Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết câu chuyện tiếp cận thị trường, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
1.600 câu hỏi gửi đến Thủ tướng
Sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 4, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho biết có đến hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị từ đông đảo nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và các nhà khoa học gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Phần lớn các nội dung mà người dân gửi đến là về các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19; vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm còn có tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; vấn đề di cư lao động và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long....
Đóng góp của người nông dân cho đất nước
Chia sẻ với các đại biểu dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời 14 câu hỏi, nhóm câu hỏi của người nông dân, cũng như các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng xem xét, quyết định giải pháp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp... nhằm xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong những năm qua, nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại; phát triển về quy mô, trình độ sản xuất, chất lượng tăng trưởng. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Người nông dân ngày nay cũng đã mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những đóng góp lớn cho đất nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.
“Đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và của nông dân vào thành tựu chung của đất nước là rất quan trọng và to lớn; khẳng định được vai trò và vị trí, tầm quan trọng, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đã gợi mở những nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Tri thức hóa nông dân”
Lãnh đạo Chính phủ đánh gia, thời gian tới, nông nghiệp đóng vai trò là một lợi thế của đất nước, với nhiều tiềm năng, dư địa để tiếp tục phát triển. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn, nâng cao trình độ người nông dân.
Mục tiêu đặt ra là phải làm sao phát triển hệ nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo Thủ tướng, nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với những thách thức như sự gia tăng rào cản kỹ thuật, bảo hộ ngành nông sản, các chuẩn mực cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản...
Do đó, Thủ tướng đề nghị quán triệt quan điểm “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội”.
Thủ tướng cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và yêu cầu các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, đặc biệt là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân”, từ đó giúp họ làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu từ nông nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cần có phương án giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn; tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ưu đãi...
Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn.
Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
"Phải nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thường xuyên đối thoại với người nông dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ những vấn đều đã được nêu ra, tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Qua đó, xây dựng đời sống của người nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc và có vị thế xứng đáng.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.
"Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", Thủ tướng chỉ rõ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhận thấy có 10 vấn đề quan trọng gồm tiêu thụ hàng hóa nông sản; liên kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; chuyển đổi số; nâng cao khả năng cạnh tranh; vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch; sản xuất theo tín hiệu thị trường; góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp; việc làm ở khu vực nông nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước.
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đăng gặt hái được nhiều thành tựu tích cực.
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 và những biến động trên toàn cầu, khu vực nông nghiệp vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2,98%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD. Ngay trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu toàn ngành đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.