Điều kỳ lạ trong vụ ám sát ông Shinzo Abe và di sản đặc biệt với Việt Nam

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời lúc 17h03 (giờ địa phương, tức 15h03 giờ Việt Nam) vì mất máu quá nhiều sau khi bị bắn từ phía sau, theo xác nhận của bác sĩ Hidetada Fukushima, Bệnh viện Đại học Y Nara.
Sputnik
Thế giới vẫn sốc, vẫn bàng hoàng trước vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị nghi phạm Yamagami Tetsuya ám sát bằng súng tự chế ở Nara ngày 8/7. Người ta sẽ còn nói về vụ ông Abe Shinzo bị ám sát bất ngờ trong nhiều năm nữa.

2 phát súng sau lưng và điều kỳ lạ trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe

Đương kim Thủ tướng Kishida Fumio đã nghẹn ngào ứa nước mắt khi tuyên bố về tình trạng của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Không ai có thể tin được, vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, một trong những chính khách đáng chú ý của lịch sử thế giới thế kỷ này, đã không còn nữa.
Ông Abe bị ám sát một cách “đê hèn” (theo lời của một chính trị gia Việt Nam) và không thể ngờ khi bị đối tượng có tên Yamagami Tetsuya, 41 tuổi, cựu quân nhân phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) ám sát bằng hai phút súng từ sau lưng sáng 8/7/2022 khi đang phát biểu tại tỉnh Nara, miền tây Nhật Bản để vận động tranh cử cho một ứng viên Đảng Dân chủ Tự do (LDP).
Từ sự kiện Abraham Lincoln bị sát hại vào Thứ sáu Tuần Thánh (14/4/1865) Our American Cousin đến vụ ám sát Thái tử Áo Hung Franz Ferdinand (năm 1914), hay vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (1963), thế giới sẽ còn phải nhắc nhiều đến vụ cựu Tổng thống Shinzo Abe bị giết hại một cách bất ngờ ở một đất nước có luật pháp vào hàng nghiêm minh nhất thế giới và trình độ văn hóa, am hiểu, tuân thủ pháp luật, sự văn minh hàng đầu hành tinh.
Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, đối với thế giới hiện đại ngày nay, ám sát các nhà lãnh đạo cấp cao là điều “cực kỳ hiếm hoi” so với quá khứ, đặc biệt tại các nước thuộc nhóm phát triển như Nhật Bản.

“Đây cũng chính là một trong những lý do khiến vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 8/7 là thông tin gây sốc cho toàn thế giới”, - tờ Bưu điện Washington (Washington Post) nhấn mạnh.

Người Nhật sốc, cả châu Á bàng hoàng và toàn thế giới đều chấn động trước tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát ở đất nước có tỷ lệ phạm tội vì súng đạn gần như bằng 0 như Nhật Bản.
Tại đất nước mặt trời mọc, lần cuối cùng một chính khách cấp cao bị ám sát là từ hơn 80 năm về trước, cận thềm Thế chiến Thứ hai. Ở giai đoạn này, thực tế, lịch sử đã chứng kiến hàng loạt vụ ám sát các quan chức hàng đầu đất nước. Nhưng kể từ sau Thế chiến II, không có thêm những vụ việc tương tự nào nữa. Đồng thời, nếu như hiện nay, hầu hết các vụ ám sát lãnh đạo cấp cao đều sử dụng đến súng, thì vụ ám sát ông Abe dường như cũng là một trường hợp đặc biệt, khi nghi phạm được cho là tự học chế súng online vì quy định kiểm soát súng đạn vô cùng nghiêm ngặt của Nhật Bản.
Sau vụ ám sát ông Abe, người ta đã lật lại thống kê rằng, chỉ tính riêng ở Mỹ, với dân số gấp 2,6 lần so với Nhật Bản, những vụ giết người bằng súng đạn dao động quanh mức 60 vụ trên 1 triệu dân, nhưng ở Nhật Bản, tỷ lệ này gần như bằng không. Chưa kể, bình quân mỗi người Mỹ sở hữu nhiều hơn 1 khẩu súng, nhưng ở Nhật, con số này cũng gần như bằng không. Nhiều người Nhật thừa nhận, mua súng còn khó hơn mua nhà và sở hữu bất động sản cao cấp. Ở các nước phát triển, Nhật Bản có số người chết vì súng đạn cũng như tỷ lệ người sở hữu súng và vũ khí nổ đều vào hàng “thấp nhất”, do đó, mà vụ ám sát ông Abe là vô cùng kỳ lạ ở đất nước được đánh giá cao về độ an toàn liên quan súng đạn như Nhật Bản.
Kẻ nổ súng vào Shinzo Abe ban đầu lên kế hoạch tấn công thủ lĩnh nhóm tôn giáo

Di sản của ông Abe với quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Trả lời báo chí xung quanh sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015 – 2018 Nguyễn Quốc Cường cho biết, ông vẫn không thể tin vụ ám sát đã xảy ra vì “Nhật Bản là đất nước rất yên bình”.

“Tôi sốc, bàng hoàng, đau buồn và không muốn tin đó là sự thật. Nhật Bản vốn là một đất nước thanh bình và an toàn, chuyện một chính trị gia bị bắn giữa chốn đông người như vậy là chuyện hiếm có xảy ra. Đặc biệt khi ông Abe Shinzo là nguyên Thủ tướng Nhật Bản, thì điều đó càng trở nên khó tin”, - ông Cường nói.

Nhà ngoại giao cho biết, ông chưa hết sốc và đau lòng về sự ra đi của cựu thủ tướng Abe, người bạn đã dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam và tâm huyết cho nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật.

“Sự ra đi của ông Abe là một tổn thất lớn của đất nước và người dân Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam cũng mất đi một người bạn gần gũi, thân thiết và có quan hệ, tình cảm đặc biệt với Việt Nam”, - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.

Theo ông Cường, di sản quan trọng nhất mà ông Shinzo Abe để lại cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản chính là mối quan hệ tin cậy, không chỉ ở cấp lãnh đạo mà còn giữa nhân dân hai nước.
Chia sẻ với các cơ quan truyền thông Việt Nam như báo Chính phủ, TG&VN của Bộ Ngoại giao, VnExpress, ông Nguyễn Quốc Cường đều khẳng định, ông Abe là người bạn lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Nhật Bản là mất mát không gì bù đắp được.

“Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần là tổn thất rất lớn không chỉ đối với đất nước Nhật Bản mà còn đối với Việt Nam, chúng ta đã mất đi người bạn vô cùng thân thiết, gần gũi, người đã có rất nhiều đóng góp to lớn trong việc phát triển quan hệ mạnh mẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian vừa qua”, - nguyên Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường bày tỏ.

Theo cựu Đại sứ, trong hai nhiệm kỳ thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã đến thăm Việt Nam 4 lần và trong sự nghiệp của mình, cựu thủ tướng Abe đã nhiều lần chia sẻ với các lãnh đạo Việt Nam rằng ông đặc biệt ấn tượng với con người Việt Nam ở đức tính thủy chung, trước sau như một với bạn bè. Cả khi ông Abe đương chức hay không còn làm thủ tướng, Việt Nam luôn dành cho ông tình cảm "như giữa những người bạn thân" trong mỗi lần ông thăm Việt Nam hay khi lãnh đạo Việt Nam đến thăm Nhật Bản.

“Vì đánh giá cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, ông đã rất mong muốn thúc đẩy quan hệ thực chất giữa hai nước”, - ông Cường đánh giá rất cao tầm nhìn của một chính trị gia đặc biệt xuất chúng như ông Abe Shinzo.

Theo nguyên Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế. Ngoài ra, nếu không tính quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam có lẽ là nước mà ông Abe đến thăm nhiều nhất với cương vị thủ tướng.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nguyễn Quốc Cường cho biết, điều ấn tượng nhất đối với ông chính là sự trao đổi rất thân tình giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam-Nhật Bản với nhau. Từ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều thiết lập mối quan hệ rất gần gũi với cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Phía Nhật Bản rất ngạc nhiên khi ngay trong chuyến thăm đầu tiên Thủ tướng hai nước đã trò truyện thân mật như những người bạn từ rất lâu năm.

“Họ cũng nói với tôi rằng chưa một chính khách nước ngoài nào mà ông Abe Shinzo lại dành những tình cảm ưu ái, đặc biệt gần gũi thân mật đến như vậy”, - nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường kể lại.

Phản ứng của Việt Nam khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời vì bị ám sát

Ông Abe đóng góp rất lớn cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường đánh giá, cựu Thủ tướng Abe đã đóng góp rất lớn cho quan hệ song phương khi thúc đẩy khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế, giao lưu nhân dân, phát triển nguồn nhân lực.
Theo đó, Nhật Bản cũng liên tục đặt Việt Nam ở “vị trí then chốt” trong tầm nhìn chung của khu vực, trong đó có chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP). Nhật Bản ủng hộ Việt Nam tham gia tích cực hơn vào kiến trúc kinh tế khu vực, với những thỏa thuận hợp tác đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Giai đoạn 2012-2020, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trên trường quốc tế, nhờ tác động không nhỏ từ ông Abe, người đứng đầu chính phủ và đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP). Cựu Thủ tướng Abe cũng rất ủng hộ Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN và chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cũng chính ông Abe là người đã mời Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm hoạt động của nhóm tính đến thời điểm đó, và hội nghị thượng đỉnh G20 mở rộng năm 2020.
Không chỉ ủng hộ Việt Nam ở diễn đàn đa phương, Nhật Bản dưới thời ông Abe đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương trên mọi mặt. Nhật Bản hiện vẫn giữ vị trí nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam. Tính từ năm 1992 đến năm 2021, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt 1.542 tỷ yen (gần 17 tỷ USD), chiếm khoảng 30% tổng ODA của cộng đồng quốc tế cam kết với Việt Nam, theo nguồn tin từ Bộ Công Thương Việt Nam. Chưa hết, Nhật Bản còn tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao năng lực hàng hải, cung cấp 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam chấp pháp. Nhật cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Hà Nội theo thỏa thuận song phương đã đạt được.
Nguyên Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá, sự ra đi đột ngột của một người bạn thân thiết với Việt Nam là một tin buồn, sự mất mát với cả Nhật Bản và Việt Nam, tuy nhiên, sự kiện chấn động này sẽ không tác động, ảnh hưởng gì tới quan hệ hai nước. Theo ông Cường, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển sâu rộng trong nhiều năm qua. Các lãnh đạo Nhật Bản, bao gồm cả lãnh đạo hiện nay là Thủ tướng Fumio Kishida, đều lựa chọn Việt Nam là một trong những quốc gia thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, thể hiện mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam: Sốc vì ông Shinzo Abe “bị giết hại đê hèn như thế”

“Ở Nhật Bản có nhiều đảng phái chính trị như đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đảng Dân chủ (JDP), đảng Komei (NKP), đảng Xã hội Dân chủ (JSP)… tất cả đều nhất trí cần tăng cường, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam”, - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nói và tin tưởng rằng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ duy trì được đà phát triển mạnh mẽ, xuyên suốt, phát huy di sản tốt đẹp, tích cực của Thủ tướng Abe Shinzo để lại trong những năm tiếp theo.

Thảo luận