Ông Duterte để lại di sản gì?
Ông Rodrigo Duterte Tổng thống tại vị của Philippines đã theo đuổi chính sách đối ngoại khá lạ, gây tranh cãi. Ngay khi vừa nhậm chức nguyên thủ quốc gia, ông đã gay gắt đấu khẩu với đồng minh quân sự của Philippines là Hoa Kỳ và đột ngột cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga. Ông đe dọa bắt đầu mua vũ khí của người Trung Quốc và người Nga thay vì súng ống Mỹ. Và mặc dù vào năm 2016, Toà án Trọng tài Quốc tế ở The Hague công nhận yêu sách của phía Philippines đối với Trung Quốc là xác đáng và phán quyết rằng yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh là vô căn cứ, ông Duterte đã giấu nhẹm tài liệu này.
Nhưng vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông, Chính phủ của Duterte đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của đất nước, bao gồm cả Biển Đông mà người dân Philippines gọi là Biển Tây Philippines. Năm ngoái và đầu năm nay, chính quyền Philippines nhiều lần công khai lên án việc Trung Quốc đưa tàu tuần tra vào lãnh hải Philippines gần bãi cạn Scarborough. Năm ngoái đã có 183 tuyên bố phản đối như vậy.
Thái độ của Tổng thống Philippines đối với Hoa Kỳ cũng đã thay đổi. Và mặc dù trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống Duterte chưa bao giờ đến thăm Hoa Kỳ, ông vẫn duy trì hợp tác quốc phòng với phía Mỹ. Mới đây kết thúc cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines 12 ngày trên đảo Luzon với hơn 9.000 binh sĩ tham gia. Nếu như Duterte tiếp tục ở vị trí đứng đầu Nhà nước Philippines, chắc hẳn ông sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Bởi vì, hầu hết các tướng lĩnh Philippines đều có thái độ tích cực trong liên hệ với người Mỹ. Cách đây chưa lâu Duterte đã đề xuất để Hoa Kỳ sử dụng các chủ thể trên lãnh thổ Philippines (hay nói cách khác là các căn cứ) một khi «chiến tranh Ukraina lan sang châu Á».
Mối quan ngại đặc biệt của Bắc Kinh
Hầu như trong chương trình tranh cử của tất cả các ứng viên tham gia cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống ở Manila đều chú ý đến quan hệ với Trung Quốc. Hầu như tất cả đều khăng khăng nhấn mạnh rằng Manila cần phải biểu thị lập trường cứng rắn hơn hiện tại. Có lẽ chỉ riêng thủ lĩnh hiện tại của cuộc chạy đua vì chức Tổng thống là Marcos-con sẵn sàng nối tiếp chính sách của Duterte. Và ông này cũng như Duterte không muốn gây chiến với Trung Quốc, nhưng sẵn sàng tăng cường hiện diện của các chiến hạm Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough.
Chính phủ Duterte viện dẫn những thành tựu trong quan hệ Philippines-Trung Quốc để biện minh. Philippines đã nhận được những khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc để xây dựng cầu, công ty Nhà nước Trung Quốc trở thành nhà đầu tư cơ bản cho mạng viễn thông của Philippines. Năm 2018, hai bên đã ký Bản Ghi nhớ về thăm dò dầu khí ở biển Hoa Nam-biển Philippines (tức Biển Đông). Trung Quốc đã giúp đỡ người Philippines trong cơn đại dịch Covid-19, cung cấp 5 triệu liều vaccine cho Philippines.
Ngoại trưởng Philippines Locsin mới đây nhận xét quan hệ Philippines-Trung Quốc là «chín muồi», ca ngợi Trung Quốc là đất nước «có trách nhiệm» «nêu tấm gương mới trong một thế giới đầy biến động» bằng cách cung cấp sự giúp đỡ với vaccine ngừa Covid-19 và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Philippines.
Nhưng ở Philippines vẫn có những giới đánh giá người hàng xóm vĩ đại theo cách khác. Vài ngày trước, trên tờ Philippine Daily Inquirer xuất hiện bài báo gọi Trung Quốc là «côn đồ» và «gangster-xã hội đen» vì chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tác giả Philippines cho rằng Bắc Kinh «không cho thấy bất kỳ dấu hiệu từ bỏ hành động gây hấn trên biển, tiếp tục đàn áp các ngư dân Philippines mưu sinh trên ngư trường truyền thống của họ… Bài viết tố cáo rằng Trung Quốc tự xưng là «bằng hữu» nhưng mọi lúc mọi nơi luôn hành động như «gã hàng xóm côn đồ tàn nhẫn».
Tính đến tâm trạng xã hội Philippines hiện nay không hoàn toàn thuận lợi cho Bắc Kinh, mới đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành điện đàm với Tổng thống Duterte. Theo tin đưa của hãng thông tấn Tân Hoa xã, nhà lãnh đạo Trung Quốc tái khẳng định lập trường trung thành của đất nước ông đối với «hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Hoa Nam».
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đóng góp vào quá trình dàn xếp quan hệ với người đồng cấp Philippines. Ông Vương tuyên bố: «Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng chính sách chung đúng đắn của chúng ta sẽ được tiếp nối, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước sẽ được gìn giữ còn quan hệ hợp tác thực dụng giữa hai nước sẽ bảo lưu xung lực mạnh mẽ».
Và để xóa bỏ mọi nghi ngờ đối với đất nước mình, đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Manila thề thốt rằng Bắc Kinh chưa bao giờ can thiệp vào chính trị nội bộ của nước khác và sẽ làm việc với bất kỳ nhân vật nào đắc cử Tổng thống ở Philippines.
Như vậy, rõ ràng là dù ai chăng nữa trong số các ứng viên hiện nay giành phần thắng trở thành tân Tổng thống của Philippines cũng sẽ phải tìm cách giữ thế cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Và trên bến bờ hải cảng của Manila sẽ xuất hiện những chiến hạm cắm cờ Trung Quốc hoặc cờ Mỹ.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.