Năm 2021, Việt Nam tăng cường nhập khẩu nông sản từ Campuchia, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Campuchia tạm ngưng nhập lợn sống từ Việt Nam
Campuchia mới đây vừa có thông báo tạm dừng nhập khẩu heo sống từ Việt Nam và Thái Lan do lo ngại nguy cơ bùng phát và lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Tuyên bố được đưa ra sau khi Cục Phát triển Chăn nuôi Thái Lan hôm 11/1 phát hiện một trường hợp nhiễm ASF tại lò giết mổ ở tỉnh Nakhon Pathom.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp Campuchia) Tan Phanra cho biết nước này đang siết chặt các biện pháp nhằm kiểm tra tất cả số lợn nhập khẩu từ những nước có nhiễm virus này.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu lợn sống hiện đang bị cấm hoàn toàn. Chính phủ Campuchia chấp nhận nhập khẩu với số lượng ít nếu nguồn cung thịt lợn trong nước xuống mức quá thấp, nhưng sẽ triển khai quy trình kiểm tra nghiêm ngặt ngay tại cửa khẩu biên giới.
Các nhà nhập khẩu được công nhận sẽ được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu. Dù vậy, các doanh nghiệp này vẫn sẽ bị kiểm tra.
Thời gian tạm ngừng nhập khẩu lợn sống sẽ được nhà chức trách phối hợp với hiệp hội chăn nuôi và các nhà nhập khẩu để cùng thảo luận, xem xét và đưa ra quyết định.
"Tôi sẽ làm việc sát sao với hiệp hội chăn nuôi và các nhà nhập khẩu để xác định Campuchia phải tạm dừng nhập khẩu heo sống trong bao lâu. Chúng tôi không muốn dịch ASF tấn công đàn heo trong nước", Cục trưởng Cục Thú y Campuchia cho biết.
Trước đó, Campuchia từng có thời điểm nhập khẩu 8.000-9.000 con lợn mỗi ngày từ Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống sau khi tổng lượng các nhà chăn nuôi trong nước tăng lên.
Địa phương nhập khẩu nhiều lợn sống nhất ở Campuchia là tỉnh Banteay Meanchey, nằm giáp với Sa Kaeo của Thái Lan. Lợn được nhập vào nước này thông qua trạm kiểm soát quốc tế tại Poipet.
Trong một động thái liên quan, hôm 12/1, Đài Loan cũng ra thông báo cấm nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ Thái Lan.
Trước đó, Thái Lan đã cấm xuất khẩu lợn từ ngày 6/1 đến ngày 5/4 với mục tiêu giải quyết tình trạng giá thịt lợn tăng vọt trong nước. Trong năm 2021, quy mô đàn lợn của Thái Lan đã giảm hơn 30%, làm giảm nguồn cung thịt lợn và đẩy giá thành lên cao.
Được biết, nhiều nông dân đã nhận định ASF là nguyên nhân trong một vài trường hợp nhưng phía Bộ Nông nghiệp lại cho rằng chính hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) mới là lý do khiến lợn tử vong.
Các chuyên gia sau đó xác nhận dịch tả lợn châu Phi thực sự xuất hiện ở Bangkok. Dù không gây hại cho người, ASF gây tử vong cho lợn và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Nhập khẩu nông sản từ Campuchia tăng mạnh
Năm 2021, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu 70 thị trường về nhập khẩu nông sản của Campuchia với tổng số trên 3,5 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là thông tin được nêu trong báo cáo của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Campuchia năm 2021.
Đặc biệt, các mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như tiêu, điều, gạo… nhập khẩu từ Campuchia cũng tăng mạnh. Việt Nam đã nhập khẩu gần 1 triệu tấn hạt điều thô, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục Hải quan cho biết, nhập khẩu hạt điều từ Campuchia đã tăng mạnh trong 3 năm qua. Năm 2021, có những tháng kim ngạch nhập khẩu điều từ Campuchia tăng gấp 7 lần so cùng kỳ.
Tương tự, VN là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới, nhưng trong năm qua, lượng tiêu VN nhập từ Campuchia cũng tăng mạnh gấp hơn 3 lần và dẫn đầu thị trường tiêu thụ tiêu của Campuchia.
Năm 2021, quốc gia láng giềng đã xuất khẩu sang Việt Nam 3,52 triệu tấn lúa, tăng hơn 61% so với năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu sắn đạt 622.000 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng sắn xuất khẩu của nước này.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, Campuchia xuất sang Việt Nam 134.000 tấn hạt bắp, 26.000 tấn đậu xanh, 66.200 tấn đậu tương, cùng với đó là hàng ngàn tấn trái cây như bưởi, sa pô chê, chuối, xoài…
Đáng lưu ý, Campuchia trước nay vốn là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Sự đảo chiều chỉ xuất hiện lần đầu năm 2021, khi Việt Nam chuyển từ xuất sang nhập khẩu lượng lớn nông sản từ nước này.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, việc nhập khẩu nguyên liệu thô như điều, tiêu… từ Campuchia để chế biến, xuất khẩu là điều bình thường. Trước đó, Việt Nam cũng từng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ để chế biến xuất khẩu.
Theo chuyên gia này, các nguyên nhân dẫn đến việc nhập siêu từ Campuchia có thể là do dịch Covid-19 khiến vận tải container đường biển bị ảnh hưởng, nhà sản xuất chuyển hướng sang các thị trường tiện lợi, giảm chi phí tối đa.
Ông Xuân cho biết, sản lượng điều, tiêu của Việt Nam vẫn chưa đủ để chế biến xuất khẩu. Việt Nam mới chủ động được 20 - 30% nguyên liệu điều, còn lại phần lớn phải nhập khẩu từ Nigeria, Ấn Độ, Campuchia. Khó khăn vận tải biển là một trong những lý do khiến nguyên liệu này được nhập về số lượng lớn từ Campuchia trong năm qua.
“Còn lại, vài ba trăm ngàn tấn hạt bắp, vài chục ngàn tấn đậu hay hơn 3 triệu tấn lúa cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ lúa gạo, đậu trong nước. Nó chỉ góp phần phong phú hàng hóa trong thế giới hội nhập mà thôi”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định.
Ông cũng cho biết, các loại nông sản như gạo, đậu, mía, sắn… được nhập khẩu từ Campuchia đều có giá và chất lượng tốt.
Trong khi đó, một giám đốc doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo ở Sóc Trăng cũng cho rằng, việc tăng mua nguyên liệu từ Campuchia về là điều bình thường vì giá cả tốt. Đặc biệt, nó giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
“Đây là xu thế theo chiều hướng tích cực, nông sản thô Việt Nam nhập nhiều nhất từ Trung Quốc, nay san bớt sang thị trường Campuchia, cũng là cách chia rủi ro và tăng sự đa dạng nguyên liệu đầu vào”, vị này đánh giá.