Đoàn công tác Bộ Tài chính Hoa Kỳ do ông Roberth Kaproth, Phó Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngân khố Mỹ Janet Yellen, dẫn đầu đến Việt Nam làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để chuẩn bị cho báo cáo quan trọng trong tháng 4/2022.
Trước thái độ nghi ngại của Mỹ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Việt Nam không thao túng tiền tệ. Chính sách tiền tệ của Việt Nam chỉ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Mỹ vẫn theo dõi Việt Nam
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), ngày 6/4, Đoàn công tác Bộ Tài chính Hoa Kỳ (United States Department of the Treasury – USDT) do Phó Trợ lý Bộ trưởng Janet Yellen, ông Roberth Kaproth, đã đến Hà Nội để bàn thảo một số vấn đề quan trọng.
Theo các thông tin chính thống được công bố, mục đích chuyến công tác của ông Roberth Kaproth được cho là để thăm dò và thu thập dữ liệu cũng như trao đổi với chính quyền Hà Nội về chính sách tiền tệ của Việt Nam trước kỳ báo cáo quan trọng ngay trong tháng này của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ.
“Ngày 06/04/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Tài chính Mỹ do Ông Robert Kaproth – Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ làm Trưởng đoàn”, SBV xác nhận.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Kaproth
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại cuộc gặp song phương, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đánh giá cao việc hai bên thường xuyên giữ liên lạc và làm việc chuyên sâu để kịp thời nắm bắt các diễn biến cũng như chia sẻ hiểu biết chung về diễn biến thị trường tiền tệ Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc duy trì mối liên hệ trao đổi này sẽ giúp Đoàn công tác do ông Kaproth dẫn đầu có phản ánh nội dung khách quan và phù hợp tại Báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và Ngoại hối của các Đối tác thương mại lớn của Mỹ (Báo cáo) vào tháng 4 này.
Phát biểu với Trợ lý của bà Yellen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao việc Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố “rất hài lòng” với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được và tiếp tục không xác định Việt Nam là thao túng tiền tệ tại kỳ Báo cáo tháng 12/2021 vừa qua.
“Điều này đã ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá nhằm đảm bảo sự hoạt động thông suốt của thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá”, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức
Trao đổi thẳng thắn với Đoàn của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa tái khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam, hoàn toàn nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung.
“Chính sách của Việt Nam hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chứ không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế”, bà Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Thông báo với đại diện chính quyền Biden – Harris về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và tiến tới mở cửa hoàn toàn.
Trong nước, các hoạt động sản xuất kinh doanh với một số dấu hiệu tích cực như GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiền tệ trong nước ổn định. Lạm phát bình quân Quý 1/2022 được kiểm soát ở mức 1,92%.
Cũng tại cuộc gặp ngày 6/4, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ về các thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất trong bối cảnh mới hiện nay khi diễn biến thị trường thế giới thay đổi nhanh chóng, khó lường, khó dự đoán, xu hướng suy thoái kinh tế và nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu.
Ghi nhận sự nỗ lực
Phát biểu với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, về phía Đoàn Bộ Tài chính Mỹ, Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Robert Kaproth ghi nhận những nỗ lực hợp tác của cơ quan ngân hàng trung ương của Việt Nam.
Ông Kaproth cũng đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối cũng như kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
“Kết thúc buổi làm việc, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên để cùng chia sẻ quan điểm đối với các vấn đề phát sinh, đồng thời cam kết tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới”, theo thông cáo từ Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, kể từ thời Donald Trump, Mỹ rõ ràng vẫn giữ thái độ mang tính thăm dò với Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ.
Washington cần dữ liệu chắc chắn để xác định Việt Nam có thao túng tiền tệ hay không, trên cơ sở đó, áp dụng một số chính sách tương ứng, không loại trừ khả năng trừng phạt nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay đơn phương cho rằng, Việt Nam đang định giá đồng tiền thấp hơn nhằm hưởng lợi trong thương mại quốc tế, bất chấp Hà Nội nhiều lần lên tiếng phủ nhận.
Việt Nam nhập khẩu ròng một số hàng hóa
Cùng ngày 6/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Tài chính Mỹ.
Tại buổi trao đổi, ông Phạm Thanh Hà đã thông tin với ông Robert Kaproth và Đoàn Bộ Tài chính Hoa Kỳ những thông tin cập nhật về diễn biến thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại buổi tiếp
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, điều tiết thanh khoản nhằm ổn định thị trường tiền tệ trước những diễn biến phức tạp của chính trị và kinh tế quốc tế”, ông Phạm Thanh Hà nêu rõ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam cũng khẳng định, trong bối cảnh vừa tiến hành các biện pháp phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 vừa phải đối mặt với các diễn biến mới trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, Việt Nam, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu cao nhất là “ổn định kinh tế vĩ mô”, kiểm soát lạm phát.
Ông Hà tái khẳng định, các công cụ chính sách tài khóa, điều tiết thanh khoản của Việt Nam chỉ nhằm góp phần thúc đẩy đà phục hồi, phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, trao đổi với Đoàn Bộ Ngân khố Mỹ, Phó Thống đốc cũng chia sẻ Việt Nam là nước nhập khẩu ròng một số hàng hóa (điển hình như dầu thô, khí đốt), do đó, việc giá dầu thế giới tăng cao đã và đang gây áp lực lạm phát đối với nền kinh tế đất nước.
“Điều này đặt ra những khó khăn, thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới”, ông Phạm Thanh Hà lưu ý.
Trong khi đó, về phía Đoàn Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Kaproth khẳng định đánh giá cao tinh thần hợp tác của các cơ quan chức năng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước.
Đoàn NHNN chụp hình lưu niệm với Đoàn công tác của Bộ Tài chính Mỹ
Trợ lý Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ bày tỏ vui mừng và coi đây là cơ hội để phía Bộ Tài chính Mỹ hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước để phản ánh các nội dung phù hợp tại Báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và Ngoại hối của các Đối tác thương mại lớn của Mỹ kỳ tháng 4/2022.
“Bộ Tài chính Mỹ luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các chính sách, quan điểm của phía Mỹ”, ông Robert Kaproth nói.
Kết thúc cuộc làm việc, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá cao mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Mỹ.
Ông Phạm Thanh Hà cũng cảm ơn Đoàn Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã dành thời gian để trao đổi cùng Ngân hàng Nhà nước về các diễn biến trong nước và quốc tế hiện nay.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tái khẳng định mong muốn hai bên sẽ tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ quan điểm, tìm tiếng nói chung về những vấn đề phát sinh mà cả hai bên cùng quan tâm.
Chờ quyết định cuối cùng
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, lần đầu tiên Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ là dưới thời chính quyền Trump.
Báo cáo công bố ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ khi đó đã xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là 2 quốc gia thao túng tiền tệ, trong khi 10 nền kinh tế khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ đều chỉ thuộc diện theo dõi.
Chính quyền Hoa Kỳ cáo buộc rằng Việt Nam đáp ứng cả 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và mua ròng ngoại tệ.
Tuy nhiên, đến báo cáo tháng 4/2021, Mỹ đã gỡ mác “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam.
Tiếp tục, đến ngày 3/12/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo định kỳ rà soát “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó, xem xét và đánh giá chính sách của các đối tác thương mại lớn của Mỹ trong 4 quý, tính đến hết tháng 6/2021.
Tại báo cáo này, Việt Nam không bị gắn mác thao túng tiền tệ. Trên thực tế, cả Việt Nam và Đài Loan đều vượt ngưỡng cho phép của chính quyền Hoa Kỳ ở cả 3 tiêu chí như thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ kết luận đến tháng 6/2021, không đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ vì mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong ngoại thương.
Tuy vậy, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam và Đài Loan để giải quyết những thắc mắc, nghi ngờ còn lại.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh họ “hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay”. Tuy nhiên, như đã nêu, Bộ Ngân khố Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện phân tích chuyên sâu với các chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và cân bằng hơn, đồng thời có lợi cho người lao động Mỹ.
Dù phải chờ đợi quyết định của Mỹ trong kỳ công bố báo cáo tháng 4/2022 này, tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ trong các kỳ báo cáo gần nhất là một tin vui. Hà Nội sẽ không phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt.
Đây là thành quả quan trọng của sự phối hợp tốt, chủ động và tích cực trao đổi thông tin của các cơ quan quản lý Việt Nam, đặc biệt đầu mối là Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam với cơ quan chức năng Hoa Kỳ.