Những chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob là việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, các vấn đề thương mại, đầu tư và du lịch, cũng như việc công nhận chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 giữa Malaysia và Việt Nam.
Thủ tướng Malaysia thăm chính thức Việt Nam
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Malaysia kể từ khi ông chính thức nhậm chức hồi tháng 8/2021.
Tháp tùng Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob có các quan chức cấp cao của Chính phủ Malaysia, bao gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Dato' Sri Saifuddin bin Abdullah; Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công Nghiệp Mohamed Azmin bin Ali; Tổng Chưởng lý Malaysia Tan Sri Idrus bin Harun;
Thư ký riêng cấp cao của Thủ tướng Malaysia Dato’ Nor Nazimah binti Hashim; Phó Tổng Thư ký (song phương) Bộ Ngoại giao Malaysia Dato' Amran Mohamed Zin; Phó Tổng thư ký (Thương mại) Bộ Thương mại Quốc tế và Công Nghiệp Malaysia Hairil Yahri bin Yaacob.
Sau lễ đón tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Đoàn của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob lên xe di chuyển về trung tâm Hà Nội và có cuộc gặp gỡ với một số doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 21/3 tại Phủ Chủ tịch sẽ diễn ra lễ đón chính thức Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob. Thủ tướng hai nước sau đó sẽ cùng hội đàm, chứng kiến ký kết văn kiện giữa hai bên.
Theo lịch trình làm việc, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob cũng sẽ có cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp. Hai nước cũng sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, nâng cao sức mạnh tổng hợp của hai nước trong hợp tác sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hai bên có thể cùng nhau khám phá những khía cạnh mới của hợp tác song phương; thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế mà cả hai cùng quan tâm; thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah.
© Ảnh : TTXVN phát
Nhiều vấn đề trọng tâm của chuyến thăm
Theo Phó Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia Amran Mohamed Zin, những chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob là việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, các vấn đề thương mại, đầu tư và du lịch hay công nhận chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 giữa Malaysia và Việt Nam.
Theo ông Zin, Malaysia hoan nghênh quyết định của Việt Nam công nhận chứng chỉ tiêm chủng của Malaysia, đồng thời khẳng định đây là một trong những khía cạnh hợp tác mà Malaysia mong muốn trong ASEAN và với các đối tác chiến lược ASEAN.
Hiện Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Malaysia (MOSTI) cùng các bộ ngành liên quan cũng đang tích cực xem xét công nhận chứng chỉ tiêm chủng của Việt Nam.
Theo ông Zin, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Ismail nhiều khả năng sẽ thông báo về diễn biến mới nhất việc công nhận chứng chỉ vaccine phù hợp với việc mở cửa biên giới trở lại của Malaysia.
“Chúng tôi cũng sẽ xem xét các thủ tục cần được thiết lập giữa hai quốc gia để tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa Malaysia và Việt Nam cho tất cả các đối tượng khách du lịch, doanh nhân và sinh viên”, ông Zin cho hay.
Quan chức này cho rằng, Việt Nam đã mở cửa biên giới từ ngày 15/3 và chuyến thăm là cơ hội cho hai nước thảo luận về các vấn đề hậu đại dịch. Năm 2019, lượng khách du lịch từ Malaysia đến Việt Nam khá cao với hơn 600.000 lượt người, trong khi lượng khách từ Việt Nam đến Malaysia là hơn 400.000 lượt người. Năm 2021, hợp tác thương mại giữa hai nước đạt khoảng 16 tỷ USD.
Tại buổi làm việc của ủy ban hỗn hợp giữa Malaysia và Việt Nam năm 2021, hai nước đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm phấn đấu đưa giá trị thương mại lên mức 18 tỷ USD vào năm 2025.
Các nhà đầu tư Malaysia cũng đã chi số vốn khá lớn vào Việt Nam. Hiện Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 của nước này.
Theo ông Zin, giá trị đầu tư của Malaysia vào Việt Nam năm 2021 là 12,81 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn thứ 8 trong nước. Trong khi đó, giá trị đầu tư của Việt Nam vào Malaysia vẫn cần được cải thiện.
“Thủ tướng rất có thể sẽ mời các nhà đầu tư Việt Nam đến Malaysia để cân bằng giá trị đầu tư song phương vì Malaysia có rất nhiều cơ hội đầu tư”, ông nói thêm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Thủ tướng sẽ đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động Đối tác Chiến lược Việt Nam-Malaysia giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, chứng kiến việc trao đổi các văn kiện bao gồm biên bản ghi nhớ (MoU) về các hoạt động hợp tác pháp lý cũng như tuyển dụng, sử dụng và hồi hương lao động.
Ngoài ra, Malaysia và Việt Nam cũng nhất trí hợp tác trong lĩnh vực đào tạo ngoại giao qua Ý định thư. Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn Quốc gia Malaysia (Bernama) cũng sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác.
Thủ tướng Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob
Ông Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob sinh ngày 18/1/1960, là Cử nhân Luật của Đại học Universiti Malaya. Ông là một chính trị gia có nhiều năm đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong Chính phủ Malaysia.
Từ năm 2008 đến 2009, ông là Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao. Từ năm 2009 đến 2013, ông là Bộ trưởng Bộ Nội thương, Hợp tác xã và Quyền lợi người tiêu dùng.
Giai đoạn 2013-2015, ông là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Năm 2015 - 2018, ông là Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn.
Năm 2019 - 2020, ông là Lãnh đạo phe đối lập Quốc hội. Năm 2020 - 2021, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Từ tháng 7/2021 - 8/2021, ông là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng. Tháng 8/2021, ông chính thức giữ chức Thủ tướng Malaysia.
Ông Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob cũng là Phó Chủ tịch Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) từ năm 2018 đến nay.