Việt Nam: Giải cứu công dân bị giam ở Campuchia, cảnh báo lừa đảo ‘đổi đời ở sòng bạc’

Công an, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam lên tiếng cảnh báo về hoạt động lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia làm “việc nhẹ” “lương cao” ở các sòng bạc và bị cưỡng bức lao động.
Sputnik
Tại Thanh Hóa, lãnh đạo địa phương yêu cầu thực hiện tốt chính sách bảo hộ công dân, giải cứu, đưa các nạn nhân người xứ Thanh bị giam giữ tại Campuchia về nước.
Trong khi đó ở Gia Lai, Công an tỉnh cho biết thủ đoạn lừa đảo của các đường dây lừa xuất nhập cảnh sang Campuchia làm việc rất tinh vi. Nạn nhân được đưa tới các địa điểm có tên công ty do người Trung Quốc làm chủ, sau đó được giao “chỉ tiêu lừa” hàng tháng. Nếu không đạt sẽ bị phạt tiền, chống đối bị đánh đập, hành hung, không cho ăn uống.

Lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia làm việc ở sòng bạc

Ngày 13/6, thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo địa phương đang chỉ đạo các đơn vị chức năng ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc (sòng bài) trực tuyến.
Cơ quan chức năng Thanh Hóa cho hay, từ tháng 4 đến đầu tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 27 nạn nhân là người địa phương đã bị lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia để làm việc tại các sòng bạc và bị cưỡng bức lao động.
Thống kê từ cơ quan chức năng chỉ rõ, trong số này có 19 trường hợp đã được giải cứu, 4 trường hợp phải nộp tiền theo yêu cầu mới được trả về nước, 4 người còn lại đang bị khống chế và giam giữ trái phép ở Campuchia.
Là ‘cường quốc’ lương thực, vì sao Việt Nam mua nhiều gạo từ Campuchia?
Để ngăn chặn, nhanh chóng chấm dứt tình trạng đáng lo ngại này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép, lừa bán vào các tụ điểm đánh bạc trực tuyến.
Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần tập trung chỉ đạo triển khai các phương án, kế hoạch cụ thể, khả thi để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép, bảo đảm hiệu quả, sát thực tế ở địa phương, đơn vị.

“Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép”, - lãnh đạo Thanh Hóa nêu rõ.

Giải cứu công dân bị giam giữ ở Campuchia

Đồng thời, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Công an, đơn vị chức năng nghiệp vụ và người dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.
Trung Quốc đang xây dựng, Campuchia hài hước: người Mỹ được khuyến cáo không nên lo lắng

“UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt các chính sách bảo hộ công dân, nhằm giải cứu, đưa các nạn nhân của tỉnh đang bị giam giữ tại Campuchia về nước”, - Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu rõ.

Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn công dân xuất cảnh sang Campuchia và các nước khác để lao động trái phép.

“Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép”, - tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đồng thời chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sản xuất trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra trường hợp xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.
Chuyên gia: Trung Quốc cần căn cứ hải quân ở Campuchia để chống lại AUKUS
Về phần mình, Công an tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ tổ chức đợt cao điểm, huy động lực lượng tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời hiệu quả các phương án, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng để lao động trái phép.
Bên cạnh đó, lực lượng công an nằm tình hình, công tác điều tra, xác minh, chủ động phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây.

“Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người đi xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các tụ điểm đánh bạc trực tuyến đã phát hiện trên địa bàn tỉnh”, - nhà chức trách Thanh Hóa nêu rõ.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hiểu rõ những rủi ro khi đi lao động trái phép tại Campuchia và các nước, từ đó ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế ngay tại địa phương.

Chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống

Trong khi đó, tại Gia Lai, ngày 13/6, Công an tỉnh này cũng đã phát đi thông báo về phương thức, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng lôi kéo, lừa xuất cảnh làm việc tại Campuchia để người dân cảnh giác, không bị các đối tượng lôi kéo và bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phương Tây nghi Trung Quốc xây dựng cơ sở hải quân ở Campuchia
Theo Công an tỉnh Gia Lai, thời gian qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Gia Lai liên tục tiếp nhận các tin báo tố giác các đối tượng thông tin tuyển dụng nhằm lôi kéo người dân đi lao động, làm việc tại Campuchia qua mạng xã hội.

“Các đối tượng này đăng thông báo tuyển dụng làm các công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn”, - cơ quan chức năng nhấn mạnh.

Tin vào lời giới thiệu, một số người đã đồng ý đi làm việc tại Campuchia. Sau đó, những người này được đưa sang Campuchia, vào các địa điểm có tên công ty do người Trung Quốc làm chủ.
Tuy nhiên, khi tới nơi, họ lại được hướng dẫn lập các tài khoản mạng xã hội để tuyển cộng tác viên, giả danh nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam, người Trung Quốc và người dân ở các nước khác.
Theo Công an Gia Lai, các nạn nhân được giao chỉ tiêu số tiền lừa được mỗi tháng, nếu không đạt sẽ bị cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt với mức từ 1.000 USD/tháng.

“Người chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống. Đa số những nạn nhân đều không hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhưng muốn trở về Việt Nam thì phải bồi thường tiền "vi phạm hợp đồng". Để có tiền bồi thường, họ phải liên lạc với gia đình gửi tiền cho bọn chúng”, - Công an Gia Lai cho biết.

Lấy tiền chuộc người

Thực tế tại địa phương, Công an tỉnh Gia Lai đã ghi nhận có 4 nạn nhân bị các đối tượng lừa, dụ giỗ sang Campuchia làm việc.
Bộ Ngoại giao: Đạt được thoả thuận biên giới Campuchia - Việt Nam là nguyện vọng chính đáng
Trong đó, P.P.T (SN 1999, trú huyện Chư Prông) bị đưa sang Campuchia làm trong công ty do người Trung Quốc điều hành. Sau khi P.P.T không hoàn thành chỉ tiêu, muốn về Việt Nam, gia đình đã phải chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì P.P.T mới được thả về.
Tương tự, Đ.V.T (SN 2007, trú huyện Mang Yang) cũng bị lừa sang Campuchia làm việc. Khi Đ.V.T muốn về Việt Nam, gia đình cũng buộc phải chuyển vào tài khoản cho các đối tượng 130 triệu đồng…
Công an tỉnh Gia Lai đề nghị người dân khi có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài.

“Trường hợp công dân bị lôi kéo, lừa đảo với hình thức như trên thì báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý”, - Công an tỉnh Gia Lai lưu ý.

Thảo luận