Campuchia kiểm tra và chặn mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam chứa ethylene oxide
CC BY 2.0 / Marco Verch / (cropped image)Món ăn mì
Đăng ký
Giới chức Campuchia lên tiếng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và chặn nhập khẩu các loại mì ăn liền Việt Nam có chứa ethylene oxide (EO) sau cảnh báo của một số nước Liên minh châu Âu (EU).
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Hoàng gia Campuchia đã ban hành một số biện pháp hạn chế nhập khẩu tạm thời mặt hàng mì/miến ăn liền và kem vì lo ngại một số vấn đề nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng Campuchia.
Campuchia kiểm tra mì nhập khẩu từ Việt Nam
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia (Bộ Công Thương) dẫn thông tin từ tờ Khmer Times ngày 27/7 cho biết, sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hiện một số sản phẩm mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa ethylene oxide (EO), các cơ quan Campuchia cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam nếu có chứa chất này.
“Sau khi Liên minh châu Âu phát hiện một số mì nhập khẩu từ Việt Nam có chứa chất cấm ethylene oxide, Campuchia sẽ kiểm tra các sản phẩm mì miến, thực phẩm ăn liền của Việt Nam về cảnh báo chất cấm nguy hiểm này”, ông Phan Oun, thành viên Chính phủ, cán bộ phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận của Campuchia khẳng định.
Theo Khmer Times, ông Phan Oun nhấn mạnh rằng, động thái này diễn ra sau khi một số nước EU cảnh báo một số loại mì Việt Nam chứa chất cấm độc hại.
Lãnh đạo Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận Campuchia chỉ rõ, nếu phát hiện loại mì này được nhập vào thị trường Campuchia, Tổng cục sẽ vào cuộc để thu hồi.
“Tổng cục Hải quan Campuchia sẽ phối hợp với cục Hải quan các địa phương của Campuchia để phân loại các sản phẩm mì này vào loại hàng hóa rủi ro, cần đạt chứng nhận không chứa ethylene oxide thời gian tới đây”, ông Phan Oun lưu ý.
Lập đoàn kiểm tra
Ngày 28/7, Khmer Times cho biết, nhà chức trách Campuchia đang thành lập các đoàn kiểm tra nhằm ngăn chặn các sản phẩm mì ăn liền Việt Nam cũng như từ nhiều nước khác có chứa chất cấm EO thâm nhập sâu vào quốc gia này.
Theo Khmer Times, các nhà chức trách đang thành lập các đoàn để tiến hành kiểm tra tất cả các loại mì hiện có trên thị trường sau một báo cáo cho biết ba nước Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức, Ba Lan và Malta bày tỏ quan ngại về các sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Trước đó, như đã thông tin, đại diện Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương Việt Nam) vẫn đang tích cực tiếp tục rà soát thông tin liên quan đến vụ việc một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức, Ba Lan, Malta gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU khi chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.
Theo Bộ Công Thương, xác minh sơ bộ ban đầu cho hay mới có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Đức nghi có chứa chất cấm EO. Đó là sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Bộ cũng đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo.
Về phía Campuchia, giới chức nước này cho biết, việc kiểm tra kịp thời nhằm xác định xem có bất kỳ nhãn hiệu mì ăn liền nào có chứa các hóa chất bị cấm, độc hại hay hóa chất vượt ngưỡng chẳng hạn như với dư lượng ethylene oxide.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận Dim Theng, thuộc Bộ Thương mại Campuchia nhấn mạnh, nỗ lực này là nhằm đảm bảo độ an toàn của các sản phẩm hiện có trên thị trường không gây phương hại đến sức khỏe người tiêu dùng Campuchia.
“Chúng tôi đang thành lập các đoàn công tác để bắt đầu kiểm tra vào tháng tới trên toàn quốc nhằm đảm bảo các sản phẩm có sẵn trên thị trường đạt chuẩn an toàn đối với người tiêu dùng, kể cả khi xuất khẩu hay nhập khẩu một số sản phẩm”, đại diện Bộ Thương mại Campuchia nêu rõ.
Hạn chế nhập khẩu
Ngày 30 tháng 7, Khmer Times đưa tin cho biết, Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Hoàng gia Campuchia đã ban hành một số hạn chế nhập khẩu mặt hàng mì/miến ăn liền và kem vì lo ngại một số vấn đề nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đó, Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Campuchia đã áp dụng các biện pháp hạn chế tạm thời đối với việc nhập khẩu một số mì ăn liền và kem sản xuất tại Thái Lan, Việt Nam và Pháp sau khi một số nước EU đưa ra báo cáo cảnh báo những sản phẩm này chứa ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
“Cơ quan an toàn thực phẩm của một số nước EU đã phát hiện nhiều sản phẩm mì ăn liền và kem có chứa ethylene oxide mà cả Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều cho là nguy hiểm và có thể gây ung thư cho người tiêu dùng”, thông báo của Tổng cục Hải quan Campuchia lưu ý.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Hải quan Campuchia đưa ra một vài kiến nghị tạm thời cụ thể.
Đầu tiên, kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2022 trở đi, tất cả các mặt hàng nhập khẩu mang nhãn hiệu "Lucky Me!" (sản xuất tại Thái Lan), mì “Hảo Hảo” (sản xuất ở Việt Nam) và kem “Häagen-Dazs” (vị Vanilla, sản xuất tại Pháp) phải được kèm theo giấy chứng nhận chỉ rõ dư lượng Ethylene Oxit của cơ quan quản lý thực phẩm nước xuất khẩu.
“Đặc biệt, đối với hàng hóa về đến hải quan trước ngày 1/8/2022, doanh nghiệp nhập khẩu phải lấy mẫu, phân tích Ethylene Oxide tại Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận của Bộ Thương mại trước khi cho phép xuất hàng từ hải quan”, cơ quan này nhấn mạnh.
Thứ hai, Cục Kiểm tra sau thông quan phải thường xuyên theo dõi, đánh giá rủi ro của các mặt hàng nhập khẩu để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, cơ quan hải quan có thẩm quyền và cán bộ thuế phải lưu ý xác minh các thông tin, số liệu công bố trên chứng từ với thực tế hàng hóa để tránh tình trạng nhập khẩu gian dối bằng cách né tránh các biện pháp hạn chế nêu trên.
Đặc biệt, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn về những biện pháp hạn chế tạm thời và cảnh báo dư lượng EO có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Campuchia.