Theo Cục Công nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương và Công ty cổ phần Skoda đã có cuộc gặp để trao đổi về kế hoạch đầu tư sản xuất ôtô tại Việt Nam.
Hãng xe châu Âu cho biết đang tìm hiểu một số doanh nghiệp Việt Nam có sẵn cơ sở hạ tầng để sản xuất, lắp ráp ô tô chạy bằng xăng dưới 9 chỗ ngồi.
Công ty ô tô Skoda của Cộng hòa Séc sẽ đầu tư vào Việt Nam
Skoda (thương hiệu xe của Cộng hòa Séc, cùng mẹ với thương hiệu Porsche thuộc Volkswagen AG) chính là hãng xe chuẩn châu Âu tiếp theo đổ bộ tìm cơ hội đầu tư để chuyển một phần dây chuyền lắp ráp các dòng sedan, SUV phổ thông ở Việt Nam.
Ngày 23/2, Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có cuộc tiếp xúc với đại diện thương hiệu Skoda.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch được Giám đốc phụ trách khu vực Nga và các thị trường mới của Công ty CP ô tô Skoda bày tỏ tại buổi làm việc với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án đưa thương hiệu xe Skoda đến thị trường Việt Nam có thể bắt đầu hoạt động vào năm nay.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, Skoda là hãng xe lâu đời của Cộng hòa Séc (Czech), do vậy, việc thương hiệu xe này xuất hiện tại Việt Nam sẽ giúp đa dạng hóa thị trường ô tô của đất nước gần 100 triệu dân.
Skoda dự định sẽ đầu tư dây chuyền, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Quảng Ninh trong năm nay.
Nhà máy lắp ráp ô tô Skoda
© AP Photo / Petr David Josek
Nếu mọi việc theo đúng tiến độ, công ty có thể bắt đầu xuất khẩu ôtô từ năm 2023. Để làm được điều đó, thương hiệu ô tô đến từ Cộng hòa Séc mong muốn Việt Nam có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện.
Bộ Công Thương lưu ý, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các cam kết quốc tế của Việt Nam, cũng như các quy định pháp luật hiện có để triển khai đầu tư, trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng tại thị trường Việt Nam.
Nhà máy lắp ráp xe Skoda ở Quảng Ninh
Skoda hiện chưa cho biết sẽ đặt nhà máy tại địa phương nào ở Quảng Ninh. Khu công nghiệp Việt Hưng do tập đoàn Thành Công đầu tư hiện đã có sẵn trên địa bàn, là nơi đặt nhà máy của Nissan và các nhà máy sản xuất linh, phụ kiện của TC Motor.
Nhiều khả năng ô tô Skoda sẽ được lắp ráp ngay tại Việt Nam, dù chưa rõ thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, một số dòng xe đang bán chạy của thương hiệu này có thể sẽ đưa về Việt Nam ngay trong năm 2022 dưới dạng nhập khẩu.
Cho đến nay, Mercedes và Peugeot là 2 thương hiệu châu Âu có nhà máy (chính hãng hoặc liên doanh) tại Việt Nam.
Ngoài ra, BMW cũng có dự định bắt đầu sản xuất trong năm nay. Nếu việc đầu tư thành công, Skoda sẽ là cái tên thứ 4 góp mặt vào danh sách.
Thông tin về hãng xe Skoda
Skoda được thành lập năm 1925, sau đó trở thành doanh nghiệp nhà nước vào năm 1948. Từ sau 1991, Skoda dần được tư nhân hoá sau khi bán cho gã khổng lồ Đức Volkswagen AG.
Đến năm 2000, Skoda chính thức được sở hữu 100% bởi Volkswagen. Ngoài Skoda, Volkswagen còn là công ty mẹ của các thương hiệu hàng đầu khác như Bentley, Porsche, Lamborghini, Audi, SEAT, Bugatti.
Năm 2021, Skoda đã bán ra gần 900.000 chiếc ô tô trên toàn thế giới, tại 100 thị trường khác nhau. Hai thị trường quan trọng nhất của hãng là Đức và Nga. Các mẫu xe được ưa chuộng nhất của thương hiệu này là Octavia, Kamiq và Karoq.
Năm 2017, trong số các thương hiệu con của Volkswagen, Skoda là thương hiệu có biên lợi nhuận lớn thứ 2, chỉ xếp sau Porsche.
Các dòng xe của Skoda chủ yếu là sedan, hatchback, wagon và SUV phổ thông. Tại Ấn Độ, Skoda kinh doanh các mẫu xe thuộc mọi phân khúc như sedan hạng B, hạng C, hạng D, đến SUV hạng B, C... với những cái tên như Slavia, Octavia, Superb Kushaq hay Kodiaq.
Trong khi đó, ngoài xe xăng, thương hiện này còn sản xuất và bán ra xe điện (đều là SUV) ở thị trường châu Âu, nhằm bắt kịp xu thế chung của thế giới giống như điều mà VinFast của Việt Nam đang làm.
Dù là xe phổ thông giá mềm tại châu Âu, xe Skoda khi về Việt Nam sau khi áp các loại thuế có thể sẽ có giá khó hấp dẫn khi so với các mẫu xe Nhật, Hàn lắp ráp trong nước hay nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á.
Dù có giá mềm tại châu Âu, xe Skoda có thể sẽ khó cạnh tranh với các mẫu xe Nhật, Hàn lắp ráp trong nước hay nhập khẩu trong Đông Nam Á sau khi về đến Việt Nam khi áp các loại thuế khác nhau.
Tại Cộng hòa Séc, một chiếc Octavia thuộc phân khúc sedan hạng C tương tự Mazda3 hay Kia K3 có giá khoảng 456.000 CZK, tương đương khoảng 472 triệu đồng. Đây là dòng xe bán chạy nhất của Skoda.
Nếu tiếp tục giữ được mức giá hợp lý, xe Skoda sẽ cạnh tranh trực tiếp với các dòng xe Nhật và Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam.
Hiện chỉ có Peugeot là xe phổ thông châu Âu được lắp ráp tại Việt Nam. Các mẫu SUV của thương hiệu này có giá cao hơn chút đỉnh so với các dòng xe Nhật và Hàn Quốc cùng phân khúc.
Theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho đến nay, Cộng hòa Séc đã đầu tư vào Việt Nam 44 dự án với tổng số vốn hơn 91 triệu USD, xếp thứ 48/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.