Chính sách đối ngoại và đối nội, nền kinh tế và ngành chăm sóc sức khỏe là những chủ đề chính trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Mở rộng hợp tác với EU và Úc
Về các bài phân tích quan hệ Nga-Việt chúng tôi sẽ nói trong phần thứ hai của mục điểm báo. Chúng tôi bắt đầu bằng thông tin về hợp tác quốc phòng Việt-Úc. Trang web Defense.gov.au của chính phủ Úc tường thuật về Cuộc Giao lưu Kỹ năng Bắn súng Trực tiếp Úc-Việt lần thứ hai được tổ chức cách đây một tháng. Tờ Pie News cho biết về sự quan tâm ngày càng tăng của giới trẻ Việt Nam đối với việc học tập tại Úc. Và The Star đưa tin về việc Việt Nam đang tăng cường quan hệ với EU trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như trong lĩnh vực năng lượng xanh.
Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Ấn phẩm quốc tế có uy tín rộng rãi Nikkei Asia đăng tải bài phân tích về những vấn đề cản trở sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Theo tác giả bài báo, hai vấn đề phức tạp nhất là nạn tham nhũng và nền kinh tế bị "mắc kẹt" giữa kế hoạch và thị trường. Trong thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá cao. GDP đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm, cả nước đã thu hút hơn 150 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đã giảm 9% so với năm 2021. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiến hành không đồng đều, nhiều doanh nghiệp có nợ xấu. Chính phủ cũng đang phải gánh chịu giá năng lượng và lương thực tăng cao, trong khi lạm phát đang làm chậm tăng trưởng và giảm thặng dư thương mại. Chi phí an sinh xã hội là rất lớn vì dân số theo hướng tăng cao tỷ lệ người cao tuổi, và nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất cao.
Bảo vệ con người và thiên nhiên
The Diplomat đề cập đến một chủ đề quan trọng và nhạy cảm như thái độ đối với việc phá thai. Luật phá thai ở Việt Nam sử dụng các hình phạt nhẹ nhất ở Đông Nam Á, mặc dù ở quốc gia này các hành vi liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi là hành động vi phạm pháp luật. Thực tiễn này đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính, ở Việt Nam tỷ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái, tỷ số này cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tác giả bài báo cho rằng, chính phủ Việt Nam sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề phá thai. Hãng tin Reuters cho biết, năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và các bệnh viện đang chuẩn bị tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Trong sáu tháng đầu năm nay, ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 92.000 người mắc, và WHO chưa có khuyến cáo sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Tờ Hindustan Times viết rằng, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nên dành khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy các mục tiêu phát triển liên quan. Quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng cao. The Star đưa tin, vào tuần này những người yêu thiên văn Việt Nam đã có cơ hội quan sát siêu trăng lớn nhất năm 2022.
Các vấn đề kinh tế
Trong phần kinh tế của mục điểm báo, chúng tôi lưu ý đến một số bài viết chi tiết và thú vị do Vietnam Briefing chuẩn bị. Một trong số đó tập trung vào việc Việt Nam đang chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn có sức cạnh tranh lớn hơn. Nền kinh tế tuyến tính hay linear economy là mô hình kinh tế truyền thống dựa trên mô hình khai thác các nguồn lực đầu vào để sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng và sau đó vứt bỏ dưới dạng rác thải. Do đó có xu hướng tạo ra một lượng đáng kể chất thải không mong muốn và đôi khi là chất thải nguy hại tại các bãi chôn lấp. Tại Việt Nam có nguồn thải lớn, nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, điều đó cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu do sử dụng chúng không hợp lý. Nền kinh tế tuần hoàn dựa trên mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải. Đối với Việt Nam, một trong bốn quốc gia sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới, điều này càng đúng. Việt Nam đã đưa ra kế hoạch hành động quốc gia để đối phó với rác thải nhựa, đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương. Vietnam Briefing cũng viết về các yếu tố đằng sau sự tăng trưởng của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam. Trong số đó có sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, ngành du lịch, tác động của truyền thông xã hội, đô thị hóa, phát triển bền vững và ăn uống lành mạnh. Một bài báo khác đăng trên ấn phẩm này viết về các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đang bị thiếu hụt nguyên liệu thô do căng thẳng địa chính trị và chi chiến lược “zero Covid-19” của Trung Quốc. Đó là các ngành như: dệt may, giày dép, điện tử, cao su, chế biến gỗ, luyện kim và nông nghiệp. Nikkei Asia đưa tin, nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast đã ký kết Thỏa thuận Thu xếp vốn quốc tế với Credit Suisse và Citigroup trong việc tư vấn bảo lãnh cho các giao dịch huy động vốn toàn cầu để huy động ít nhất 4 tỷ USD nhằm phát triển nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina, Mỹ. Năm nay, VinFast sẽ dừng kinh doanh xe ô tô chạy xăng không có lãi để tập trung cho xe điện, đặc biệt là xe buýt và xe SUV.
Nga có thể giúp đỡ Việt Nam về nhiều mặt
Tuần này, báo chí Nga dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam. Chúng tôi lưu ý đến bài phân tích dài của chuyên gia Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO), đăng tải trên trang web của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC). Trong đó, nhà khoa học chính trị phân tích những thành công của Việt Nam trên mọi lĩnh vực và triển vọng hợp tác Nga-Việt trong tình hình mới rất phức tạp trên thế giới. Chuyên gia Vershinina lưu ý rằng, Việt Nam đang chịu sức ép mạnh mẽ cả về ngoại giao, quân sự và trên lĩnh vực truyền thông, nhưng, dù bị tấn công thông tin rầm rộ, các nhà ngoại giao Việt Nam vẫn thể hiện sự kiềm chế, thực dụng và cân bằng vốn có của họ. Tác giả lưu ý rằng, Nga có nhiều khả năng hỗ trợ Việt Nam nếu quốc gia này quay trở lại đề tài phát triển điện hạt nhân trong tương lai của quốc gia, tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Nga, cung cấp cơ hội sử dụng công nghệ của Nga trong lĩnh vực an ninh mạng. Một trong những kết quả trong chuyến thăm Việt Nam của Sergei Lavrov là hai bên tìm thấy sự hiểu biết lẫn nhau về cách tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế và thương mại song phương để không bị các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga, chuyên gia Vershinina nêu rõ. Chứng tỏ về điều đó là những thông tin đăng tải trên báo chí Nga về việc danh sách các doanh nghiệp Nga cung cấp thịt sang Việt Nam đã dài thêm, và các giáo viên Nga sẽ trở lại Việt Nam từ ngày 1 tháng 9, về việc thành lập trung tâm du lịch ở Lào cho phép người Nga từ các vùng Viễn Đông và Siberia đi nghỉ ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.