Trước nỗi lo lạm phát, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành theo dõi quản lý giá một số mặt hàng xăng dầu, điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh.
Khó nhất là xăng dầu
Ngày 25/2, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng, đồng thời xác định các nhiệm vụ trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
Tại buổi làm việc, các ý kiến đều cho rằng “khó nhất là vấn đề giá xăng dầu”. Từ đó, đại diện các ban ngành, đoàn thể đã kiến nghị một số giải pháp về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cho biết, đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng găm hàng, đảm bảo kết nối cung cầu, lưu thông, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, quản lý giá cước vận tải, vật liệu xây dựng, bảo đảm về vật tư, trang thiết bị y tế, kit-test, thuốc chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đại diện các bộ, ngành đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, thế giới để chủ động, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác điều hành giá, đồng thời, sẵn sàng các kịch bản điều hành giá trước các biến động.
Các Bộ cũng đề xuất tăng cường công tác thông tin truyền thông về điều hành giá công khai, minh bạch, kịp thời, xác thực để nhân dân hiểu, ủng hộ công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước, không để nhiễu loạn thông tin, gây ra những ảnh hưởng không đáng có.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, giá cả hàng hóa, dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao do các nước phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao dẫn đến giá năng lượng leo thang. Ngày 24/2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 11/1 đến 21/2), các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45 – 20,88%.
Dù vậy, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59- 14,04%. Điều này cho thấy sự linh hoạt trong điều hành giá.
Theo ông Khái, sự tăng giá này vẫn ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực. Nhưng cũng cần lưu ý vấn đề buôn lậu, thẩm lậu qua biên giới khi giá thấp.
Theo Phó Thủ tướng, việc một số cơ sở kinh doanh xăng dầu “găm hàng” không phải là hiện tượng phổ biến, không phải do thiếu nguồn cung mà do nhận thức của người kinh doanh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm xăng dầu đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.
Áp lực lạm phát với nền kinh tế Việt Nam
Tiếp tục nỗi lo lạm phát, một số chuyên gia cho rằng hiện nhiều ngân hàng trung ương của các nước đã có động thái thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất để ứng phó.
Lạm phát ước tính sẽ tăng khoảng 4%, tăng gần 6% tại các thị trường mới nổi. Do là nền kinh tế mở nên Việt Nam chịu tác động rất mạnh, công tác điều hành giá gặp khó khăn.
Trước tình hình này, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình và có chỉ đạo kịp thời, trên cơ sở đó các bộ ngành, địa phương đã tích triển khai các giải pháp điều hành giá.
Trong tháng 1, CPI chỉ tăng khoảng 0,19%, nhưng dự báo tháng 2 sẽ tăng cao, trong 2 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng khoảng 1,6-1,7%.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, ổn định lãi suất, tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá linh hoạt để bảo đảm vốn cho nền kinh tế và các hoạt động thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu.
Theo Phó Thủ tướng trong điều hành chính sách tài khóa, những tháng gần đây, nhiều chính sách được triển khai rất kịp thời, nhanh chóng. Đơn cử như chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 để hỗ trợ các hãng hàng không đang gặp khó khăn do đại dịch (khoảng 1500 tỷ đồng).
Cùng với đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, chỉ sau 18 ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 (ngày 11/1/2022), Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP, ngày 28/1/2021 giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ và cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Dự kiến chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng.
"Chúng ta đã triển khai các chính sách rất nhanh, hiệu quả tác động rất rõ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Trước nguy cơ áp lực lạm phát tăng cao, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan hữu quan theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.
“Chúng ta cần hết sức quan tâm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có giải pháp điều hành kịp thời”, ông Khái nhấn mạnh.
Việt Nam ứng phó ra sao khi giá dầu tăng cao?
Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá nhưng chủ yếu là theo giá dầu thô (dưới 100 USD/1 thùng).
Tuy nhiên, hiện giá dầu thô thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng. Ông Khái đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản cho “tình huống xấu hơn” để kịp thời ứng phó.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng căn cứ tình hình thực tế, triển khai các giải pháp bình ổn giá trong khả năng để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân, góp phần đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không để thiếu hụt. Các bên liên quan cần nghiên cứu biện pháp nhập khẩu hợp lý, tính toán kỹ, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể.
“Đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước”, đại diện Chính phủ nêu rõ.
Ông Khái cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, đặc biệt là kit test Covid-19.
“Vừa qua có tình trạng mặt hàng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, dư luận rất quan tâm”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi quản lý giá một số mặt hàng: Điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với những mặt hàng không thuộc diện kê khai giá, phát huy vai trò của lực lượng thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương, quản lý thị trường, cùng với báo chí tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi.