Theo thỏa thuận của SK Ecoplant và Nami Solar, sẽ có dự án phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 200 triệu USD.
Các chuyên gia đánh giá về Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương, xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch, kế hoạch từ bỏ điện than và khả năng phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
SK Group Hàn Quốc đầu tư dự án điện mặt trời ở Việt Nam
Ngày 24/1, đại diện Công ty Cổ phần năng lượng mặt trời Nami thông báo về việc đã đạt được thỏa thuận liên doanh với Công ty SK Ecoplant, công ty con thuộc Tập đoàn SK (SK Group) Hàn Quốc, để đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.
Cụ thể, Công ty Năng lượng Nami Energy cho hay, Công ty cổ phần năng lượng mặt trời Nami (Nami Solar – Công ty thành viên của Nami Energy) đã đạt được thỏa thuận liên doanh với Công ty SK Ecoplant (thuộc Tập đoàn SK Hàn Quốc) để đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận đã ký, liên doanh hai công ty Việt – Hàn này sẽ đầu tư 200 triệu USD để phát triển 250 MWp điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.
Phía Công ty Năng lượng Nami Energy khẳng định, dự án hoàn toàn phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26 cũng như chính sách chuyển dịch sử dụng năng lượng sạch của Việt Nam.
Thực tế, theo Nami Energy, cả Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đều đề cao các chương trình hành động chống biến đổi khí hậu, phục hồi và tăng trưởng xanh, cụ thể là Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050, còn Hàn Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm 40% lượng phát thải carbon của năm 2018 vào năm 2030.
Liên doanh hợp tác năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc này cũng kỳ vọng rằng, việc phát triển điện mặt trời sẽ góp phần cụ thể hóa các cam kết cấp cao của Chính phủ hai nước, đồng thời, sẽ góp phần giúp SK Ecoplant thực hiện mục tiêu trở thành nhà đầu tư lớn trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như giúp Nami Solar trở thành công ty hàng đầu về điện mặt trời phân tán tại Việt Nam.
Như đã biết, SK Group là tập đoàn lớn thứ 3 tại Hàn Quốc, điều hành hơn 120 doanh nghiệp trong các ngành năng lượng, khoa học sự sống, vật liệu tiên tiến, vận tải và bán dẫn. Trước khi lập liên doanh với Nami, SK được biết đến với thương vụ đầu tư gần 2 tỷ USD vào hai tập đoàn Vingroup và Masan Group của hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang.
Công ty con SK Ecoplant thành lập năm 1977, là một trong những nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực phát triển năng lượng trên toàn cầu hiện nay.
Liên doanh Hàn Quốc và Việt Nam vì chiến lược năng lượng sạch
Theo ông Lưu Hoàng Hà, Chủ tịch Công ty Năng lượng Nami Energy cho biết, sự hợp tác giữa một bên có thế mạnh về tài chính và kỹ thuật, một bên có nền tảng vững chắc ở Việt Nam, hiểu biết sâu rộng về ngành và đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm sẽ mang tới thành công lớn cho dự án.
Theo đó, các giải pháp điện mặt trời phân tán do liên doanh SK Ecoplan và Nami Energy cung cấp sẽ là các biện pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam, bao gồm cả các nhà đầu tư Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh cũng như tiết kiệm chi phí năng lượng.
Về phần mình, ông Casey Jung, Phó Chủ tịch phụ trách năng lượng tái tạo của SK Ecoplant nhấn mạnh, các cam kết mà Chính phủ Việt Nam đưa ra về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là “rất ấn tượng”. Đồng thời, quan hệ đối tác giữa SK Ecoplant với Nami Solar sẽ cho phép hai bên “cộng hưởng các thế mạnh của mình”.
“Điều này giúp thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon và thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng”, ông Jung bày tỏ.
Được biết, ở Việt Nam, việc sử dụng điện mặt trời áp mái trong sản xuất đang được nhiều doanh nghiệp lớn ở phía Nam triển khai.
Điển hình như, trước đó, Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (Vicotex), Tổng Công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi đã hợp tác với Nami Scolar lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà xưởng của Vicotex tại TP.HCM và các nhà xưởng của Sonadezi trong khu công nghiệp Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) và tại cảng Đồng Nai.
Bên cạnh đó, kể từ khi công bố lộ trình net zero vào tháng 7/2021 với mục tiêu giảm 50% lượng khí thải carbon trong vòng 10 năm tới đây và đạt net zero vào giữa thập niên 50 thế kỷ này, SK Group chính là tập đoàn Hàn Quốc đầu tiên đề xuất các mục tiêu và kế hoạch giảm phát thải cụ thể, thiết thực.
Hồi tháng 12/2021, ông Chey Tae-won, Chủ tịch SK Group, đã gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và tái khẳng định ưu tiên đầu tư trung hạn vào lĩnh vực năng lượng tái tại Việt Nam.
Điện mặt trời, năng lượng gió thiếu ổn định, Việt Nam vẫn cần điện than
Như Sputnik đã đề cập, thiện chí của Việt Nam về việc có lộ trình cụ thể thực hiện cam kết net zero, giảm thiểu, phi hóa carbon được rất nhiều nước đánh giá cao, thậm chí còn được coi là “hình mẫu” cho nhiều nước đang phát triển.
Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII hay Quy hoạch Điện 8) đã được sửa đổi nhiều lần kể từ lần đầu công bố vào tháng 3/2021. Bộ Công Thương cũng rất tích cực tiếp thu ý kiến từ các bên.
Bộ Công Thương cũng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch để trình lên Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay trong quý 1/2022. Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam sẽ đi theo hướng cắt giảm điện than, nhiên liệu hóa thạch, tăng tỷ lệ năng lượng sạch, hướng đến các giá trị phát triển bền vững.
Theo Cục Phó cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng, dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam đang được hiệu chỉnh theo hướng bền vững, dành nhiều không gian để phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, với chi phí sản xuất hợp lý, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
“Từ đó, đáp ứng các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính”, Cục Phó Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, lý do của lần sửa đổi này chính là việc tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, còn có Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tất nhiên, theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia, đây là hướng đi hoàn thiện phù hợp với xu hướng thế giới nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường, phát triển bền vững.
Các dự án điiện gió ở vùng biển tỉnh Bến Tre
© Ảnh : Công Trí-TTXVN
Viện Năng lượng ước tính, tiềm năng điện tái tạo của Việt Nam rất lớn. Riêng tiềm năng điện gió ngoài khơi là 160 GW, điện mặt trời là 386 GW. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển các dự án năng lượng sạch nhanh hàng đầu thế giới theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu GWEC.
Về vấn đề này, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến quan trọng tại COP26, như cam kết không xây dựng mới điện than, bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, trong đó có cam kết thực hiện lộ trình đưa mức giảm thải khí cacbon về 0% vào năm 2050 – đều là phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, nhiệt điện than của Việt Nam hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu, lên đến gần 50%.
“Điều này cho thấy ta chưa thể lập tức loại bỏ nhiệt điện than được, mà cần có lộ trình. Cơ cấu lại ngành năng lượng nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng cho mục tiêu giữ đà tăng trưởng, phát triển kinh tế”, chuyên gia phân tích.
Theo ông Ngãi, nhiệt điện than là nguồn điện ổn định quanh năm, số giờ lên tới 7.000 giờ/năm, do thiếu điện nên gần đây thường xuyên vận hành tới 8.000 giờ/năm, hiện chưa có nguồn điện nào đạt được kỷ lục như vậy. Trao đổi với ĐTTC của SGGP, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thẳng thắn cho rằng, Việt Nam “đi sau” các nước trong thời gian dài khi phát triển công nghiệp. Chuyên gia cũng chỉ rõ, nhu cầu về điện của Việt Nam hiện vẫn chưa bằng Thái Lan hay Philippines, nên khi nói đến điện than, cắt giảm nhiệt điện than, phải đặt trong bức tranh chung tổng thể.
“Trong ngắn hạn từ nay đến 2030, Việt Nam vẫn cần duy trì tỷ trọng nhiệt điện than ở mức 40% trước khi tìm kiếm được nguồn năng lượng khác thay thế”, ông Trần Viết Ngãi cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết, hiện tại, công nghệ sản xuất điện than ngày càng tiên tiến, không còn dùng lò tầng sôi mà chuyển sang lò hơi siêu tới hạn có nhiệt trị rất cao và dùng loại than cám đặc biệt.
TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia về năng lượng đánh giá trên Đầu tư rằng, tính chất đặc thù của năng lượng tái tạo là phụ thuộc vào thời tiết, việc bổ sung cần căn cứ trên cơ sở kinh tế, kỹ thuật, dựa vào quy hoạch về phụ tải, nhu cầu điện, do đó, theo ông Sơn, việc cân đối đảm bảo an toàn hệ thống điện là rất quan trọng, gắn với an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.
Chia sẻ những quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cũng nhận xét, điện gió, điện mặt trời nói riêng và điện tái tạo nói chung không có tính ổn định, có thể ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện.
“Vì vậy, song song với phát triển điện từ năng lượng tái tạo, vẫn phải đảm bảo một nguồn điện cần thiết (công suất nền từ điện than, điện hạt nhân) để chủ động đảm bảo an toàn hệ thống điện”, ông Long nêu rõ.
Khả năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam
Theo bản sửa đổi mới nhất Quy hoạch Điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt điện tái tạo cả nước sẽ đạt 155 GW, cắt giảm 24 GW nhiệt điện than.
Theo bản Bộ Công Thương công bố hồi tháng 11/2021, trong cơ cấu nguồn điện năm 2030 của Việt Nam, thuỷ điện chiếm 19%, nhiệt điện than chiếm 25%, nhiệt điện khí chiếm 25%; năng lượng tái tạo chiếm 24% (gồm điện gió, mặt trời, sinh khối).
Đến năm 2045, cơ cấu nguồn điện gồm thủy điện chiếm 14%, nhiệt điện than chiếm 11%, nhiệt điện khí 25%, nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45%, nhập khẩu điện 3,3%. Tức câu hỏi về điện hạt nhân còn bỏ ngỏ.
Bàn về khả năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, năm 2009, cơ quan chức năng đã lên kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận, với chi phí dự kiến lên tới vài tỷ USD.
Nhưng sau đó năm 2016, Quốc hội bác bỏ đề xuất này bởi vấn đề về chi phí. Bên cạnh đó, việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới đang vấp phải một số khó khăn do chi phí, thời gian xây dựng, an toàn, vấn đề về sản xuất và xử lý nhiên liệu.
“Tuy nhiên, trong dài hạn, tôi cho rằng nếu Việt Nam muốn cùng lúc thực hiện được 2 mục tiêu là giảm khí carbon và vẫn đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, chắc chắn điện hạt nhân phải có tên trong danh mục quy hoạch điện quốc gia”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ.
Trước đó, theo Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030 dựa trên kết quả hội đàm ngày 30/11/2021 của Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Moskva cho thấy, Việt Nam và Nga đạt được sự đồng thuận chung về tăng cường hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, trước hết trong khuôn khổ dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, tiếp tục đào tạo sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Nga theo chuyên ngành liên quan.
“Trường hợp Việt Nam khôi phục kế hoạch phát triển năng lượng điện hạt nhân, Liên bang Nga sẽ được xem là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này”, Tuyên bố chung nêu rõ.