Thổ Nhĩ Kỳ - 'Cửa ngõ vàng' giúp Việt Nam kết nối với Trung Đông

HÀ NỘI (Sputnik) - Là quốc gia nằm giữa hai lục địa Á-Âu, sở hữu nền kinh tế hiện đang ở vị trí top 18 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang là "cửa ngõ vàng” đối với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Sputnik
Trong suốt 44 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp đạt được nhiều thành tựu. Làm thế nào để phát huy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương còn nhiều dư địa?
Sputnik có buổi phỏng vấn PGS. TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam về vấn đề này.
PGS. TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam
Sputnik: Xin chào PGS. TS Lê Phước Minh. Xin Ông đánh giá về quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua?
PGS. TS Lê Phước Minh: Về quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có thể chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất từ 1978-1997, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1978 và đến năm 1997 ra đời Hiệp định song phương giữa hai quốc gia. Trong giai đoạn này, do Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận với Hoa Kỳ, đồng thời cục diện hai phe thời gian đó vẫn rõ ràng. Vì vậy, quan hệ Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ còn dè dặt và thăm dò.
Giai đoạn thứ hai từ 1997 cho đến nay, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phát triển. Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào chính sách Hướng Đông. Đặc biệt trong các nước ASEAN, Việt Nam là một trong những quốc gia trọng số của Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, quan hệ giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới.
Cụ thể, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng lên rõ rệt, cán mốc 1 tỷ đô la từ năm 2010. Đến nay, con số này lên đến xấp xỉ 3 tỷ đô la.
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều tương đồng nhưng cũng không ít khác biệt. Đơn cử về xuất khẩu, cả Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đều có các mặt hàng cạnh tranh nhau.
Tuy nhiên, quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ lại có những bù đắp cho nhau. Việt Nam có lợi thế xuất khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử, nông sản sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ rất mạnh về tài nguyên như crom, hàng dệt da, một số sản phẩm công nghệ lắp ráp tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có tiêu chuẩn Châu Âu.
Cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất siêu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Chính phủ hai nước cũng rất quan tâm đến vấn đề này.
Về đầu tư, sự quan tâm về lĩnh vực này giữa hai quốc gia vẫn chưa rõ nét. Những dự án đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, khoảng hơn 100 triệu đô la nếu so với các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore.
Các nhà đầu tư lớn của Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân có thể do hai quốc gia có nhiều tương đồng và lợi thế về đầu tư nên đã chọn các nước Đông Nam Á khác hoặc các quốc gia Trung Đông khác để đầu tư.
Qua đánh giá của tôi, dư địa hợp tác kinh tế-thương mại song phương còn rất nhiều. Nếu Việt Nam coi Thổ Nhĩ Kỳ như "cửa ngõ” để chúng ta đi vào khu vực Trung Đông thì chắc chắn chúng ta cần phải có sự quan tâm về thương mại và đầu tư hơn nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia lệnh trừng phạt chống lại Nga
Sputnik: Vậy theo Ông, những lĩnh vực thương mại mà hai nước có tiềm năng phát triển trong tương lai?
PGS. TS Lê Phước Minh: Một trong những lĩnh vực mà Chính phủ hai nước đã nhận diện đặc biệt có tiềm năng hợp tác trong tương lai đó chính là du lịch.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có tiềm năng du lịch rất lớn. Với vài giờ bay từ Istanbul có thể đến một nửa các điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Bản thân Istanbul và các danh lam thắng cảnh khác tại Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch này vẫn chưa được khai thác tốt mặc dù Việt Nam đã nhận diện ra điều này. Trước năm 2010, Việt Nam khai trương đường bay thẳng đến Thổ Nhĩ Kỳ từ TP. HCM, tiếp đến là HN-Istanbul với tần suất mỗi ngày một chuyến.
Tôi cho rằng, Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế về du lịch và hai bên cần phải đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
Thứ hai, các sản phẩm xuất khẩu nông sản chế biến hay linh kiện lắp ráp của Việt Nam nếu thâm nhập được vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở ra "cửa ngõ” dễ dàng vào thị trường Trung Đông.
Hơn nữa, Việt Nam đã nhận thức và tận dụng lợi ích mà chính sách làm bạn, làm đối tác với các bên của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính sách thân thiện "không có vấn đề gì với các nước láng giềng” từ thời Tổng thống Erdogan. Do vậy, nếu Việt Nam thúc đẩy quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "khai thông” quan hệ song phương với các quốc gia Trung Đông khác.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Thổ Nhĩ Kỳ coi hành động của Nga ở Ukraina không phải ngẫu nhiên
Sputnik: Là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học về Châu Phi và Trung Đông, xin ông cho biết nhân tố nào đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ?
PGS. TS Lê Phước Minh: Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. IMAES có chức năng tư vấn cho Chính phủ về chính sách đối ngoại, kinh tế và thương mại, văn hoá và giáo dục giữa Việt Nam và các quốc gia Châu Phi và Trung Đông.
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ thuận lợi. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đạo Hồi tuy nhiên lại rất cởi mở với Việt Nam. Có thể nói đây là quốc gia cởi mở nhất trong số các quốc gia đạo Hồi.
Chính sách đối ngoại thân thiện của Thổ Nhĩ Kỳ như đã đề cập ở trên giúp Việt Nam dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, dư địa và tiềm năng phát triển quan hệ song phương còn rất lớn. Nếu hai bên tìm hiểu khai thác tốt về cơ chế chính sách và cách thực hiện thì sẽ tạo cơ hội "vàng”.
Thứ nhất, hai bên có thể hỗ trợ cho nhau về lợi thế tương đồng và cạnh tranh, qua đó cả hai bên cùng có lợi. Ngoài ra, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ nên tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau để tăng cường vốn đầu tư vào thị trường của hai nước.
Hơn nữa, cần có chính sách ưu tiên dành cho các nhà đầu tư từ hai phía. Nếu các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ vào thì các nhà đầu tư Trung Đông khác cũng sẽ vào Việt Nam. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hai bên.
Thứ hai, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước hơn nữa. Trong 10 năm trở lại đây, chỉ có hơn 10 chuyến thăm cấp cao giữa hai nhà nước Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu so với các quốc gia khác là chưa nhiều.
Bên cạnh đó cần thúc đẩy hợp tác giáo dục. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, nơi có các trường ĐH nằm trong top 100 của thế giới. Nền giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ gặt hái được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc.
Đầu tư giáo dục của Thổ Nhĩ Kỳ ra nước ngoài cũng rất lớn. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam cần nắm bắt cơ hội hợp tác, đào tạo nhân lực. Đồng thời, có các chính sách thu hút sinh viên Thổ Nhĩ Kỳ sang theo học tại Việt Nam.
Đây chính là chiến lược lâu dài tạo nhân lực, nâng cao hiểu biết và tin cậy, thiết lập cầu nối thương mại-đầu tư trong tương lai thông qua kênh hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đẩy mạnh giao lưu văn hoá, trao đổi điện ảnh-nghệ thuật cũng là cầu nối giúp hai nước xích lại gần nhau hơn.
Sputnik: Xin cảm ơn Ông vì buổi phỏng vấn thú vị!
Thảo luận