, chứ không nhằm săn lùng lợi nhuận. Đây là vấn đề mang tính bản chất nhất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.
“Tôi nhất trí với điều đó, và trong thực tiễn, chúng ta đã cố gắng thực hiện, càng ngày càng tốt hơn, tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề, nhiều khuyết điểm phải giải quyết nhưng càng ngày càng tốt hơn”, GS. Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

Đổi mới chính trị không thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam

Quan điểm nhất quán ở Việt Nam chính là – đổi mới chính trị không làm thay đổi chế độ chính trị.
Trong khi nhiều thế lực lập lờ khái niệm, chống phá với mục tiêu sâu xa là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xóa bỏ Đảng và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ thành quả cách mạng của Việt Nam, của Nhân dân. Thông qua các hoạt động chống phá, các thế lực thù địch muốn gây mất ổn định chính trị, mất lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho kinh tế không phát triển, xã hội tất yếu dẫn tới rối loạn, khủng hoảng và sụp đổ. Đồng thời, từ việc làm cho chính trị rối loạn, đất nước không ổn định, tất yếu cũng dẫn tới xoá bỏ chế độ chính trị.
Có thể nói, đổi mới chính trị ở Việt Nam những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chẳng những không làm thay đổi chế độ chính trị, trái lại, làm cho chế độ chính trị ngày càng thể hiện rõ hơn sự tiến bộ và phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đất nước Việt Nam.
“Việt Nam đã rất xuất sắc”
Mặc dù thế giới có nhiều biến động, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Những chủ trương và giải pháp của Đảng theo ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, qua lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn của con đường mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đã chọn.
Theo GS.TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dẫn lại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ VII, Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, về quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phải tập trung làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị.
Đại hội cũng rút ra bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu cho việc đổi mới chính trị trong quan hệ với đổi mới kinh tế.
“Vì chính trị đúng chạm đến các mối quan hệ đặc biệt phức tạp và nhạy cảm trong xã hội nên việc đổi mới trong hệ thống chính trị nhất thiết phải trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị rất nghiêm túc, không cho phép gây mất ổn định chính trị, dẫn đến sự rối loạn”, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định.
Tuy nhiên, không vì vậy mà tiến hành chậm trễ đổi mới hệ thống chính trị, nhất là về tổ chức bộ máy và cán bộ, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, bởi đó là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện dân chủ.
Cùng với đó, do không có mẫu hình sẵn cho quá trình đổi mới chính trị, nên Đảng Cộng sản Việt Nam vừa phải tìm tòi vừa sáng tạo, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
“Mặc dù là thận trọng, nhưng không vì thế mà Đảng trì trệ, bảo thủ, chậm trễ trong đổi mới hệ thống chính trị. Đây là tinh thần khoa học, thực tiễn và cách mạng của Đảng ta”, GS.TS Trần Văn Phòng nhấn mạnh.
Kế thừa tinh thần các đại hội trước, tại Đại hội XIII, như Sputnik đã thông tin, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục coi quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một trong các quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Việt Nam tìm kiếm tài nguyên ẩn từ khoáng thạch và thiết kế lò phản ứng hạt nhân mới
Bên cạnh đó, Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt”, trong đó đề ra nhiệm vụ “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bên cạnh đó là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam.
Theo GS. Phòng, trong suốt hơn 35 năm thực hiện quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Theo chuyên gia, đạt được điều này là do có sự lãnh đạo đúng đắn, khoa học của Đảng nên đã lôi cuốn được đông đảo nhân nhân tham gia, ủng hộ.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bảo đảm sự phát triển đồng bộ của cả kinh tế và chính trị, thực tiễn đất nước và quốc tế luôn được Đảng lấy làm tiêu chuẩn điều chỉnh mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.
“Đảng lợi ích của nhân dân làm mục tiêu giải quyết mối quan hệ này, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu”, chuyên gia của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.
Thảo luận