Việt Nam là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung

Công bố doanh thu khủng của Samsung ở Việt Nam. Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Samsung Việt Nam cho thấy, năm 2021, doanh thu đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2020.
Sputnik
Việt Nam là cứ điểm sản xuất, công xưởng lớn nhất của Samsung trên thế giới. Có đến 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại quốc gia này.
Ngoài ‘ông lớn’ Hàn Quốc, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư đầy triển vọng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản nhờ sở hữu nhiều lợi thế thu hút FDI vượt trội.

Doanh thu của Samsung ở Việt Nam năm 2021 là bao nhiêu?

Ngày 19/1, Samsung Việt Nam đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021 – năm mà nền kinh tế Việt Nam chịu đòn giáng mạnh từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cùng các đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Tuy nhiên, những con số mà gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc công bố cho thấy, Samsung đang “làm ăn rất tốt” ở Việt Nam. Năm qua, doanh nghiệp FDI lớn nhất đất nước này ghi nhận mức tăng trưởng tốt, doanh thu khổng lồ, thành tựu xuất khẩu đáng ngưỡng mộ bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Apple, Samsung đua nhau mở mono store ở Việt Nam, ai sẽ thắng?
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Samsung cho thấy, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, năm 2020, các nhà máy của Samsung tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khổng lồ với doanh thu đạt khoảng 67 tỷ USD, lợi nhuận 4 tỷ USD.
“Kết quả tăng trưởng về doanh thu và xuất khẩu như trên là do các nhà máy của Samsung đã nghiêm túc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ Việt Nam khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021”, thông cáo báo chí của Samsung Việt Nam nêu rõ.

Samsung luôn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam

Samsung Việt Nam khẳng định, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2021, do các nhà máy của doanh nghiệp và các nhà cung ứng đặt tại các địa phương có sự bùng phát dịch mạnh mẽ và phải thực hiện một số biện pháp phòng dịch quyết liệt, nên Samsung Việt Nam đã gặp phải một số khó khăn trong việc cung cấp linh, phụ kiện khiến sản xuất bị ảnh hưởng.
“Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ và chính quyền các địa phương nơi Samsung và các nhà cung cấp đặt nhà máy, nên những khó khăn này đã nhanh chóng được giải quyết để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn”, Samsung nêu rõ.
Cùng với đó, để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng không thể không kể đến nỗ lực của các nhân viên Việt Nam cũng như các nhân viên Hàn Quốc khi sẵn sàng ở lại nhà máy theo quy định “3 tại chỗ” nhằm duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Samsung muốn ở lại và dự án khu công nghiệp sạch kiểu Hàn Quốc đầu tiên ở Việt Nam
Đặc biệt, để đảm bảo việc cung cấp linh kiện không bị gián đoạn, ban lãnh đạo Samsung đã coi việc hỗ trợ các nhà cung cấp phòng dịch, duy trì ổn định sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực.
Lãnh đạo tập đoàn Samsung Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương nơi có nhiều nhà cung cấp như Bắc Giang, Vĩnh Phúc để giải quyết và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa, di chuyển của nhân lực.

Công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung

Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, Samsung Việt Nam cho rằng, nhờ khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, giãn cách xã hội, gián đoạn chuỗi cung ứng, Samsung gặt hái được một số thành công đáng khích lệ.
Hãng công nghệ khổng lồ của thế giới đã cho ra mắt các sản phẩm gây tiếng vang lớn trên thị trường toàn cầu.
“Các dòng điện thoại chiến lược được sản xuất tại Việt Nam của Samsung như Galaxy Z Fold 3 và Galazy Z Flip 3 góp phần chủ lực trong doanh thu của Samsung Việt Nam”, doanh nghiệp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, các mẫu điện thoại gập của Samsung đã bán được trên 4 triệu sản phẩm trên toàn thế giới, tăng 4 lần so với năm 2020.
FDI, nền kinh tế và ổn định chính trị, vì sao Samsung sẽ không rời bỏ Việt Nam?
Samsung cũng tham chiếu kết quả nghiên cứu của công ty chuyên điều tra thị trường Counterpoint research, trong tổng số thị phần của điện thoại Samsung tại Mỹ, lượng bán ra của các dòng điện thoại gập đã tăng từ 0,6% trong năm 2020 lên đến 12% trong năm 2021.
“Hiện tại hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm di động thông minh được sản xuất tại các nhà máy Samsung tại Việt Nam đang được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”, Samsung Việt Nam cho biết.

“Chúng tôi không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam”

Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đầu tư làm ăn lâu dài ở Việt Nam tại báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021.
“Đáp lại sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam do đại dịch COVID-19”, ông Choi cam kết.
Theo lãnh đạo Samsung, ngoài việc giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt, hàng năm Samsung Việt Nam vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD nhằm mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
“Tính đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỷ USD, vượt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD”, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định.
Ông Choi Joo Ho cũng nêu rằng, kết quả kinh doanh vượt trội của Samsung Việt Nam năm 2021 còn có sự đóng góp không nhỏ từ nỗ lực của các nhân viên Việt Nam.
'Bộ não' nền kinh tế: Samsung biến Việt Nam thành cứ điểm chiến lược về công nghệ
Doanh nghiệp ghi nhận sự đóng góp của 5 nhân viên xuất sắc, trong đó 4 nhân viên của công ty TNHH Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và 1 nhân viên của công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) đã có sáng kiến cải tiến hiệu quả trong sản xuất làm lợi cho doanh nghiệp 5,3 triệu USD mỗi năm.
Đồng thời, những hoạt động cải tiến này đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và tại lễ tuyễn dương “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, 5 nhân viên nói trên của Samsung đã vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính trao “Bằng lao động sáng tạo”.
Theo thông tin mới nhất từ chính Samsung, Samsung Việt Nam hiện tại đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng
“Trong kế hoạch phát triển của Samsung, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D”, ông Choi khẳng định.
Hiện nay, Samsung đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội, với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn.
Trung tâm R&D mới của Samsung dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022 và sẽ tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT... đóng góp vào thành công chung của Việt Nam.
Việt Nam khiến Trung Quốc lo lắng vì quyết định của Apple và Samsung
Như Sputnik đề cập, Samsung đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Samsung Electronics Vietnam hiện nay đã và đang không chỉ là doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn nhất, có quy trình tuyển dụng nhân sự khắt khe, tài năng bậc nhất mà còn lọt top những nơi làm việc tốt nhất ở Việt Nam.
Samsung cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở quốc gia Đông Nam Á này, trong năm qua, Samsung dẫn đầu danh sách các thương hiệu tốt nhất Việt Nam.

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản

Không chỉ là cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung, hấp dẫn “đại bàng” Hàn Quốc, Việt Nam được đánh giá rất cao với nhiều lợi thế ưu việt trong cuộc đua cạnh tranh FDI cũng như đón làn sóng chuyển dịch đầu tư.
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố báo cáo khảo sát từ hơn 4.600 doanh nghiệp Nhật Bản phân bổ rộng khắp trên gần 20 thị trường nước ngoài, trong đó có 700 đơn vị ở Việt Nam cho thấy kết quả hết sức khả quan.
Theo đó, có trên 55% trong số 700 doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Hơn 42,5% doanh nghiệp dự kiến duy trì ở quy mô hiện tại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số doanh nghiệp Nhật Bản
Cần lưu ý rằng, khảo sát của JETRO được tiến hành từ 25/8 đến 24/9, trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải thực hiện nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản không hề mất niềm tin vào đất nước này.
Đã từng có thời điểm khi dịch bùng phát mạnh, cách ly xã hội “lịch sử” trên toàn quốc, Việt Nam từng lo ngại đánh mất lợi thế cạnh tranh về thu hút FDI, tuy vậy, khảo sát của JETRO cho thấy, chỉ có 2% doanh nghiệp Nhật muốn thu hẹp hoạt động và chưa đến 0,5% doanh nghiệp có ý định bỏ Việt Nam mà chuyển sang quốc gia khác.
Phát biểu sáng nay, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho hay, tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam đúng là có giảm so với trước dịch. Tuy nhiên, đây là xu thế chung tại các thị trường khác chứ không chỉ riêng ở Việt Nam, do những tác động của Covid-19.
“Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng sản xuất luôn duy trì ở mức cao hơn mặt bằng khu vực ASEAN”, đại diện JETRO khẳng định.
Theo ông Takeo Nakajima, Việt Nam nắm lợi thế quan trọng là quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng, nhờ đó mà luôn thuộc top các nước được doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên, lựa chọn đầu tư.
Bên cạnh đó, yếu tố nhân công cũng là ưu điểm mà Việt Nam có thể tự tin so với các đối thủ cùng đua tranh FDI khác.
“Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao chất lượng người lao động tại Việt Nam”, lãnh đạo JETRO tại Hà Nội nêu rõ.
Việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ghi nhận xu hướng chuyển dịch từ các mặt hàng đa năng sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực chế tạo, và chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh xu thế này.
Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi cạnh tranh nguồn lực kỹ sư lớn giữa các nước, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang chịu áp lực lớn do vừa thiếu lao động, vừa bị gia tăng chi phí nhân công. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ tăng lương cao hàng đầu Đông Nam Á.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn cho doanh nghiệp Nhật Bản
Doanh nghiệp Nhật Bản chỉ lưu ý về vấn đề thủ tục hành chính ở Việt Nam. Dù người Nhật ngày càng đánh giá cao hệ thống pháp luật minh bạch và thủ tục hành chính ngày càng được rút gọn của Việt Nam, tuy nhiên, điểm số về vấn đề này giảm mạnh trong hai năm 2020 và 2021.
Ông Nakajima lý giải có thể do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến Chính phủ và địa phương phải liên tục “thay đổi” chưa kể, có nhiều nơi còn chưa đồng nhất, tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp ngắn hạn để chống dịch, về mặt dài hạn, doanh nghiệp kỳ vọng có sự cải thiện do chính phủ chỉ đạo.
Theo ông Takeo Nakajima, có 39 doanh nghiệp hiện muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, nằm trong chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật.
Theo vị lãnh đạo, đây không phải là các doanh nghiệp mới mà đều có mặt tại Việt Nam từ lâu, tin tưởng vào Việt Nam nên muốn chuyển dịch dây chuyển sản xuất từ thị trường khác sang quốc gia này.
Như Sputnik từng dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, FDI có sự thay đổi, đảo chiều ngoạn mục bất chấp ảnh hưởng khó khăn bộn bề của dịch bệnh.
Năm 2021, ước tính FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD.
Đồng thời, trong 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam năm 2021. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% và Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5%.
Thảo luận