Phạm nhân lao động ngoài trại giam: Đi tù hay đi kiếm tiền?

Ở Việt Nam, Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét bổ sung việc thí điểm đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Sputnik
Tuy nhiên, trước đó, đề xuất này của Bộ Công an gây nhiều tranh cãi. Các ĐBQH nêu ý kiến trái chiều, lo ngại để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam sẽ rất khó quản lý, nhiều người đặt thẳng vấn đề – đi tù hay đi kiếm tiền, làm kinh tế?

Việt Nam muốn đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tiến hành phiên họp thứ 7 từ 18-19/1/2022, trong đó có xem xét đề xuất đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.
Cụ thể, theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, ở phiên họp thứ 7 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội – thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Việt Nam bắt phạm nhân ‘phản cách mạng’ và tham gia tổ chức phản động
Cũng tại phiên họp này, dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân.
Liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2).
Liên quan đến công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021. Bên cạnh đó, trong 2 ngày họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến về tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đồng thời, xem xét Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội.

Đi tù hay đi kiếm tiền?

Đề xuất đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam thực tế đã được đề cập từ nhiều năm trước ở Việt Nam, tuy nhiên, còn vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều.
Theo đó, hồi năm 2019, Bộ Công an đã đề xuất đưa vào Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, cho phép phạm nhân ở các trại giam, nhà tù ra lao động bên ngoài trại.
Nhiều đại biểu còn băn khoăn với đề xuất này và lo lắng của họ không phải là không có cơ sở.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm lo lắng chế độ phạm nhân cao, có người sẽ tìm cách để đi tù
Còn nhớ, ông Lưu Bình Nhưỡng (khi ấy là ĐBQH Đoàn Bến Tre) cho rằng, đã là phạm nhân, có tội, thì phải cách ly khỏi xã hội, cả việc thăm nom với người thân cũng phải có sự hạn chế, giám sát theo quy định rất nghiêm. Vị Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó cho rằng, việc đưa phạm nhân đi làm việc là vô cùng phức tạp.
“Chúng ta bắt phạm nhân đi ra ngoài lao động, tức là bắt họ đi kiếm tiền, như thế có hợp lý không?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề.
Ông Hoàng Văn Hùng (Đoàn Thái Nguyên) bày tỏ ý kiến không đồng tình với đề xuất của Bộ Công an, cho rằng, việc không thể cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, vì đây đều là những đối tượng đã có hành vi gây hại cho xã hội.
“Bản chất của tù là cải tạo để nhận ra tội lỗi chứ không phải để tạo ra giá trị kinh tế. Nếu để phạm nhân đi lao động, tạo ra tiền thì tôi e rằng việc đi tù sẽ không mang tính răn đe”, ông Hoàng Văn Hùng thẳng thắn.
Ông Trần Văn Lâm, Đoàn Bắc Giang lo lắng, nếu quy định cho phép phạm nhân lao động bên ngoài trại giam thành hiện thực, như vậy liệu có đảm bảo sự công bằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sử dụng lao động từ trại giam và doanh nghiệp sử dụng lao động bình thường hay không.
Ở góc nhìn khác, nhiều đại biểu cho rằng, đề xuất này có nhiều điểm tích cực, có thể tạo ra giá trị kinh tế cho đất nước.
Xe chở phạm nhân về trại giam gặp sự cố, 1 cán bộ công an hy sinh
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) khi ấy nhấn mạnh đến yếu tố - tự nguyện hay không tự nguyện.
“Phạm nhân có thể đồng ý hoặc không đồng ý với việc ra ngoài lao động, vì đây là quyền của họ”, ông Hồng nói.
Theo vị đại biểu, hiện nay có nhiều trại giam đã thí điểm việc này, trên thực tế không có vấn đề gì và hoàn toàn hợp lý.
Cũng đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thủy, Bắc Kạn cho biết, đề xuất của Bộ Công an tạo ra nhiều cơ hội việc làm, khả năng hành nghề, thực tế số lượng phạm nhân bỏ trốn rất ít.
Bà Thủy lý luận rằng, lao động không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền của phạm nhân nên đề nghị đưa vào luật. Theo vị ĐBQH, việc lao động ngoài trại giam không mang mục đích kinh tế mà là tạo cơ hội cho phạm nhân cải tạo, sớm được về với gia đình.
“Nhiều e ngại đối với quy định này là đúng nhưng Quốc hội không nên vì e ngại mà bỏ qua cơ hội cho phạm nhân vừa cải tạo, vừa có niềm vui lao động sản xuất”, nữ ĐBQH nhấn mạnh.

50/50

Tại phiên họp ngày 14/6/2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khi đó cho rằng, “còn nhiều quan điểm khác nhau” xung quanh quy định cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân.
Đề xuất theo hướng doanh nghiệp tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý, trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động bên ngoài.
Việt Nam họp xem xét vấn đề đặc xá tù nhân
Theo bà Nga, Quốc hội đánh giá, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay là đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội.
“Do đó, đối với người bị phạt tù, lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân”, bà Lê Thị Nga nêu rõ.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác này, việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là “cần thiết”.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Đồng thời, các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu
Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý, trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động lại là “vấn đề mới”.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức xin ý kiến đại biểu về vấn đề này và sự đồng ý chưa đạt 50% ý kiến nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định này vào dự thảo luật”, bà Lê Thị Nga cho hay.
Cùng với đó, Quốc hội cũng chưa thông qua việc cho phép phạm nhân hưởng một phần công lao động, do trên thực tế, năng suất, hiệu quả lao động và giá trị thu được qua tổ chức lao động tại các trại giam “rất hạn chế”, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

Bộ Công an nói gì?

Theo Bộ Công an, từ những năm 2000 cho đến khi Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và 2019 được thông qua, tình hình số lượng phạm nhân đến trại giam chấp hành án tăng.
Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam.
Ngày 18/8/2011, Bộ Công an đã có Công văn số 2471/BCA-C81 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc được liên kết với các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp của địa phương đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cho phạm nhân trong nhà xưởng, gắn với lao động, dạy nghề để thuận lợi cho công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác đặc xá tại Trại giam Ngọc Lý
Bộ Công an cũng cho hay, tính đến tháng 10/2019 có 24/54 trại giam phối hợp tổ chức 154 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam, số lượng phạm nhân lao động, học nghề dao động từ 6.000-7.000 phạm nhân.
Các ngành nghề lao động chủ yếu ở các khu sản xuất và các điểm lao động ở ngoài trại giam là trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất gạch, gia công vàng mã, may gia công, đóng gói bánh kẹo, đan lát mây tre và một số các ngành thủ công chế biến khác.
“Hoạt động của mô hình khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam cho thấy hiệu quả về đầu tư, môi trường lao động, không làm tăng chi phí, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân”, Bộ Công an nêu rõ.
Bộ Công an cũng cho rằng, hoạt động này góp phần làm giảm nguy cơ mất an ninh, an toàn trong trại giam, đồng thời cũng góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, góp phần cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại phục vụ xây dựng cơ sở vật chất trại giam.
Dự thảo quy định, phạm nhân đưa ra các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải bảo đảm các điều kiện:
Thứ nhất, phạm nhân đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam phải có nơi cư trú rõ ràng, từ ngày đến trại giam có tư tưởng ổn định, yên tâm chấp hành án.
Thứ hai, phạm nhân có mức án trên 15 năm, chung thân phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 5 năm.
Thứ ba, phạm nhân mức án từ 15 năm trở xuống phạm tội lần đầu hoặc đã có 1 tiền án do phạm tội vô ý và phải bảo đảm các điều kiện như phạm nhân có mức án từ trên 7 năm đến 15 năm phải chấp hành được 1/3 mức án, hạ loại giam giữ xuống B2, phạm nhân có mức án từ trên 3 năm đến 7 năm đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại “khá” hoặc “tốt” 6 tháng trở lên, phạm nhân có mức án từ 3 năm trở xuống đã có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại “khá” hoặc “tốt” 3 tháng trở lên.
“Đối với số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chỉ lựa chọn số phạm nhân không còn biểu hiện lệ thuộc về ma túy”, Bộ Công an nhấn mạnh.
Cơ quan an ninh của Việt Nam cũng nêu rõ, sẽ không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam thuộc một trong những trường hợp như phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên, tái phạm nguy hiểm, có kết quả xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù loại “trung bình” hoặc “kém”, có hành vi trốn khỏi nơi giam hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc, là đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong các vụ án, tổ chức tội phạm, phạm nhân trong các vụ án kinh tế lớn dư luận xã hội quan tâm.
Đặc xá 2021: Minh chứng sống động, hiệu quả của chính sách nhân đạo
Đồng thời, phạm nhân phạm một trong các tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, giết người, trộm cắp tài sản có tính chất chuyên nghiệp, cướp tài sản hoặc cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp hoặc sử dụng vũ khí hoặc hành hung để tẩu thoát, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân là người nước ngoài, phạm nhân liên quan đến an ninh quốc gia cũng sẽ không được đưa ra ngoài lao động.
Cán bộ trinh sát trại giam lựa chọn, lập danh sách đề xuất trưởng phân trại duyệt, gửi đội trưởng đội trinh sát lấy ý kiến của đội giáo dục-hồ sơ, đội quản giáo, đội cảnh sát bảo vệ-cơ động, đội y tế, sau đó tổng hợp và thẩm định trước khi báo cáo, đề xuất ban giám thị trại giam duyệt những phạm nhân nào được đưa ra ngoài lao động.
“Công tác bảo đảm an ninh, an toàn giam giữ tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện đúng như tại trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành”, Bộ Công an nhấn mạnh.
Thảo luận