Campuchia có đủ sức đánh bại Việt Nam?

Campuchia muốn đánh bại Việt Nam và Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc sang Canada.
Sputnik
Theo Khmer Times, khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam, Bangladesh và Campuchia vào Canada hiện không lớn, do đó, hoàn toàn có khả năng để Campuchia ‘soán ngôi’ của Việt Nam hay Bangladesh trở thành ông lớn hàng đầu xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Bắc Mỹ này.

Liệu Campuchia có đánh bại được Việt Nam về xuất khẩu hàng may mặc sang Canada?

Khmer Times ngày 10/10 đặt vấn đề, liệu Campuchia có đủ sức đánh bại Việt Nam và Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc sang Canada hay không.

“Vì Campuchia đang rất nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Canada, do đó, sẽ rất thú vị theo dõi xem liệu Phnom Penh có thể vượt qua Bangladesh và Việt Nam về xuất khẩu hàng may mặc sang Canada hay không”, Khmer Times bày tỏ.

Không phải là không có cơ sở để Campuchia tham gia cuộc cạnh tranh trực tiếp về hàng may mặc với Việt Nam hay Bangladesh tại thị trường Bắc Mỹ như Canada.
Trong năm 2021, Campuchia xếp ở vị trí thứ tư về nhập khẩu hàng may mặc của Canada, trong khi Bangladesh và Việt Nam lần lượt nắm vị trí thứ hai và thứ ba, khoảng cách biên lợi nhuận là không lớn.

“Có khả năng?”

Theo Khmer Times thông qua công cụ tìm hiểu thị trường TexPro của Fibre2Fashion, tổng lượng nhập khẩu hàng may mặc của Canada vào năm ngoái rơi vào khoảng trị giá 9,599 tỷ USD.
Campuchia cung cấp hàng may mặc trị giá 1,047 tỷ USD, chiếm 10,91% tổng sản phẩm vào thị trường này.
Mỹ làm căng Đạo luật chống cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, dệt may Việt Nam bắt đầu ngấm đòn
Campuchia, như đã nói, tiếp tục ở vị trí thứ 4 trong khi Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam lần lượt đứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba về nguồn cung hàng may mặc cho thị trường Canada. Trong đó, Bangladesh cung cấp 13,38% (trị giá 1,284 tỷ USD) và Việt Nam 12,49% (1,199 tỷ USD).
“Nhìn vào các số liệu, hoàn toàn có thể đánh giá rằng, Campuchia đủ khả năng đánh bại Bangladesh và Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng may mặc lớn cho Canada trong thời gian tới”, Khmer Times nêu ý kiến.
Trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng may mặc, Phòng Thương mại Campuchia (CCC) đã mở văn phòng đại diện tại Toronto, Canada để thúc tiến trao đổi thương mại song phương.
Theo Phnom Penh, các cuộc hội đàm quan trọng cũng có thể sẽ được tổ chức với cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi ông tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Campuchia vào tháng sau.
Báo chí Campuchia cũng nhấn mạnh, thương mại song phương Canada-Campuchia đã được đẩy mạnh suốt trong thời gian qua.
Xuất khẩu hàng hóa của Campuchia sang Canada đã tăng 22,61% trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc sang Canada cũng tăng 20,06% so với cùng kỳ năm ngoái vượt mức 1,047 tỷ USD hồi năm 2021.
Theo TexPro, xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia tăng nhanh chóng. Dù bất chấp dịch Covid-19, ngành hàng mũi nhọn này vẫn cán mốc 872,980 triệu USD vào năm 2020 so với 1,009,641 triệu USD năm 2019, 899,339 triệu USD năm 2018 và 815,269 triệu USD năm 2017.
Đồng thời, Canada là thị trường lớn thứ ba của Campuchia về xuất khẩu hàng may mặc với thị phần 9,44% trong tổng lượng hàng hoá trị giá 11,102 tỷ USD vào năm 2021. Ngành may mặc Campuchia cũng đang nỗ lực hết mình để tiếp tục cải thiện thị phần ở các quốc gia khác.

Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng may mặc sang Canada

Trong khi đó ở Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 31,3 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam trước đó thông tin với báo chí cho biết, nửa đầu năm 2022 xuất khẩu dệt may tăng trưởng tương đối tốt, dù vậy, trong quý III/2022 thị trường bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng xuất phát từ các thị trường lớn của hàng dệt may Việt Nam là Mỹ và EU lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều.
Dệt may Việt Nam: Vì sao đơn hàng nhiều nhưng vẫn lo?
Đồng thời, các thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
“Sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành vẫn đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang nỗ lực mở rộng, đa dạng hoá thị trường. Theo đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào 5 thị trường truyền thống như trước đây là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, mà bắt đầu là chuyển dịch sang Nga và một số nước khác.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ nhà chức trách Việt Nam, trong số 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu, Canada là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu, xuất siêu lớn, với dự báo xuất khẩu cả năm 2022 đạt trên 7 tỷ USD, xuất siêu 6 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam xuất khẩu sang Canada có nhiều mặt hàng, đáng chú ý, trong số 26 mặt hàng chủ yếu, có 10 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, với kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là hàng dệt may; điện thoại và linh kiện; giày dép; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản; phương tiện vận tải.
Thảo luận