"Thực tế là quân đội của chúng tôi đã quen với các hệ thống vũ khí của Nga. Chúng rẻ hơn nhiều so với các hệ thống tương đương của thế giới phương Tây. Vũ khí của Nga đáng tin cậy hơn nhiều và không hỏng hóc vào phút cuối. Vũ khí của phương Tây quá phức tạp, nhiều lần khiến chúng tôi gặp rắc rối. Ấn Độ đã tự tin vận hành vũ khí của Nga trong sáu thập niên qua", - ông nói.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2017 đến năm 2021 Ấn Độ đã chi gần một nửa ngân sách quốc phòng để mua vũ khí từ Nga. Tuy nhiên con số này vẫn ít hơn giai đoạn năm 2012-2016: khi có tới 69% ngân sách quốc phòng của nước này được chi để mua vũ khí từ đối tác phương bắc.
Vụ mua sắm đáng chú ý và đắt tiền nhất là hệ thống tên lửa phòng không S-400. Hợp đồng cung cấp hệ thống này đã được ký kết vào tháng 10/2018. Như tin đã đưa trước đó, 5 tổ hợp cấp trung đoàn đã tiêu tốn của Delhi 5,43 tỷ USD. Ấn Độ trở thành khách hàng nước ngoài thứ ba sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp vũ khí này.
Bên cạnh công nghệ của Nga, New Delhi quan tâm đến vũ khí của Pháp, Mỹ và Israel. Pháp gần đây đã chuyển giao 32 máy bay phản lực Dassault Rafale, 15 máy bay chiến đấu Mirage và 3 tàu ngầm Scorpene cho Ấn Độ. Giá trị trao đổi thương mại quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ đã tăng từ 200 triệu USD năm 2000 lên 6,2 tỷ USD vào năm 2019. Các hợp đồng mua bán bao gồm máy bay không người lái MQ-9A Reaper, máy bay tuần tra trên biển tầm xa P8-I Poseidon và trực thăng đa năng Sikorsky MH-60R.
Đầu tháng 2 năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng vấn đề về nhập khẩu vũ khí là ở chỗ khi được biên chế cho quân đội thì vũ khí đó đã lỗi thời. Ông cho rằng giải pháp để khắc phục vấn đề này là triển khai các chương trình "Ấn Độ tự cung tự cấp" và "Sản xuất tại Ấn Độ" nhằm phát triển sản xuất tại chính quốc gia này.