“Võ sĩ hạng trung nhưng đấu ở hạng nhẹ”: Lên hạng thị trường, Việt Nam có bằng Singapore?

Chuyên gia Zafer Mustafaeglu của Ngân hàng Thế giới ví von, Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ. Đã đến lúc quốc gia này nỗ lực để trở thành Thị trường Mới nổi.
Sputnik
Nếu được nâng hạng lên thị trường Mới nổi, Việt Nam sẽ ngang tầm với các quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á, liệu có thể sánh ngang với Singapore?

“Võ sĩ hạng trung nhưng lại thi đấu ở hạng nhẹ”

Như Sputnik đã thông tin, Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công trong phát triển các thị trường vốn, tạo ra một khu vực tài chính đa dạng và giảm sự phụ thuộc quá mức vào khu vực ngân hàng để cung cấp kênh dẫn vốn dài hạn phục vụ phát triển.
Điều này được ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
WB: Quy mô thị trường Việt Nam không còn nằm trong nhóm Cận biên
“Việt Nam đang bắt kịp với các quốc gia trong khu vực về quy mô thị trường”, chuyên gia của WB nhấn mạnh.
Theo ông Mustafaeglu, đây là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho thị trường, bao gồm thông qua các định hướng chính sách, quy định và rất nhiều diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận về phát triển thị trường.
Chuyên gia nhắc lại, Việt Nam có khát vọng trở thành quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, nên có thể kỳ vọng chất lượng và chiều sâu của khu vực tài chính của quốc gia ít nhất cũng phải ngang bằng với các quốc gia so sánh.
Đặc biệt, đại diện của WB cũng lưu ý, quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên.
Ông Mustafaeglu phân tích, thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI.
“Đây là trọng số lớn nhất; tiếp theo là Maroc là 10%. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ”, ông Zafer Mustafaeglu ví von.
Chuyên gia Zafer Mustafaeglu nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.

Thế nào là thị trường Mới nổi?

Theo định nghĩa của Investopedia, nền kinh tế thị trường Mới nổi (Emerging Market) là nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển đang ngày càng hội nhập với các thị trường toàn cầu.
Các quốc gia được xếp hạng là nền kinh tế thị trường Mới nổi là những nước có một số (nhưng không phải tất cả) đặc điểm của một thị trường phát triển.
Xứng danh con hổ châu Á mới, quy mô GDP Việt Nam bao giờ lại vượt Singapore?
Cũng theo đó, khi nền kinh tế thị trường Mới nổi phát triển thường trở nên hòa nhập hơn với nền kinh tế toàn cầu, thể hiện qua việc tăng tính thanh khoản của thị trường vốn và thị trường nợ trong nước, tăng khối lượng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, và sự phát triển của các tổ chức tài chính và pháp lý hiện đại trong nước.
Trên thế giới các thị trường tài chính được xếp hạng vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường Mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường Cận biên (Frontier Market).
Đồng thời, có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI, FTSE Russell, và S&P Dow Jones.
Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm. Mỗi tổ chức có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng nhưng đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản như mức độ phát triển của nền kinh tế, sự ổn định về chính trị, quy mô và tính thanh khoản của thị trường, hiệu quả vận hành của thị trường, khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, khả năng lưu chuyển dòng vốn.
Nguyên tắc chắc chắn là một nguyên tắc cơ bản khi các tổ chức xem xét để đưa ra quyết định nâng hạng hay hạ bậc thị trường.
Singapore dẫn đầu các quốc gia rót FDI vào Việt Nam
Cụ thể, FTSE ghi rõ các quốc gia không nên thay đổi xếp hạng thường xuyên, chỉ khi các tiêu chí đã được thỏa mãn và xác nhận trong một thời gian, và nhà đầu tư cần được báo trước về sự thay đổi. Trong khi MSCI cũng chỉ quyết định nâng bậc thị trường nếu việc thay đổi xếp hạng thị trường khó có thể đảo ngược.
Đáng lưu ý, các chuyên gia khác nhau phân loại các nền kinh tế thị trường Mới nổi theo những cách khác nhau.
Mức thu nhập, chất lượng của hệ thống tài chính và tốc độ tăng trưởng là những tiêu chí phổ biến được sử dụng, nhưng các tiêu chuẩn đánh giá toàn diện của mỗi người có thể khác nhau.

Liệu Việt Nam đã có thể sánh ngang với Singapore?

Rất đáng tiếc, nhưng câu trả lời là không bất ngờ. Kể cả trong trường hợp được nâng hạng lên thị trường Mới nổi, Việt Nam cũng chưa thể ngang tầm ngay với Singapore.
Trước đó, theo xếp loại gần đây nhất của hai tổ chức MSCI và FTSE Russell vào năm 2021, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tiềm năng nâng hạng từ thị trường Cận biên lên thị trường Mới nổi.
Kinh tế số Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng trưởng nhanh bậc nhất Đông Nam Á
Đáng chú ý, theo dữ liệu của MSCI, nếu được nâng lên thị trường Mới nổi, Việt Nam sẽ nằm cùng nhóm với các nước ở trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines chứ chưa thể chạm tới ngưỡng như Singapore do “đảo quốc sư tử” đi trước khá nhiều so với các quốc gia láng giềng trong khu vực.
Singapore đã được xếp vào nhóm thị trường phát triển từ lâu, chưa kể, theo xếp hạng về năng lực cạnh tranh thế giới của Viện phát triển quản lý (IMD) trước đó công bố, Singapore thường xuyên giữ vị trí nền kinh tế cạnh tranh hàng đầu thế giới.
Câu chuyện thành công của Singapore được viết lên từ nền tảng thành tích kinh tế nổi bật của quốc đảo, bắt nguồn từ thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, các biện pháp tích cực của chính phủ nhằm hỗ trợ lĩnh vực tuyển dụng và thị trường lao động.
Cùng với đó, Singapore đã nới lỏng đáng kể việc thành lập doanh nghiệp, cũng như có lực lượng lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng công nghệ tốt hàng đầu toàn cầu.
Singapore cũng là nước có thành tích ổn định trong hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng công nghệ như viễn thông, tốc độ đường truyền Internet và xuất khẩu công nghệ cao ra thế giới.

Nâng cấp thành Thị trường Mới nổi

Chuyên gia của WB lưu ý, trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ.
Để đạt được kết quả đầy hứa hẹn này, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả. Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị khái niệm “6 con mắt” 6 chữ I trong tiếng Anh gồm Thể chế (Institution), Hạ tầng (Infrastructure), Bên phát hành (Issuer), Nhà đầu tư (Investment), Tổ chức Trung gian (Intermediary) và Công cụ (Instrument).
Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ
Đặc biệt, tron bối cảnh thị trường có nhiều nhiễu loạn như hiện nay, Ngân hàng Thế giới cho rằng, thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ.
“Sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn”, ông Zafer Mustafaeglu lưu ý.
Theo WB, Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành Thị trường Mới nổi.
“Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn”, ông Mustafaeglu khẳng định.
Đặc biệt, Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi.
Một vấn đề quan trọng khác, theo đại diện của Ngân hàng Thế giới, thị trường vốn là phần lõi trong một hệ thống tổng hợp. Thị trường có tương tác với các bộ phận khác của hệ thống.
Trái với World Bank, ADB có nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam
Chẳng hạn, ngân hàng thương mại là thành viên quan trọng trên thị trường vốn ở tất cả các khía cạnh. Nhiều ngân hàng đang phát hành chứng khoán, như vậy họ là bên phát hành, nhiều ngân hàng là nhà đầu tư (họ mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp) và nhiều ngân hàng là tổ chức trung gian (tư phát hành, lưu ký và cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp). Vì vậy, chính sách trong ngành ngân hàng cũng ảnh hưởng đến thị trường vốn và ngược lại. Cũng như thế, chính sách trên thị trường vốn đôi khi không thể hiệu quả nếu không được hài hòa với chính sách trong ngành ngân hàng.
Ông Zafer Mustafaeglu khẳng định, nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết mạnh mẽ hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn của Việt Nam, song hành cùng Việt Nam đạt mục tiêu, sẵn sàng đem lại kiến thức chuyên môn trên toàn cầu và điều chỉnh cho phù hợp cụ thể với Việt Nam.
Thảo luận