“Con đường hòa bình”: Tuyên bố của Tổng thống Putin và thông điệp đặc biệt từ Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moskva lần thứ X, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, MCIS tiếp tục là diễn đàn quan trọng đóng góp cho hòa bình và ổn định của thế giới trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang ‘đổ thêm dầu vào lửa’, gây nguy cơ xung đột cho nhiều khu vực trên toàn cầu.
Sputnik
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã nêu thông điệp đáng chú ý tại Hội nghị An ninh quốc tế Moskva dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao Quân đội nhiều nước.

Tổng thống Putin: Nga bảo vệ Tổ quốc và công dân của mình

Như Sputnik đã thông tin, ngày 16/8, phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moskva, Tổng thống Nga Putin đã tái khẳng định ý nghĩa của MCIS, quan điểm nhất quán của Nga về các vấn đề quốc tế, quan hệ với Ukraina, các nước phương tây, nỗ lực của Moskva đóng góp cho hòa bình thế giới và khu vực.
Tổng thống Nga cho biết, trong thập kỷ qua, diễn đàn MCIS với sự hiện diện của đại diện các quốc gia đã trở thành nền tảng quan trọng để thảo luận về các vấn đề chính trị-quân sự cấp thiết nhất.
“Ngày nay, những cuộc thảo luận cởi mở như thế này đặc biệt cần thiết. Tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những hình hài sơ bộ của trật tự thế giới đa cực đang được hình thành rõ nét hơn. Ngày càng có nhiều quốc gia và dân tộc lựa chọn con đường phát triển tự do, có chủ quyền dựa trên bản sắc, truyền thống và giá trị của mình”, - Tổng thống Putin tuyên bố.
Hội nghị An ninh quốc tế Moskva lần thứ X
Người đứng đầu Nhà nước Nga nhắc lại lập trường kiên định rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina được tiến hành để đảm bảo an ninh cho chính nước Nga, bảo vệ công dân của mình cũng như cư dân Donbass khỏi thảm họa diệt chủng.
“Chúng tôi đã quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đồng thời, mục tiêu của hoạt động này được xác định rõ ràng và cụ thể - đó là đảm bảo an ninh chủ quyền cho Liên bang Nga và công dân Nga, bảo vệ cư dân của Donbass khỏi nạn diệt chủng”, - Tổng thống Putin nêu rõ.

Mỹ và phương Tây đang châm ngòi cho xung đột

Trong khi đó, điều mà Mỹ, NATO và các đồng minh phương Tây đang làm gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ổn định của khu vực và thế giới.
Như Sputnik đề cập, trong thông điệp gửi đến tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị An ninh quốc tế Moskva lần thứ 10, tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, những gì diễn ra ở Ukraina cho thấy Mỹ đang cố gắng kéo dài cuộc xung đột và hoàn toàn không có thiện chí mang tính xây dựng để đi đến giải pháp hòa bình.
“Tình hình ở Ukraina cho thấy Mỹ đang muốn kéo dài cuộc xung đột này. Và họ hành động theo cùng một phương thức đó là thúc đẩy nguy cơ xung đột ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh”, - ông Putin vạch trần bộ mặt thật của Hoa Kỳ.
Theo Tổng thống Nga, gần đây Mỹ tiếp tục cố tình đổ thêm dầu vào lửa và khuấy động tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhà lãnh đạo Nga cũng lên án chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan và đây là một hành động khiêu khích được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Cuộc phiêu lưu liều lĩnh của Mỹ trong mối quan hệ với Đài Loan không chỉ là chuyến đi của một cá nhân vị chính trị gia vô trách nhiệm mà là một phần trong chiến lược có mục đích, có toan tính kỹ càng của Mỹ nhằm gây bất ổn và hỗn loạn tình hình trong khu vực và trên thế giới, một minh chứng trơ ​​trẽn về sự thiếu tôn trọng chủ quyền của các nước khác. các quốc gia và các nghĩa vụ quốc tế”, - người đứng đầu điện Kremlin khẳng định.

Giới tinh hoa của Mỹ cũng như phương Tây đang cố gắng chuyển hướng sự chú ý của chính công dân nước mình khỏi các vấn đề kinh tế xã hội cấp bách – như mức sống bị ảnh hưởng, thu nhập giảm, thất nghiệp, nghèo đói, tình trạng phi công nghiệp hóa - để nhắm vào những các nước khác, gây hấn với Nga, với Trung Quốc, các bên bảo vệ quan điểm, tính độc lập của mình trong việc xây dựng chính sách phát triển có chủ quyền, không phục tùng mệnh lệnh của giới tinh hoa bị “quốc tế hóa”.
Như Sputnik dẫn lời Tổng thống Putin đã nhấn mạnh, phương Tây đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng hệ thống của mình sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương tự như NATO ở châu Âu. Vì mục đích này, các liên minh quân sự-chính trị đang được tăng cường hình thành, chẳng hạn như AUKUS và nhiều mô hình tương đồng khác.
Theo Tổng thống Putin, rõ ràng chúng ta có thể giảm bớt căng thẳng trên thế giới, vượt qua các mối đe dọa và rủi ro trong lĩnh vực quân sự-chính trị, nâng cao mức độ tin cậy giữa các quốc gia và đảm bảo sự phát triển bền vững của họ chỉ bằng cách củng cố cơ bản hệ thống thế giới đa cực hiện đại.
Theo Tổng thống Putin, Hội nghị An ninh quốc tế Moskva là một sự sự khẳng định về các nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng cường tính đa cực trên thế giới ngày nay. Diễn đàn là nơi quy tụ hàng trăm đại diện từ nhiều quốc gia muốn thảo luận các vấn đề trong lĩnh vực an ninh trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau để tiến hành đối thoại phù hợp với lợi ích của tất cả các bên mà không có ngoại lệ nào.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng chính trật tự thế giới đa cực được xây dựng trên nền tảng luật pháp quốc tế và các mối quan hệ công bằng, tôn trọng lẫn nhau đã mở ra những khả năng mới cho tất cả chúng ta”, - Tổng thống Putin khẳng định.

Tuyên bố đáng chú ý của Việt Nam về “con đường hòa bình”

Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva lần thứ 10 có sự tham dự của 700 đại biểu đến từ 70 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế.
Về phía Việt Nam, đặc biệt, Đoàn đại biểu cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu tham dự hội nghị. Trong khi đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng gửi đến Hội nghị An ninh quốc tế Moskva thông điệp quan trọng.
Tổng thống Nga: phương Tây tìm cách mở rộng hệ thống khối sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Theo đó, trong bài phát biểu được ghi hình và phát tại phiên họp toàn thể thứ hai, Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng chia sẻ cùng quan điểm với Tổng thống Nga Putin rằng, Hội nghị An ninh quốc tế Moskva MCIS là diễn đàn đa phương quan trọng để các nước trao đổi, chia sẻ quan điểm về những chủ đề chiến lược liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh quốc tế và khu vực.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thông qua Hội nghị này tại Nga có thể thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của khu vực và thế giới.
Phát biểu với đại diện các nước, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, những năm gần đây, cục diện khu vực có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, khó dự báo, tác động trực tiếp đến cấu trúc an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã xuất hiện những cơ chế, diễn đàn do ASEAN thiết lập và nắm giữ vai trò chủ đạo, như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng và Diễn đàn biển ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ, các cơ chế, diễn đàn này, cùng với các diễn đàn đa phương khác như Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, hay Hội nghị an ninh quốc tế Moskva, đã thúc đẩy sự hiểu biết, tăng cường đối thoại, tiến tới cùng hợp tác, giải quyết mâu thuẫn, xung đột, bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.
Đáng chú ý, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng nêu giải pháp căn bản cho các vấn đề xung đột để đạt được hòa bình, lợi ích, ổn định trong quan hệ đa phương.
“Cùng với các cơ chế hợp tác nêu trên, một điều rất quan trọng mà các quốc gia trong khu vực cần thúc đẩy để có thể hợp tác thực chất và chân thành trong hóa giải các thách thức an ninh khu vực, đó là xây dựng lòng tin chính trị”, - Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam, quá trình này đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và phải được vun đắp thường xuyên trên cơ sở những nguyên tắc, hành động cụ thể.
“Thống nhất giữa lời nói và hành động, minh bạch trong hoạch định và thực hiện chính sách, hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và lợi ích chung của khu vực và đặc biệt mọi hành động phải là phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực”, - Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Việt Nam kiên định chiến lược hòa bình

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và triển khai các cơ chế hợp tác, tham gia đầy đủ các diễn đàn đa phương trong khu vực.
“Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho các cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột”, - lãnh đạo Bộ Quốc phòng tuyên bố.
Lời đanh thép của Bộ trưởng Phan Văn Giang cho thấy một Việt Nam rất khác
Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, Việt Nam kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam cũng mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.
Thảo luận