Theo báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 25-29/4 của SSI Research, thị trường tiền tệ cuối tháng 4 đã chứng kiến sự bật tăng mạnh của lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm. Điều này chứng tỏ thanh khoản các ngân hàng đã gặp căng thẳng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày. Dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước phải liên tục bơm tiền ngắn hạn ra ngoài. Cụ thể là sử dụng tới kênh OMO sau gần 1 năm đóng băng.
Theo báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố của công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm phần trăm, lên mức 5,66%. Tăng trưởng tín dụng (tới ngày 31/3/2022) đạt 5,04%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Trong tuần cuối cùng tháng 4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm 4.300 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Các giao dịch chủ yếu được thực hiện vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng, trong đó, riêng lượng tín phiếu cơ quan quản lý tiền tệ bơm ra trong ngày 29/4 đã là 3.100 tỷ đồng. Đây cũng là phiên ghi nhận khối lượng bơm tiền từ NHNN lớn nhất trong tháng 4.
Trong khi đó, tổng khối lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần chỉ là 987 tỷ đồng khiến khối lượng tín phiếu đang lưu hành có giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng.
Tuần vừa qua cũng đánh dấu tuần bơm tiền thứ 14 liên tiếp, kể từ giữa tháng 1 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục duy trì trạng thái bơm tiền hỗ trợ thanh khoản các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động thu mua tín phiếu.
Bất chấp việc được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản mạnh, việc thiếu hụt thanh khoản vẫn khiến lãi suất tiền Đồng trên thị trường liên ngân hàng bật tăng mạnh trong tuần vừa qua.
Cụ thể, tính đến cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đóng cửa ở mức 2,3%/năm, tăng 0,4 điểm % so với tuần trước, trong khi lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần tăng 0,6 điểm %, cố định ở mức 2,6%/năm.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/4 đã đạt 6,75%. Với mức tăng trưởng này, ước tính từ đầu năm đến 25/4, các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 700.000 tỷ đồng qua kênh cho vay.
Đây là mức bơm tiền qua kênh tín dụng mạnh nhất mà các ngân hàng thương mại thực hiện trong hơn một thập niên trở lại đây. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng rất lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Việc tín dụng vẫn tăng tốc thời gian qua bất chấp Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có những động thái siết chặt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản là tín hiệu, cho thấy dòng vốn tín dụng đang chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong những tuần gần đây, một số ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở cả 2 khu vực, với mức tăng phổ biến trong khoảng 0,1-0,2 điểm %.