Campuchia không muốn mãi bán điều thô cho Việt Nam

Việt Nam thầu gần hết hạt điều thô của Campuchia. Có đến khoảng 95% hạt điều thô của Campuchia được xuất khẩu thô sang Việt Nam, theo Hiệp hội Điều Campuchia CAC.
Sputnik
Việt Nam là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Campuchia, khi chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, dù sản lượng điều sụt giảm nhưng Campuchia đã xuất khẩu khoảng 660.000 tấn hạt điều thô trị giá hơn 1 triệu USD sang Việt Nam.
Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Campuchia đang lo lắng vì thời tiết mưa nhiều khiến sản lượng, chất lượng điều sụt giảm, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và tiêu thụ, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nước này cũng muốn nâng cao năng lực chế biến đạt chuẩn quốc tế và không thể mãi xuất khẩu hạt điều thô ra nước ngoài, chẳng hạn sang Việt Nam.

Việt Nam bao thầu hạt điều thô Campuchia

Thông tin từ Hiệp hội Điều Campuchia (CAC) cho biết, xuất khẩu hạt điều thô sang Việt Nam trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022 này đã giảm gần 35% do mưa ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng điều của Campuchia.
Thông tin được Phnompenh Post tham chiếu từ Hiệp hội Điều CAC cho thấy, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 660.000 tấn hạt điều thô, trị giá hơn 1,07 tỷ USD sang Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022.
Một năm 'bất ổn' cho hạt điều Việt Nam: Cháy lớn tại xưởng điều, thiệt hại hàng tỷ đồng
Theo đó, mức này thể hiện sản lượng xuất khẩu điều đã giảm 350.000 tấn, tương đương 34,65% so với cùng kỳ năm ngoái, theo người đứng đầu Hiệp hội Điều Campuchia (CAC) Uon Silot.
Tuy nhiên, cũng theo chính lãnh đạo Hiệp hội Điều Campuchia, có đến khoảng 95% hạt điều của quốc gia này được xuất khẩu thô sang Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Campuchia cũng cho biết, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 1 triệu tấn hạt điều thô, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo mới nhất của CAC cũng thể hiện, một tấn hạt điều thô được các doanh nghiệp Campuchia bán cho Việt Nam trong giai đoạn này có giá trung bình trong khoảng 1.618-1.646 USD.

Áp lực cho ngành điều Campuchia

Cây điều (Anacardium Occidentale) là một loại cây thường xanh nhiệt đới tạo ra hạt điều và táo điều. Đây cũng là một loại cây công nghiệp lâu năm được trồng rộng rãi ở 10 tỉnh lớn của Campuchia bao gồm Kampong Thom, Kratie, Preah Vihear, Kampong Cham và Tbong Khmum.
“Chất lượng và các thông số khác của cây trồng rất khác nhau do điều kiện thời tiết. Cụ thể, vào các năm nóng và khô hơn thường sẽ kéo theo năng suất và chất lượng điều cao hơn. Tuy nhiên, năm nay mưa nhiều, kéo theo sản lượng và chất lượng đi xuống”, - CAC nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Điều Campuchia CAC, ông Uon Silot trả lời báo chí trong nước vào ngày 15 tháng 8 cho hay, doanh thu từ xuất khẩu hạt điều có thể vượt xa doanh thu từ các loại cây trồng có lợi nhuận khác, đồng thời là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Campuchia như gạo, sắn và cao su.
Đây đương nhiên là tin vui đối với mặt hàng nông sản của Campuchia cũng như nền nông nghiệp nước này.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc, theo lãnh đạo CAC là Campuchia không có nhiều cơ sở chế biến phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nên hạt điều Campuchia chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô và giá trị thực tế không cao.
Campuchia kiểm tra và chặn mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam chứa ethylene oxide
“Có đến khoảng 95% hạt điều thu hoạch tại Campuchia được xuất khẩu thô sang Việt Nam, 2% lượng sản phẩm khác cũng được xuất thô sang Ấn Độ, và phần còn lại (khoảng 3%) được chế biến, tiêu thụ trong nước và quốc tế”, - Chủ tịch CAC lưu ý.
Chủ tịch Silot cho rằng sản lượng và tỷ trọng điều xuất khẩu giảm trong năm nay không chỉ vì các nguyên nhân xuất phát từ thiên tai, khí hậu mà còn do một loạt các vấn đề mà người trồng điều nước này phải đối mặt như giá phân bón và chi phí vận chuyển tăng cao cũng như thiếu vốn đầu tư nói chung.
Hiệp hội Điều Campuchia cho biết, giá bán buôn cho hạt điều thô hiện từ 1.350-1.750 USD, tùy thuộc vào chất lượng. Ngoài ra, diện tích trồng điều hiện cũng chỉ vào khoảng 7.000 km2.
“Hiện nay, một số hộ gia đình đã cắt giảm diện tích trồng điều. Đây là điều đáng lo ngại. Chỉ tính riêng trong hai năm gần đây, số diện tích trồng điều đã bị cắt giảm khoảng 100.000 ha. Hiện giờ Campuchia còn khoảng 700.000 ha trồng điều”, - ông Silot lo lắng.
Thực tế, lãnh đạo CAC đặc biệt quan ngại việc do thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng, chất lượng hạt điều bị giảm, Campuchia không đủ số lượng hạt điều để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong khi, giá hạt điều trên thị trường đang có xu hướng giảm so với trước đây.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Điều Campuchia, những điều trên sẽ gây thêm áp lực cho những người trồng điều quốc gia này.

Campuchia không muốn mãi bán điều thô cho Việt Nam

Bà Lai Huot, chủ cơ sở chế biến thủ công hạt điều Chey Sambor có trụ sở tại tỉnh Kampong Thom đánh giá rằng việc trồng trọt cây điều giờ đây dường như không đạt được kết quả như mong muốn.
Theo đó, trong những năm gần đây do thiếu vốn và hạn chế các cơ sở chế biến lớn đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, tình hình trở nên khó khăn hơn, mặc dù hạt điều Campuchia luôn được đánh giá cao và ngợi ca về chất lượng và hương vị hoàn hảo.
Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lạc quan rằng Chính sách quốc gia về phát triển hạt điều giai đoạn 2022-2027 sắp tới của Campuchia sẽ thúc đẩy đầu tư vào trồng trọt và chế biến, do đó tạo ra việc làm cho người dân địa phương, nâng cao thu nhập cho người trồng và các cơ sở chế biến, đồng thời hạn chế xuất khẩu hạt điều thô, gây thất thoát doanh thu rất lớn.
Các mục tiêu chính của Chính sách quốc gia bao gồm tăng cường năng lực của Campuchia nhằm phát triển, lưu trữ, chế biến, đóng gói, tiếp thị, phân phối và xuất khẩu hạt điều cũng như các sản phẩm chế biến từ hạt điều. Phnom Penh cũng hướng đến việc thiết lập chủ trương đưa Campuchia trở thành nhà sản xuất và cung cấp hạt điều lớn trong khu vực và nhiều kế hoạch tham vọng hơn thế nữa.
Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, vì sao Việt Nam vẫn nhập hàng triệu tấn lúa từ Campuchia?
“Tôi mong sẽ có nhiều cơ sở đủ khả năng đảm bảo hoạt động chế biến điều ngay tại địa phương nhằm tránh chỉ toàn xuất khẩu nguyên liệu thô”, - bà Lai Huot nói.
Số liệu của Bộ Thương mại cho thấy Campuchia đã xuất khẩu 937.974,26 tấn hạt điều trong năm ngoái với tổng trị giá gần 1,61 tỷ USD, tăng 328,34% về sản lượng và 233,32% về giá trị so với năm 2020.
Điều này có nghĩa là trung bình một tấn hạt điều xuất khẩu vào năm 2021 trị giá 1.711 USD, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Thương mại Campuchia cho biết các thị trường chính nhập khẩu nhiều hạt điều Campuchia nhất là Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lượng điều nhập khẩu về Việt Nam giảm

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu hạt điều hiện giảm mạnh hơn 1 tỷ USD.
Theo đó, 15 ngày đầu tháng 7, Việt Nam đã nhập khẩu gần 112 nghìn tấn hạt điều, kim ngạch 151,83 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2022, cả nước nhập khẩu gần 1,26 triệu tấn, kim ngạch gần 1,84 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu giảm hơn 670 nghìn tấn, tương đương giảm 34,82%, trong khi kim ngạch giảm tới 37%, tương đương 1,077 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết, các thị trường nhập khẩu điều chủ yếu là Campuchia, và các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana. Tuy nhiên, cùng xu thế giảm chung, lượng và kim ngạch từ 3 thị trường chủ lực này cũng giảm mạnh.
Là ‘cường quốc’ lương thực, vì sao Việt Nam mua nhiều gạo từ Campuchia?
Theo báo cáo mới của Tổng cục Hải quan, Campuchia vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với mặt hàng hạt điều. Cập nhật theo thị trường hết tháng 6, Việt Nam nhập khẩu gần 660 nghìn tấn hạt điều từ Campuchia, kim ngạch đạt 1 tỷ USD, con số này cũng trùng khớp với phía nhà chức trách Campuchia.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng điều Campuchia nhập về Việt Nam giảm 354 nghìn tấn, kim ngạch giảm 700 triệu USD.
Bờ Biển Ngà gần 179 nghìn tấn, kim ngạch 238,81 triệu USD, giảm hơn 58 nghìn tấn, kim ngạch giảm gần 74,2 triệu USD.
Trong khi đó, Ghana cũng chỉ đạt gần 61 nghìn tấn, kim ngạch 79,8 triệu USD, giảm hơn 66 nghìn tấn, kim ngạch giảm hơn 67,3 triệu USD.
Thảo luận