Thực tế, ngoài Beijing U5 Plus, JAC, Chery QQ3, MG5, có nhiều lý do để 'bản nhái’ Rolls-Royce Hongqi H9 và E-HS9 (hãng xe chuyên chở Chủ tịch Tập Cận Bình) được giới chơi xe nhắc nhiều trong thế cạnh tranh với VinFast Việt Nam của ông Phạm Nhật Vượng.
Ở góc độ chiều sâu, Sputnik Việt Nam cũng sẽ tham chiếu báo cáo nghiên cứu về thị trường ô tô Việt Nam vốn được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh thời gian tới theo quan điểm của Ken Research.
Việt Nam tăng nhập xe ô tô Trung Quốc đến hơn 200%
Trên các diễn đàn về xe hơi của Việt Nam (điển hình như Autopro) vừa qua, rất nhiều người bàn luận về việc Việt Nam nhập khẩu mạnh lượng ô tô nguyên chiếc từ thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, nhiều người đặt lên bàn cân so sánh các mẫu xe hàng đầu mang tính quốc dân của Trung Quốc với cùng các dòng xe hơi đồng loại nhập từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là thương hiệu xe Hongqi (Hồng Kỳ) luôn được so sánh các đặc tính cơ bản, giá thành, vận hành, hậu mãi với hãng xe của Việt Nam – VinFast (đơn vị thành viên của tập đoàn Vingroup gắn với tên tuổi tỷ phú Phạm Nhật Vượng).
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ điểm lại một số mẫu xe ô tô mới từ Trung Quốc nhập khẩu sang Việt Nam, tìm hiểu thân thế khủng của Hongqi (hãng xe phục vụ cho giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc) dù bị coi là “nhái Rolls-Royce”, liệu xe điện của Hongqi có thực sự là đối thủ cạnh tranh của VinFast Việt Nam hay không, cũng như dự báo của giới chuyên gia về diễn biến thị trường xe hơi Việt Nam năm 2022 cũng như các năm tới.
Về nhập khẩu ô tô của Việt Nam năm 2021, như Sputnik đề cập, đáng chú ý nhất, năm qua, Việt Nam tăng nhập mạnh các sản phẩm xe hơi nguyên chiếc từ thị trường Trung Quốc – trên 200%. Đây là số liệu có phần bất thường nhưng phản ánh đúng xu hướng diễn biến của thị trường ô tô khu vực và trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cả năm 2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt hơn 160 nghìn chiếc, trị giá 3,66 tỷ USD, tăng 52,1% về lượng và tăng 55,7% về trị giá so với năm 2020.
Năm qua, Việt Nam nhập ô tô nhiều nhất từ ba thị trường Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. Cụ thể, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan cao nhất với trên 80,9 nghìn chiếc nhưng chỉ tăng 53,6%. Tiếp đó là Indonesia hơn 44,2 nghìn chiếc, cũng chỉ tăng 26,3%.
Kỷ lục nhất là Trung Quốc là 22,75 nghìn chiếc, tăng mạnh 207% so với năm 2020. Chỉ tính riêng tháng 12 năm ngoái, số xe ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam từ Trung Quốc là 4.473 chiếc.
Ngoài ra, cũng theo cơ quan Hải quan Việt Nam, trong tháng 12/2021, lượng xe ô tô vận tải làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam có tổng cộng 3.995 chiếc thì có đến 2.108 xe xuất xứ từ Trung Quốc, tăng 146%. Tương tự, xe chuyên dụng nhập tháng 12 là 2.583 xe thì có đến 2.303 xe “made in China”, chiếm đến 89% tổng số xe loại này vào thị trường Việt Nam.
Hải quan Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng tăng vọt lượng đăng ký nhập khẩu các dòng xe ô tô đa dạng thông qua các cửa khẩu phía Bắc (đặc biệt là ở Lạng Sơn), tức thực tế, xe từ Trung Quốc về Việt Nam ồ ạt.
Các mẫu xe ô tô Trung Quốc ở Việt Nam và giá bán
Xe Chery của Trung Quốc: Năm 2022, thương hiệu Chery, hãng xuất khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc sẽ trở lại Việt Nam với một loạt sản phẩm mới.
Lãnh đạo của Chery trước đó luôn rất lạc quan về tiềm năng của hãng ở thị trường Việt Nam cũng như khả năng hãng xe hàng đầu Trung Quốc có thể thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam.
Chery chưa có website chính thức ở Việt Nam nhưng trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện fanpage Chery Vietnam. Fanpage được thành lập từ cuối tháng 4/2021 và có xác nhận thông tin tham gia thị trường Việt dưới bình luận của một người dùng.
Theo Cục sở hữu trí tuệ, Chery đăng ký bảo hộ kiểu dáng mẫu SUV đô thị Tiggo 3x Plus và mẫu sedan Arrizo 6 kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, Tiggo 3x Plus là cách tiếp cận hợp lý khi phân khúc SUV A+/B- đang được quan tâm tại Việt Nam. Xe sở hữu kích thước 4.200 x 1.760 x 1.570mm, chiều dài cơ sở 2.555mm với động cơ 1 lít và 1,5 lít.
Mẫu thứ hai dòng Sedan - Chery Tiggo 3x Plus cạnh tranh với Kia Sonet (499-609 triệu đồng) và Toyota Raize (527 triệu đồng) về phân khúc, nhưng chắc chắn sẽ có giá bán hấp dẫn đặc trưng của các hãng xe Trung Quốc.
Mẫu xe Chery Tiggo 3x Plus từng gây xôn xao vì mức giá siêu rẻ tại quê nhà, dao động 49.900-67.900 nhân dân tệ, tương đương 168-229 triệu đồng.
Chery Automotive là hãng xe hơi do nhà nước Trung Quốc sở hữu, thành lập từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước tại Vũ Hồ, An Huy. Chery từng có mặt tại Việt Nam thông qua mẫu Chery QQ3 ra mắt năm 2009 do Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) lắp ráp trong nước.
Giá bán Chery QQ3 khi đó vào khoảng 9.900 USD (tương đương khoảng 195 triệu đồng), rẻ nhất thị trường ô tô Việt Nam, cạnh tranh phân khúc hatchback hạng A.
Đến tháng 6/2010, VMC tiếp tục giới thiệu mẫu Riich M1, giá khoảng 288 triệu đồng. Nhưng cả hai mẫu xe này đều không được người dùng Việt đón nhận vì nhiều nguyên nhân và được rút khỏi thị trường Việt Nam. Chery hoạt động mạnh ở Nam Mỹ, Đông Âu, châu Phi.
Được biết, đối thủ trực tiếp của Chery tại Việt Nam sẽ là những hãng xe đồng hương như MG và Dongfeng. Tuy vậy, tiềm năng của hãng xe quốc dân Trung Quốc còn rất lớn khi Chery còn sở hữu đa dạng các dòng dùng cả động cơ đốt trong lẫn xe điện.
Hãng xe này hiện có Tiggo, Exeed ở phân khúc CUV/SUV, Arrizo phân khúc sedan. Cùng với đó, xe điện (EVs) Chery cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau tử nhỏ đến lớn như eQ1, Tiggo 2e, Tiggo e, Arrizo e, @Ant đều có tầm hoạt động trên 300 km.
Tuy nhiên, “đốm lửa” mà Chery nhóm lên cho các hãng xe Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, mở ra chương mới thúc đẩy tiềm năng cho việc cạnh tranh ở mảng xe điện còn sơ khai, nơi mà VinFast cũng mới chỉ bắt đầu cuộc chơi.
BAIC Beijing U5 Plus: Vào giữa tháng 1/2022, BAIC Việt Nam (Kylin) đã giới thiệu mẫu xe Beijing U5 Plus thế hệ mới ở thị trường hơn 97 triệu dân, giá bán khởi điểm chỉ từ 398 triệu đồng. BAIC Beijing U5 Plus có 3 phiên bản: Standard, Deluxe và Luxury với mức giá lần lượt 398 triệu đồng, 468 triệu đồng và 498 triệu đồng.
Có thể thấy, mức giá nằm giữa xe hạng A và hạng B, nhưng Beijing U5 Plus thuộc phân khúc sedan cỡ C với kích thước dài x rộng x cao lần lượt 4.660 x 1.820 x 1.480 mm, chiều dài cơ sở 2.670mm. Xe sở hữu thiết kế lấy nhiều cảm hứng từ đàn anh Beijing X7 vốn đã có tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Bên cạnh đó, với việc định vị ở phân khúc C nhưng giá bán quanh quẩn ở hạng A/B, nhiều chuyên gia cho rằng, BAIC Beijing U5 Plus sẽ có thể giành khách trực tiếp từ các mẫu xe hạng A, hạng B như VinFast Fadil, Toyota Vios, Honda City, Hyundai Accent hay cả MG5 sắp ra mắt.
Theo BAIC, cả ba phiên bản sử dụng chung khối động cơ 1.5L, cho công suất 113 mã lực và mô-men xoắn 142Nm. Sức mạnh này ngang ngửa Mazda3 1.5L và nằm ở top dưới phân khúc sedan hạng C, khi số đông sử dụng động cơ 1.6-2.0L. Honda Civic sử dụng động cơ 1.5L nhưng có tăng áp.
Đặc biệt, Beijing U5 Plus dùng hệ dẫn động cầu trước, hộp số sàn với bản Standard, trong khi hai phiên bản Deluxe và Luxury dùng hộp số tự động vô cấp CVT. Danh sách an toàn tiêu chuẩn gồm có ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảnh báo áp suất lốp, camera lùi, cảm biến hỗ trợ đỗ xe phía sau và 2 túi khí. Hai bản cao cấp có thêm ga tự động Cruise Control.
Riêng bản cao cấp nhất Luxury bổ sung camera 360 độ, nhận diện đối tượng động ở dải tốc độ thấp, cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn đường và 4 túi khí. Thân xe Beijing U5 Plus có đường nét khá tối giản. Xe trang bị bộ mâm 16 inch cùng bộ lốp 205/55R16 cho cả 3 phiên bản.
Đuôi xe Beijing U5 Plus được trang bị cụm đèn hậu LED có thiết kế nối dài như xe sang, hệ thống ống xả cũng được giấu bên dưới gầm xe để tăng vẻ lịch lãm. Nội thất xe cũng có thiết kế với ghế ngồi bọc da phong cách sang trọng, cùng nhiều chi tiết thiết kế hiện đại, sang trọng khác, hấp dẫn dân chơi xe.
Một thương hiệu xe Trung Quốc đáng chú ý nữa chính là MG5. Dù chưa ra mắt chính thức, MG5 đã được đưa về đại lý, phục vụ quá trình đào tạo sản phẩm cho nhân viên tư vấn bán hàng và chính thức mở nhận đặt cọc.
Xe dự kiến ra mắt trong tháng 3/2022 với giá bán dao động từ 450-550 triệu đồng. Các đại lý hiện nhận đặt cọc 5 triệu đồng nếu khách hàng có nhu cầu.
MG5 chính thức công bố trên website về việc ra mắt thị trường Việt Nam. Dòng xe vốn thuộc phân khúc sedan hạng C, nhưng mức giá bán dự kiến 450-550 triệu đồng chỉ ngang ngửa với nhóm sedan hạng B trên thị trường.
Như vậy, cũng như Chery, BAIC Beijing U5 Plus, giá bán rẻ luôn là ưu thế của các hãng xe Trung Quốc, trong đó có MG. Đồng thời, MG5 sẽ cạnh tranh với Hyundai Accent, Nissan Almera, Toyota Vios, Honda City hay cả VinFast Fadil Việt Nam.
Thành công ở Thái Lan, MG5 được nhập về Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai, lần đầu ra mắt tại Trung Quốc vào tháng 9/2020. Mẫu xe này bắt đầu được đưa thị trường từ năm 2011. Ban đầu, xe chỉ được bán tại nội địa Trung Quốc nhưng sau bắt đầu được đưa ra các thị trường khác, trong đó có Đông Nam Á.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, thiết kế MG5 được cho “copy” nhiều đường nét từ các mẫu xe sang châu Âu. Kiểu dáng tổng thể của xe giống sedan lai coupe, với phần mui vuốt dốc về sau như Honda Civic. Phần đầu hầm hố với lưới tản nhiệt lớn, phù hợp với nhóm khách hàng trẻ tuổi, năng động, yêu thể thao, thời trang và công nghệ.
So sánh Hongqi Trung Quốc và VinFast Việt Nam: Phép thử thú vị
Như Sputnik đã đề cập, dù mới ra mắt hôm 19/1, hãng xe Hongqi China (Hồng Kỳ Trung Quốc) được mệnh danh là Rolls – Royce xứ Trung, vinh dự lớn khi mang là dòng xe chuyên chở giới lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Tập Cận Bình, gây ấn tượng mạnh với người dùng Việt Nam.
Các đặc tính của những dòng xe điện của Hongqi Trung Quốc thường được đem ra so sánh với VinFast Việt Nam, thậm chí, có người còn cho rằng, Hongqi chính là “phép thử” kiểm nghiệm khả năng cạnh tranh của VinFast.
Hongqi - "Rolls-Royce" của Trung Quốc ra đời năm 1958, là mẫu xe đầu tiên được tập đoàn Faw sản xuất độc lập ở Trung Quốc. Mẫu limousine Hongqi L5 nổi tiếng sau đó vì là xe chuyên chở Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hoạt động kinh doanh tại hàng chục quốc gia trên thế giới, trải qua hơn 60 năm, năm 2021, giá trị thương hiệu của Hongqi lên đến trên 14,2 tỷ USD. Mới ra mắt và “làm mưa làm gió” trong cộng đồng xe hơi Việt với độ thảo luận cao, Hongqi H9 là mẫu xe cao cấp, thiết kế xe phảng phất hình ảnh các thương hiệu siêu sang như Mercedes-Maybach, Bentley, Rolls-Royce.
Như đã biết, ở Việt Nam, Hongqi H9 có 2 tùy chọn động cơ, gồm tăng áp 2.0L 4 xy-lanh cho công suất 252 mã lực và mô-men xoắn 380 Nm. Cao cấp hơn là động cơ tăng áp V6 3.0L cho công suất 272 mã lực và mô-men xoắn 400 Nm. Cả 2 phiên bản đều sử dụng hộp số ly hợp kép DCT 7 cấp và hệ dẫn động cầu sau. Mẫu xe có giá từ 1,5 tỷ đồng.
Mẫu xe ô tô Hongqi thứ hai được nhiều người quan tâm hơn nữa chính là một mẫu ô tô điện Hongqi E HS9 chính vì được xem là “đối thủ” của VinFast. Theo đó, hãng xe Trung Quốc Hongqi chính là thương hiệu ô tô thứ hai chính thức giới thiệu ô tô điện đến người tiêu dùng Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Theo nhiều chủ showroom và giới chơi xe, trước giờ, thị trường Việt hầu như chỉ có những mẫu xe điện giá cao như của Porsche hay những mẫu xe được cho là sắp ra mắt của Mercedes-Benz. Tuy nhiên, để mua ô tô điện một cách chính thức, bình đẳng, thì hiện tại, ngoài VinFast, người dùng Việt đã có thể cân nhắc thêm Hongqi.
Thông tin từ 1 showroom nhận đặt cọc Hồng Kỳ cho biết, giá bán Hongqi E-HS9 dao động từ 2,768 tỷ đồng, sẽ cạnh tranh với các mẫu ô tô điện cao cấp của VinFast như VF8, VF9.
Cụ thể, Hongqi E-HS9 sẽ có 4 phiên bản được bán ở thị trường Việt Nam gồm E HS9 Excutive 7 chỗ, E HS9 Deluxe 7 chỗ, E HS9 Premium 6 chỗ và E HS9 Flagship 4 chỗ có giá lần lượt là: 2,768 tỷ đồng, 2,968 tỷ đồng, 3,339 tỷ đồng và 3,688 tỷ đồng.
Giới quan sát đánh giá, mức này khá cạnh tranh so với các mẫu xe cùng phân khúc vì dù là ‘nhái’ Rolls-Royce, nhưng không thể phủ nhận, Hongqi được khen từ nội thất đến ngoại thất – không hề thua kém bản chính Roll-Royce hay Bently hay Mercedes-Benz.
Với bản chất là xe thuần điện, Hongqi cũng sẽ được miễn lệ phí trước bạ kể từ tháng 3/2022, tức giá lăn bánh của sẽ giảm đi đáng kể khi tiết kiệm được khoản lệ phí trước bạ khoảng 270 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng ở thời điểm này nếu sở hữu.
Cũng như VinFast, xe thuần điện của Hongqi sẽ mất từ 8-12 giờ để sạc điện, trường hợp sạc nhanh 10 phút có thể di chuyển được 100 km. Còn nếu sạc từ hệ thống điện nhà mất khoảng 24 giờ, mỗi lần sạc đầy pin, có thể di chuyển từ 460-510 Km.
Ngoài khác biệt về thiết kế, tính năng, chính sách hậu mãi, vấn đề trạm sạc là điểm quan trọng trong “cuộc đua vô hình” giữa Hongqi và VinFast. Vẫn chưa rõ liệu Hongqi có được sử dụng trạm sạc của VinFast hay không còn theo giới thiệu của hãng xe Trung Quốc, người dùng sẽ có thể sạc tại trạm sạc của Hongqi hoặc sạc pin tại nhà.
Hongqi mới chỉ mở được 3 showroom tại Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM, còn hệ thống trạm sạc thì vẫn còn hạn chế sẽ là dấu hỏi lớn đối với người mua, chưa kể, về bản chất, xe thuần điện tại Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ trong thói quen và tâm lý tiêu dùng.
Màn ra mắt của Hongqi dự báo thị trường ô tô điện Việt Nam trong năm 2022 sẽ có nhiều sôi động, cũng như sự tham gia của các hãng xe Trung Quốc sẽ mang tính chính thống nhiều hơn trên thị trường Việt, do đó, giới quan sát cũng nhận định, đây chính là “phép thử” bắt đầu cuộc cạnh tranh lành mạnh hơn trên thị trường xe điện Việt Nam thời gian tới.
Ken Research: Thị trường ô tô Việt sẽ tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo “Thị trường hậu mãi ô tô Việt Nam: Triển vọng đến năm 2025” của Ken Research, thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai gần do số người Việt chuyển từ xe máy sang sở hữu ô tô cá nhân nhiều hơn, tốc độ đô thị hóa nhanh, chính sách hậu mãi tăng.
“Thị trường được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dương 8% doanh thu trong giai đoạn 2020-2025”, Ken Research nhận định.
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã đề xuất nhiều quy định nhằm cải thiện hệ sinh thái ô tô, tạo thuận lợi để người dân mua xe cá nhân. Trong đó có việc giảm thuế nhập khẩu về 0% với ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN, từ đó giảm giá thành sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung tăng cường cơ sở hạ tầng đường bộ, cũng như nâng cao nhận thức về sức khỏe và vệ sinh do dịch Covid-19. Điều này có thể làm tăng triển vọng sở hữu phương tiện trong tương lai. Số lượng sở hữu xe ô tô của người Việt đã tăng dần trong những năm qua, với tốc độ CAGR là xấp xỉ 25,7% trong giai đoạn từ 2015 đến 2020.
“Tăng trưởng sở hữu ô tô tại Việt Nam đạt ~ 10,5% trong năm tài chính 2020, cao hơn mặt bằng chung các nước Đông Nam Á. Việc tăng tỷ lệ sở hữu ô tô chính là chất xúc tác cho ngành dịch vụ hậu mãi trong thời gian tới”, Ken Research lưu ý.
Đặc biệt, xu hướng xe điện sẽ bùng nổ mạnh, Chính phủ Việt Nam đã thông qua "Chiến lược phát triển ô tô quốc gia đến năm 2025" nhằm kích thích sản xuất và tăng lượng sử dụng xe điện trong những năm tiếp theo.
Trong xu hướng đó, các công ty dịch vụ xe sẽ phải cập nhật thiết bị của họ và đào tạo thợ máy để bảo dưỡng ô tô điện, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, ảnh hưởng đến tài chính kinh doanh.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành 2 chính sách ưu đãi quan trọng là chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ ô tô điện. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho thị trường xe điện Việt Nam.