Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ban hành Quyết định thành lập ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Như vậy, kể từ dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam đã mạnh mẽ, quyết liệt, nay sẽ càng phổ quát, rộng sâu và cụ thể đến công tác kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm “quyền anh quyền tôi”, bắt đầu từ chính công tác xây dựng luật.
Việt Nam tăng kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm
Ngày 4/3, theo cổng thông tin Quốc hội, thay mặt Đảng Đoàn Quốc hội, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Quyết định số 556-QĐ/ĐĐQH15 Thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.”
Theo Quyết định, Ban soạn thảo gồm 17 ông, bà do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là Trưởng Ban.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga là Phó Trưởng Ban Thường trực, các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng là Phó Trưởng Ban.
Theo quyết định mà Chủ tịch Vương Đình Huệ vừa ký, ban soạn thảo có nhiệm vụ triển khai xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” theo Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 ngày 03/3/2022 của Đảng đoàn Quốc hội.
Việc ban hành Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15 nhằm bảo đảm triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW và Chương trình công tác số 14-Ctr/BCĐTW của Ban Chỉ đạo nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
“Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa”, thông báo nêu rõ.
Việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công phải góp phần đánh giá đúng thực trạng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ chế giám sát về phòng, chống tiêu cực; việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Qua đó kiến nghị, đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng
Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội phải được tiến hành nghiêm túc, thiết thực.
Nội dung Kế hoạch bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bám sát nội dung và yêu cầu công việc được giao, có sự kết hợp chặt chẽ với Kế hoạch số 527-KH/ĐĐQH15 ngày 9/02/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về “Triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa;” phải phân công trách nhiệm và xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Theo Kế hoạch số 555-KH/ĐĐQH15, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo được phân công chủ trì, phối hợp với các Thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện 4 nhiệm vụ.
Cụ thể, chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực; chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán, ….
Ngoài ra còn tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Quyết định số 556-QĐ/ĐĐQH15 đã nêu rõ, Ban soạn thảo chịu trách nhiệm trước Đảng đoàn Quốc hội; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, Trưởng Ban soạn thảo kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Trưởng Ban soạn thảo thành lập Tổ biên tập để giúp Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ.
Các Phó Trưởng Ban soạn thảo giúp Trưởng Ban tổ chức công việc của Ban soạn thảo, điều hành hoạt động của Tổ biên tập. Thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Ban soạn thảo và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban soạn thảo; được sử dụng bộ máy và cán bộ thuộc các cơ quan, đơn vị mình phụ trách để thực hiện nhiệm vụ.
“Ban soạn thảo được sử dụng con dấu của Đảng đoàn Quốc hội và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ”, thông báo lưu ý.
Thường trực Ủy ban Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban soạn thảo, có trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban soạn thảo.
Văn phòng Quốc hội bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Ai tham nhũng phải bị xử lý
Như Sputnik thông tin, vừa qua, khi gặp gỡ các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc Hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chia sẻ đặc biệt về công tác phòng chống tham nhũng.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu bật quyết tâm chống tham nhũng không ngừng nghỉ, bất kể hoàn cảnh nào của cả hệ thống chính trị Việt Nam.
Theo Tổng Bí thư, năm 2021, tình hình tiêu cực, tham nhũng có giảm bớt nhưng vẫn còn một số tồn tại, thậm chí có những vụ việc nghiêm trọng, bắt buộc phải tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, càng dịch bệnh, càng phải tập trung chống tham nhũng.
Việt Nam sẽ tập trung vào việc chống lại sự suy thoái phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống vì đó là cái gốc. Nếu phẩm chất tốt, tư tưởng vững, đạo đức đứng đắn thì sẽ không tham nhũng. Công tác kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm, quyền anh quyền tôi tiếp tục được chú trọng.
Tổng Bí thư nêu rõ, để xảy ra tham nhũng có vấn đề về cơ chế, về chế độ chính sách nhưng cơ bản là do yếu tố con người.
“Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tập trung vào phẩm chất đạo đức con người”, lãnh đạo Đảng khẳng định.
Nhấn mạnh việc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, theo đó mở rộng không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị, Tổng Bí thư lưu ý vấn đề này cần phải được thực hiện tốt trong tất cả các cơ quan công quyền, đặc biệt là những cơ quan thực thi pháp luật, chính những đối tượng có chức, có quyền.
Theo Tổng Bí thư, phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, không được cua cậy càng, cá cậy vây.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản cho rằng, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan giám sát quyền lực mạnh mẽ như của Quốc hội, Tòa án, an ninh.
Bản thân Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải làm đúng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phải "thuộc bài", không được gây oan sai.
“Ai vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh, ai làm tốt phải phát huy, biểu dương kịp thời. Ai có khuyết điểm thì phê bình, có tội phải xử lý”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Lãnh đạo Đảng cho rằng, thực tế, ai tốt phải biểu dương và xây dựng nhiều tấm gương tốt thì sẽ hay hơn là phải xử lý kỷ luật.
“Bởi đây là việc rất đau lòng nhưng không thể không làm, làm cốt là để giáo dục, răn đe, làm vì sự nghiệp chung, vì sự trong sạch của Đảng, của hệ thống chính trị, của Nhà nước chúng ta và để lấy lại lòng tin của nhân dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và nhấn mạnh không phải xử lý ai sẽ là tốt nhất.