Ngoài doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) của Hoàng Anh Gia Lai, ông Đỗ Quang Hiển SHB – T&T Hà Nội, Chủ tịch SSI và Pan Group Nguyễn Duy Hưng, ‘nữ tướng kiểm toán Deloitte Hà Thị Thu Thanh, cựu Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng, Việt Nam còn những doanh nhân nào cầm tinh con hổ?
Tính cách người cầm tinh con hổ
Hổ là linh vật mạnh mẽ, vũ dũng. Người Trung Quốc gọi hổ là “Lão Hổ” vì phần nào có sự nể trọng. Hổ tượng trưng cho sức mạnh thủ lĩnh, các vị tướng oai hùng, giới lãnh đạo bản lĩnh trong văn hóa phương Đông.
Người sinh năm Dần tướng mệnh ra sao? Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông, trong số 12 con giáp, tuổi Dần xếp thứ ba, thường biểu trưng cho những người có tính cách bản lĩnh, cứng rắn, lành lùng.
Cũng vì thế mà nhiều người quan niệm, tính cách người tuổi Nhâm Dần thường thiên về lý trí nhiều hơn tình cảm, tôn trọng lẽ phải và rất nghĩa khí.
Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, người sinh năm Hổ cũng sống khá nội tâm, ít bộc lộ tâm tình ra ngoài. Họ quyết đoán, bản lĩnh. Đối với những việc cần quyết định, họ quyết nhanh chóng, mạnh mẽ, cương nghị, thể hiện tâm thế thẳng thắn, bộc trực và công tâm.
Người tuổi Nhâm Dần cũng được đánh giá là người trung thành, thường xuyên làm đúng chức trách của mình. Trong công việc, họ tập trung, tư duy cao độ, thường không bị tác động bởi ngoại cảnh và có tính cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa cũng lưu ý, nhược điểm tính cách người tuổi Nhâm Dần là đôi khi họ hơi nóng tính, bảo thủ, cái tôi cá nhân lớn, cản trở một số cơ hội thăng tiến hay làm mất lòng người khác. Bên cạnh đó, việc quá đề cao lý trí, họ bị cho là lạnh lùng, khó gần, khó tiếp xúc.
Tuy nhiên, nếu đã tìm hiểu người tuổi Nhâm Dần sẽ thấy họ cao thương, có uy tín, đã nói là làm và luôn tích cực hướng về phía trước.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ở các nước phương Đông, trong chiến trận ngày xưa, 5 vị trí quân gồm tiền, hậu, tả, hữu, trung tâm, thường được gọi là ngũ hổ. Những vị thủ lĩnh mạnh mẽ, quyết đoán được tôn xưng là hổ, hùm.
“Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người anh hùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế là Hoàng Hoa Thám còn được dân gian gọi là hùm thiêng Yên Thế để tỏ lòng tôn kính”, theo thầy Nguyễn Hùng Vĩ.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức – Bầu Đức
Nhắc đến doanh nhân tuổi Hổ ở Việt Nam, nhất là tuổi Nhâm Dần (1962), cái tên đầu tiên được điểm chính là doanh nhân Đoàn Nguyên Đức – Bầu Đức.
Ông Đoàn Nguyên Đức hay Bầu Đức, chủ tịch Hoàng Anh - Gia Lai. Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh năm Nhâm Dần (1962) tại tỉnh Bình Định. Từ đôi bàn tay trắng khởi nghiệp với 1 xưởng mộc nhỏ đến gây dựng nên thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh – Gia Lai, bầu Đức nhìn chẳng khác một người nông dân là mấy – vẫn chiếc áo sơ mi ngắn hay dài tay, quần jeans đơn giản, phong cách ăn nói bộc trực, nhưng lại đóng góp những công lao khó cân đo đong đếm với nền bóng đá Việt Nam.
Ông Đức chưa bao giờ cần phải giấu diếm việc 4 lần thi trượt đại học. Việc không học đại học cũng không ảnh hưởng đến sự nghiệp kinh doanh và làm bóng đá của Bầu Đức.
Những năm 1990, bầu Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại Gia Lai. Kinh doanh có hiệu quả ông chuyển qua nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: trồng và chế biến gỗ, mủ cao su, sản xuất đá granit. Tiếp đó, ông trở thành ông chủ của Tập đoàn tư nhân nổi tiếng Việt Nam và quốc tế - Hoàng Anh Gia Lai.
Sau đó Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mở rộng địa bàn kinh doanh ra các tỉnh trong cả nước và bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là du lịch, địa ốc. Cầm tinh con Hổ, ông Đức trải qua hết thảy những đỉnh cao – vực sâu của thương trường bằng bản lĩnh của một doanh nhân thực thụ.
Mê bóng đá nên năm 2001, ông đã bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư vào môn thể thao vua. Nhờ bóng đá mà Hoàng Anh Gia Lại nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Bước vào danh sách ‘giới siêu giàu Việt Nam’ đầu thế kỷ này, bầu Đức được xem là người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng với giá lên tới 7 triệu USD.
Cuối năm 2008, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), với mã cổ phiếu là HAG và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
Đồng thời, sau khi niêm yết HAG lên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) vào năm 2008, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức liên tục lọp vào top 5 người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đỉnh cao là đến năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Giai đoạn 2006-2008, bất động sản là lĩnh vực đem lại nguồn thu nhiều nhất cho Hoàng Anh Gia Lai. Bầu Đức kiếm lời lớn qua việc bán căn hộ phủ sóng khắp quận 7, Nhà Bè. Không chỉ sở hữu bất động sản tại Việt Nam, bầu Đức cũng đầu tư các dự án khu phức hợp Myanmar, gây tiếng vang lớn.
Tuy nhiên, thời thế thay đổi. Trước sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, HAG liên tục bị hạ bậc tín nhiệm, nợ thuế và phải “ôm” món nợ khổng lồ. Hoạt động kinh doanh bất động sản gặp khó khăn khiến doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức.
Để cứu doanh nghiệp, bầu Đức đã cơ cấu lại hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, giảm đầu tư vào bất động sản, tập trung vào thủy điện, khai khoáng và đặc biệt là tham gia đầu tư vào mảng nông, lâm nghiệp ở Lào và Campuchia.
Ông Đoàn Nguyên Đức gọi đây là chiến lược “đi bằng 4 chân”, nếu bất động sản yếu đi thì HAG vẫn vững 3 chân còn lại để trụ vững. Cầm tinh con hổ, mang tính cách nghĩa hiệp, tự tôn, bầu Đức luôn cố gắng trả món nợ để vực dậy Hoàng Anh Gia Lai qua giai đoạn khủng hoảng. Mãi đến năm 2021, công việc kinh doanh của ông mới khởi sắc mạnh mẽ đem lời về từ việc trồng chuối và nuôi heo.
Bầu Đức không chỉ nổi tiếng trong kinh doanh, ông còn được biết đến là người có công lớn phát hiện và đưa HLV Park Hang-seo cũng như đóng góp bao công sức với bóng đá Việt Nam.
Không chỉ giới thiệu, kết nối để VFF ký hợp đồng với ông Park cho đội tuyển Việt Nam, bầu Đức còn kiêm luôn phần trả lương cho vị HLV người Hàn Quốc. Ước tính, trước đó giai đoạn 2017-2019, mỗi tháng cộng các khoản, bầu Đức chi khoảng 700 triệu đồng tiền lương cho HLV Park Hang-seo.
Trước đó, bầu Đức còn sẵn sàng trả đến 15.000 USD một tháng để đưa Kiatisak sang V-League đá hồi 2002. Bầu Đức cũng hợp tác với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh - Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007.
Được biết, hiện nợ của HAGL đã giảm từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng. Đâu đó 1-2 năm nữa xóa hết nợ, bầu Đức lại có cơ hội chuyên tâm đầu tư cho bóng đá. Năm 2022, HAG đặt mục tiêu doanh thu trên 4.820 tỷ, lợi nhuận ở mức 1.120 tỷ đồng. Người chưa từng tốt nghiệp đại học như bầu Đức hiện đang lãnh đạo hàng chục nghìn người có bằng cấp đại học và trên đại học.
Đỗ Quang Hiển – Bầu Hiển của T&T và SHB
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển hay bầu Hiển, là người nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T hiện nay.
Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm Nhâm Dần (1962), tốt nghiệp khoa Vật lý vô tuyến, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông làm việc cho Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình nhưng sau đó xin nghỉ và đến Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia làm công tác nghiên cứu.
Tuy nhiên cơ chế, môi trường cơ quan Nhà nước lẫn cái duyên kinh doanh đưa bầu Hiển bước vào thương trường và sự nghiệp gây dựng nên T&T ngày nay.
Xuất phát từ việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, viễn thông, doanh nhân Đỗ Quang Hiển thành lập Công ty Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T vào năm 1993. Đồng thời, khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển lan sang thị trường xe gắn máy, đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe gắn máy.
T&T sau đó được chọn làm đại lý độc quyền tại thị trường Việt Nam cung cấp các sản phẩm thuộc các nhãn hàng danh tiếng của Nhật Bản như Panasonic, Mitsubishi, National.
Từ năm 2006, ông Đỗ Quang Hiển bước chân vào lĩnh vực ngân hàng với khoản đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của ngân hàng SHB. Từ mức vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 19.260 tỷ đồng, tương đương mức tăng lên tới gần 40 lần sau khoảng 15 năm.
Vào năm 2012, ông Hiển quyết định sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank vào SHB. Sau khi sáp nhập, ngay lập tức SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng trong quý III/2012. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.
Năm 2006 cũng là năm ông thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá T&T Hà Nội và cái biệt danh “bầu Hiển” cũng gắn bó với ông từ đây. Chỉ sau 3 năm thành lập, CLB này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009.
Cũng giống như bầu Đức, bóng đá là niềm đam mê lớn với bầu Hiển. Ngay từ khi thành lập CLB, ông đã cẩn thận xây dựng một đội trẻ từ lứa U15 bài bản và có chiều sâu, lấy đào tạo làm nền tảng cho phát triển bóng đá. Kết quả, CLB Hà Nội đã địch V- League 5 lần.
“Nồng độ bóng đá trong người tôi có khi còn cao hơn các cầu thủ”, bầu Hiển từng nói vui về đam mê bóng đá cháy trong ông.
Cuộc đời bầu Hiển cũng đầy thăng trầm. Những ngày tháng làm “chúa chổm” theo lời doanh nhân, đã dạy cho ông Hiển nhiều kinh nghiệm đi đòi nợ xấu ngân hàng hiệu quả, hồi sinh nhiều doanh nghiệp gắn với câu chuyện tái cơ cấu của Habubank như Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) hay Công ty tài chính Vinaconex-Viettel.
Đến thời điểm hiện tại, cơ ngơi đồ sộ của bầu Hiển trải dài trên rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm tài chính - đầu tư, bất động sản, công thương, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hạ tầng giao thông, cảng biển – logistics, năng lượng - môi trường, y tế, giáo dục và thể thao.
Ông Hiển cũng đang chuẩn bị những gì tốt nhất cho cuộc chuyển giao thế hệ đối với hai con trai của mình là Đỗ Quang Vinh (Chủ tịch HĐTV SHB Finance nhiệm kỳ 2016-2021) và Đỗ Vinh Quang (Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội).
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng
Ông Nguyễn Duy Hưng là người sáng lập Tập đoàn PAN, đồng thời là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán SSI - công ty đầu ngành trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng sinh năm Nhâm Dần (1962), tại Khánh Hòa trong một gia đình nhà giáo nghèo nhưng có nền tảng giáo dục cực kỳ tốt.
Những năm 80 thế kỷ trước, khi còn là một cậu sinh viên trường Đại học tổng hợp TP.HCM, ông đã bắt tay vào kinh doanh từ những mặt hàng nhỏ như phụ kiện mỹ nghệ.
Được cử sang Đông Đức - Cộng hòa dân chủ Đức vào năm 18 tuổi, ông Hưng bắt đầu khoảng thời gian sinh sống và học tập tại nơi đất khách với nhiều trải nghiệm và kích thích ông quan tâm tới việc mua bán hàng hóa giữa 2 đất nước Đông Đức và Việt Nam.
Tuy nhiên không thể hoàn thành chương trình học của mình bên nước ngoài bởi một lần mang vali giấy ảnh về Việt Nam không được thông quan, ông quyết định khởi đầu sự nghiệp với tấm bằng đại học trong nước.
Vận may kinh doanh hay như người ta thường nói “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” đến vơi ông Hưng khi một đoàn công tác của Đức sang Việt Nam và về tỉnh Khánh Hòa làm việc, cậu thanh niên trẻ đã được chọn là thư ký riêng cho vị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông Hưng đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1988 tới năm 1992. Đến năm 1991, ông cùng với những người bạn của mình thành lập công ty riêng Pancific.
Công ty Pancific của ông trở thành một doanh nghiệp chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể nói dự án Khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình là hai thương vụ nổi tiếng trong đầu những năm 90 mà công ty ông đã tư vấn thành công.
Các năm 1997-1998 khi khủng hoảng tài chính tại châu Á, công ty của ông không có khách hàng. Sau đó, năm 1998 ông đã chuyển hướng công ty Pancific trở thành công ty dịch vụ cung cấp các dịch vụ lau chùi, quét dọn tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho những người làm công việc dọn dẹp vệ sinh tại các tòa nhà cao ốc. Từ việc chuyên làm dịch vụ văn phòng, ông định hướng công ty chuyển sang đầu tư vào chuỗi giá trị kép trong nông nghiệp.
Năm 1999, ông Hưng sang Thái Lan học hỏi về đầu tư sau đó trở về Việt Nam sáng lập ra Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI), chuyên môi giới và tư vấn đầu tư với số vốn đăng ký ban đầu chỉ 420.000 USD.
Điểm đặc biệt chính là, chứng khoán SSI xuát hiện cùng năm với việc sàn chứng khoán Việt Nam ra đời và là công ty tư nhân đầu tiên được thành lập.
Đến nay, SSI là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam vốn điều lệ trên 9.847 tỷ đồng và đang có kế hoạch tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng. Từ tháng 1/2006, ông trở thành Chủ tịch SSI, kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.
Được gọi đùa là “ông trùm” chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng là một trong những doanh nhân có đóng góp rất đáng kể đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vị doanh nhân chia sẻ, điều dẫn ông đến sự thành công luôn là chọn con đường làm ăn minh bạch và dẫn dắt để SSI trở thành định chế tài chính hàng đầu và uy tín trên thị trường Việt Nam.
Năm 2015, doanh nhân Nguyễn Duy Hưng bắt đầu đẩy mạnh phần còn lại của Pan Pacific để tạo ra một vòng tròn trong nông nghiệp mà ông gọi là "Farm - Food - Family". Với tên gọi mới là Pan Group, công ty đã huy động được gần 100 triệu USD và nắm giữ phần lớn cổ phần trong số 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp hạt giống hoặc sản xuất nông sản. Các sản phẩm khá đa dạng, từ gạo, hạt điều đến hải sản và hoa ở Việt Nam.
Cựu Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng
Ông Nguyễn Đức Hưởng là đồng sáng lập và từng giữ vị trí Tổng giám đốc, Phó chủ tịch và Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trong nhiều năm.
Ông Hưởng sinh năm 1962, tại Phú Thọ. Ông tham gia vào Ngân hàng Liên Việt (hay LienVietPostBank sau này) từ những ngày đầu cùng doanh nhân Dương Công Minh, nhiều năm liền giữ vị trí Tổng giám đốc.
Tháng 6/2017, ông được đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng này bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Hưởng đã đưa LienVietPostBank lên sàn chứng khoán với mã LPB. Sau chục năm gây dựng, LienVietPostBank lúc đó có quy mô tài sản 165.000 tỷ đồng và mức lợi nhuận gần 1.800 tỷ. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, ông rời khỏi vị trí này vì lý do sức khỏe.
Nhắc đến ông Hưởng, người ta hay nghe về cặp bài trùng - Minh Him Lam – Hưởng Liên Việt" gắn liền với sự ra đời và phát triển Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) – nhà băng có mạng lưới rộng khắp cả nước.
Cũng như bầu Đức, nhiều năm liền ông Hưởng được biết đến là lãnh đạo doanh nghiệp ngân hàng nhưng đậm chất nông dân với chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam.
Những tháng cuối năm 2021 người ta mới chứng kiến sự trở lại của cựu Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng khi được đề cử làm Chủ tịch CMVietnam.
Chủ tịch Deloitte Hà Thị Thu Thanh
Một trong những “nữ tướng” nổi bật tuổi Hổ chính là bà Hà Thị Thu Thanh – người đã chèo lái Deloitte Việt Nam trở thành công ty tư vấn, kiểm toán số 1 tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Thanh sinh năm Nhâm Dần 1962 ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính Hà Nội), bà được phân công về công tác tại Bộ Tài chính.
Sau đó bà Thanh được điều chuyển sang Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) – công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam và cũng là tiền thân của Deloitte Việt Nam sau này. Tại đây, bà là một trong 5 người đầu tiên được cử sang Mỹ để học tập và làm việc về ngành kiểm toán.
Nhắc đến bà Thanh phải kể đến quá trình hình thành và phát triển của ngành kiểm toán độc lập, ngay từ những ngày đầu Việt Nam thực hiện chiến dịch cải cách kế toán toàn quốc những năm 80 của thế kỷ 20 suốt hơn 30 năm qua. Bà Hà Thị Thu Thanh được mệnh danh là người đàn bà thép của kiểm toán Việt Nam.
Ngoài Deloitte, bà Thanh còn giữ nhiều vai trò chủ chốt ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Sáng kiến Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VCGI), CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD).
Trong những chia sẻ về triết lý kinh doanh, bà Thanh cho biết, nếu mọi người ví một doanh nghiệp kiên cường là một doanh nghiệp phát triển bền vững, thì lãnh đạo kiên tâm sẽ được coi như một lãnh đạo bền lòng.
Doanh nhân Việt Nam tuổi hổ còn có nhiều vị anh tài khác như Chủ tịch Đức Long Gia Lai Bùi Pháp, Chủ tịch Chứng khoán Thiên Việt Nguyễn Trung Hà , nữ doanh nhân Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) kiêm Phó Chủ tịch Đầu tư Thành Thành Công (TTC), Phó Chủ tịch Hòa Phát Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – 2 nữ tướng Phạm Thúy Hằng và Lê Thị Thu Thủy…