Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã lưu ý việc cần chủ động nguồn cung phân bón trong nước, trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhập khẩu từ Nga, Belarus do ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng Nga – Ukraina.
Việt Nam nhập khẩu nhiều phân bón từ Trung Quốc, Nga
Như đã biết, Liên bang Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới.
Chỉ tính riêng năm 2021, Nga tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu phân ure, NPK, amoni nitrat, xuất khẩu kali đứng thứ 3 và phosphat đứng thứ 4 trên thế giới.
Trước đó, hồi năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD.
Số liệu Hải quan cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga khoảng từ 130.000 - 380.000 tấn, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, tương ứng 5 -11,9% về giá trị.
Việt Nam chủ yếu nhập phân kali, phân NPK và DAP. Riêng lượng phân kali nhập từ Nga khoảng từ 68.000-200.000 tấn/năm, chiếm từ 7,2-18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021, Việt Nam nhập phân bón vào khoảng 4,5 triệu tấn, kim ngạch 1,45 tỷ USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 52,6% về kim ngạch so với năm 2020.
Theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 2 triệu tấn, trị giá 610,3 triệu USD.
Ngoài ra, Đông Nam Á là thị trường bán nhiều phân bón thứ hai cho Việt Nam. Trong năm 2021, nhập khẩu từ thị trường này đạt 504.838 tấn, giá trung bình 377,2 USD/tấn, tăng 37,2% về lượng và tăng 58,4% về giá so với năm 2020.
Trong khi Nga đứng thứ ba với 386.193 tấn, giá trung bình 371,6 USD/tấn, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% kim ngạch so với năm trước đó.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy các dữ liệu khá tương đồng. Theo đó, năm 2021, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga là 386.000 tấn, chiếm 10% so với tổng lượng phân bón nhập khẩu. Về giá trị, năm 2021, Việt Nam chi 143,5 triệu USD để mua phân bón từ Nga.
Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là kali với trên 195.000 tấn, chiếm trên 15% tổng lượng kali nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo cho thấy, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021.
Về thị phần tại Việt Nam, hiện nay các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân ure, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
Cục Bảo vệ thực vật cũng nhấn mạnh, các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, trong khi đó phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu (chủ yếu từ Liên bang Nga).
Trong khi đó, phân bón hữu cơ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Sau khi đã cân đối lượng phân bón xuất, nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nong nghiệp cho biết, hàng năm Việt Nam nhập khẩu thêm từ 2,7-3,5 triệu tấn phân bón vô cơ. Trong đó, chủ yếu là phân kali chiếm 25-28%, tương đương khoảng từ 1,1-1,2 triệu tấn và phân SA, chiếm từ 25-31%, tương đương khoảng 1-1,5 triệu tấn.
Năm 2021, khối lượng phân bón nhập khẩu là trên 5,1 triệu tấn, trong đó nhập khẩu phân SA chiếm 31,3%, kali chiếm 25,3%. Phân kali được nhập từ 30 thị trường khác nhau trên thế giới.
Việt Nam xuất nhiều phân bón sang Campuchia
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đầu vào sản xuất của Việt Nam đạt khoảng 603 triệu USD, tăng 72,5%.
Trong đó, riêng giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, giá xuất khẩu trung bình phân bón đạt 685 USD/tấn, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng trong năm 2021, Việt Nam xuất khẩu trên 1,35 triệu tấn phân bón, thu về 559,35 triệu USD, tăng 16,4% về khối lượng, tăng 64,2% về kim ngạch so với năm 2020. Xuất khẩu phân bón Việt Nam đạt mức cao kỷ lục về lượng từ trước tới nay.
Xét về thị trường, hiện Campuchia đang là thị trường nhập khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam.
Năm qua, Campuchia chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của Việt Nam.
Sau Campuchia, Việt Nam cũng xuất khẩu mạnh phân bón sang Hàn Quốc, Malaysia.
Tuy nhiên, trong tháng 2/2022 xuất khẩu phân bón sang Campuchia giảm mạnh 51% cả về lượng và kim ngạch và giảm 1,1% về giá so với tháng 1/2022, đạt 17.581 tấn, tương đương 8,39 triệu USD, giá 477,4 USD/tấn.
Đánh giá về việc kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng kỷ lục, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định trên báo Dân Việt cho rằng, thực tế năng lực sản xuất phân bón của các doanh nghiệp thừa khả năng cung ứng cho nhu cầu sản xuất trong nước và còn dư để xuất khẩu.
Cân nhắc ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraina trong xuất nhập khẩu phân bón
Trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 2.451 lô phân bón với tổng khối lượng đạt 880.900 tấn.
Tuy vậy, trong bối cảnh còn nhiều biến động chính trị khó lường, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cũng nhấn mạnh, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraina hiện nay là điều đáng lưu ý.
Việt Nam nhập khẩu lượng lớn phân bón từ Nga, do đó, có sự ảnh hưởng nhất định về nguồn cung. Ông Phùng Hà nhắc lại, Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, Nga sản xuất trung bình 50 triệu tấn phân bón mỗi năm, chiếm 13% sản lượng phân bón trên thế giới.
“Tình hình Nga - Ukraina còn căng thẳng, giá phân bón thế giới tăng cao, tôi cho rằng cần thiết phải có biện pháp tạm ngừng xuất khẩu phân bón lúc này để ổn định tâm lý sản xuất trong nước”, ông Phùng Hà đề xuất.
Xung đột Nga – Ukraina cũng được đánh giá là đang làm tăng nguy cơ gián đoạn thương mại phân bón toàn cầu.
“Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 23% xuất khẩu amoniac, 14% xuất khẩu urê, 10% xuất khẩu phốt phát chế biến và 21% xuất khẩu kali. Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraina bùng nổ, giá phân urê trên thị trường đã tăng 25%”, ông Hà cho hay.
Chỉ tính trong nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón của Việt Nam đã tăng thêm 300 - 700 đồng/kg tùy loại và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm.
Theo nhiều dự báo của giới chuyên gia, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi tình hình leo thang giữa Nga – Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ông Phùng Hà, 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam là dựa vào nguồn hàng nhập khẩu.
“Thời gian tới mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam. Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng”, Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón nhấn mạnh.
Tìm nguồn cung thay thế
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, căng thẳng Nga-Ukraina đang khiến thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá.
“Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần một nửa lượng kali cung cấp trên toàn thế giới”, Cục Bảo vệ thực vật cũng chia sẻ quan điểm như ông Phùng Hà.
Cục Bảo vệ thực vật, thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do căng thẳng Nga-Ukraina tác động mạnh về suy giảm nguồn cung và tăng giá.
Trong khi đó, mỗi năm, nền nông nghiệp Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp.
Năm 2021, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là trên 10,709 triệu tấn, tăng trên 478.00 tấn, tương đương tăng 4,67% so với năm 2020.
Trong số đó, lượng phân vô cơ trên 7,8 triệu tấn, tăng tên 211.300 tấn, tương đương tăng 2,78% so với năm 2020; lượng phân bón hữu cơ gần 3,9 triệu tấn, tăng gần 263.000 tấn, tương đương tăng 10% so với 2020.
Nhằm duy trì đảm bảo nguồn cung phân bón, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường thế giới, khu vực và trong nước, trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng, chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ chủ động đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali.
Các cơ quan chuyên môn tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là phân bón hữu cơ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, ngành Công Thương cũng sẽ tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.