“Ngôi sao đang lên” - Việt Nam thành con hổ mới của châu Á?

Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á và đất nước Đông Nam Á này xứng đáng với kỳ vọng về những bước chuyển mình mạnh mẽ của một ngôi sao đang lên trong khu vực.
Sputnik
Ngày 4/8, tại Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar của Ngân hàng đầu tư Maybank, đã có bài phát biểu, trong đó ông gọi Việt Nam là ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông, Việt Nam sẽ là một con hổ mới của châu Á, sau Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hong Kong.

Diễn đàn Kinh doanh 2022 của Forbes - Tái tạo tăng trưởng

Ngày 4 tháng 8, tại TP.HCM, Diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ 10 (Business Forum 2022) với chủ đề “Tái tạo tăng trưởng” do Forbes Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc với hơn 300 khách mời là các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đất nước.
Nhận định nền kinh tế Việt Nam bắt đầu quay lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch, tuy nhiên, theo ông Đặng Cường – CEO PHC Media cho rằng đất nước đang gặp phải nhiều thách thức như trong bối cảnh xung đột địa chính trị tại một số điểm nóng trên thế giới tác động đến thị trường hàng hóa và nguyên liệu đầu vào.
Chuyên gia cũng lưu ý đến việc chính sách điều hành tiền tệ kích cầu kinh tế tại Mỹ và EU đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao nhất trong vài thập niên hay sự lệch pha trong điều hành và kích cầu kinh tế giữa các nền kinh tế lớn cũng tạo ra quan ngại về biến động tỷ giá và chiến tranh tiền tệ.
Việt Nam thực sự có thể trở thành “con hổ mới” của châu Á?
“Dù có những thách thức nhưng trong dài hạn, Việt Nam vẫn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn với nhiều lợi thế như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường tiêu dùng rộng lớn, cơ cấu dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào và năng động cùng tầng lớp trung lưu tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới”, - CEO PHC Media Đặng Cường khẳng định.
Năm nay, đáng chú ý, cũng là năm thứ 10, Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam – những hạt nhân ưu tú nhất của nền kinh tế vẫn có sức bật mạnh mẽ ngay trong đại dịch.
Theo công bố của Forbes Việt Nam, danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất lần thứ 10 này ghi nhận tổng doanh thu các công ty trong danh sách đạt 1.192.754 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 193.183 tỷ đồng, tăng 10,7% so với danh sách năm 2021.
Các ngành tăng trưởng tốt nhất về lợi nhuận trong năm 2021 gồm ngân hàng, chứng khoán, nguyên liệu, dịch vụ logistics. Ngân hàng cũng là ngành có nhiều doanh nghiệp nhất trong danh sách năm nay với 7 đại diện.
“Kỷ lục về doanh thu trong danh sách năm 2022 vẫn là Petrolimex, trong khi đó Hòa Phát vượt qua Vietcombank trở thành công ty giữ lợi nhuận kỷ lục”, - Forbes Việt Nam cho biết.
Forbes Việt Nam cũng cho hay, sau 10 lần thực hiện danh sách, có 138 công ty đã được vinh danh, trong đó có 9 công ty có mặt cả 10 lần xếp hạng là Bảo Việt, Dược Hậu Giang, FPT, Hòa Phát, Masan Group, REE, PV Gas, Vinamilk và Vietcombank.
Đáng chú ý, danh sách 2022 cũng ghi nhận chín công ty lần đầu tiên có mặt, con số cao nhất từ trước tới nay trong một lần xếp hạng, gồm tổng CTCP Công trình Viettel (CTR), công ty Thế Giới Số (DGW), Đông Hải Bến Tre (DHC), công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET), công ty Sợi Thế Kỷ (STK), TPBank (TPB), Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) và Thủy điện Thác Mơ (TMP).

“Con hổ mới”

Phát biểu tại Diễn đàn với chủ đề “Vươn mình thành con hổ mới của châu Á”, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Brian Lee Shun Rong đến từ Maybank đánh giá các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng như các rào cản và thách thức trên con đường trở thành một con hổ mới của khu vực.
Cụ thể, chuyên gia cho rằng, với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nền công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
Theo số liệu của Maybank, cả nguồn vốn FDI rót vào Việt Nam lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua đều “lớn hơn tất cả nước Đông Nam Á khác”.
Thách thức của Việt Nam trên con đường trở mình thành con hổ mới của châu Á
Đặc biệt, ngành hàng điện tử, điện thoại đã vượt qua dệt may để trở thành lĩnh vực đóng góp kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Điều này cho thấy Việt Nam đã nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, năng suất làm việc của người lao động cũng tăng trưởng nhanh hơn các nước ASEAN khác.
Ông ông Brian Lee Shun Rong cũng đánh giá cao môi trường kinh doanh nhất quán tại Việt Nam, mà theo ông là có sự hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

“Việt Nam đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua nhờ chiến lược công nghiệp hóa được dẫn dắt bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ chiến lược này Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của khu vực, một “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, - ông Brian Lee Shun Rong của Maybank nhấn mạnh.

Số liệu của Maybank cũng cho thấy, chỉ số đo lường mức độ hạn chế trong chính sách đối với FDI của Việt Nam đã giảm hơn một nửa trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020. Trong khi đó, số lượng hiệp định thương mại tự do chỉ đứng sau Singapore, minh chứng cho độ mở cao của nền kinh tế đối với thương mại và đầu tư từ nước ngoài. Sự cạnh tranh về nguồn cung lẫn chi phí nhân lực cũng là ưu thế của Việt Nam.
“Vị trí chiến lược ngay cạnh Trung Quốc, với 3.200 km đường biển, dễ dàng tiếp cận với các tuyến vận chuyển quốc tế, đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến mới của rất nhiều doanh nghiệp trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc”, - chuyên gia nhận định.
Ông Brian Lee cũng nêu ba tiềm năng Việt Nam cần tận dụng để thúc đẩy nền kinh tế số: nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (startup) đang ở giai đoạn thuận lợi; Việt Nam có đông đảo người tiêu dùng trẻ sẵn sàng dùng dịch vụ nền tảng số cao; và chi phí kết nối Internet đang ở mức hợp lý, tạo khả năng tiếp cận cao cho đại đa số người dân.

Vẫn cần thận trọng

Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fullbright cũng cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt vấn đề lạm phát và các chính sách tài khóa, tiền tệ.
Theo ông, kể cả khi giá dầu thế giới tăng trở lại, chỉ cần không vượt mức đỉnh 120 USD/thùng, thì tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn khả quan, có thể đảm bảo lạm phát dưới 4% và tăng trưởng GDP đến trên 7%.
"Sự tự tin về việc sẽ đạt được các mục tiêu vĩ mô cho phép nhà điều hành chính sách không cần thắt chặt tiền tệ quá mức như các quốc gia khác. Đồng thời, giai đoạn 2023-2025 có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công. Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp trong thời gian tới", - ông Thành khẳng định.
Dù vậy, ông Thành vẫn cho rằng, Việt Nam nên chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn, ví dụ như lạm phát bùng lên hay nền kinh tế có những tháng suy thoái vào năm sau.
Tương lai xán lạn của nền kinh tế Việt Nam
Ông Thành thẳng thắn, cần nhìn nhận mức tăng trưởng 6-7%, thậm chí có thể trên 7% của năm nay chỉ là bù đắp cho những năm Covid-19.
“Chúng tôi tính toán thời gian tới Việt Nam sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng từ giá lương thực thực phẩm tăng. Nếu không chuẩn bị dư địa chính sách để hỗ trợ tăng trưởng cho năm sau, nền kinh tế sẽ gặp khó, do đó điều hành chính sách vẫn cần thận trọng”, - chuyên gia chia sẻ.

“Cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới”

Khuyến nghị thêm cho Việt Nam, ông Brian thì cho rằng, để làm tốt hơn nữa, Việt Nam cần tập trung phát triển sản xuất nội địa.
So với các nước khác thuộc ASEAN, tỷ trọng mua hàng địa phương của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam chỉ 37%, trong khi ở Indonesia hơn 47%, ở Thái Lan gần 60%. Các doanh nghiệp đa quốc gia khác ở Việt Nam chủ yếu cũng chỉ nhập khẩu nguyên vật liệu về để sản xuất. Do vậy, trong tương lai, chủ lực của nền kinh tế phải là những ngành nghề cần lao động chất lượng cao.
Muốn vậy, Việt Nam phải cải thiện hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực. Dù có tốc độ tăng trưởng cao, năng suất làm việc những năm qua vẫn chỉ ở mức thấp. Trong bối cảnh thời đại kinh tế số hiện nay, đất nước càng cần lượng lớn lao động sẵn sàng cho chuyển đổi số.
Việt Nam sẽ nằm trong top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Bên cạnh đó, ông Brian chỉ ra rằng, cơ sở hạ tầng kết nối giao thông tại Việt Nam chưa theo kịp đà tăng trưởng của nền kinh tế. Việt Nam cần giải quyết triệt để vấn đề này nếu muốn trở thành con hổ tiếp theo của châu Á.
“Muốn trở thành con hổ kinh tế tiếp theo, Việt Nam cần cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp, doanh nghiệp nội địa cần nâng tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng dựa trên động lực chuyển đổi số”, - chuyên gia khuyến nghị tại Diễn đàn của Forbes Việt Nam.
Thảo luận