Các chiến dịch bảo tồn loài hổ, cấm săn bắt, nuôi nhốt trái phép, ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng các cá thể hổ trong tự nhiên đã được Nhà nước quan tâm hơn.
Tuy nhiên, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Nga, Trung Quốc đã đạt một số thành tựu nhất định về phục hồi số lượng cá thể hổ ngoài tự nhiên, thì tại Việt Nam, vấn đề bảo tồn loài hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt thời gian qua.
Chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam cũng như thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi để bảo tồn loài động vật hoang dã này.
Nguy cơ loài hổ tuyệt chủng, Việt Nam còn bao nhiêu cá thể hổ tự nhiên?
Theo ước tính của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), sau hơn 10 năm tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về hổ diễn ra tại Nga, Việt Nam hiện chỉ còn 5 cá thể hổ ngoài môi trường tự nhiên.
Cụ thể, ngày 17/1, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) ước tính hiện Việt Nam chỉ còn khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đây cũng chỉ là con số được WWF thống kê từ số lượng ước tính của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tính đến năm 2015, do từ năm 2009, Việt Nam đã không còn ghi nhận về hổ hoang dã và cũng không có bất kỳ một khảo sát quốc gia nào về số cá thể hổ ngoài tự nhiên.
Năm 2010, tại Hội nghị Thượng đỉnh về hổ tổ chức tại Nga, Việt Nam và 12 quốc gia có hổ sinh sống trong môi trường tự nhiên đã cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trên thế giới vào năm 2022. Năm 2022 cũng là năm con hổ - năm Nhâm Dần.
Ngày 16/4/2014, Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022 được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt.
Chương trình được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn sinh cảnh và con mồi của hổ, hạn chế sự suy giảm, từng bước phục hồi và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022 như đã cam kết trong Hội nghị năm 2010.
Giải cứu hổ con
© AFP 2023 / STR
Tuy nhiên, khi nhiều nước khác đã gặt hái một số thành công trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã như ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Nga, Trung Quốc (số hổ trên toàn cầu từ khoảng 3.200 cá thể năm 2010 lên ít nhất 3.890 cá thể vào năm 2016), thì tại Việt Nam, số hổ ngoài tự nhiên còn ít và chưa được thống kê chính thức, cụ thể.
Theo WWF, số lượng hổ trên thế giới giảm 95% trong vòng 100 năm qua. Tương lai của những con còn sống bị đe dọa bởi nạn săn trộm, tình trạng phá rừng và biến đổi khí hậu.
Nuôi hổ bảo tồn ở Việt Nam đang ‘có vấn đề’
Không những thế, dù được các chuyên gia đánh giá là giải pháp cần thiết để góp phần phục hồi quần thể hổ tự nhiên thì việc nuôi hổ để bảo tồn tại Việt Nam vẫn nảy sinh nhiều tiêu cực.
Trong vòng hơn 10 năm, với 22 cơ sở nuôi nhốt, Việt Nam đã ghi nhận 364 cá thể hổ nuôi nhốt có đăng ký vào năm 2021, tăng 267 cá thể so với năm 2010 (97 cá thể).
Dù vậy, ENV đánh giá tất cả các cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam đều đang làm sai điều kiện và mục tiêu của hoạt động “nuôi hổ bảo tồn”.
Cụ thể, nuôi hổ bảo tồn là nhằm phục hồi, tái thả hổ về môi trường tự nhiên. Quá trình này đòi hỏi thời gian lâu dài, tốn kém và kế hoạch cụ thể, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát.
Hổ được nuôi bảo tồn phải đảm bảo về sức khỏe, đủ bản năng tự nhiên. Bên cạnh đó, phải xác định được môi trường tái thả hổ và có kế hoạch tái thả phù hợp.
Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có chung nhận định trên khi đánh giá các cơ sở nuôi nhốt hổ năm 2012 để báo cáo Thủ tướng.
Bộ đội biên phòng Việt Nam và bộ da hổ
© AFP 2023 / STR
Theo đó, Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho rằng các cơ sở không phân biệt các phụ loài hổ, các phân loài bị nuôi nhốt chung dẫn đến di truyền cận huyết.
Từ đó, thế hệ hổ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên và do vậy, không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam.
Vì sao hổ có nguy cơ tuyệt chủng?
Theo Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế cũng như Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm số lượng hổ trầm trọng dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng chính là do nạn săn bắn, buôn bán trái phép và sự suy giảm sinh cảnh, nguồn thức ăn của loài hổ.
Trong đó, các chuyên gia lưu ý, “hiểm họa lớn nhất” với hổ đến từ hoạt động săn bắn và sự suy giảm của con mồi.
Cùng với đó, số lượng hổ giảm mạnh trong thế kỷ qua do nhiều hoạt động của con người. Da hổ được coi là món hàng quý giá tại nhiều quốc gia, do đó, những kẻ săn trộm ráo riết săn lùng hổ để lấy da. Nhiều người muốn mua các bộ phận khác trên cơ thể hổ để làm thuốc, dùng trong Đông Y.
Những kẻ săn trộm cũng săn bắt nhiều loài động vật vốn là con mồi của hổ như hươu, nai, hoẵng, lợn rừng, dê rừng.
Chính thực tế này đã dẫn đến tình trạng nguồn cung cấp thức ăn cho hổ giảm đi, buộc chúng phải tấn công gia súc của nông dân, tiếp tục phát sinh xung đột giữa con người và hổ hoang dã trong tự nhiên.
Quá trình phục hồi loài hổ còn đối diện với thách thức khác chính là tình trạng mất dần môi trường sống do các nông dân lấy đất để canh tác và các cánh rừng đã bị chặt phá để làm đường, xây đập và khai thác mỏ, quặng, khoáng sản phục vụ cho các mục tiêu kinh tế.
Diện tích rừng ngày càng thu hẹp do con người phá rừng để sản xuất nông nghiệp và làm đường do đó, hổ đang bị dồn vào những khu rừng nhỏ hơn, khả năng sinh tồn bị hạn chế.
Bên cạnh đó, thực trạng biến đổi khí hậu cũng là một hiểm họa với hổ ví dụ như ở rừng đước khổng lồ thuộc quần đảo Sunderbans (kéo dài từ Ấn Độ tới Bangladesh) là nơi sinh sống 70% loài hổ Bengal. Nhưng trong vòng 50 năm tới, 70% diện tích rừng đước có thể biến mất do nước biển dâng. Do đó, chính quyền các quốc gia cần chung tay hành động khẩn cấp để cứu lấy loài hổ.
Việt Nam siết chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ
Theo Phó giám đốc ENV Bùi Thị Hà, hoạt động nuôi nhốt hổ không vì mục đích thương mại đang nở rộ khi số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký liên tục tăng qua từng năm. Việc nuôi nhốt này chủ yếu do các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiến hành điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam, đồng thời thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi để bảo tồn.
“Việc siết chặt quản lý là rất cần thiết, nhằm đảm bảo hoạt động này góp phần bảo tồn hổ trong tự nhiên tại Việt Nam và thực hiện hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký từ năm 1994”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bà Hà biết, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thông qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử...)
Bà Hà thừa nhận với TTXVN rằng, dù đánh giá cao nỗ lực trên, song việc lập hồ sơ quản lý, nhận dạng hổ sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu tiến hành đồng thời với một chính sách rõ ràng nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sinh sản của hổ cũng như xử lý các trường hợp hổ chết tại các cơ sở nuôi nhốt đã đăng ký trong bối cảnh hiện chưa có một văn bản pháp lý nào đề cập chi tiết về các vấn đề quan trọng này.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng đề xuất Chính phủ hoàn thiện các quy định pháp luật để siết chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cần có chính sách chuyên biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ, quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn.
Cùng với đó, thiết lập cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Theo diện ENV, trong tương lai, nhà nước cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng để ngăn chặn việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại để buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Giết mổ, tàng trữ hổ ở Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào?
Như Sputnik đã đưa tin trước đó, hôm 6/1, Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đã tạm giữ ông Ngô Văn Quân (52 tuổi, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong) để điều tra về hành vi tàng trữ, giết mổ một cá thể hổ.
Tại hiện trường là nhà riêng của ông Quân, cảnh sát thu giữ một xác hổ đông lạnh, một bộ xương hổ, 2 bộ da hổ, một đầu sơn dương đông lạnh và nhiều xương, thịt động vật ở khu vực bếp, sân nhà.
Ngoài ra, lực lượng công an còn tìm thấy 1.578 gói cao, 21 lọ thủy tinh đựng chất lỏng dán nhãn “1 cc mật gấu tươi”.
Chia sẻ xoay quanh vụ việc trên, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội) cho biết, hổ là động vật hoang dã có trong danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc Nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Vì vậy, hành vi nuôi nhốt, giết mổ hổ trái phép là vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp của ông Quân, cơ quan công an phát hiện tại nhà ông có tàng trữ một xác cá thể hổ đông lạnh và nhiều bộ phận khác như xương, da động vật, đầu sơn dương...
Theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, xương, da... là những bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống. Do đó, theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, ông Quân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tàng trữ một cá thể hổ và nhiều bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của cá thể lớp thú.
Khoản 1, Điều 244 quy định, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ Nhóm IB, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.
Cơ quan điều tra còn phải làm rõ nguồn gốc 1.578 gói cao trong nhà ông Quân. Nếu số cao này được làm từ một trong những loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234 Bộ luật Hình sự.
Tội danh này có khung hình phạt tối thiểu là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và tối đa là 15 năm. Người bị kết tội còn có thể bị phạt bổ sung số tiền 50-200 triệu đồng.