Samsung không muốn “bỏ hết trứng vào một giỏ” ở Việt Nam

Samsung Electronics đã quyết định chuyển một phần dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Việt Nam về Gumi, Hàn Quốc.
Sputnik
Samsung đang muốn giảm sự phụ thuộc vào Việt Nam. Động thái lạ của Samsung Electronics có thể khiến Việt Nam lo lắng, vì gã khổng lồ Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI hàng đầu ở quốc gia Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, một công ty con của Samsung là Samsung Electro-Mechanics Việt Nam đã quyết định rót thêm 920 triệu USD ở Thái Nguyên.

Samsung rời một phần dây chuyền khỏi Việt Nam

Tập đoàn Samsung đã quyết định chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphones (điện thoại thông minh) từ Việt Nam về nhà máy Gumi, Hàn Quốc.
Nhà máy Gumi là cơ sở sản xuất điện thoại thông minh duy nhất ở Hàn Quốc của Samsung.
Gumi đóng vai trò như một trung tâm đầu não điều khiển sản xuất. Tại nhà máy này, các quy trình mới được áp dụng và thử nghiệm trước khi được triển khai tại các cơ sở sản xuất khác của Samsung trên toàn thế giới.
Samsung thắng thương vụ xây nhà máy điện chu trình hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam
Cần nhấn mạnh rằng, nhà máy Gumi chỉ chịu trách nhiệm sản xuất lô hàng flagship cho thị trường nội địa gồm smartphone gập dòng Galaxy Fold hay Galaxy S.
Đồng thời, phần trăm sản lượng của nhà máy Gumi trong tổng sản lượng smartphone của Samsung ngày càng giảm dần. Do đó, quyết định chuyển một phần dây chuyền nhà máy Samsung Electronics tại Việt Nam về lại Gumi đặc biệt gây chú ý.
Như đã biết, Samsung Electronics sản xuất khoảng 300 - 330 triệu smartphones hàng năm và Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu lớn nhất của Samsung.
Các nhà máy lớn nhất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đảm trách khoảng 50- 60% tổng số smartphone của Samsung. Cơ sở Noida tại Ấn Độ cũng cung cấp khoảng 100 triệu thiết bị.
Tập đoàn sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm sản lượng tuỳ thuộc vào nhu cầu địa phương đối với các nhà máy ở Brazil và Indonesia.

Samsung muốn giảm phụ thuộc vào Việt Nam

Theo chuyên trang Sammobile, tại thời điểm này, hiển nhiên là Samsung đặt rất nhiều niềm tin vào thành công của dòng Galaxy S22.
Công ty đã tăng cường sản xuất điện thoại thông minh một cách đáng kể tại các cơ sở ở Việt Nam, nơi được đích thân lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Samsung kiểm tra dây chuyền sản xuất.
Doanh thu Samsung tương đương 20% GDP Việt Nam, PVN lãi vượt Viettel
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Samsung dường như không “muốn bỏ hết trứng vào một giỏ” khi hãng quyết định chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sang Gumi, Hàn Quốc.
“Samsung muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào cứ điểm sản xuất ở Việt Nam vì nhu cầu điện thoại thông minh của mình”, Sammobile cho biết.
Theo báo cáo từ ETNews, lãnh đạo Samsung dường như đang có tâm lý không muốn mạo hiểm với việc sản xuất Galaxy S22 do phụ thuộc quá nhiều vào Việt Nam.
ETNews cho rằng, động thái lạ của Samsung được đưa ra khi công ty nhận thấy không thể khôi phục sản xuất hoàn toàn tại các nhà máy lớn ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong thời kỳ hậu Covid-19.
Đại dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang diễn ra và những đợt nhà máy sản xuất phải đóng cửa, ngừng hoạt động khiến thị trường không còn tin cậy, buộc Samsung phải thực hiện chuyển đổi.
Việc buộc phải đóng cửa nhà máy như ở Việt Nam hồi năm ngoái đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung smartphone. Công ty buộc phải chuyển các dây chuyền sản xuất ở nước ngoài về lại Hàn Quốc như biện pháp nhằm quản lý chuỗi cung ứng tốt hơn.
Đây có thể là một phần trong kế hoạch dài hạn của Samsung nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Việt Nam cho các chiến lược sau này của hãng.
Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng, đã có sự thay đổi về chiến lược sản xuất smartphone của Samsung, ưu tiên hiệu quả và tối ưu hóa hệ thống sản xuất.

Samsung ưu tiên sản xuất ở Hàn Quốc?

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức thị phần giảm tải ở Việt Nam và khối lượng công suất mà nhà máy Gumi phải đảm nhận từ một phần dây chuyền sản xuất ở Việt Nam.
Có một số suy đoán rằng, Samsung Electronics nhận ra sự cần thiết trong việc nâng cao trình độ giám sát và quản lý sản xuất của các mẫu smartphone cao cấp, bởi đây yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu.
Động thái này của Samsung được đưa ra bất chấp chi phí sản xuất tăng cao trong thời gian tới có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm.
Việt Nam là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung
Bên cạnh đó, nhà máy Gumi có công suất hạn chế và chỉ có thể đáp ứng nhu cầu địa phương ở Hàn Quốc, do dó, nếu đón thêm dây chuyền về từ Việt Nam, công suất sẽ phải nâng lên đáng kể hoặc Samsung có thể phải mở thêm dây chuyền sản xuất mới tại địa điểm này.
Cuối năm ngoái, Samsung Electronics cũng chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone của hãng tại Việt Nam về nhà máy Gumi nằm ở tỉnh Bắc Gyeongsang và đây cũng là lần đầu tiên nhà máy Gumi tăng công suất.
“Cuối năm ngoái, Samsung Electronics đã chuyển 2 dây chuyền sản xuất smartphone tại Việt Nam về lại Gumi. Có vẻ như hoạt động sản xuất trong nước sẽ dần tăng lên”, một quan chức của Samsung cho biết.
Bên cạnh động thái chuyển sản xuất về Hàn Quốc, Samsung Electronics cũng tuyên bố đảm bảo sản lượng cho từng nhà máy ở nước ngoài của hãng.
Samsung cũng có chiến lược từng bước phân phối đều hơn việc sản xuất smartphone vốn tập trung tại Việt Nam ra toàn thế giới. Như vậy, công ty có thể giảm thiểu thiệt hại nếu nhà máy ngừng hoạt động ở một khu vực cụ thể.
Quyết định của Samsung trong việc phân phối các nhà máy sản xuất của mình trên toàn cầu phù hợp với tham vọng lớn lao là sản xuất 330 triệu điện thoại thông minh trong năm 2022 này. Các ODM của hãng điển hình như Wingtech cũng sẽ góp phần giảm tải phần nào bằng cách nâng công suất sản xuất tới 40 triệu đơn vị sản phẩm.
Hầu hết smartphone cao cấp dòng Galaxy S22 dự kiến được sản xuất tại nhà máy Gumi và sẽ lên kệ vào ngày 25/2 này.

Samsung tăng đầu tư 920 triệu USD ở Thái Nguyên

Theo thông tin mới nhất, sau khi quyết định chuyển 1 phần dây chuyền sản xuất smartphones từ Việt Nam về Gumi, Hàn Quốc, Samsung đã quyết định tăng đầu tư hơn 900 triệu USD vào tỉnh Thái Nguyên, phía Bắc Việt Nam.
Sáng 16/2, ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp Thái Nguyên xác nhận điều này.
Ông Cường cho biết, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận tăng vốn đầu tư dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam thêm 920 triệu USD.
Samsung Electro-Mechanics là một công ty linh kiện điện tử đa quốc gia có trụ sở chính tại Suwon, Gyeonggi-do, công ty con của Samsung.
Apple, Samsung đua nhau mở mono store ở Việt Nam, ai sẽ thắng?
Nhà máy Samsung Electro - Mechanics được tập đoàn Hàn Quốc xây dựng nhằm sản xuất và lắp ráp bản mạch in kết nối mật độ cao HDI như FPCB và Main board, các linh kiện, phụ tùng như camera module, bộ nắn điện, touch sensor module, Linear motor cho các loại thiết bị viễn thông, di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện, điện tử khác của hãng.
Dự án Samsung Electro - Mechanics sau khi được phát triển đã góp phần quan trọng giúp Samsung hình thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Như đã biết, dự án Samsung Electro - Mechanics được tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2013. Khi đó, dự án Samsung Electro - Mechanics có vốn đăng ký đầu tư 1,2 tỷ USD, và sau 7 lần điều chỉnh vốn đầu tư dự án đã nâng lên mức 1,35 tỷ USD vào tháng 5/2020. Với việc bổ sung thêm 920 triệu USD, tổng vốn đổ vào Samsung Electro – Mechanics sẽ đạt trên 2,27 tỷ USD.
Lãnh đạo Samsung cũng cho biết, do toàn bộ số vốn này đến nay đã được giải ngân hết, vì vậy Samsung đã quyết định tăng vốn đầu tư dự án thêm 920 triệu USD năm nay.
Theo thông tin từ phía Samsung Việt Nam, việc tăng vốn đầu tư vào nhà máy Samsung Electro - Mechanics sẽ tập trung cho mục tiêu sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao như: FPCB, Main board, FCBGA, các linh kiện, phụ tùng camera module, thấu kính, actuator, bộ nắn điện, touch sensor module, linear motor, WPT cho các loại thiết bị viễn thông và thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện và điện tử khác.
Kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 2/2015, Samsung Electro - Mechanics đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 6.580 lao động địa phương.
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngày 23/12/2021 Samsung Electro - Mechanics đã nộp hồ sơ lên Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, đề nghị tăng vốn đầu tư dự án và đã rất nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của cơ quan chức năng Việt Nam.
Samsung muốn ở lại và dự án khu công nghiệp sạch kiểu Hàn Quốc đầu tiên ở Việt Nam
Theo ông Phan Đức Cường, việc tăng vốn đầu tư dự án xuất phát từ nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
“Tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục tăng vốn đầu tư trong thời gian ngắn nhất”, ông Cường nói.
Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỷ USD, đạt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD. Thêm phần đầu tư mở rộng, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên 19,2 tỷ USD, giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, đại diện Tập đoàn Samsung đều cam kết về chiến lược làm ăn lâu dài của tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới tại Việt Nam.
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Hoo liên tục nhấn mạnh, Samsung luôn tin tưởng vào môi trường đầu tư ưu việt của Việt Nam và sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu
Đặc biệt, từ đầu tư xây nhà máy, dây chuyền sản xuất, Samsung đang hướng đến nâng cao vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc đầu tư 220 triệu USD để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới (R&D) tại Hà Nội.
Dự án được kỳ vọng hoàn thành vào cuối năm 2022 và sẽ tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT..., đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam.
Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng luôn lắng nghe và hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho Samsung hay các nhà đầu tư FDI cam kết làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Thảo luận